eMag azine
17/07/2024 20:28
Quà tặng "kể chuyện" văn hóa Hà Nội

17/07/2024 20:28

TTTĐ - Những sản phẩm quà tặng của họ làm ra không chỉ mang lại nguồn thu nhập, thích ứng với thời hiện đại, phát triển ngành công nghiệp văn hóa, mà còn mang theo những câu chuyện của Hà Nội đến muôn phương.
Quà tặng “kể chuyện” văn hoá Hà Nội

Quà tặng "kể chuyện" văn hóa Hà Nội

Ở mỗi làng nghề, các nghệ nhân, chủ cơ sở sản xuất sản phẩm du lịch làng nghề đã nỗ lực tìm hướng đi mới để tạo ra sức hấp dẫn cho sản phẩm, trong đó có việc xây dựng dòng sản phẩm quà tặng không lẫn với các nơi khác.

Những sản phẩm thủ công mà họ làm ra không chỉ mang lại nguồn thu nhập, thích ứng với thời hiện đại, phát triển ngành công nghiệp văn hóa, mà còn mang theo những câu chuyện của Hà Nội đến muôn phương.

Bài 1: Tinh tế nón lá Vĩnh Thịnh

Từ những vật liệu nông nghiệp giản dị, thân thuộc như tre, lá, người dân thôn Vĩnh Thịnh, xã Đại Áng, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội đã “thổi hồn” thành chiếc nón lá thơ mộng. Nón lá vừa giữ nguyên đặc trưng truyền thống, vừa phát triển tính thẩm mỹ cao, trở thành những sản phẩm văn hoá độc đáo, tinh tế; quà tặng du lịch hấp dẫn.

Gửi hồn vào những chiếc nón lá

Nông dân ruộng đất bề bề, cũng nên có lấy cái nghề trong tay. Câu nói từ ngàn xưa đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Theo chị Nguyễn Thị Thúy (sinh năm 1985), Giám đốc Hợp tác xã Nón lá Vĩnh Thịnh, Đại Ánh, Thanh Trì, Hà Nội: Khi làng Vĩnh Thịnh được thừa hưởng từ ông cha nghề truyền thống làm nón, đến nay có trên 70% hộ gia đình ở đây vẫn đang làm nón, giúp cho toàn bộ lao động của thôn có thêm việc làm, thu nhập ổn định.

Bản thân chị Nguyễn Thị Thuý biết làm nón từ khi mới học lớp 3. Chị cho hay, nghề truyền thống này đã rất lâu đời, các cụ trong làng cũng không biết có từ khi nào. Còn với chị Thúy, ngay từ lúc bé đã được ông bà, bố mẹ dạy "thổi hồn" vào những chiếc nón lá.

Những chiếc nón lá Vĩnh Thịnh

Những chiếc nón lá Vĩnh Thịnh, xã Đại Áng, Thanh Trì trở thành sản phẩm quà tặng tinh tế, đặc trưng cho văn hóa Hà Nội, Việt Nam

Đến nay, chị Thúy trở thành Giám đốc Hợp tác xã Nón lá Vĩnh Thịnh. Nữ giám đốc chia sẻ: “Chúng tôi làm xong nón, thì có thương lái thu mua và xuất bán đi nhiều nơi khác. Hiện nay, một số hộ dân trong làng làm nhiều mẫu mã theo nhu cầu của khách du lịch như: Nón dây, nón nhỏ có kích thước từ 10 - 40cm”.

Các lao động lớn tuổi, nhỏ tuổi, tranh thủ thời gian nông nhàn, người lao động làm thêm trong các buổi tối, ngày nghỉ. Nghề truyền thống được lưu truyền bao đời, nên người dân trong làng đã có tay nghề làm nón rất chuyên nghiệp.

Quà tặng “kể chuyện” văn hoá Hà Nội

Chị Nguyễn Thị Thúy, Giám đốc Hợp tác xã Nón lá Vĩnh Thịnh, Đại Ánh, Thanh Trì, Hà Nội giới thiệu nón lá Vĩnh Thịnh tới bạn bè và du khách

Những chiếc nón làm ra được nhiều khách hàng đánh giá cao về mẫu mã và chất lượng, đặc biệt là các dòng sản phẩm nón nghệ thuật thêu hoa, nón vẽ được đăng ký nhãn hiệu độc quyền được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận. Năm 2020, làng nghề Nón lá Vĩnh Thịnh đã được thành Hà Nội cấp bằng công nhận “Làng nghề truyền thống Nón lá Vĩnh Thịnh” và là sản phẩm OCOP 4 sao của thành phố.

