eMag azine
10/03/2022 15:22
Nhân Dân điện tử - những chặng đường đáng nhớ

10/03/2022 15:22

Kỷ niệm 71 năm ngày Báo Nhân Dân ra số đầu 11/3/1951-11/3/2022, PGS, TS Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân có bài viết điểm lại chặng đường 24 năm phát triển, trưởng thành của Báo Nhân Dân điện tử. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc.
Nhân Dân điện tử - những chặng đường đáng nhớ

Kỷ niệm 71 năm ngày Báo Nhân Dân ra số đầu 11/3/1951-11/3/2022, PGS, TS Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân có bài viết điểm lại chặng đường 24 năm phát triển, trưởng thành của Báo Nhân Dân điện tử. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc.

Những người làm báo Đảng vui mừng và tự hào khi Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ hai (khóa VIII) sáng 24/12/1996, đồng chí Nguyễn Đức Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, được sự ủy nhiệm của Bộ Chính trị đã trình ba quyết định của Bộ Chính trị về nhiệm vụ của Báo Nhân Dân trong thời kỳ mới: cho phép ra báo 8 trang và nguyệt san; bổ sung măng-sét mới của báo; về tổ chức mua, đọc báo, tạp chí của Đảng.

Tổng Bí thư Đỗ Mười ký duyệt măng-sét mưới của Báo Nhân Dân (8 trang) ngày 27/12/1996.
Tổng Bí thư Đỗ Mười ký duyệt măng-sét mưới của Báo Nhân Dân (8 trang) ngày 27/12/1996.

Thực hiện các quyết định nói trên, với sự chuẩn bị rất tích cực và khẩn trương của Ban Biên tập cùng cán bộ, phóng viên, nhân viên toàn cơ quan, ngày 1/1/1997 Báo Nhân Dân hằng ngày từ 4 trang lên 8 trang ra số đầu; ngày 19/5/1997, Báo Nhân Dân hằng tháng ra mắt. Trên cơ sở những thành tựu ban đầu, nhằm đáp ứng yêu cầu mở rộng thông tin ra thế giới, tăng cường quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa và con người Việt Nam trong thời kỳ hội nhập, ngày 30/3/1998, Bộ Chính trị cho phép Báo Nhân Dân ra báo điện tử phát hành trên mạng internet với bốn định hướng lớn:

  • Phản ánh trung thực quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; ý chí, nguyện vọng chính đáng của nhân dân ta và hiện thực công cuộc đổi mới sôi động trên đất nước ta; phản bác các luận điểm của các thế lực thù địch xuyên tạc thực tiễn đất nước.
  • Thể hiện đúng đường lối đối ngoại rộng rãi của Đảng và Nhà nước ta… tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ và thiện chí của bạn bè quốc tế cũng như bồi dưỡng lòng yêu nước, ý thức hướng về quê hương của đồng bào ta ở nước ngoài.
  • Chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, tiến hành theo phương châm từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp; tổ chức làm thử trong một thời gian nhất định để bảo đảm chất lượng và an toàn ngay từ số đầu. Phấn đấu ngày càng tăng số lượng người đọc qua mạng internet, nhưng không làm giảm số lượng phát hành các ấn phẩm mà Báo Nhân Dân hiện có.
  • Lấy tuyên truyền đối ngoại làm nhiệm vụ chính, đồng thời tính toán kỹ hiệu quả kinh tế để đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm, tiến tới trang trải và thu-chi có lãi.
Thủ tướng Phan Văn Khải thăm, làm việc với Ban Biên tập Báo Nhân Dân năm 1998.
Thủ tướng Phan Văn Khải thăm, làm việc với Ban Biên tập Báo Nhân Dân năm 1998.

Về nội dung, trước mắt báo điện tử gồm 4 trang: Thời sự; Đời sống chính trị; Kinh tế; Văn hóa-Khoa học-Giáo dục.

Sau khi xác định rõ mục tiêu và các bước tiến hành, công tác chuẩn bị, nhất là khâu kỹ thuật, được Ban Biên tập hết sức quan tâm, giao đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Ban Biên tập, Trưởng ban Thư ký-Biên tập trực tiếp chỉ đạo mọi mặt.

Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thăm và làm việc tại Báo Nhân Dân ngày 9/2/1998.
Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thăm và làm việc tại Báo Nhân Dân ngày 9/2/1998.

Vấn đề đầu tiên là phải có đội ngũ cán bộ có kiến thức chuyên sâu về internet và nắm vững các công đoạn thực hành. Để đảm nhiệm việc này, đồng chí Nguyễn Hoan, trưởng phòng Kỹ thuật-Xuất bản của Báo viết dự án trang bị kỹ thuật, kiến nghị điều động một số kỹ thuật viên phòng Kỹ thuật-Xuất bản đi học lớp đào tạo ngôn ngữ HTML tại phòng Kỹ thuật của công ty HiPT ở phố Ngô Thì Nhậm. Đây là khâu rất quan trọng để có cơ sở vận hành báo điện tử.

Cần nói thêm rằng, lúc đó Tạp chí Quê hương của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) đã có tạp chí điện tử phát trên mạng internet, nhưng đó chỉ là phiên bản của tạp chí in hằng tháng; còn ở ta, là tờ báo điện tử cập nhật tin, bài hằng ngày với nhiều chuyên trang, chuyên mục, nên việc thao tác nghiệp vụ kỹ thuật không hề đơn giản chút nào.

Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu kiểm tra công tác chuẩn bị xuất bản Báo Nhân Dân điện tử.
Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu kiểm tra công tác chuẩn bị xuất bản Báo Nhân Dân điện tử.

Tôi còn nhớ, để chuẩn bị ra mắt chính thức báo điện tử vào dịp Kỷ niệm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam năm 1998, trước đó một hôm, Ban Biên tập tổ chức buổi “tổng duyệt” tại Ban Thư ký-Biên tập, có đại biểu Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Bưu chính-Viễn thông, Bộ Ngoại giao,… cùng dự. Đúng 19 giờ, tôi bấm chuột máy tính, nhưng mãi chưa thấy hiện lên. Anh Đinh Thế Huynh tất bật sang phòng Kỹ thuật cùng anh Nguyễn Hoan kiểm tra máy. Thì ra do dữ liệu lên trang quá nhiều, máy chủ chưa phải loại hiện đại, bộ nhớ chưa lớn, tốc độ chưa cao nên hồi đáp chậm. Rồi “sự cố” qua nhanh, hình các trang báo hiện lên rất đẹp, mọi người thở phào, vỗ tay nồng nhiệt.

Với sự chuẩn bị kỳ công cả về nội dung và kỹ thuật, 15 giờ ngày 21/6/1998 đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, phụ trách công tác tư tưởng-văn hóa và khoa giáo, đã bấm nút hòa mạng internet của báo Nhân Dân điện tử tiếng Việt trước sự chứng kiến của nhiều đại biểu các bộ, ban, ngành ở trung ương và thành phố Hà Nội.

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, khi đó là Ủy viên Bộ Chính trị phụ trách công tác tư tưởng, văn hóa và khoa giáo kiểm tra dữ liệu phát báo trong ngày khai trương Báo Nhân Dân điện tử, 21/6/1998.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, khi đó là Ủy viên Bộ Chính trị phụ trách công tác tư tưởng, văn hóa và khoa giáo kiểm tra dữ liệu phát báo trong ngày khai trương Báo Nhân Dân điện tử, 21/6/1998.

Để duy trì việc phát hành đều đặn, bảo đảm an toàn kỹ thuật và nội dung đúng định hướng, Ban Biên tập đã giao anh Lê Nghiêm, Trưởng ban Nhân Dân điện tử hoàn thiện quy chế hoạt động, đặc biệt là cơ chế duyệt và phát hành bài, tin, ảnh; đồng thời xây dựng đề án xuất bản báo bằng tiếng Anh.

Kế thừa kinh nghiệm ra báo điện tử tiếng Việt, chúng ta đã chính thức ra mắt báo điện tử tiếng Anh vào Ngày kỷ niệm 48 năm Báo Nhân Dân ra số đầu (11/3/1999) bằng việc bấm nút hòa mạng internet của đồng chí Nguyễn Mạnh Cầm, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng nhiều đại biểu khác.

