Nỗi lo nhà ăn phục vụ sinh viên không đảm bảo ATVSTP
Được biết, trung bình, Nhà ăn A1-5 cung cấp khoảng 300 suất ăn/ngày. Tại thời điểm kiểm tra, khu vực chế biến thực phẩm của nhà ăn bảo đảm quy trình khép kín 1 chiều. Tuy nhiên, cơ sở vật chất tại khu sơ chế thực phẩm đã xuống cấp, nền nhà ướt, nhớt, trơn trượt. Tủ đựng thức ăn chín chưa có lưới chống côn trùng, thức ăn lưu mẫu để chung với tủ đựng nước ngọt... Kết quả xét nghiệm nhanh các bát, đũa tại nhà ăn cho thấy, 6/15 số bát không đáp ứng đúng yêu cầu ATVSTP.
Bên cạnh đó, nhà ăn còn chưa xuất trình được hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ của thực phẩm với lý do kế toán đi vắng. Mặt khác, chỉ có 8/18 nhân viên đang làm việc tại đây có giấy khám sức khỏe, tập huấn ATVSTP theo quy định. Kết thúc buổi kiểm tra, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền yêu cầu chủ cơ sở nhanh chóng khắc phục những tồn tại nêu trên, đồng thời giao Phòng Y tế quận Hai Bà Trưng giám sát việc thực hiện.
Điều đáng nói ở đây là tình trạng này không chỉ diễn ra ở riêng nhà ăn AA1-5 vừa nói, mà đây là điều khá phổ biến tại các nhà ăn phục vụ học sinh, sinh viên các trường đại học nói chung. Tuy gọi là căng tin phục vụ sinh viên, nhưng bản thân các trường đại học không đứng ra phục vụ. Hầu hết các nhà ăn hiện tồn tại trong khuôn viên (hoặc ký túc xá) các trường đại học đều được thực hiện theo hình thức đấu thầu. Việc bảo đảm quy định về vệ sinh nhà xưởng chế biến, bếp ăn một chiều, sử dụng phụ gia trong chế biến, nguồn gốc thực phẩm… ở nhiều nơi chưa đạt yêu cầu.
Cùng ngày, tại buổi làm việc với Đoàn kiểm tra, theo báo cáo của UBND quận Hai Bà Trưng, từ ngày 15/4 đến 8/5, Đoàn kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm của quận, Đội quản lý thị trường số 5, UBND của 20 phường đã kiểm tra 174 lượt cơ sở, xử phạt 28 cơ sở với số tiền hơn 61 triệu đồng…
Trước đó, Đoàn kiểm tra liên ngành ATVSTP thành phố Hà Nội cùng các thành viên Ban Chỉ đạo ATVSTP quận Đống Đa đã kiểm tra ATTP tại căng tin của Trường ĐH Ngoại thương (do Công ty cổ phần Văn hóa dịch vụ thể thao có địa chỉ 218 đường Trường Chinh đấu thầu), đã phát hiện nhiều sai phạm của cơ sở này như căng tin không đảm bảo điều kiện vệ sinh khu vực chế biến, không để riêng thực phẩm chín và sống, một số xúc xích hết hạn vẫn đang bảo quản trong tủ đá; thịt, pa tê đã qua sơ chế không ghi rõ nguồn gốc; đại diện nhà ăn không xuất trình được hóa đơn chứng minh nguồn gốc thực phẩm.
Chạy theo lợi nhuận, lại phục vụ đối tượng sinh viên ít tiền nên các chủ cơ sở kinh doanh nhà ăn cho sinh viên thường lựa chọn thực phẩm giá rẻ, không rõ nguồn gốc, khâu chế biến cũng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.