“Với sự vận động của xã hội, thời đại hội nhập, Hợp tác xã Nón lá Vĩnh Thịnh đã có nhiều nét đổi mới. Sản phẩm nón lá ở đây đa dạng, nhiều màu sắc hơn, từ sản phẩm truyền thống đến trang trí nội, ngoại thất, lễ hội được ưa chuộng. Chúng tôi sẽ tiếp tục giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa Thủ đô Hà Nội, dân tộc, đem hình ảnh chiếc nón lá bên tà áo dài, làm nên nét đặc trưng của đất nước hình chữ S nói chung và phụ nữ Việt Nói riêng tới bạn bè quốc tế”, nữ Giám đốc Nguyễn Thị Thúy chia sẻ.

“Quà tặng” kể chuyện văn hoá Hà NộiHình ảnh chiếc nón lá bên tà áo dài, tạo nên nét dịu dàng, duyên dáng của phụ nữ Hà Nội

Phát triển công nghiệp văn hóa từ sản phẩm thủ công

Làm nón cũng rất công phu, người làm nón phải dành nhiều thời gian để tạo ra được một sản phẩm hoàn thiện. Theo người dân ở Vĩnh Thịnh, trước tiên là công đoạn chọn nguyên liệu gồm lá cọ và giang, nứa. Những cây giang, cây nứa sau khi được chọn lọc kỹ, sẽ được ngâm khoảng một tháng trước lúc mang đi chẻ. Lá cọ cũng được vò với cát, rồi phơi nắng và làm phẳng. Như vậy, những chiếc nón làm ra sẽ tránh được mối mọt.

Thông thường, các công đoạn làm nón được phân chia rất rõ ràng cho từng thành phần lao động trong gia đình. Trẻ nhỏ và người già sẽ bóc lá. Người tuổi trung niên vót tre, chẻ nứa quấn vòng. Còn phụ nữ là những người khéo tay hơn, đồng thời cũng là lao động chính làm ra chiếc nón, có nhiệm vụ hoàn thiện khâu quan trọng cuối cùng đó là lợp và khâu nón.

Những lớp học đan nón
Các thế hệ nối tiếp nhau "giữ lửa" nghề làm nón lá Vĩnh Thịnh

Bạn Nguyễn Thị Thu Hiền (sinh năm 2000), trú tại thôn Vĩnh Thịnh, xã Đại Áng, huyện Thanh Trì, Hà Nội, nắm rõ và thành thạo các quy trình làm nón. Hiền đã truyền đạt lại kiến thức, kỹ năng làm nón lá cho các bạn trẻ, thanh thiếu niên trong làng...

Cô gái trẻ cho biết: Để làm ra một chiếc nón phải trải qua nhiều công đoạn phơi lá (phơi nắng và phơi ẩm), sấy lá, mở, là (ủi) lá, chọn lá, xây độn vành, chằm, cắt lá, nức vành, cắt chỉ, quang dầu… Mỗi công đoạn đều thể hiện sự kỳ công, cần mẫn và tinh tế của người làm nghề. Một người phải mất chừng 3 tiếng mới làm ra được một chiếc nón hoàn chỉnh.

“Quà tặng” kể chuyện văn hoá Hà Nội

Nón lá Vĩnh Thịnh hiện nay chủ yếu được bán cho tiểu thương và đưa đi phân phối tại những khu chợ đầu mối trong nước và xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Sản phẩm làng nghề này đã trở thành sản phẩm du lịch, phục vụ các đoàn khách trong nước, quốc tế đến tham quan, trải nghiệm các công đoạn làm nón.

Anh Darshan (người Ấn Độ) từng đến trải nghiệm du lịch, tham quan làm nón lá tại thôn Vĩnh Thịnh, chia sẻ: “Tôi rất ấn tượng với chiếc nón lá của người Việt Nam. Những ngày ở Hà Nội, tôi được trải nghiệm rất nhiều địa danh nổi tiếng, cũng như nhiều làng nghề, trong đó có làng nghề làm nón Vĩnh Thịnh và đã mua chục chiếc nón, mang về Ấn Độ. Tôi cho rằng, đây là một món quà tặng rất ấn tượng, tinh tế. Những người được tôi tặng nón lá này vui mừng, họ khen ngợi hết lời và cất giữ chiếc nón như một kỷ vật quý giá về Hà Nội, Việt Nam”.

