TTTĐ - Dịch Covid-19 kéo dài khiến nhiều người dân, người lao động bị ảnh hưởng nặng nề. Thấu hiểu tình cảnh đó, “Siêu thị mini 0 đồng” ra đời như một cách để thể hiện tình đoàn kết, sự sẻ chia, nghĩa đồng bào trong những ngày đại dịch. |
Khi TP Hồ Chí Minh bùng phát đợt dịch lần thứ 4, nhiều người dân sinh sống ở đây bắt đầu gặp khó khăn. Nhiều công nhân lao động bị mất việc làm hoặc tạm ngừng việc không hưởng lương, đặc biệt là các trường hợp nữ lao động đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi; lao động tự do mưu sinh như bán vé số, xe ôm, bán hàng lưu động, phụ hồ… Tất cả đều cần sự giúp đỡ thật nhanh chóng và thiết thực, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của người dân. Không cho phép chậm trễ, chỉ trong 3 tiếng đồng hồ, từ ý tưởng giúp đỡ bà con gặp khó khăn một cách nhanh nhất, “Siêu thị mini 0 đồng” đã thành hình hài và chuyển đến bà con miền Nam lương thực, thực phẩm thiết yếu. Theo chị Phạm Thúy Dung (Giám đốc Công ty PNJ miền Bắc), PNJ đã đưa ra tiêu chí của siêu thị theo "văn hoá của PNJ". Đó là “tận tâm phục vụ, làm việc cùng nhau, quan tâm cùng phát triển lợi ích cộng đồng, lợi ích của khách hàng luôn nằm trong lợi ích của PNJ”. Cũng vì phương châm đó nên trong giá trị nổi bật nhất của chuỗi siêu thị này, PNJ muốn mang đến sự trân quý, sự phục vụ, sự trao tặng, bất kể “khách hàng” là ai thì họ đều là “thuợng đế”, “của cho không bằng cách cho”. Quá trình ghi nhận hoạt động của chuỗi Siêu thị mini 0 đồng, chúng tôi nhận thấy, tất cả công tác vận hành được đưa ra một cách tối ưu nhất, tinh gọn nhất để tất cả nguồn hỗ trợ giúp được càng nhiều người người hưởng thụ càng tốt, mỗi người lại được nhận thêm nhiều “quà khuyến mại” để nâng cao hơn giá trị phần quà. |
Được biết, sau thành công của Siêu thị mini 0 đồng ở TP Hồ Chí Minh, PNJ dự kiến sẽ thực hiện một vài siêu thị khác ở miền Bắc với ngân sách trong khoảng 1,5 tỷ đồng. PNJ chọn Hà Nội để triển khai 2 - 3 siêu thị. Khi đó, TP Hà Nội vào cuối tháng 7, đầu tháng 8 - đang là cao điểm dịch. Điều đáng mừng là, sau khi thể hiện ý tưởng trên, PNJ nhận được sự sẻ chia và đồng hành cùng các anh chị là chủ doanh nghiệp cùng trong Câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ. Nhận thấy được ý nghĩa của hoạt động và mong muốn chung tay được giúp đỡ những người thực sự gặp khó khăn trong đại dịch, các doanh nghiệp trong câu lạc bộ đã ủng hộ cả tiền mặt và hàng hoá, do đó nguồn tài trợ đã tăng lên rất nhiều. Nhận thấy “sứ mệnh” lan toả ý tưởng của mình, PNJ đã nhận trách nhiệm tiếp tục xây dựng chuỗi vận hành siêu thị để nhiều bà con ở Hà Nội được nhận hàng hoá “0 đồng” theo đúng nhu cầu. |
Mỗi một vị khách của “Siêu thị mini 0 đồng” đều được phát trước một phiếu mua hàng trị giá 400 nghìn đồng. Các vị khách sẽ được lựa chọn bất cứ vật phẩm nào cần thiết cho sinh hoạt của mình; thậm chí được tặng thêm rau, xúc xích, lạc, miến, gạo… Tất cả đều không mất bất cứ khoản phí nào. Để đạt được mục tiêu càng có nhiều người dân ở Hà Nội gặp khó khăn trong dịch bệnh, được tặng phiếu mua hàng miễn phí ở “Siêu thị 0 đồng” như vậy, PNJ đề ra điều kiện cần và đủ là có một đội ngũ nhân viên vừa nhiệt tình, vừa đặt lợi ích của cộng đồng lên trên hết. |
