Nhân dịp kỷ niệm 99 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, đồng chí Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã dành cho phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô những trao đổi quý báu về nghề báo và nhiệm vụ cốt lõi của báo chí Việt Nam trong thời gian tới.
PV: Đã 99 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập tờ “Thanh niên”, báo chí cách mạng Việt Nam đã trải qua chặng đường rất dài, đồng hành với nhiều sự kiện trọng đại của dân tộc. Sứ mệnh vinh quang của báo chí đã được khẳng định, có tác động trực tiếp đến sự nghiệp cách mạng trên tất cả các lĩnh vực, thậm chí làm thay đổi cả nhận thức và hành động của mỗi tập thể, cá nhân. Xin đồng chí chia sẻ về sứ mệnh của báo chí trong giai đoạn hiện nay?
Nhà báo Lê Quốc Minh trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô. |
Đồng chí Lê Quốc Minh: Báo chí cách mạng Việt Nam từ khi ra đời đến nay, sứ mệnh không thay đổi. Đó là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, Nhân dân; tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, là diễn đàn, tiếng nói phản biện của Nhân dân. Trong quá trình phát triển, trải qua rất nhiều giai đoạn, báo chí cách mạng Việt Nam vẫn kiên định với sứ mệnh này.
Trong bối cảnh hiện nay, các nhà báo, cơ quan báo chí đều có sự hỗ trợ của phương tiện, công nghệ hiện đại, cách thức làm có thể khác nhưng sứ mệnh vẫn không thay đổi và càng ngày càng được củng cố. Hơn bao giờ hết, báo chí cách mạng Việt Nam càng phải kiên định với sứ mệnh của mình, nỗ lực hơn nữa để nâng cao chất lượng và kéo người dùng trở lại với các kênh chính thống; tuyên truyền hiệu quả đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, cung cấp cho độc những thông tin hữu ích với cuộc sống cũng như công việc.
PV: Với sứ mệnh của mình, báo chí phải thể hiện khát vọng thế nào để góp phần xây dựng đất nước hùng cường, Nhân dân ấm no, hạnh phúc, thưa đồng chí?
Đồng chí Lê Quốc Minh: Nhiệm vụ của báo chí là sử dụng ngòi bút, hình ảnh, âm thanh truyền tải những nội dung theo đúng định hướng, mang tính chính thống, chính thức, chính xác. Tuy nhiên, các cơ quan báo chí cần phải đổi mới liên tục, bắt kịp với sự thay đổi của xã hội.
Hiện nay, công nghệ làm báo thay đổi nhanh chóng. Đặc biệt thói quen của người dùng cũng thay đổi rất nhanh. Độc giả bây giờ không chỉ tìm hiểu thông tin từ báo chí mà còn rất nhiều nguồn khác nhau. Trước kia, một cơ quan báo chí chỉ phải cạnh tranh với mấy chục, mấy trăm hoặc vài ngàn cơ quan báo chí trong nước và quốc tế nhưng bây giờ có khoảng 7 tỷ kênh thông tin trên internet. Những kênh thông tin đó cung cấp nội dung có thể không kiểm chứng được, thậm chí là sai lệch, tin giả.
Trong bối cảnh đó, làm sao các cơ quan báo chí vẫn kiên trì với định hướng của mình nhưng được tôi luyện bản lĩnh cũng như kĩ năng chuyên môn, công nghệ hiện đại, ngoại ngữ và nhiều kĩ năng khác trong kỉ nguyên số thì mới có thể duy trì được tính chính thống, chính thức của mình, giữ chân khán - thính - độc giả. Thậm chí nếu làm tốt, báo chí còn có thể đón chờ độc giả trên các nền tảng mới mà hiện nay chưa xuất hiện.
PV: Bản thân mỗi người làm báo phải thể hiện khát vọng của mình bằng những việc làm cụ thể nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Lê Quốc Minh: Chúng tôi nhận thấy có tình trạng không ít nhà báo nản chí, chuyển sang công tác khác hoặc tiếp tục làm báo thì thu mình lại trong “vùng an toàn”. Việc này không được hoan nghênh.
