eMag azine
20/10/2022 10:38
Những "bông hồng thép" Việt Nam trên vùng đất Châu Phi

20/10/2022 10:38

TTTĐ - Những "bông hồng thép" là tên gọi mà bạn bè quốc tế trìu mến tặng cho các nữ quân nhân Việt Nam đang làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Châu Phi.

Những bông hồng thép Việt Nam trên vùng đất châu Phi

Xinh đẹp, dịu dàng nhưng cũng gai góc, bền bỉ, cứng rắn như thép – đó là những điều để nói về những nữ quân nhân của Đội Công binh số 1 đang làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (GGHB LHQ) tại Abyei, Châu Phi.

Những bông hồng thép Việt Nam trên vùng đất châu Phi

Tháng 6/2022, Đội Công binh số 1 gồm 184 thành viên lên đường sang Abyei làm nhiệm vụ GGHB LHQ. Trong đoàn có 21 nữ cán bộ, chiến sĩ đảm nhận công tác hậu cần và khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho các thành viên trong Đội khi làm nhiệm vụ xa Tổ quốc.

Ngày 18/10, liên lạc với Thượng úy Vũ Hồng Thủy, một thành viên trong Đội Công binh số 1, tôi được biết chị đang cùng đồng đội chuẩn bị tiếp đón đoàn công tác của Bộ Quốc phòng tới thăm cán bộ, chiến sĩ tại căn cứ Highway. Giọng nữ bác sĩ quân y hào hứng: “Mỗi lần có “người nhà” sang như thế này, anh chị em vui như có hội. Xa nhà, xa quê hương, lại nhận được sự quan tâm của lãnh đạo, thủ trưởng, toàn Đội như được tiếp lửa, giữ vững tinh thần”.

Thượng úy Vũ Hồng Thủy nhớ lại, hồi tháng 6/2022, ngay sau khi triển khai tới địa bàn, mặc dù chưa kịp ổn định nơi ăn ở, nhưng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cấp bách, Đội Công binh số 1 thực hiện các nhiệm vụ cứu hộ và sửa chữa đường khẩn cấp tại các tuyến đường ở Phân khu Bắc (giáp với Sudan) và ổn định doanh trại tại nơi đóng quân. Dù trước đó, chị em trong đoàn đã hình dung trước những khó khăn tại nơi đóng quân nhưng khi đến nơi, có nhiều thứ thiếu thốn đến ngỡ ngàng. Doanh trại Highway là khu vực đóng quân của đơn vị tiểu đoàn bộ binh thuộc Ethiopia trước đây. Được xây dựng đã lâu nên phần lớn cơ sở hạ tầng doanh trại đã xuống cấp rất nhiều. Nhà ở dột nát, sàn nhà được lát bằng gỗ ép công nghiệp qua nhiều năm sử dụng đã mục nát, vải bạt lót nền rách nát, bong tróc. Nhà vệ sinh, nhà tắm vừa thiếu, vừa hỏng.

“Hệ thống điện, nước hư hỏng nặng, một số đường ống dẫn nước không hoạt động. Việc thiếu nước khiến sinh hoạt thường ngày của các thành viên trong đội cũng thay đổi. Ví dụ, đáng ra khi làm xong, chơi thể thao, chúng tôi chạy bộ rồi về tắm. Giờ thì chúng tôi phải tắm xong, rồi mới chơi thể thao. Khí hậu khắc nghiệt, nóng đến mức dù hiện giờ là mùa mưa nhưng chỉ cần ngó ra ngoài trời là bỏng rát”, chị Thủy kể. “Nhưng có sao đâu, mấy chị em cứ “thủ sẵn” kem chống nắng là yên tâm thôi. Điều quan trọng nhất là chúng tôi đều rất tự hào và vinh dự với nhiệm vụ lớn lao này và sẵn sàng cho sứ mệnh cao cả mà Tổ quốc giao phó”, Thượng úy Vũ Hồng Thủy vui vẻ nói.