Những năm sau đó, do yêu cầu của công tác thông tin đối ngoại ngày càng tăng, chúng ta lần lượt cho ra đời báo điện tử tiếng Trung Quốc vào năm 2012; năm 2014 là báo điện tử tiếng Pháp; năm 2017 là tiếng Nga; năm 2019 là tiếng Tây Ban Nha.

Như vậy đến nay, Báo Nhân Dân điện tử đã có 6 xuất bản phẩm trên mạng internet bằng 6 thứ tiếng với sức lan tỏa rộng rãi trên toàn cầu.

Nhân Dân điện tử - những chặng đường đáng nhớ

Số lượng tin, bài, phóng sự ảnh, megastory, infographic, video của sáu xuất bản phẩm năm 2021 đạt 69.768, tăng gần 7.000 tin, bài… so với năm 2020, trong đó tiếng Việt đạt 26.359, tăng 4.400 so với cùng kỳ.

Tính từ năm 2017 đến nay, số lượng truy cập các xuất bản phẩm Nhân Dân điện tử tăng mạnh. Năm 2017, trung bình truy cập tiếng Việt là 50.000 pageview/ngày; đến 2021 đạt bình quân 500.000 pageview/ngày.

Trong những tiến bộ, đáng chú ý là chúng ta đã thường xuyên tổ chức tường thuật trực tiếp các sự kiện lớn, có nhiều tuyến bài phân tích chuyên sâu; tổ chức gần 40 cuộc giao lưu, tọa đàm trực tuyến với nhiều chủ đề thời sự; coi trọng đổi mới hình thức thể hiện; tích cực ứng dụng công nghệ để trình bày các sản phẩm báo chí hiện đại như longform, infographic, phóng sự ảnh…

Bản beta giao diện Nhân Dân điện tử chính thức ra mắt ngày 1/7/2020.
Bản beta giao diện Nhân Dân điện tử chính thức ra mắt ngày 1/7/2020.

Từ ngày 1/7/2020, giao diện mới của Nhân Dân điện tử được chính thức phát lên mạng internet. Lần đầu tiên, chúng ta có giao diện mobile thiết kế độc lập với giao diện desktop nhằm đáp ứng thói quen đọc tin tức của độc giả trên smartphone.

Từ số lượng 25.000 followers và tương tác khiêm tốn, đến tháng 3/2022, fanpage của Báo Nhân Dân đã có hơn 190.000 followers; đặc biệt chỉ số tiếp cận người đọc (reached) và tương tác (like, share, comment) rất cao so với các fanpage của nhiều cơ quan báo chí.

Số lượng người nước ngoài theo dõi cũng tăng lên, như trang fanpage tiếng Trung Quốc hiện có gần 7.000 người theo dõi thường xuyên; twiter tiếng Tây Ban Nha có hơn 7.500 độc giả thường xuyên.

Gần đây, báo Nhân Dân điện tử đã sử dụng tiếng Anh khi đề cập các địa danh, tên người, nhằm giúp bạn đọc tiện tra cứu thông tin. Những bài viết với dữ liệu thông tin số lớn như eMagazine, Megastory (gồm hình ảnh và biểu đồ) tạo bức tranh toàn cảnh về sự kiện, gây hứng thú cho độc giả.

Điều này cũng có lợi cho kỹ thuật viên vì không phải tự thiết kế, mà thông qua ứng dụng hỗ trợ như shorthand giúp vài ba biên tập viên có thể tự trình bày bài siêu dữ liệu. Không đưa nội dung báo theo cách cũ, mà cung cấp cho bạn đọc xem cả tờ báo in, có lật trang.

Trước tình hình nhiễu loạn các thông tin giả, báo mở thêm mục kiểm chứng thông tin để bạn đọc biết những thông tin không có thực. Các thông tin “nóng” trên vị trí quan trọng được thay đổi nhanh nhằm nâng cao tính thời sự…

Nhân Dân điện tử - những chặng đường đáng nhớ

Hà Nội, tháng 3/2022

N.H.V