eMag azine
23/07/2024 12:25
Nước mắt, vinh quang và nỗi đau của những người mẹ

23/07/2024 12:25

TTTĐ - Những ngày tháng 7 lịch sử là lúc cần sống chậm lại, sâu lắng hơn để chiêm nghiệm về lòng biết ơn, về đức hy sinh, lẽ sống, sự cống hiến mà các Mẹ Việt Nam anh hùng chính là những biểu tượng sống.

nỗi đau

Nước mắt, vinh quang và nỗi đau của những người mẹ

Những ngày tháng 7 lịch sử là lúc cần sống chậm lại, sâu lắng hơn để chiêm nghiệm về lòng biết ơn, đức hy sinh, về lẽ sống và sự cống hiến mà các Mẹ Việt Nam anh hùng chính là những biểu tượng sống.

Chiến tranh kết thúc, không có niềm vui nào bằng ngày đoàn viên, nhưng cũng không có nỗi đau nào bằng nỗi đau trong ngày chiến thắng mà các con không về nữa...

Nước mắt, vinh quang và nỗi đau của những người mẹ

Đã 50 năm kể từ ngày hai con trai lần lượt lên đường ra trận và không trở về, Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Diệu (sinh năm 1922, sống tại thôn Đông Châu, xã Thạch Ngọc, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) giờ đây chỉ lặng lẽ gọi các anh về qua những nén nhang.

Đoàn công tác tặng quà và thăm hỏi Mẹ Việt Nam anh hùng 103 tuổi Trần Thị Diệu tại huyện Thạch Hà
Đoàn công tác báo Tuổi trẻ Thủ đô tặng quà và thăm hỏi Mẹ Việt Nam anh hùng 103 tuổi Trần Thị Diệu tại huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh).

Mẹ Diệu có ba người con trai thì hai người con đã hy sinh trong chiến tranh là liệt sỹ Phan Danh Lai (1952 - 1974) và liệt sỹ Phan Danh Ngọ (1954 - 1974). Vào mùa Thu năm 1972 ấy, người phụ nữ Trần Thị Diệu liên tiếp nhận 2 giấy báo tử của con trai mình vào tháng 8 và tháng 11. Nỗi đau chồng chất nỗi đau khiến mẹ gục ngã, bao ngày tháng mong đợi các con giờ đã chẳng còn nữa. Người con trai út là ông Phan Danh Dũng khi ấy vẫn còn nhỏ đã phải thay các anh làm chỗ dựa cho mẹ.

Trong những năm tháng sau khi hai anh mất, gia đình đi tìm mộ của các anh nhưng chẳng có thông tin gì lại khiến mẹ càng khắc khoải. Sau nhiều năm miệt mài tìm kiếm, gia đình tìm được mộ của anh Phan Danh Ngọ tại Nghĩa trang Liệt sỹ huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị) và mộ của anh Phan Danh Lai tại Nghĩa trang Liệt sỹ xã Đại Lãnh (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam). Từ ấy, mẹ cũng yên lòng hơn.

Lửa chiến tranh đã tắt hàng chục năm, đã chôn vùi rất nhiều thứ, nhưng trong mỗi gia đình liệt sỹ đã nằm lại nơi chiến trường thì vẫn còn nguyên đó những ngọn lửa lòng, người còn sống khóc thương người đã khuất. Dường như có những nỗi đau luôn âm ỉ không nguôi...

Nước mắt, vinh quang và nỗi đau của những người mẹ
Dù chiến tranh đã qua đi nhưng mỗi lần nhớ lại những kỷ niệm với hai người con trai, mẹ Diệu lại bồi hồi, xúc động, tiếc rằng vẫn chưa kịp nói gì nhiều khi các con lên đường bảo vệ Tổ quốc

Suốt hàng chục năm đằng đẵng, năm nào giỗ anh, mẹ cũng thắp nén hương gọi anh, nhớ mong anh như là anh đang hiện hữu trong gia đình này. Cuộc chia ly từ ngày anh ra tiền tuyến cho đến giờ, khi mẹ đã hơn 100 tuổi, vẫn chưa hẹn ngày hội ngộ. Mẹ Diệu cũng chỉ mong rằng sự hy sinh của các anh sẽ là niềm tự hào cũng như tấm gương về sự quả cảm, kiên trung, sẵn sàng bảo vệ tổ quốc cho các con cháu noi theo.

