Nhóm bạn trẻ và hành trình phục dựng chân dung liệt sĩ
Những bức ảnh không còn nguyên vẹn, rách nát, mờ nhòe theo thời gian, qua bàn tay của những chàng trai trẻ nhóm Team Lee đã được phục dựng rõ nét. Điều này đã giúp các gia đình, thân nhân liệt sĩ phần nào nguôi ngoai nỗi đau và có kỷ vật tưởng nhớ người thân của mình.
"Ôi giời ơi, 2 thằng con tôi đây rồi"
Trưa một ngày cuối tháng 6, trong cơn mưa tầm tã trắng trời, chúng tôi đến thăm mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Lũy (sinh năm 1923) tại thôn An Giới, xã An Sơn, Nam Sách, tỉnh Hải Dương.
Mẹ Lũy nay đã hơn 100 tuổi, chân tay đã yếu, mắt đã mờ nhưng mỗi khi nhìn thấy di ảnh chân dung của 2 người con trai là mắt mẹ như trở nên tinh tường và miệng mẹ lại lẩm bẩm “2 thằng con tôi đây rồi, con tôi đẹp trai quá”.
Mẹ Lũy có 2 người con đã hy sinh cho Cách mạng khi đang ở độ tuổi đôi mươi, độ tuổi thanh xuân tươi đẹp nhất của cuộc đời. Mẹ không còn nước mắt để khóc...
Người con cả của mẹ Lũy là liệt sĩ Nguyễn Bá Đường (1945 - 1969) tham gia cách mạng 1966 và hy sinh ở mặt trận phía nam, đến nay vẫn chưa tìm thấy mộ.
Liệt sĩ Nguyễn Bá Trưng (1959 - 1979) là người con thứ 4 của mẹ Lũy, nhập ngũ năm 1978 và hi sinh năm tại chiến trường Campuchia. May mắn hơn người anh, hài cốt của liệt sĩ Trưng được chuyển về nghĩa trang liệt sĩ tại địa phương.
Mẹ ngắm nghía, lần bàn tay nhăn nheo lên từng đường nét trên bức ảnh màu chân dung của 2 người con trai được phục dựng bởi nhóm Team Lee, mẹ lại khóc nghẹn: “Ôi 2 thằng con tôi đây rồi, con tôi đẹp trai quá, con tôi đang ở đâu...". Không ai có thể nói gì, chỉ có thể lặng im, chia sẻ nỗi đau cùng mẹ.
Đến nay đã 101 tuổi và không còn minh mẫn, nhưng mẹ Lũy vẫn nhớ như in hình ảnh người con cả trước lúc lên đường nhập ngũ. Nhìn vào bức ảnh liệt sĩ Đường, mẹ kể, ngày xưa đói lắm, bữa cơm cuối cùng trước khi nhập ngũ, thằng cả chỉ dám ăn 1 ít thôi và bảo với bố mẹ là nhường phần cơm còn lại cho các em.
Mắt mẹ Lũy lại ngấn lệ, nghẹn ngào và lặng người đi. Thi thoảng mẹ lại lẩm bẩm “Chỉ sợ chúng nó đói thôi”.
“Lúc mới nhận ảnh phục dựng cụ khóc lắm, khóc 2 ngày liền, bác trai - người con thứ 3 của mẹ Lũy - dỗ mãi mới thôi đấy”, người con dâu của mẹ Lũy cho hay.
Từ tháng 12/2023 đến tháng 5/2024, Tỉnh đoàn Hải Dương và các bạn trẻ nhóm Team Lee đã thực hiện 2 dự án lớn trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Chương trình đầu tiên, nhóm đã phục dựng 115 bức ảnh liệt sĩ (trong đó 15 bức ảnh trao tặng tại gia đình và 100 bức ảnh tổ chức trao tập trung) và chương trình thứ 2, nhóm đã trao tặng 35 bức ảnh chân dung liệt sĩ tại huyện Thanh Miện.
“Thực sự đó là những trải nghiệm quý giá của tôi và nhóm, những nụ cười, những giọt nước mắt của thân nhân các gia đình liệt sĩ là điều mà chúng mình vô cùng trân quý”, Phùng Quang Trung, phó nhóm Team Lee chia sẻ.
Nhớ về chương trình trao tặng những bức ảnh phục dựng chân dung liệt sĩ tại huyện Thanh Miện vào những ngày cuối tháng 5/2024, Trung nghẹn ngào chia sẻ khi nhóm đã không thể chiến thắng thời gian, chiến thắng số phận và thật sự đã đến muộn.
Đó là trường hợp của liệt sĩ Trần Văn Tường (1953 - 1971) và người mẹ hơn trăm tuổi vẫn ngóng chờ hình ảnh người con trong tấm hình màu tại xã Tân Trào, huyện Thanh Miện.
Hơn nửa thế kỷ qua, bà Nguyễn Thị Vở (1921 - 2024), mẹ của liệt sĩ Trần Văn Tường luôn ôm nỗi đau mất mát và nhớ con trai qua bức ảnh thờ đã cũ.
“Cụ Vở tuy 103 tuổi nhưng vẫn khỏe và nhanh nhẹn lắm, cụ vẫn tự đi chơi loanh quanh đây. Khi nghe thông tin có chương trình phục dựng lại ảnh chân dung liệt sĩ, cụ mừng lắm.
Thế nhưng khi chỉ còn 3 ngày nữa được nhìn thấy con trai của mình trong một tấm hình mới, cụ đột ngột ra đi do tuổi cao, sức yếu”, ông Trần Văn Xuyền - người con thứ 5 của cụ Vở nghẹn ngào cho hay.
