eMag azine
22/08/2024 08:02
Niềm vui có sữa nuôi giấc mơ tương lai của trẻ vùng cao

22/08/2024 08:02

TTTĐ - 4h, Mùa A Lỷ (10 tuổi) mang chiếc cặp cũ sờn, đi bộ hơn 20km đến trường; băng qua khe sâu, cậu rảo bước nhanh hơn khi nghĩ về hộp sữa tươi lần đầu có trong bữa ăn bán trú.
Niềm vui có sữa nuôi giấc mơ tương lai của trẻ vùng cao

Nhà A Lỷ nằm ở bản Huổi Cấu, cách trung tâm xã gần 20km. Không ai đưa đón, đi bộ là cách duy nhất giúp em đến trường. Hoàn cảnh khó khăn, bố qua đời vì bệnh nặng khi mới lên lớp 1. Đến trường mỗi ngày là nỗ lực rất lớn của Lỷ.

Từ tháng 4, động lực đến trường ngày một lớn hơn khi Lỷ và bạn bè tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Vì được bổ sung sữa tươi trong thực đơn, nhờ sự hỗ trợ của Quỹ sữa Vươn cao Việt Nam. Ngày đầu sữa có trong bữa ăn, chiếc hộp nhỏ như món quà kỳ diệu với trẻ vùng cao. Hút một hơi cạn đến đáy, Mùa A Lỷ hồn nhiên khoe với thầy cô bằng giọng phổ thông mà vài từ còn chưa thạo: "Con uống nhanh chưa nè. Đây là lần đầu tiên con được uống sữa đó".

Niềm vui có sữa nuôi giấc mơ tương lai của trẻ vùng cao
Mùa A Lỷ uống sữa tươi sau khi ăn bữa trưa tại trường.
Niềm vui có sữa nuôi giấc mơ tương lai của trẻ vùng cao

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Vì nằm giữa xã vùng cao Nậm Vì, huyện biên giới Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Trường gồm 5 điểm ở các bản, dạy bán trú khối 1 và 2. Một điểm ở trung tâm, dạy nội trú khối 3-5. Điểm bản xa nhất cách trung tâm 20km, một số nơi lưới điện quốc gia còn chưa vươn tới.

Mỗi ngày, hơn 600 em nhỏ vượt những con đèo, dốc đá để đến trường học chữ. Gian nan nhất là vào mùa mưa. Nước trút xối xả trên đầu, dưới chân đường sình lầy trơn trượt. Xe máy gần như không thể chạy, nhiều em đến trường với quần áo lấm lem. Quá nửa số học sinh tại đây là con của các gia đình nghèo, người dân tộc Mông, Thái.

Hiệu trưởng của trường, bà Đồng Thị Thúy cho biết, gia đình các em phần lớn làm rẫy. Có nhà sinh 5-7 con, rất khó để tất cả theo đuổi con chữ lâu dài. Lớp hụt sỉ số vì học sinh ở nhà để trông em hoặc lên rẫy phụ giúp bố mẹ khi vào mùa. Thu nhập ít ỏi, nên cha mẹ không hề có khái niệm mua sữa cho con. Chưa kể kinh phí theo học, nhiều gia đình chỉ trông chờ vào mức hỗ trợ 720.000 đồng mỗi tháng khi học nội trú mới có thể cho con đến lớp hàng ngày.

Niềm vui có sữa nuôi giấc mơ tương lai của trẻ vùng cao
Các em học sinh tại Điện Biên.

Bữa sáng của học sinh nội trú gói gọn trong 5.000 đồng. Tô mì tôm, có chút rau, thịt vừa đủ lót dạ để bắt đầu ngày học. Bữa trưa và tối, nhà trường gói ghém xây thực đơn có món thịt và canh. Với học sinh bán trú, trường nhận được hỗ trợ từ dự án Nuôi em. Bữa ăn mỗi ngày có chi phí 8.500 đồng, do thầy cô trực tiếp nấu.

Sữa là khái niệm gần như lạ lẫm với trẻ vùng cao. "Nhiều em không biết sữa là gì hoặc muốn uống cũng không thể", bà Thúy ngậm ngùi lặp lại nỗi trăn trở.

Niềm vui có sữa nuôi giấc mơ tương lai của trẻ vùng cao
Học sinh trường mầm non Nậm Vì.

Cách đó không xa, học sinh trường mầm non Nậm Vì cũng trong tình cảnh tương tự. 90% trẻ em đang theo học thuộc diện hộ nghèo, đông con. Cá biệt có hộ 9 - 10 nhân khẩu thường xuyên rơi vào cảnh thiếu ăn mỗi mùa giáp hạt.

Bà Phạm Thị Thu Thủy, Hiệu trưởng trường nói rằng trẻ mầm non cần hai bữa ăn mỗi ngày. Ở tuổi còn đói ăn, bữa cơm hàng ngày ở trường chỉ được trợ cấp 6.000 đồng mỗi suất cùng 2-3kg gạo mỗi tháng do gia đình đóng góp. Chi phí khó đảm bảo no, chưa nói đến dinh dưỡng hay thực đơn phong phú. "Bởi vậy, việc uống sữa đối với các con là điều rất xa xỉ", bà Thủy chia sẻ.

