Bước vào kỳ thi lớp 10 công lập, các sĩ tử tại Hà Nội đã sẵn sàng và không ngừng nỗ lực để có thể đỗ vào ngôi trường mơ ước của mình. Mọi nỗ lực học tập sẽ đều được phản ánh chân thực nhất qua kỳ thi tuyển sinh này.
Kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập năm học 2023 - 2024 ở Hà Nội được tổ chức với 3 môn gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ. Thời gian diễn ra kỳ thi là hai ngày 10 và 11/6. Theo đó, hơn 110.000 thí sinh tham gia kỳ thi, song chỉ có khoảng 72.000 suất vào lớp 10 công lập. Đây là năm có tỷ lệ chọi vào lớp 10 cao kỷ lục ở Hà Nội trong nhiều năm qua.
Căn cứ vào số lượng học sinh đăng ký dự tuyển và chỉ tiêu được giao, học sinh có thể biết được tỷ lệ chọi vào lớp 10 của từng trường THPT để đăng ký nguyện vọng và sẽ không được thay đổi nguyện vọng dự tuyển.
Chị Trang (quận Cầu Giấy, Hà Nội) có con trai năm nay thi vào lớp 10, chia sẻ những khó khăn chung của khối 9 năm nay, khi thời gian học online quá dài và khi mới trở lại học trực tiếp, các bạn lớp 9 đã bước vào kỳ thi chuyển cấp quan trọng.
"Sau 3 năm học online do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhìn chung các con đều gặp nhiều khó khăn khi trở lại trường học trực tiếp. Các thầy cô và các phụ huynh không chỉ quan tâm, động viên các con mà cũng động viên lẫn nhau, cùng các con cố gắng hết sức chuẩn bị cho kỳ thi chuyển cấp quan trọng này", chị Trang nói.
Thực tế, khi đồng hành cùng các con, các bậc phụ huynh biết rằng, năm nay số lượng thí sinh thi lớp 10 rất lớn, tỷ lệ chọi vào trường công (không chuyên) cao, nên những căng thẳng sẽ không tránh khỏi. Theo chị Trà, đôi khi phụ huynh còn căng thẳng, thầy cô lo lắng hơn là các con. Do vậy, từ thầy cô Hiệu trưởng đến giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn, đều quan tâm sát sao đến kỳ thi chuyển cấp của học sinh. Đến gần ngày thi, học sinh được tổ chức ôn tập theo nhóm trình độ để đảm bảo tiếp thu tốt nhất.
Chị Trang cho biết: "Trước khi thi mấy hôm, mình cũng dặn con ngủ nhiều một chút, ăn những món ăn mà con thích. Mẹ nghĩ là thư thái để có tâm trạng tốt nhất làm bài thi, sau đó là kiểm tra lại những kiến thức đã học xem cần ôn lại cho chắc chắn".
Cùng quan điểm với chị Trang, chị Hoa (huyện Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ: "Nhà trường liên tục cho các con thi thử, cho làm các đề thi của địa phương khác, của năm trước để các con thử sức và lượng sức mình. Kết quả thi thử cũng phản ánh thực tế năng lực của các con.
Qua đó, gia đình, thầy cô tư vấn hỗ trợ con đăng ký trường phù hợp để giúp con thoải mái tâm lý và tự tin làm tốt bài thi. Bố mẹ xác định được năng lực của con mình đến đâu và lựa chọn trường công vừa sức thì các con sẽ không bị áp lực quá.
Các phụ huynh trong lớp cũng chia sẻ rằng các con đều không bị áp lực nhiều hay có vấn đề về tâm lý. Nhiều phụ huynh cũng chủ động tìm những phương án khác như trường tư và trường nghề. Đây là một hướng mở phù hợp".
Cũng có con gái tham gia kỳ thi lớp 10 năm nay, chị Quỳnh Mai lại chia sẻ câu chuyện về "ngôi trường mơ ước" của con. Đăng ký nguyện vọng 1 vào trường Kim Liên, con gái chị Mai đã không ngừng nỗ lực và cùng với sự ủng hộ của bố mẹ, thầy cô để có được sự tự tin 90% sẽ đỗ nguyện vọng 1 này.