Những bông hồng thép Việt Nam trên vùng đất châu Phi

Kể thêm về những khó khăn khi làm việc và sinh sống tại Châu Phi xa xôi, Thượng úy Vũ Hồng Thủy bảo, có lẽ, hơn cả nước, điện, Internet là thứ mà lúc nào anh chị em cũng “khao khát”. Gia đình 2 bên nội, ngoại ở Thái Bình, chồng hay đi công tác nên khi chị Thủy đi làm nhiệm vụ thì 2 con nhỏ ở nhà tự chăm sóc và bảo nhau học hành. Do đó, hết giờ làm, chị thường xuyên tranh thủ gọi về cho các con. Tuy nhiên, khoảng cách 5 múi giờ đồng hồ khiến việc gặp được bọn trẻ cũng khó. Bởi khi ở bên này rảnh thì ở nhà, các con đi học, hoặc đi ngủ rồi. Hơn nữa, Internet phập phù cũng khiến việc liên lạc giữa các thành viên trong gia đình khó khăn hơn nhưng không vì thế mà chị nản lòng.

“Tháng 11/2022, tôi sẽ được nghỉ phép, về thăm nhà một tháng. Khi đó, tôi sẽ bù đắp cho các thành viên trong nhà”, nữ Thượng úy cười hiền.

Những bông hồng thép Việt Nam trên vùng đất châu Phi

Thiếu tá Nguyễn Thị Hồng Quyên, Giám đốc Bệnh viện Dã chiến cấp 1 thuộc Đội Công binh số 1 cho biết, hàng ngày, tại căn cứ, công việc của các chị là tiến hành sơ cấp cứu, chăm sóc y tế cho toàn Đội. Ở Abyei, điều kiện trang thiết bị y tế vô cùng thiếu thốn. Nếu ở nhà, sốt rét không còn là bệnh đáng lo ngại thì ở đây lại là căn bệnh phổ biến và thiếu thuốc điều trị. Nhiều thành viên trong đội sang đây cũng đã mắc sốt rét. Ngoài ra, có nhiều căn bệnh khác, do thuốc men hạn chế, trang thiết bị chẩn đoán cận lâm sàng cũng không có nên các cán bộ, bác sĩ, chiến sĩ phải sử dụng kỹ năng để xử lý.

“Với tinh thần trách nhiệm, chúng tôi luôn cố gắng, nỗ lực để cùng toàn Đội Công binh hoàn thành nhiệm vụ. Đây là dấu ấn đặc biệt nhất trong cuộc đời quân ngũ, là vinh dự to lớn, trải nghiệm đặc biệt với tôi và nhiều chị em khác. Chúng tôi sẽ cố gắng đưa hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam mạnh mẽ, kiên cường, để bạn bè quốc tế thấy rằng, thế hệ con cháu Bà Trưng, Bà Triệu, không gì là không thể làm được”, Thiếu tá Hồng Quyên nói.

Những bông hồng thép Việt Nam trên vùng đất châu Phi

Những bông hồng thép Việt Nam trên vùng đất châu Phi

Thiếu úy Vũ Phương Uyên sinh năm 1997, là cô gái trẻ nhất trong Đội. Đảm nhận công việc lễ tân và hậu cần, Phương Uyên cho biết, lần đầu làm việc ở một đất nước xa xôi nhưng vì được tập huấn trước khi đi, tới đây lại được các chị có kinh nghiệm hướng dẫn nên Uyên không hề lúng túng. “Lúc ở nhà, khi biết tin con tình nguyện đi làm nhiệm vụ, bố mẹ em mới đầu ngăn cản vì không muốn xa con. Em kiên trì thuyết phục, “mưa dầm thấm lâu”, bố em cũng đồng ý và còn dặn: “Đã đi là phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà quân đội giao cho đấy nhé!”. Câu nói của bố khiến em phải luôn nỗ lực hơn nữa”, Uyên kể. Còn trong con mắt của “đàn chị” Vũ Hồng Thủy, mấy tháng xa nhà, Thiếu úy Vũ Phương Uyên trở nên dày dạn kinh nghiệm, trưởng thành trông thấy.