Niềm vui có sữa nuôi giấc mơ tương lai của trẻ vùng cao

Hộp sữa, vốn được định nghĩa xa xỉ hay không thể có, giờ đã xuất hiện trong bữa ăn của học sinh Nậm Vì. Cuối tháng 4, Quỹ sữa Vươn cao Việt Nam do Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) phối hợp cùng Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam đến Mường Nhé. Chương trình tặng 78.500 hộp sữa Vinamilk đến gần 1.500 trẻ đang theo học ở cả 3 cấp mầm non - tiểu học và trung học cơ sở tại xã Nậm Vì.

Ngày Quỹ sữa đến, cô trò tại đây mừng như mở hội. "Không thể tin được là bữa ăn các con giờ đã đa dạng hơn. Lần đầu tiên chúng tôi nhận hỗ trợ quý giá như vậy", bà Đồng Thị Thúy xúc động nói.

Suốt hai tháng nay, mỗi ngày một lần, thức dậy sau giấc ngủ trưa, học sinh tại trường của cô Thúy được giáo viên phát tận tay hộp sữa. Thời gian này được nhiều em nhỏ coi như "giờ vàng", háo hức chờ đến lượt. Có sữa, các em vui đùa rằng sẽ thêm sức mạnh, hóa siêu nhân. Hoặc cũng có những ước mơ giản dị hơn, thành người lái ô tô để không phải đội mưa đến trường, làm bác sĩ để chữa bệnh khi nhìn thấy em gái phát run trong cơn sốt. "Hộp sữa nhỏ nhưng chắp cánh những giấc mơ lớn", nhiều thầy cô mang niềm tin như thế.

Niềm vui có sữa nuôi giấc mơ tương lai của trẻ vùng cao
Niềm vui có sữa nuôi giấc mơ tương lai của trẻ vùng cao

Huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên là điểm đến mới nhất của Quỹ sữa Vươn cao Việt Nam. Triển khai từ 2008, 17 năm qua, chương trình đã ghé qua hàng nghìn mái ấm, nhà mở, trung tâm bảo trợ trẻ em, trường học trên cả nước. Có nơi là ngôi trường miền núi như ở Điện Biên, một số điểm đến là hải đảo hay mái ấm với chỉ vài chục em có hoàn cảnh đặc biệt. Dù lớn hay nhỏ, xa hay gần, Quỹ đều tận tay trao cho các em những hộp sữa mang theo ước vọng "vươn cao" ngay cả trong bão lũ, thậm chí đại dịch Covid-19.

Một điểm trường đặc biệt như thế là dự án Cầu Hàn, quận 7, TP HCM. Đây là ngôi nhà nhỏ, khuất sâu trong con hẻm ngoằn ngoèo ở vùng ven đô thị, nuôi dạy 60 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt. Từ năm 2015, hành trình "nuôi" con chữ của cô trò dự án Cầu Hàn có thêm sự đồng hành của Quỹ sữa Vươn cao Việt Nam. Hơn 8 năm qua, những đứa trẻ ở đây được uống sữa đều đặn mỗi ngày, suốt trong 3 tháng của mỗi học kỳ.

Cô Nguyễn Thị Phương Thảo - Chủ nhiệm dự án Cầu Hàn cho biết, ngay cả trong đại dịch, sữa vẫn được gửi đến nhà cho các em.

Niềm vui có sữa nuôi giấc mơ tương lai của trẻ vùng cao

17 năm trước, Vinamilk tự đặt mục tiêu trao đi một triệu ly sữa đến 50.000 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Chỉ hai năm sau, từ một triệu ly sữa, chương trình đổi tên thành Quỹ sữa Vươn Cao Việt Nam. Đơn vị đặt ra sứ mệnh và quyết tâm mới: mọi trẻ em đều có sữa uống mỗi ngày.

Thời điểm đó, chưa từng có cam kết nào tương tự. Sau 17 năm, 42 triệu ly sữa đã được gửi đến trẻ em khó khăn khắp mọi miền tổ quốc. Từ mục tiêu 50.000 trẻ, chương trình tiếp cận hơn 500.000 em. Ở mỗi điểm đến, những ly sữa Vinamilk luôn hiện diện trong bữa ăn của trẻ em nghèo yếu thế. Giữa lúc cả nước phong tỏa vì đại dịch hay suy thoái kinh tế, những hộp sữa vẫn vượt mọi rào cản để đến tay các em.

Niềm vui có sữa nuôi giấc mơ tương lai của trẻ vùng cao

Bà Bùi Thị Hương, Giám đốc điều hành Nhân sự, Hành chính và Đối ngoại Vinamilk cho biết, chương trình Quỹ sữa Vươn cao Việt Nam, ngay từ cái tên đã thể hiện tầm nhìn trong việc góp phần kiến tạo thế hệ tương lai khỏe mạnh, thông minh và nhiều khát vọng. "Nguồn dưỡng chất từ Vinamilk nâng đỡ về mặt thể chất và trí não. Những ly sữa còn truyền động lực, chia tự tin và tiếp nghị lực cho trẻ em yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn vượt qua nghịch cảnh để vươn cao, vươn xa hơn", bà Hương nói.