Song hành với việc bảo tồn các giá trị truyền thống, người làm nón cũng chủ động tìm hiểu thị trường, sáng tạo nhiều mẫu mã, kích thước nón lá theo nhu cầu sử dụng và thị hiếu khách hàng. Nón lá Vĩnh Thịnh không chỉ là vật dụng che mưa, che nắng mà còn mang vẻ đẹp nghệ thuật, là vật trang trí và phục vụ phát triển du lịch, ngành Công nghiệp văn hóa của Thủ đô nói riêng và Việt Nam nói chung.

“Quà tặng” kể chuyện văn hoá Hà Nội Nón lá không chỉ là một sản phẩm thủ công mỹ nghệ, mà còn là niềm tự hào của người Việt Nam

Đặc biệt, sản phẩm nón lá là biểu tượng vẻ đẹp duyên dáng, mộc mạc của người phụ nữ Việt, gắn liền với đời sống văn hóa tinh thần; trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm thơ ca và âm nhạc, biểu hiện nét duyên dáng trong văn hóa truyền thống dân tộc. Với sự tinh tế trong cách làm và ý nghĩa văn hóa sâu sắc, nón lá không chỉ là một sản phẩm thủ công mỹ nghệ mà còn là niềm tự hào của người Việt Nam.

Hiện nay, công nghệ thông tin phát triển, đại đa số người dân đều tham gia công nghệ số, với những trang bán hàng online. Từ đó đã có nhiều đơn hàng được đặt qua nền tảng số, mạng xã hội, kết hợp với mua bán truyền thống, đơn đặt hàng qua các hội chợ, triển lãm, qua khu trưng bày sản phẩm của làng, giúp cho đầu ra của nón lá Vĩnh Thịnh luôn ổn định. Thu nhập bình quân đầu người hàng năm ở Vĩnh Thịnh tăng đáng kể. Đời sống Nhân dân ngày càng phát triển.

Quà tặng “kể chuyện” văn hoá Hà Nội

Anh Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Đoàn xã Đại Áng, huyện Thanh Trì cho hay: "Việc giữ gìn làng nghề như một phần trong định hướng, quy hoạch phát triển “Du lịch sinh thái làng nghề truyền thống - làng Khoa bảng” của xã. Theo đó, nón lá Vĩnh Thịnh, Đại Áng được giới thiệu và quảng bá trở thành một sản phẩm du lịch, tiến tới có thể vươn ra thị trường quốc tế theo đường chính ngạch.

Thôn Vĩnh Thịnh được đầu tư khu trưng bày sản phẩm làng nghề, là nơi giới thiệu nón lá, các quy trình làm ra chiếc nón. Tại đây đã đón nhiều đoàn khách đến tham quan, chụp ảnh lưu niệm, trải nghiệm làm nghề và mua sản phẩm. Có cả những đơn vị có nghề làm nón cũng tới giao lưu, học hỏi những kinh nghiệm của làng và trao đổi kinh nghiệm, để các làng nghề cùng phát triển".

Quà tặng “kể chuyện” văn hoá Hà Nội

Nhiều người cho rằng, có một món quà lưu niệm mang tính chất biểu trưng của Thủ đô là điều mong mỏi của giới lữ hành từ rất lâu. Bởi nó không chỉ mang tới lợi nhuận về kinh tế mà còn mang tới lợi nhuận quảng bá hình ảnh Việt Nam trên thế giới.

Hiện nay, vì sản phẩm lưu niệm không mấy hút du khách nên khách du lịch ít chi tiêu về khoản này. Trên thực tế, số tiền khách quốc tế chi tiêu tại Việt Nam vẫn còn quá thấp, trung bình 132.6 USD/ngày, trong khi ở các nước khác con số này là khoảng 1.500 USD/ngày, gấp hơn 10 lần.

(Còn nữa)

Bài viết: Lê Dung

Trình bày: Bình Minh

Lê Dung