Nhiều tòa soạn vẫn đi theo cách làm truyền thống, vẫn biết lượng khán - thính - độc giả giảm sút nhưng không có biện pháp quyết liệt để thay đổi. Nhiều cơ quan báo chí biết cần phải chuyển đổi số, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức rất nhiều hội nghị, hội thảo về vấn đề này; bản thân các cơ quan báo chí cũng tìm hiểu rất nhiều nhưng đến giờ vẫn loay hoay chưa biết bắt đầu từ đâu.
Thời đại hiện nay nếu chậm chân đã là tụt hậu, còn đứng yên tại chỗ thì nguy cơ càng cao. Chúng tôi mong muốn các cơ quan báo chí và nhà báo phải luôn trui rèn bản lĩnh chính trị trong bối cảnh thông tin nhiễu loạn hiện nay và phải bồi dưỡng những kĩ năng làm báo hiện đại.
Hiện làm báo không chỉ là cầm cây bút, cuốn sổ, máy ảnh để đi lấy thông tin mà chúng ta phải biết sử dụng công nghệ hiện đại để thu thập, thẩm định thông tin; phải biết sử dụng những công cụ số để tạo ra nội dung hấp dẫn, sáng tạo.
Ngay cả câu chuyện chuyển đổi số, tất cả cán bộ, nhân viên của tòa soạn phải thấu hiểu chiến lược, con đường này thì việc chuyển đổi số mới thành công.
PV: Hướng tới 100 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, những năm vừa qua, báo chí cả nước đã và đang chuyển đổi số mạnh mẽ, đổi mới không ngừng để phù hợp xu thế thời đại. Xin đồng chí cho biết đánh giá của mình về chuyển đổi số báo chí hiện nay?
Đồng chí Lê Quốc Minh: Những năm qua, ngay cả trong đại dịch COVID-19, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức rất nhiều hội nghị, hội thảo cũng như các khóa đào tạo, huấn luyện về chuyển đổi số. Chúng tôi cũng đã chủ động mời chuyên gia trong và ngoài nước đến nói chuyện, chia sẻ tại các sự kiện đó.
Chúng tôi cũng phối hợp tổ chức các sự kiện mang tính quốc tế hoặc mời các Tổng Biên tập, lãnh đạo cơ quan báo chí cũng như phóng viên, biên tập viên tham dự các hội nghị, hội thảo quốc tế để nắm bắt về vấn đề này. Tuy nhiên, sau nhiều năm vẫn có một số lãnh đạo cơ quan báo chí quay trở lại hỏi: Chuyển đổi số phải bắt đầu từ đâu?
Vì vậy, ở góc độ Hội Nhà báo, chúng tôi cho rằng phải tiếp tục tổ chức hội nghị, hội thảo, các khóa đào tạo về chuyển đổi số để khơi thông tư duy, thực sự hiểu tầm quan trọng của chuyển đổi số.
Chúng tôi cũng nhấn mạnh nhiều lần, chuyển đổi số phải bắt nguồn từ nhu cầu tự thân của cơ quan báo chí chứ không phải là đòi hỏi của bất kì ai. Nếu không chuyển đổi số thì sẽ bị mất độc giả, khán thính giả. Đó là vấn đề mang tính sống còn với mỗi cơ quan báo chí.
Chủ tịch Hội Nhà Báo Việt Nam Lê Quốc Minh: Chuyển đổi số báo chí cần lấy độc giả là trung tâm |
PV: Đồng chí đánh giá như thế nào về vai trò của người đứng đầu cơ quan báo chí trong thực hiện chuyển đổi số? Theo đồng chí, mỗi người làm báo cần có thay đổi gì để đáp ứng yêu cầu của công cuộc chuyển đổi số báo chí hiện nay?