Niềm vui có sữa nuôi giấc mơ tương lai của trẻ vùng cao
Niềm vui có sữa nuôi giấc mơ tương lai của trẻ vùng cao

Gần hai thập kỷ triển khai, Vinamilk nhận về nhiều tình cảm của các em nhỏ. Mỗi năm, hòm thư đơn vị nhận hàng trăm lá thư tay gửi về. Một trong những lá thư đặc biệt nhất đến từ em Nguyễn Thị Liên. Em là trẻ mồ côi, hạn chế vận động, học tập và sinh hoạt tại Trung tâm Phục hồi Chức năng Việt - Hàn được hai năm.

Trong thư, Liên cho biết thấy vui vì ngày nào cũng được uống một ly sữa, từ đó dần hình thành tình cảm dành cho Vinamilk. Sự hỗ trợ giúp em lạc quan hơn, ôm ấp giấc mơ thành giáo viên để dạy các em nhỏ có hoàn cảnh tương tự. "Hai năm học ở đây, ngày nào bọn con cũng có sữa để uống. Bạn nào bị ốm sẽ được uống nhiều hơn để mau khỏe", Liên viết trong thư.

Với em Nguyễn Thị Bích Vân, 16 tuổi, Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố Đà Nẵng, những ly sữa là một phần trong ký ức tươi đẹp khi sống tại đây. Em cho biết hạnh phúc khi nhận những phần quà và tin tưởng luôn có những những trái tim nhân ái đồng hành cùng những trẻ em kém may mắn. "Nhờ quỹ mà chúng em có thêm nghị lực phát triển, theo đuổi ước mơ", Vân nói.

Niềm vui có sữa nuôi giấc mơ tương lai của trẻ vùng cao
Lá thư tay của em Nguyễn Thị Liên và Nguyễn Thị Bích Vân.

Hoặc giản đơn hơn là câu chuyện tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Vì. Những phần quà tiếp sức từ Vinamilk đã tạo ra động lực đến trường cho 649 em học sinh. Theo Hiệu trưởng Đồng Thị Thúy, học sinh nôn nao đến lớp nhận sữa sau giấc ngủ trưa, tình trạng vắng mặt cũng thưa hẳn. "Được uống sữa là các em cười tít mắt. Thấy các em đến trường đều đặn, chúng tôi cũng đỡ nỗi trăn trở hơn", bà Thúy nói.

Những em không thể đến trường, thầy cô chuyển sữa đến tận nhà, dặn dò phù huynh kỹ về giờ giấc uống. Ngay cả kỳ nghỉ hè, sữa vẫn đến tay các em đều đặn. Nhận món quà, nhiều phụ huynh tại đây cũng hiểu hơn về giá trị mà mỗi hộp sữa mang đến. Không chỉ góp phần giúp các em cải thiện thể chất, hạn chế suy dinh dưỡng, đây còn là niềm vui tuổi thơ, là ký ức đẹp đẽ cho các bé sau này.

Niềm vui, hạnh phúc của các em nhỏ cả nước là động lực để Vinamilk tiếp tục hành trình cùng các em nhỏ viết tiếp ước mơ. Năm 2024, sau Điện Biên, những chuyến xe của Vinamilk tiếp tục mang sữa đến với gần 8.000 em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn tại các tỉnh Bến Tre, Hưng Yên, Bình Dương, Cần Thơ với tổng giá trị hỗ trợ gần 5 tỷ đồng.

Niềm vui có sữa nuôi giấc mơ tương lai của trẻ vùng cao

Trống trường điểm giờ tan học chiều thứ 6, Mùa A Lỷ sắp xếp bút vở ra về. Em không quên dặn bạn cùng bàn rằng tuần sau đến trường đừng nghỉ nhé, để ngủ dậy nhận sữa uống cho bụng no. Bước ra khỏi lớp, A Lỷ vẫy tay chào thầy cô, nhảy chân sáo chạy xuống con đồi, niềm vui về hộp sữa của ngày mai khiến chặng đường về nhà 20km như ngắn lại.

Câu chuyện của A Lỷ - em bé mỗi ngày vượt đường núi đến trường hay cô bé Liên - đôi chân khiếm khuyết nhưng không cản được ước mơ của tương lai, là động lực lớn nhất của Quỹ sữa Vươn cao Việt Nam. Nỗ lực và ý chí của các em trở thành nguồn cảm hứng để chương trình duy trì dài hạn, nuôi dưỡng những mầm non vươn cao hơn.

Niềm vui có sữa nuôi giấc mơ tương lai của trẻ vùng cao

Nội dung & Thiết kế: VnExpress - Ảnh: Vinamilk

Phạm Mạnh