Riêng anh Phan Danh Ngọ, không chỉ là liệt sỹ mà anh cũng vinh dự được Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba vì đã có thành tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Cả cuộc đời mẹ Diệu tần tảo sớm hôm, quanh năm làm thuê, cuốc mướn kiếm sống lo cho các con được đủ bữa ăn qua ngày, có những thời gian mẹ tham gia hoạt động cách mạng với nhiệm vụ nuôi giấu cán bộ, tiếp tế lương thực... cho quân đội ta. Đến nay, hơn 100 tuổi và may mắn vẫn đủ khỏe mạnh, minh mẫn, mẹ luôn là tấm gương sáng ngời về lòng tốt, đức hy sinh tại địa phương cho lớp lớp các thế hệ.

Nước mắt, vinh quang và nỗi đau của những người mẹ

Trong 30 năm đằng đẵng chống Pháp và chống Mỹ, có hàng triệu người mẹ Việt Nam chung nỗi đau mất chồng, con. Có những người mẹ đã trở thành tượng đài bất tử như mẹ Thứ (xã Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), gia đình mẹ có tới 12 liệt sỹ, trong đó 9 con trai, 2 cháu ngoại và một người con rể, tất cả mãi mãi không về với mẹ. Mẹ Thứ là người mẹ có nhiều con cháu hy sinh nhất trong cả hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc kéo dài gần 30 năm.

Trên hành trình tri ân của báo Tuổi trẻ Thủ đô, chúng tôi đến thôn Đông Giang, xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, ở đây có một người mẹ 50 năm nay vẫn ôm vết thương lòng, đó là Mẹ Việt Nam anh hùng Đỗ Thị Điểm. Năm nay, mẹ Điểm đã 104 tuổi nhưng vẫn còn khỏe mạnh. Trong hồi ức của mẹ Điểm, hình bóng người con trai Nguyễn Xuân Khuê vẫn còn vẹn nguyên như khi mẹ tiễn lên đường ra trận. Anh hy sinh năm 1969 tại chiến trường Quảng Trị khi vừa tròn 20 tuổi.

Nước mắt, vinh quang và nỗi đau của những người mẹ Nước mắt, vinh quang và nỗi đau của những người mẹ Nước mắt, vinh quang và nỗi đau của những người mẹ
Mẹ Điểm vẫn minh mẫn, trò chuyện vui vẻ với các thành viên trong đoàn công tác báo Tuổi trẻ Thủ đô

Nỗi đau chưa dừng lại, năm 1985, mẹ Điểm lại tiếp tục nhận tin dữ khi con gái Nguyễn Thị Xuân bị dòng lũ hung tàn cuốn trôi trong lúc đang làm nhiệm vụ ở tuổi 25. Cả hai con của mẹ đều được Nhà nước truy tặng danh hiệu Liệt sỹ. Gắng gượng đứng lên để tiếp tục cuộc sống, mẹ Đỗ Thị Điểm đã được an ủi rất lớn khi nhận được sự quan tâm, chăm sóc của nhiều người con khắp mọi miền Tổ quốc. Mẹ Điểm chia sẻ: "Hôm nay các con đến, mẹ rất vui mừng. Mẹ mất hai người con nhưng giờ đây, rất nhiều con đã đến thăm mẹ. Đó là niềm an ủi rất lớn với mẹ lúc xế chiều".

Có lẽ mỗi người mẹ như mẹ Điểm, mẹ Diệu là một câu chuyện cuộc đời riêng, nhưng đó cũng là câu chuyện của hàng triệu gia đình Việt Nam. Trong khúc khải hoàn ca chiến thắng, có máu và nước mắt của gần 140.000 Mẹ Việt Nam anh hùng trong cả nước, những hậu phương vững chắc để chồng, con mình hoạt động cách mạng. Nỗi đau và nước mắt của những Mẹ Việt Nam anh hùng không đo bằng năm tháng, mà đã đo bằng cả cuộc đời.

Bước vào thời bình, vượt qua nỗi đau mất mát, những người Mẹ Việt Nam anh hùng lại tiếp tục cống hiến cho các hoạt động xã hội vì cộng đồng. Mẹ Việt Nam anh hùng đã thực sự trở thành một tượng đài trong lòng dân tộc, là tấm gương sáng cho các thế hệ noi theo.