Ngay từ khi đưa ra ý tưởng sẽ vận hành siêu thị tại Hà Nội, tư vấn viên PNJ gửi rất nhiều đơn tình nguyện tham gia chương trình. Các tư vấn viên do ảnh hưởng của dịch bệnh, phải tạm dừng công việc, không có thu nhập thêm và cuộc sống cũng bị ảnh hưởng nhiều nhưng với sức trẻ, sự nhiệt tình đã tình nguyện tham gia vào các khâu vận hành để mang đến siêu thị giá trị của sự phục vụ. Có rất nhiều nhân viên đã tham gia liên tục cả tháng trời. Những câu chuyện cả vợ, cả chồng đều muốn tình nguyện tham gia chương trình, dù người chồng không phải nhân viên PNJ nhưng hằng ngày hai vợ chồng vẫn đi 24km cả đi lẫn về để làm việc tại siêu thị hay nhân viên trẻ nhiệt tình sáng đến sớm, chiều hết ca về muộn rồi lại “chạy” đi nấu cơm phụ giúp nhóm từ thiện khác khiến những suất quà “0 đồng” càng trở nên ý nghĩa. Chị Phạm Thuý Dung, Giám đốc PNJ miền Bắc chia sẻ: “Tinh thần của đội ngũ PNJ là luôn luôn mỉm cười và phục vụ hết mình. Tôi đã nhận được những tâm sự của nhân viên như vậy, tôi thấy rất trân quý và không thể nói hết được những lời biết ơn về những tinh thần ấy của các bạn. Hơn 70 tình nguyện viên PNJ đã góp sức tích cực làm nên thành công của chương trình này”. |
"Chúng tôi rất tự hào khi PNJ là đơn vị đưa ra ý tưởng, khởi xướng và chuyển giao vận hành "Siêu thị mini 0 đồng" – chị Phạm Thuý Dung (Giám đốc Công ty PNJ miền Bắc) chia sẻ. Hành trình của Siêu thị mini 0 đồng từ miền Nam ra miền Bắc đã có trên 30 siêu thị ở TP Hồ Chí Minh, miền Tây, TP Đà Nẵng và Hà Nội. |
Để nhanh chóng giúp đỡ được nhiều người trong hành trình của "Siêu thị mini 0 đồng", PNJ quyết định sẽ chuyển giao việc vận hành cho các đơn vị trong Câu lạc bộ doanh nhân Sao đỏ để cùng lúc mở được nhiều siêu thị ở các quận nội thành và ngoại thành Hà Nội. Đây cũng chính là cách lấy sức mạnh của tập thể để lan toả, thực hiện nhanh nhất, kịp thời nhất đối với bà con đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh ở tất cả các khu vực. Việc chuyển giao được thực hiện bài bản từ xây dựng quy trình, mô hình vận hành, tiếp đón bà con cho đến quy trình vận hành trong siêu thị cũng như công tác thu mua hàng hoá hay trưng bày hàng hoá, song song với đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt, với vai trò là người đưa ý tưởng và lên quy trình vận hành, PNJ nhấn mạnh việc chuyển giao về chất lượng phục vụ, sự tận tâm đối với khách hàng. Theo đó, các doanh nghiệp tham gia chương trình đều được chuyển giao bộ quy trình chuẩn vận hành, được đào tạo, hỗ trợ trong quá trình chuyển giao và hướng dẫn cụ thể từ việc lựa chọn địa điểm tổ chức, phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng tình nguyện, khâu đón tiếp, đảm bảo phòng chống dịch, hướng dẫn “khách hàng” vào lựa chọn đồ và giúp đỡ người dân đến khi ra về. Thực tế ghi nhận tại các siêu thị thì việc nắm bắt nhu cầu người dân, lựa chọn hàng hoá để phù hợp với thực tiễn, đặc thù từng địa bàn nội thành và các huyện ngoại thành đã được chú ý ngay từ khi Siêu thị mini 0 đồng phối hợp với chính quyền. Nếu các quận nội thành cần nhiều nhu cầu về rau xanh, các sản phẩm tươi… thì các huyện ngoại thành lại được chú trọng hơn về sản phẩm khô, thời hạn sử dụng dài như mì chính, nước mắm, mì tôm… |
Đáng chú ý, bên cạnh những chuỗi “Siêu thị mini 0 đồng”, Ban Tổ chức còn triển khai thêm Website đặt hàng online để hỗ trợ các bạn sinh viên mắc kẹt trong các khu kí túc xá. Đặc biệt, các thành viên trong Ban Tổ chức còn trực tiếp đến tặng những suất quà bằng giá trị của phiếu mua hàng cho những người dân ở khu vực đặc thù như: “Xóm chạy thận”, “Xóm ngụ cư Bãi Giữa sông Hồng”... Tất cả những việc làm ý nghĩa trên đều nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của cấp uỷ, chính quyền địa phương, đặc biệt là mang lại niềm vui cho những người dân gặp khó khăn do đại dịch.
|
Hoa Thành - Phạm Mạnh Đồ hoạ: Phạm Mạnh |