Thời điểm đó, nhóm của anh Quang Trung cùng Tỉnh đoàn Hải Dương và chính quyền sở tại đã trực tiếp đến thăm hỏi, chia buồn cùng gia đình và trao tặng ảnh chân dung liệt sĩ Trần Văn Tường.
Nhận được tấm ảnh của anh trai, bà Trần Thị Công bật khóc: “Mẹ ơi, anh Tường về rồi này. Khi còn sống, mẹ cứ mong có một bức ảnh đẹp của anh để thờ. Giờ nhà mình có ảnh đẹp của anh rồi, mẹ an lòng nhé!”.
Đồng chí Đồng Dũng Mạnh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Thanh Miện chia sẻ: “Mỗi tấm ảnh liệt sĩ là một tài sản vô giá, việc phục dựng ảnh của các bạn trẻ không đơn thuần là vẽ lại một bức ảnh mà đó còn là hành động đẹp của tuổi trẻ tri ân đến thế hệ cha ông, mỗi nét vẽ còn thể hiện tình yêu với quê hương, với đất nước, với Tổ quốc, với đồng bào. Trân trọng việc làm của các bạn trẻ, cấp ủy Đảng, chính quyền sẽ luôn tạo điều kiện, nguồn lực, hỗ trợ tối đa để các bạn trẻ có thêm nhiều hoạt động ý nghĩa như vậy”.
Thể hiện tấm lòng người trẻ
Đây là năm thứ 2, Phùng Quang Trung (sinh năm 1995, ở Hải Dương) cùng các thành viên nhóm Team Lee thực hiện việc phục dựng hình ảnh liệt sĩ tặng gia đình, thân nhân của họ trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Anh Phùng Quang Trung từng làm nghề marketing cho một công ty tại Hải Dương, nhưng với niềm đam mê nhiếp ảnh, anh đã ấp ủ ý tưởng phục dựng ảnh chân dung các anh hùng liệt sĩ để gửi tặng các gia đinh, thân nhân liệt sĩ.
Quyết tâm thực hiện ý tưởng đó, vào cuối tháng 6/2022, anh và các cộng sự của mình đã thành lập một nhóm chuyên phục dựng ảnh chân dung các liệt sĩ.
Từ thời điềm ban đầu khi mới chỉ có 5 người, đến hiện tại nhóm đã có 12 thành viên hoạt động.
Họ đến từ nhiều miền quê khác nhau, có công việc khác nhau, người làm ảnh chuyên nghiệp, người làm nhân viên công ty, người là lái xe.... và chung nhau ở tấm lòng hướng về thân nhân gia đình liệt sĩ với mong muốn xoa dịu nỗi đau chiến tranh.
Theo anh Trung, khó khăn nhất trong quá trình phục dựng ảnh là việc vẽ lên được thần thái của liệt sĩ, đặc biệt qua đôi mắt, ánh nhìn, làm sao để toát lên được vẻ đẹp trong tâm hồn người chiến sĩ cộng sản và làm bức ảnh đó sống lại.
Bên cạnh phục dựng ảnh qua những tấm ảnh cũ, mờ thì có những trường hợp nhóm phải dựng ảnh chân dung liệt sĩ khi mà gia đình thân nhân không có tấm ảnh nào. Công việc thêm phần khó khăn, việc phục dựng của nhóm thông qua các chi tiết được cung cấp bởi gia đình như mắt giống người bác, miệng giống người chú… những bức ảnh đó mất khoảng 3 - 5 ngày thậm chí hàng tháng để thực hiện.
Hay bức ảnh được phục dựng mất 72 tiếng liên tục - bức ảnh là một nhóm 5 người chiến sĩ hi sinh tại chiến dịch Điện Biên Phủ do gia đình 1 liệt sĩ tại xã Cẩm Chế, Thanh Hà gửi cũng để lại ấn tượng không quên cho nhóm.
“Việc phục dựng ảnh 1 liệt sĩ đã khó, thế nên phục dựng 1 bức ảnh có 5 người lại khó hơn bao giờ hết. Chúng tôi phải tái hiện lại cụ thể từng dáng đứng, từng cử chỉ điệu bộ của các liệt sĩ để có thể hoàn thành tác phẩm ấy”, anh Trung cho biết.
Theo anh Trung, bên cạnh những khó khăn, thuận lợi lớn nhất của nhóm chính là sự ủng hộ của toàn xã hội, sự chung tay vào cuộc của các ban ngành, đoàn thể và đặc biệt là các nhà hảo tâm, đơn vị đồng hành cùng nhóm thực hiện các dự án.
Trong suốt hơn 2 năm hoạt động, nhóm Team Lee đã phục dựng rất nhiều bức ảnh, nhưng để có số liệu chính xác thì cũng không ai có thể đếm nổi, có lẽ khoảng 2.000 - 3.000 bức ảnh.
Với số lượng Anh hùng liệt sĩ quá lớn và nhóm có ít người, anh Trung và các thành viên tự ý thức luôn nỗ lực để có thể làm được nhiều bức ảnh, mang lại nhiều giá trị hơn nữa cho bản thân và cộng đồng.
Trung cũng mong muốn qua hoạt động của nhóm sẽ lan tỏa cho mọi người và đặc biệt các bạn trẻ về tinh thần yêu nước, yêu Tổ quốc, truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.
Bài: Hoàng Duy - Ngọc Anh