Ra mắt sách du kí về hành trình xuyên Ấn của cô gái 9X
Bìa cuốn sách "Mumbai và những chuyến tàu đêm"
Bài liên quan
Nhà xuất bản Phụ nữ "xả kho" dịp 8/3
Thú vị với "30 năm Thơ" và "30 năm Truyện ngắn" trên Nhân Dân cuối tuần
Xuất bản tác phẩm lừng danh của nhà văn Balzac
Ra mắt bộ sách đầy xúc cảm trên hành trình dọc đất nước mùa Xuân
Cuốn sách có tựa đề: "Mumbai và những chuyến tàu đêm" do Hà Trần (Bút danh: Hasu Tran), sinh năm 1993, thực hiện trong suốt ba năm, dưới hình thức một cuốn nhật kí hành trình.
Sách gồm hai phần chính, Phần I - "Nhật kí Mumbai" xoay quanh cuộc sống của cô gái 22 tuổi khi mới đặt chân đến Mumbai, Ấn Độ từ năm 2015. Những bỡ ngỡ đầu đời, những trải nghiệm khi hoà nhập với cuộc sống, môi trường làm việc nơi đây, bắt đầu từ vị trí một nhân viên kinh doanh tập sự.
Phần II - "Cô gái trên những chuyến tàu đêm xứ Ấn", kể về hành trình Hasu Tran một mình một ba lô đến khắp các vùng miền trên xứ Ấn, khám phá vẻ đẹp thiên nhiên, cuộc sống và những giá trị văn hóa, lịch sử, tôn giáo.
Hasu Tran sang Ấn Độ theo chương trình Nhân tài toàn cầu (Global Talent) của tổ chức AIESEC (viết tắt của cụm từ “International Association of Students in Economic and Commercial Sciences” - “Tổ chức Quốc tế của Sinh viên Ngành Khoa học Kinh tế và Thương mại”).
Đây là tổ chức thanh niên độc lập phi lợi nhuận dành cho sinh viên được thành lập vào năm 1948 với hơn 70.000 thành viên, tại hơn 2.400 trường đại học ở 126 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhằm mục tiêu phát triển năng lực lãnh đạo cho thế hệ trẻ thông qua những chương trình trao đổi sinh viên quốc tế.
Lần đầu đặt chân đến Ấn Độ, cô gái trẻ không tránh khỏi những khó khăn, vấp váp, đối diện những “cú shock” văn hóa, phải học cách làm quen với thời tiết, môi trường, điều kiện sống, ẩm thực, văn hóa, con người và cả những rung động… Cuốn sách đã phần nào hé lộ góc nhìn chân thực về cuộc sống của một “công dân toàn cầu”, khi phải rời xa gia đình, xa môi trường quen thuộc để đến sống ở một vùng đất mới. Đó không phải là một giấc mơ màu hồng mà thực sự là những thử thách khắc nghiệt.
Sau tất cả, cô gái trẻ đã chọn hiểu để yêu và gắn bó với vùng đất này. Chính tình yêu thương, sự giúp đỡ của những người bạn, người đồng nghiệp và gia đình cô may mắn gặp gỡ, đã giúp Hasu Tran vượt qua khó khăn, dần vững vàng và trưởng thành. Để vị masala, hương thơm của trà chai, chiếc sari, và những biểu tượng văn hoá Ấn Độ... từ xa lạ hóa thành thân thuộc, để Ấn Độ thực sự trở thành một “quê nhà thứ hai” trong trái tim Hasu Tran mỗi khi nhớ về.
Khi hoàn thành chương trình thực tập, Hasu Tran quay về Việt Nam. Nhưng mối duyên của cô với Ấn Độ không kết thúc ở đó. Sau nhiều biến cố, năm 2017, Hasu Tran có một quyết định táo bạo, một mình trở lại Ấn Độ, và lần này với một tâm thế khác.
Trên những chuyến tàu xuyên màn đêm, với những hành trình không lên kế hoạch trước, cô gái trẻ đã rong ruổi khắp những nẻo đường xứ Ấn, đi để tìm lại chính mình, “Tôi thà làm cánh chim hoang dã nhưng tự do còn hơn một con sơn ca bị nhốt trong lồng gỗ quý. Tôi thà sống một kiếp người phiêu bạc nhưng hạnh phúc còn hơn sống đời ở một chỗ bám rong rêu”.
Không chỉ là một cuốn nhật kí hành trình, Mumbai và những chuyến tàu đêm đã khắc họa bức tranh sống động vể một Ấn Độ mang vẻ đẹp huyền bí, vừa cổ xưa, vừa hiện đại, tràn ngập sức sống qua đôi mắt của cô gái thuộc thế hệ millennials Việt Nam, với một tuổi trẻ khát khao sống, đi và trải nghiệm. Những trang nhật kí được ghi lại trên những chuyến tàu của tuổi trẻ như muốn nói với chúng ta rằng, ai rồi cũng sẽ tìm thấy chính mình, dẫu là trên đường dài vạn dặm.
Tác giả Hà Trần (bút danh: Hasu Tran) sinh năm 1993 - Cung Thiên Bình
• Cử nhân Kinh tế học, Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh
• Đã tham dự các chương trình của tổ chức AIESEC:
- Công dân toàn cầu (Global Citizen), Dự án Sawasdee, Thái Lan, 2015
- Đại sứ công dân toàn cầu (Global Citizen Ambassador), AIESEC FTU HCMC, 2015
- Nhân tài toàn cầu (Global Talent), Dự án Phát triển thị trường, Ấn Độ, 2016