Tâm sự với tôi, Uyên cho biết, hết nhiệm kỳ, có thể Uyên sẽ xin tiếp tục làm nhiệm vụ ở nhiệm kỳ tiếp theo vì “Em còn trẻ và em thấy vô cùng hạnh phúc khi được cống hiến cho hòa bình thế giới”.

Những bông hồng thép Việt Nam trên vùng đất châu Phi

Cùng chung cảm xúc ấy, chị Đặng Thị Lý (tổ Hậu cần) cho biết, hồi ở nhà, xem qua những bộ phim, chị thấy thương vô cùng những phụ nữ, trẻ em ở vùng đất Châu Phi khắc nghiệt. Đói, rét, bệnh tật... những hình ảnh đó cứ ám ảnh chị. Khi chia sẻ suy nghĩ với chồng, không ngờ, anh lại là người ủng hộ chị. Tiếp đến, các con chị Lý, tuy làm việc tận Sài Gòn như luôn gọi điện về, thúc giục mẹ đăng ký đảm nhận nhiệm vụ cao cả này. “Tôi như được tiếp thêm lửa nên khi sang đến đây rồi, có vất vả, thiếu thốn, nguy hiểm mấy vẫn thấy yên tâm vô cùng vì có hậu phương vững chắc”, chị Lý cho biết.

Hàng ngày, công việc của chị là cùng chị em trong tổ chăm sóc bữa ăn và các công việc hậu cần cho các thành viên trong Đội. Chia sẻ về lần đầu tiên làm nhiệm vụ ở châu Phi, chị Lý cho hay, đây là một trải nghiệm vô cùng đặc biệt và chị mong muốn được đóng góp sức mình cùng với toàn Đội để mang lại những điều tốt đẹp hơn cho người dân ở khu vực Abyei, châu Phi.

Trung tá Nguyễn Quang Tuyển - Chính trị viên Đội Công binh số 1 cho hay, không chỉ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho lực lượng tại các phái bộ của Liên hợp quốc, các nữ quân nhân Việt Nam còn thể hiện trách nhiệm và sự chung tay góp sức của Việt Nam đối với sứ mệnh gìn giữ hòa bình nhân loại.

Nói về các chị, các em trong Đội, Trung tá Nguyễn Quang Tuyển dành những lời trìu mến: “Có bàn tay của các chị em, doanh trại trở nên thân thương như quê nhà khi mà những luống rau được vun xới, gieo trồng. Mảnh đất nắng gió, cằn cỗi, hoang sơ ở căn cứ đã có thêm những bông hoa hướng dương, những hàng cây xanh tốt, vươn mình trỗi dậy đầy sức sống. Chúng tôi gọi họ là những bông hồng thép của Việt Nam trên vùng đất Châu Phi này” .

Những bông hồng thép Việt Nam trên vùng đất châu Phi

Những bông hồng thép Việt Nam trên vùng đất châu Phi

Theo Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, kể từ khi tham gia hoạt động GGHB LHQ (từ năm 2014 đến nay), Việt Nam đã cử 72 nữ quân nhân tham gia. Đội Công binh số 1 của Việt Nam hiện có tỷ lệ nữ là 21/184 đồng chí, chiếm hơn 11,4%. Trong khi bình thường, cấp đơn vị ở mỗi quốc gia cử quân, tỷ lệ nữ chỉ khoảng 6-7%. Ngoài ra, tỷ lệ nữ tham gia bệnh viện dã chiến số 2 cũng ở mức cao, như Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 hiện nay có 12/63 người, chiếm trên 19%, trong khi tỷ lệ khuyến khích của Liên hợp quốc là 15%.

Thực hiện: Thái Sơn

Ảnh: K.Giang & NVCC