"Con tự đặt thời gian biểu học tập và có khi là thức khuya để học. Quá trình đồng hành, gia đình thấy tin thần của con khá tốt và lấy nguyện vọng vào trường học mong muốn để nỗ lực. Đến nay con tự tin 80-90% đỗ nguyện vọng mong muốn", chị Mai chia sẻ.
Theo chị Mai, việc lựa chọn trường dựa trên mong muốn của con và tư vấn của gia đình, bên cạnh đó là sự động viên các thầy cô và bạn bè. Đợt thi chuyên vừa qua tại Hà Nội cũng là phép thử cho lựa chọn của nữ sinh này.
"Với đợt thi chuyên vừa qua, con cũng tham gia. Nhưng gia đình không đặt nặng mục tiêu đỗ chuyên, đây chỉ là kỳ thi giúp thử sức. Qua đó con có thể tự tin hơn với khả năng và lựa chọn của mình", chị Mai cho biết.
Chắp cánh cho ước mơ của những học trò nhỏ, các thầy cô giáo cũng nỗ lực hết mình để truyền dạy những kiến thức, và kinh nghiệm giúp các sĩ tử tự tin bước vào phòng thi.
Cô Nguyễn Thu Hiền, giáo viên dạy Văn trường THCS Đống Đa đưa ra lời khuyên: "Tất cả các thầy cô giáo đều sẽ đưa ra lời khuyên "không học tủ" bởi vì nội dung kiến thức dàn trải, đòi hỏi các con ôn tập toàn diện. Ôn tủ chỉ có xác suất may mắn và các con sẽ gặp khó trong kỳ thi. Khi trở lại trường học trực tiếp, các giáo viên ngay lập tức rà soát lại kiến thức của học sinh và bổ sung, tập trung ôn tập kiến thức để học sinh tự tin bước vào kỳ thi".
Cô Đào Thị Hồng Hạnh - Hiệu trưởng trường THCS Bế Văn Đàn (quận Đống Đa, Hà Nội) |
Cô Đào Thị Hồng Hạnh, hiệu trưởng trường THCS Bế Văn Đàn (Đống Đa, Hà Nội) cũng cho biết, qua quan sát gần 400 học sinh khối 9 tại trường, thì thấy các em có tâm lý khá thoải mái, chỉ một số ít lo lắng. Do đó, các thầy cô giáo đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm đã tham vấn tâm lý, động viên các em.
"Khối 9 ra trường năm nay bị ảnh hưởng lớn do dịch COVID-19, do đó Ban giám hiệu nhà trường cùng các thầy cô giáo đã thống nhất với các bậc phụ huynh xác định không áp lực và tạo tâm lý thoải mái nhất cho các em, hỗ trợ các em ôn tập kiến thức với phương châm vừa sức và hiệu quả. Sau giai đoạn "gia cố nền móng" chúng tôi bắt đầu cho học sinh luyện tập và làm các dạng bài thường gặp trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT. Đồng thời, các thầy cô hướng dẫn các em những kỹ năng khi làm bài để đạt được điểm cao nhất. Cùng với đó, tôi tin rằng sự động viên của cha mẹ và nỗ lực của chính bản thân các em học sinh sẽ sẵn sàng tâm thế bước vào cuộc thi và đạt kết quả tốt", cô Hạnh nói.
Cũng theo cô Hạnh, hiện nay, nhiều phụ huynh đã đồng tình và phối hợp với nhà trường trong công tác hướng nghiệp cho học sinh cuối cấp. Nhiều bậc cha mẹ đã có cái nhìn rộng mở về hướng đi của con đi sau tốt nghiệp THCS và không còn quan niệm rằng, con nhất quyết phải vào trường công, trường chuyên lớp chọn khi lên cấp THPT.
Một số cha mẹ hiểu năng lực của con, một số không muốn tạo áp lực cho con trong học tập và một số muốn cho con tự lựa chọn hướng đi và môi trường học phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của gia đình.
"Theo quan sát của nhà trường, có khoảng 10% các bậc phụ huynh muốn lựa chọn hướng đi khác so với hướng đi truyền thống", cô Hạnh cho biết.
Bài viết: Phạm Mạnh |