TTTĐ - Ngày 1/9, Nghị định 69 về cải tạo nhà chung cư cũ bắt đầu có hiệu lực cùng với việc TP Hà Nội dự chi 500 tỷ đồng cho kiểm định nhà tập thể cũ... khiến thị trường căn hộ chung cư cũ sôi động trở lại. |
Nhiều tín hiệu tốt |
Giới chuyên gia đánh giá, nghị định này không những đã "cởi trói" mà còn tạo thêm cơ chế thông thoáng cho công cuộc tái thiết hàng nghìn nhà chung cư cũ đã xuống cấp trên phạm vi cả nước, nhiều nhất là ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Theo Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025", TP Hà Nội đặt chỉ tiêu triển khai cải tạo, xây dựng lại hai đến ba khu chung cư cũ và chuẩn bị triển khai các khu còn lại. |
KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam nêu quan điểm: Cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội không phải là chủ trương mới. Nó đã được xem xét từ nhiều năm nay, tuy nhiên, tại thời điểm này, chúng ta cần nhìn nhận nó bằng một tư duy hoàn toàn mới. Từ 20 năm nay, Hà Nội đã muốn cải tạo lại những chung cư cũ này nhưng chưa thể làm được, vì còn đang lấn cấn về nguồn lực và cách thức vận hành. Đã có thời kỳ người ta coi vấn đề này là giao cho doanh nghiệp, Nhà nước hỗ trợ. Điều này rất mập mờ vì doanh nghiệp họ làm vì lợi nhuận chứ không phải là làm từ thiện. Việc cải tạo những chung cư cũ này là trách nhiệm của Nhà nước, phải lấy quỹ an sinh để làm. |
Muốn làm, trước hết phải thay đổi tư duy. Những khu chung cư đó phải là những khu đô thị nén. Một khu đất có 10 chung cư 5 tầng, giờ chỉ cần xây 2 tòa chung cư 30 tầng, thì quỹ đất dôi dư ra để dành xây trường học, nhà trẻ, vườn hoa, cây xanh để tạo không gian đáng sống. Chúng ta cần điều chỉnh quy hoạch, cho phép xây cao tầng. Với Nghị định 69, các bộ, ngành đã vận dụng tối đa các quy định pháp luật hiện hành vào xây dựng các cơ chế, chính sách có tính khả thi, tốt nhất có thể, tạo điều kiện đẩy mạnh công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ. Nghị định 69 sẽ đảm bảo tốt nhất các quyền lợi của chủ sở hữu và người sử dụng nhà chung cư cũng như thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia. Trong tháng 7, UBND TP Hà Nội ban hành kế hoạch khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác thực hiện cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố. Đáng chú ý, TP Hà Nội dự chi khoảng 500 tỷ đồng cho việc tổng kiểm tra, kiểm định, đánh giá chất lượng toàn bộ nhà chung cư cũ theo các đối tượng phân loại của Nghị định 69. TP sẽ ban hành kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ giai đoạn 2021 - 2025 đối với các chung cư cũ đã có kết quả kiểm định. Theo các chuyên gia, hàng loạt những thông tin tích cực, thể hiện quyết tâm cao độ của Chính phủ cũng như của TP Hà Nội đối với công cuộc tái thiết nhà chung cư, tập thể đã khiến thị trường căn hộ chung cư cũ khởi sắc hơn nhiều sau vài năm gần như đóng băng. |
Thị trường |
Khảo sát trên nhiều trang rao vặt hay các hội, nhóm mạng xã hội, không khó bắt gặp những dòng tin đăng bán nhà chung cư cũ, giá bán cũng tăng hơn từ 5 - 20% so với dịp đầu năm trở về trước, tuỳ vị trí khu nhà, căn hộ tầng mấy… Anh Nguyễn Đức Huy, 27 tuổi, làm việc tự do, vui mừng kể anh mới dọn đến căn hộ ở tầng 3 một nhà tập thể Thanh Xuân Bắc với diện tích 40m2 trong sổ và 20m2 cơi nới thêm, tương đối đủ nội thất. Tuy giá mua đắt hơn hồi cuối 2020 gần 200 triệu đồng nhưng anh Huy nhận định đây là giá chung của thị trường hiện tại. "Vợ chồng trẻ, chưa tích cóp được nhiều mà muốn ở khu trung tâm nên chỉ có lựa chọn nhà tập thể. Trước mắt để ở cũng đáp ứng được nhu cầu cơ bản của 2 vợ chồng. Hy vọng vài năm tới, Nhà nước cải tạo cả khu, tôi sẽ được đền bù căn hộ mới", anh Huy chia sẻ. Theo anh Nguyễn Ngọc Dũng (môi giới bất động sản): "Với căn hộ rộng từ 60 - 65m2 diện tích theo sổ đỏ tại khu trung tâm như Giảng Võ, khó có giá dưới 2,5 tỷ đồng. Đấy là chưa kể vị trí, hướng, số tầng, diện tích cơi nới… Giá này so với thời điểm đầu năm nay đã tăng khoảng 10 - 15%. Giá căn hộ chung cư cũ, nhà tập thể tại các khu Thành Công, Giảng Võ, Ngọc Khánh tăng nhanh hơn các khu khác do thông tin ưu tiên cải tạo 3 khu này trong giai đoạn từ nay đến 2025. Đồng thời, vị trí các khu chung cư cũ này đắc địa hơn, hình thành theo từng khu, hứa hẹn quy hoạch đẹp hơn". |
Tuy thị trường có phần nóng trở lại nhưng Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng: Từ năm 1992, Hà Nội đã đặt vấn đề cải tạo chung cư cũ. Nếu muốn đột phá thì cần sửa đổi, bổ sung một số luật, báo cáo Chính phủ, Quốc hội cho thành phố một số cơ chế đặc thù về vấn đề này. Cùng với đó, chúng ta cần xác định rõ vai trò trong cải tạo chung cư cũ; Tỷ lệ người dân đồng thuận bao nhiêu thì được triển khai; Lựa chọn chủ đầu tư theo tiêu chí nào; Thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch có được phân cấp không… Thành phố cần xây dựng kế hoạch cải tạo chung cư cũ giai đoạn 2021 - 2025, xác lập tiến trình lập quy hoạch chi tiết các chung cư cũ; xác định các chung cư cũ nguy hiểm để có thể thí điểm một nơi làm một cách triệt để để người dân thấy là “quyết tâm làm chứ không phải là không làm”. Bên cạnh đó, ông Nghiêm cũng cho rằng: Cần cơ chế, chính sách đền bù tái định cư khi di dời, cải tạo chung cư cũ, không để xảy ra tình trạng thành tích của nhiệm kỳ này thành gánh nặng cho nhiệm kỳ sau.
Hà Nội đã hoàn thành cải tạo một số chung cư cũ C1 Thành Công, B6 Giảng Võ, Khu tập thể Trung ương Đảng (số 44, ngõ 260 Đội Cấn). Hiện thành phố đang triển khai thủ tục cải tạo 14 dự án, tiến hành 5 đợt kiểm định, đánh giá phân loại được 378 nhà chung cư cũ, giao 19 nhà đầu tư đề xuất ý tưởng quy hoạch 30 khu chung cư cũ trong đó đã báo cáo 19 hồ sơ ý tưởng quy hoạch xây dựng lại các khu chung cư cũ. |
Phạm Mạnh
Ảnh: Hoàng Duy