Với lòng biết ơn và đạo lý uống nước nhớ nguồn, Đảng và Nhà nước ta đã sớm có chủ trương phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng từ năm 1994 với sự ra đời của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà Mẹ Việt Nam anh hùng". Những năm qua, bên cạnh các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, toàn xã hội cũng luôn thể hiện lòng biết ơn bằng những việc làm thiết thực, từ những phong trào "Áo lụa tặng bà" của các cháu thiếu nhi cả nước, phong trào "Tấm chăn tặng mẹ"" của các tổ chức, đoàn thể xã hội đến việc xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà tình nghĩa, sổ tiết kiệm tình nghĩa, đăng ký chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời những Mẹ Việt Nam anh hùng. Đóng góp một phần nhỏ của mình vào công tác an sinh xã hội, với tinh thần Hà Nội vì cả nước, báo Tuổi trẻ Thủ đô cũng liên tục thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa hướng đến những gia đình chính sách, người có công, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn...

"Các chương trình an sinh là hoạt động thường niên của Báo trong nhiều năm qua. Tới đây, chúng tôi sẽ triển khai thêm nhiều hoạt động hơn nữa tại nhiều khu vực không chỉ là miền Trung mà hướng đến nhiều tỉnh thành khác trên cả nước. Đối với Báo Tuổi trẻ Thủ đô, ngoài nhiệm vụ thực hiện chuyên môn, chúng tôi luôn quan tâm tới hoạt động giáo dục lòng yêu nước, tinh thần uống nước nhớ nguồn của các bạn trẻ. Chính vì vậy, trong chương trình công tác của đoàn dịp này cũng là một trong những hoạt động như vậy", đồng chí Ngô Vương Tuấn - Phó Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ Thủ đô chia sẻ.

Nước mắt, vinh quang và nỗi đau của những người mẹ Nước mắt, vinh quang và nỗi đau của những người mẹ
Nước mắt, vinh quang và nỗi đau của những người mẹ Nước mắt, vinh quang và nỗi đau của những người mẹ
Các hoạt động an sinh xã hội được báo Tuổi trẻ Thủ đô tổ chức thường xuyên tại nhiều tỉnh thành trên cả nước

Trên cả nước có gần 140.000 Mẹ Việt Nam anh hùng được phong tặng, đến nay chỉ còn hơn 4.900 mẹ còn sống. Ở bất cứ địa phương nào, phong trào nhận phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam anh hùng cũng được đông đảo người dân hưởng ứng. Tất cả các Bà Mẹ Việt Nam anh hùng trong cả nước đều đã được các cá nhân, đơn vị nhận phụng dưỡng thăm nuôi, chăm sóc khi các mẹ ốm đau với phương châm con của các mẹ đã hy sinh vì Tổ quốc thì mẹ trở thành "mẹ của tất cả".

Trong chuyến công tác tại Quảng Bình, đồng chí Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh: "Những việc làm có ý nghĩa giáo dục như vậy sẽ hình thành trong mỗi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ ý thức trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, cũng như giữ gìn, đảm bảo an ninh trật tự xã hội để góp phần thiết thực vào việc phát triển kinh tế xã hội. Việc làm này được tiến hành thường xuyên chứ không phải chỉ là nhân một dịp nào đó như dịp 27/7, mà dần dần trở thành hoạt động mang tính tự nguyện, tự thân, góp phần hình thành nên nét đẹp văn hóa, hình thành nên nhân cách của con người Việt Nam, của người Hà Nội và nhất là định hướng lối sống, dung dưỡng lòng biết ơn, tinh thần nhân ái cho thế hệ trẻ."

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền địa phương và Nhân dân đã làm hết sức mình, dành sự quan tâm lớn nhất cả về vật chất và tình cảm để chăm lo phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, phần nào bù đắp hy sinh của các mẹ cho quê hương, đất nước.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng những đau thương, những mất mát lớn lao vẫn còn đọng lại trong tâm trí của mỗi người chúng ta, nhất là với các Mẹ Việt Nam anh hùng, những người từng hơn "Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ". Sự hy sinh cao cả, kiên trung của các mẹ chính là tấm gương sáng ngời chủ nghĩa Anh hùng cách mạng cho các thế hệ mai sau, đời đời ghi ơn tri ân và biết ơn sâu sắc.

Những ngày tháng 7 lịch sử này, mỗi người con của đất mẹ Việt Nam đều sống chậm lại, sâu lắng hơn để chiêm nghiệm về lòng biết ơn, đức hy sinh, về lẽ sống và sự cống hiến mà các Mẹ Việt Nam anh hùng chính là những biểu tượng sống. Từ trong sâu thẳm mỗi người con, những người mẹ nhân hậu, tần tảo, thầm lặng "chắt đau thương" thành "nhựa sống" cho đời dù trong chiến tranh hay trong thời đại hôm nay luôn là những hình ảnh thân thương và đẹp nhất.

Bài viết: Phạm Mạnh

Nước mắt, vinh quang và nỗi đau của những người mẹ

Phạm Mạnh