Những thay đổi cần lưu ý đối với thẻ BHYT mẫu mới
Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, từ ngày 1/4 tới, sẽ triển khai đổi thẻ BHYT mới trên quy mô toàn quốc. Những người đang sử dụng thẻ BHYT mẫu cũ còn thời hạn sử dụng thì tiếp tục dùng thẻ BHYT cũ để đi khám chữa bệnh BHYT.
Đồng thời, khi BHXH các tỉnh, thành phố sử dụng hết phôi thẻ BHYT mẫu cũ, thẻ BHYT mẫu mới sẽ được cấp cho người mới tham gia; Cấp lại thẻ BHYT cho người bị mất thẻ BHYT; Cấp lại thẻ BHYT do bị rách, hỏng, thay đổi thông tin trên thẻ.
Toàn cảnh Hội nghị cung cấp thông tin về mẫu thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) mới |
Về thời gian cấp đổi thẻ, ông Trần Quốc Tuý, Phó trưởng ban Sổ, thẻ, BHXH Việt Nam cho biết, thời gian cấp mới thẻ BHYT sẽ không quá 5 ngày khi nhận đủ hồ sơ. Trường hợp cấp lại thẻ BHYT nhưng không thay đổi thông tin trên thẻ sẽ cấp ngay trong ngày, cấp lại thẻ BHYT nhưng có thay đổi thông tin trên thẻ sẽ cấp lại trong 3 ngày.
Cũng theo ông Trần Quốc Tuý, quy trình cấp thẻ BHYT mẫu mới vẫn tiếp tục được thực hiện theo các quy định và văn bản hướng dẫn về thẻ BHYT hiện hành của BHXH Việt Nam. Cụ thể, người được tổ chức BHXH đóng BHYT, đến UBND cấp xã hoặc cơ quan BHXH để nộp hồ sơ. Riêng trường hợp người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp đổi thẻ BHYT phải đến cơ quan BHXH.
Người được ngân sách nhà nước đóng BHYT, đến UBND xã để nộp hồ sơ. Người đã hiến bộ phận cơ thể, đến cơ quan BHXH để nộp hồ sơ. Người được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng BHYT, đến đại lý thu BHXH, BHYT hoặc cơ quan BHXH. Riêng học sinh, sinh viên đóng BHYT theo nhà trường thì nộp hồ sơ cho nhà trường để được đổi thẻ.
Người tham gia BHYT theo hộ gia đình, đến đại lý thu BHXH, BHYT hoặc cơ quan BHXH. Người tham gia BHYT đóng tại doanh nghiệp nộp hồ sơ cho đơn vị sử dụng lao động để được đổi thẻ.
Thẻ BHYT mẫu mới có kích thước nhỏ gọn hơn, được ép plastic và sử dụng con dấu của BHXH Việt Nam |
Ông Trần Quốc Tuý cũng cho biết, thẻ BHYT mẫu mới có kích thước nhỏ gọn hơn, được ép plastic và sử dụng con dấu của BHXH Việt Nam (thay vì sử dụng con dấu của BHXH các tỉnh, thành phố như hiện nay).
Thẻ BHYT mẫu mới có in chức danh, chữ ký, họ tên của Trưởng Ban quản lý thu-sổ, thẻ (hoặc người được Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam giao ký thừa lệnh) để giúp việc cấp lại, đổi thẻ nhanh chóng, thuận tiện hơn ở bất kỳ cơ quan BHXH nào trên phạm vi toàn quốc, đối với trường hợp không may bị mất, hỏng thẻ khi đi khám chữa bệnh ngoại tỉnh hoặc đi du lịch, công tác, học tập ở tỉnh khác.
Mã số in trên thẻ BHYT sẽ in 10 ký tự chính là mã số BHXH của người tham gia (thay thế 15 ký tự như trước đây). Giúp người tham gia dễ dàng nhận biết và có thể tra cứu, kiểm tra đầy đủ thông tin quy định về thẻ BHYT trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam.
Mã mức hưởng BHYT được chuyển xuống cùng dòng in ngày, tháng, năm sinh, giới tính, mã nơi đối tượng sinh sống, giúp người cao tuổi, người chưa có điều kiện sử dụng Internet biết thông tin quyền lợi hưởng BHYT.
Mặt sau của mẫu thẻ BHYT có ghi cách hướng dẫn sử dụng thẻ |
Ông Trần Đình Liệu khẳng định, việc cấp thẻ BHYT mới cho người dân sẽ đảm bảo đầy đủ quyền lợi của người tham gia BHYT như hiện nay, không gây khó khăn, ách tắc cho người dân. BHXH sẽ tập huấn cho BHXH các địa phương triển khai việc cấp thẻ mới để đảm bảo quyền lợi của người dân.
“Địa phương nào phôi thẻ cũ (tức là thẻ cũ còn hạn sử dụng) thì vẫn dùng thẻ cũ, địa phương nào hết phôi thẻ cũ thì BHXH Việt Nam sẽ cấp phôi mới và phần mềm mới.
Ước tính trong năm nay, có khoảng 10 triệu thẻ được cấp theo mẫu mới. Con số này tương đồng với việc cấp mới thẻ hàng năm trước đây như cấp mới cho đối tượng mới tham gia hoặc mất thẻ, hoặc đổi nơi khám chữa bệnh ban đầu phải cấp mới thẻ...
Chính vì vậy, việc cấp thẻ mới lần này sẽ không làm xáo trộn, không mất thêm nhiều phí, khi cấp thẻ mới, và sẽ không có hiện tượng người dân ồ ạt đến thay đổi thẻ, gây ách tắc”, ông Trần Đình Liệu cho biết.