![]() |
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ diễn ra. Đây là kỳ thi đầu tiên được tổ chức thi theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Theo đó, quy chế thi, đặc biệt về hình thức và nội dung thi có nhiều đổi mới. Hiện nay, các trường THPT trên địa bàn Thủ đô đang khẩn trương, tận dụng tối đa thời gian để vừa tổ chức dạy học bảo đảm theo khung kế hoạch thời gian năm học, vừa tổ chức ôn tập, bổ trợ kiến thức cho học sinh, giúp các em sẵn sàng bước vào kỳ thi với sự tự tin cao nhất.
Video sĩ tử và chuyên gia chia sẻ các ôn tập trước kỳ thi
![]() |
Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với điểm khác biệt là thiên về đánh giá năng lực người học thay vì đánh giá kiến thức và kỹ năng như những kỳ thi trước. Bên cạnh đó, để có hành lang pháp lý cho tổ chức kỳ thi với mục đích xét tốt nghiệp, đánh giá việc dạy và học diện rộng trong cả nước và phục vụ mục đích tuyển sinh đại học, cao đẳng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chính thức ban hành Thông tư số 24 ngày 24/12/2024 về Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Theo đó, thí sinh thi bắt buộc 2 môn Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ. Môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận. Các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm.
Trước sự thay đổi đó, ngành Giáo dục đã chỉ đạo các nhà trường triển khai nhiều giải pháp, nhất là công tác tổ chức phương án dạy học, ôn luyện theo hướng bám sát đề thi minh họa; phân loại đối tượng học sinh để tổ chức ôn thi đạt hiệu quả; đồng thời tích cực tổ chức thi khảo sát cho học sinh khối 12...
![]() |
Chuyên viên cao cấp Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT Hoàng Thúy Nga cho biết: Các quy định thay đổi về mặt kỹ thuật nhằm đảm bảo tốt hơn về quyền lợi của các em và công bằng trong công tác tuyển sinh năm nay. Bà Nga lưu ý, thời gian này các em cần tập trung ôn tập để có kết quả thi tốt nhất. Bên cạnh đó, các trường có nhiều phương thức xét tuyển khác nhau, thí sinh cần tìm hiểu thật kỹ phương thức của ngôi trường mình mong muốn theo học; đánh giá năng lực bản thân để lựa chọn ngành nghề phù hợp.
Là lứa thí sinh đầu tiên theo chương trình 2018 nên nhiều học sinh bất ngờ khi đề thi được thiết kế theo hướng đánh giá năng lực, tăng tính thực tiễn. Em Lê Thị Dung (lớp 10A8, trường THPT Thọ Xuân, huyện Đan Phượng) chia sẻ về phương pháp học tiếng Anh: "Em phải chăm chỉ học từ vựng cũng như kết hợp với phần ngữ pháp để học tốt. Mỗi ngày em sẽ học một lượng từ vựng nhất định. Em thấy có thể học bằng cách chia tờ giấy A4 ra 2 bên tiếng Việt và tiếng Anh sau đó lần lượt dịch từ 2 ngôn ngữ sau đó đảo ngược lại".
![]() |
ThS Nguyễn Văn Chung - Giám đốc Trung tâm luyện thi Tâm Chí Tài đưa ra lời khuyên với các sĩ tử: "Giai đoạn 10% cuối cùng này chính là "thời điểm vàng" để làm nên chuyện. Đây là lúc cần tắt Facebook, game... để toàn lực tập trung. Một vài bí kíp hiệu quả mà các sĩ tử nên bỏ túi gồm: Học theo sơ đồ tư duy để dễ nhớ, dễ hệ thống. rèn kỹ năng đọc hiểu nhanh, giải đề đúng khung thời gian; tập trung vào các dạng bài trọng tâm - ví dụ như môn Toán nên ôn kỹ các chuyên đề hàm số, tích phân, hình không gian...".
Nhà giáo Nguyễn Bội Quỳnh - Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) cho biết: Chỉ còn ít tuần nữa là kết thúc năm học. Như vậy, thời gian học chính khoá cũng như ôn tập không còn nhiều, cùng với đó khi thực hiện Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT ngày 30/12/2024 của Bộ GD&ĐT quy định về dạy thêm học thêm, nhà trường đã và đang triển khai ôn tập miễn phí cho học sinh lớp 12. Tuy nhiên, để khuyến khích giáo viên có thêm động lực tham gia các buổi dạy miễn phí, nhà trường đã cân đối nguồn lực, hỗ trợ kinh phí cho giáo viên.
