Phát huy liên kết "4 nhà" trong xử lý chất thải, bảo vệ môi trường nông thôn
Cùng dự có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu, đại diện nhiều sở, ngành.
Hội thảo liên kết “4 nhà” về xử lý nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, chất thải làng nghề, rác thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội |
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu, Hà Nội có diện tích đất sản xuất nông, lâm nghiệp lớn với dân số làm nông nghiệp trên 4 triệu người, chiếm trên 60% lực lượng lao động toàn TP. Nông nghiệp, nông thôn có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô.
Quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn, liên tục trong nhiều nhiệm kỳ qua, Ban Chấp hành Đảng bộ TP xác định “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân” là một trong những chương trình công tác trọng tâm của Thành ủy.
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, HĐND, UBND TP, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và sự tham gia ủng hộ của Nhân dân, xây dựng nông thôn mới thu được kết quả toàn diện, nổi bật. Đến cuối năm 2020, dự kiến có 10 huyện và 371 xã đạt chuẩn Nông thôn mới (đạt tỷ lệ 96,1%), hoàn thành trước hạn 2 năm mục tiêu đề ra, đứng đầu cả nước về số xã đạt chuẩn Nông thôn mới, với nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế, tồn tại cần khắc phục, trong đó có vấn đề bảo vệ môi trường, xử lý nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, chất thải làng nghề, rác thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn.
Hội thảo đã đánh giá thực trạng tình hình nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, chất thải làng nghề, rác thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn; Trưng bày, giới thiệu những thành tựu nghiên cứu khoa học và ứng dụng, tiến bộ khoa học kỹ thuật mới về ứng dụng công nghệ trong xử lý môi trường đã và đang được triển khai trên địa bàn Hà Nội.
Từ đó, TP đề ra các giải pháp tổ chức thực hiện đối với từng lĩnh vực đảm bảo hiệu quả; Tập trung vào vấn đề môi trường, mang tính cấp thiết, quyết định quan trọng tới việc nâng cao chất lượng cuộc sống Nhân dân và phát triển kinh tế nông thôn bền vững.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, toàn TP hiện có 1.350 làng có nghề, trong đó 309 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc 23 quận, huyện và thị xã.
Đáng chú ý, kết quả điều tra, khảo sát, lấy mẫu và phân tích nguồn nước tại 292 làng nghề trên địa bàn Hà Nội từ năm 2017 - 2020 cho thấy, 139 làng nghề hiện đang bị ô nhiễm nghiêm trọng (chiếm 47,6%). Bên cạnh đó, 95 làng nghề ô nhiễm (chiếm 32,5%), có 58 làng nghề không ô nhiễm về nguồn nước (chiếm 19,9%). Tỷ lệ nước thải làng nghề được thu gom xử lý chỉ chiếm khoảng 5,2%.
Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, về nước thải, Hà Nội có 3 nguồn ô nhiễm chính là nước thải từ các cụm công nghiệp, làng nghề, nước thải trong chăn nuôi, nước thải sinh hoạt.
Thành phố hiện có có 6 trạm, nhà máy xử lý nước thải (trong đó: 5 trạm, nhà máy xử lý nước thải nằm trong khu vực nội đô: Kim Liên, Trúc Bạch, hồ Bảy Mẫu, Yên Sở, Hồ Tây; 1 nhà máy xử lý nước thải nằm ở khu vực ngoại thành: Bắc Thăng Long - Vân Trì. Tổng công suất thiết kế của các nhà máy xử lý nước thải của thành phố đạt 276.300 m3/ngày đêm); Có 2 khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung là Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn, Sóc Sơn và Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì tiếp nhận xử lý rác thải sinh hoạt từ địa bàn quận, huyện, thị xã.
Hiện nay, thành phố đang tiếp tục triển khai thực hiện các dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải để đáp ứng lượng rác thải ngày càng lớn trong thời gian tới.
Tại Hội thảo, đồng chí Chu Phú Mỹ kiến nghị các Bộ tiếp tục nghiên cứu xây dựng các cơ chế chính sách cụ thể, dễ thực hiện để phát triển sản xuất (nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, du lịch dịch vụ...) thân thiện với môi trường, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên.
Đồng thời, đồng chí Chu Phú Mỹ kiến nghị thành phố ban hành các chính sách về đầu tư, quản lý và vận hành các hệ thống xử lý môi trường nông thôn; Bố trí nguồn lực đầu tư cho công tác môi trường, tập trung vào hạ tầng, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, công tác duy trì và quản lý cho khu vực nông thôn; Phân công trách nhiệm và phân cấp hợp lý, tăng cường trách nhiệm cho cơ quan quản lý môi trường các cấp trong hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, hỗ trợ các địa phương; Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch trong cụm công nghiệp làng nghề và chăn nuôi tập trung xa khu dân cư; Đầu tư và quản lý theo quy hoạch...