Trong thời gian học chính khóa, nhà trường yêu cầu giáo viên tập trung nhiều vào ôn thi tốt nghiệp các bộ môn. Trong đó, trọng tâm là nâng cao chất lượng các buổi học, vận dụng kiến thức vào giải quyết những vấn đề thực tiễn, kỹ năng giải đề theo đề tham khảo của Bộ GD&ĐT; sắp xếp, phân hóa học sinh theo từng nhóm môn để có phương pháp ôn tập phù hợp; hướng dẫn, giao nhiệm vụ cho học sinh tự ôn tập ở nhà; đồng thời phối hợp gia đình học sinh trong việc quản lý, hỗ trợ học tập cho các em. Cùng với đó, các nhà trường tổ chức sinh hoạt chuyên môn liên trường để trao đổi về chuyên môn, tài liệu về ôn thi tốt nghiệp; tổ chức cho học sinh tham gia các kỳ thi khảo sát lớp 12 để có sự điều chỉnh, bồi dưỡng, bổ sung kiến thức và kỹ năng làm bài.
![]() |
![]() |
Qua nắm bắt, thời điểm này, các trường THPT đều đảm bảo được khối lượng kiến thức cần thiết. Nhất là khi Thông tư 29 có hiệu lực từ ngày 14/2, các trường THPT đã tiến hành phân hóa lại các lớp, vận động giáo viên hỗ trợ ôn tập miễn phí cho học sinh... giúp học sinh tự tin bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đạt kết quả cao nhất.
![]() |
Năm nay, Hà Nội là địa phương có số lượng thí sinh dự thi đông nhất cả nước với khoảng 126.000 thí sinh, tăng trên 15.000 học sinh so với năm 2024. Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, nắm bắt những thay đổi của quy chế thi tốt nghiệp, ngành GD&ĐT thành phố đã có sự chuẩn bị từ sớm và kỹ lưỡng.
Ngay sau khi Bộ GD&ĐT ban hành định dạng cấu trúc đề thi, đề thi tham khảo cho tất cả các môn thi tốt nghiệp, Sở GD&ĐT đã tổ chức tập huấn cho 100% cán bộ quản lý, giáo viên về phân tích ma trận, đặc tả đề tham khảo; tập huấn kỹ thuật biên tập câu hỏi kiểm tra đánh giá, câu hỏi thi theo dạng thức mới của Bộ GD&ĐT; hướng dẫn xây dựng ma trận, đặc tả bài kiểm tra định kỳ (giữa kỳ, cuối kỳ); tổ chức tốt các Kỳ thi khảo sát chất lượng học sinh lớp 12 THPT; phân tích kỹ kết quả khảo sát theo môn thi, đánh giá theo đơn vị trường, cơ sở giáo dục thường xuyên.
![]() |
Thí sinh chuẩn bị thi tốt nghiệp tại Trường THPT Việt Đức |
Thực hiện Thông tư 29, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các nhà trường, các cơ sở giáo dục thực hiện dạy học chính khóa đầy đủ, nghiêm túc chương trình môn học theo quy định; không cắt xén chương trình, nâng cao chất lượng giờ học chính khóa đặc biệt đối với các môn thi tốt nghiệp; kiểm tra đánh giá học sinh cần dựa vào các yêu cầu cần đạt của chương trình, nhất là các năng lực đặc thù của môn học.
Với mục tiêu hỗ trợ học sinh yếu mà không tạo cảm giác kỳ thị hay quá tải, Trường THPT Việt Đức triển khai mô hình "lớp học tăng cường" sau các kỳ kiểm tra. "Học sinh chỉ tham gia khi thật sự cần và có thể rút ra nếu kết quả cải thiện. Chúng tôi muốn khơi gợi động lực, không tạo áp lực lớn cho các em tại thời điểm này", cô Nguyễn Bội Quỳnh nhấn mạnh.
Ngoài các lớp tăng cường, trường THPT Việt Đức đã tổ chức 6 đợt thi thử để học sinh làm quen với dạng đề mới bao gồm ba loại câu hỏi: Trắc nghiệm chọn đáp án đúng, đúng - sai và điền khuyết. Việc tập dượt nghiêm túc giúp học sinh bớt bỡ ngỡ khi bước vào kỳ thi thật.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 26 và 27/6. Để tham dự kỳ thi, các thí sinh lớp 12 năm học 2024 - 2025 đăng ký trực tuyến bằng tài khoản và mật khẩu do nhà trường cấp; thí sinh tự do đăng ký trực tuyến bằng tài khoản VNeID qua Cổng dịch vụ công quốc gia. Với sự chuẩn bị chu đáo của ngành Giáo dục, sự nỗ lực, cố gắng của các thầy cô giáo và quyết tâm của các em học sinh, kỳ vọng kỳ thi sẽ diễn ra an toàn, chất lượng và đạt kết quả cao.
Bài viết: Phạm Mạnh |
![]() |