Đồng chí Lê Quốc Minh: Thực tế cho thấy, nếu lãnh đạo cơ quan báo chí tham gia vào công cuộc chuyển đổi số và dẫn dắt quá trình đó thì khả năng thành công sẽ tăng đáng kể. Tuy nhiên, lãnh đạo nhiều cơ quan báo chí chưa hiểu rõ vai trò, ý nghĩa của công nghệ. Đó là lý do công tác chuyển đổi số được giao cho những cán bộ phụ trách công nghệ cấp phòng đảm đương khiến tiến trình bị chậm lại; hoặc chủ trương rất đúng nhưng giao xuống các cá nhân phụ trách thì họ chưa đủ tầm lãnh đạo nên việc thực hiện sẽ bị trì hoãn hay chưa đạt được mức cao nhất.
Chúng tôi khẳng định rất nhiều lần tầm quan trọng của người đứng đầu trong quá trình chuyển đổi số. Các đồng chí lãnh đạo cơ quan báo chí cần thực sự nhận thức rõ về vấn đề này và phải đồng hành, giám sát, định hướng quá trình chuyển đổi số chứ không chỉ là giao nhiệm vụ cho cấp dưới. Thực ra, chỉ cần có sự quyết tâm, quyết liệt, giám sát chặt chẽ, động viên kịp thời cũng như tạo điều kiện cho anh em công nghệ phát huy năng lực thì kế hoạch chuyển đổi số có thể đạt kết quả cao.
PV: Ngày nay, xu hướng làm báo trên thế giới thay đổi rất nhanh chóng. Để theo kịp xu hướng ấy thì báo chí Việt Nam phải làm gì để phù hợp với nhịp chuyển của thời đại, vừa giữ vững được tính xuyên suốt sứ mệnh của báo chí cách mạng Việt Nam, thưa đồng chí?
Đồng chí Lê Quốc Minh: Cách thức duy nhất là phải đổi mới sáng tạo liên tục trong khi kiên định giữ vững lập trường là cơ quan báo chí của Đảng và Nhà nước, là một phần trong dòng chảy của báo chí cách mạng. Chúng ta phải đặt nhiệm vụ duy trì sự hoạt động của mình một cách hiệu quả và bền vững; là kênh tuyên truyền chính sách hiệu quả, cung cấp những thông tin hữu ích cho người dân.
Để làm được như vậy, bên cạnh việc kiên định về mặt định hướng thì chúng ta phải tự đổi mới chính mình. Đổi mới về mặt tác nghiệp, vận hành, công nghệ và tư duy. Nếu cứ đứng yên một chỗ, vẫn “phất cao ngọn cờ” nhưng không làm gì cả thì điều này không có ích lợi gì.
Đồng chí Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, thăm gian trưng bày Báo Tuổi trẻ Thủ đô tại Hội báo xuân Giáp Thìn – Hà Nội 2024 |
Chúng tôi khuyến nghị các cơ quan chí đừng hô khẩu hiệu nữa, hãy bắt tay vào làm đi. Làm những dự án nhỏ, những bước đi nhỏ cũng được nhưng hãy bước đi thay vì hô khẩu hiệu. Thực tế cho thấy, có đơn vị nhỏ nhưng đã chuyển đổi số rất thành công; có tờ báo Đảng của địa phương quy mô rất nhỏ, tầm 50 - 60 cán bộ, nhân viên nhưng khi bắt tay đổi mới đúng hướng, chuyển đổi số đúng hướng thì đạt hiệu quả rất mạnh mẽ. Họ vươn lên dẫn đầu các cơ quan báo Đảng về lượng truy cập. Đấy là hiệu quả rất cụ thể.
Trong khi đó, có những cơ quan báo chí đã hoạt động tương đối tốt theo cách thức truyền thống nhưng nghĩ đã làm tốt rồi, cứ thong thả xem người khác làm ra sao rồi mình làm. Xin nói luôn, các chuyên gia đã chỉ ra hai cách. Một là tham gia quá trình chuyển đổi số ngay từ đầu. Hai là đứng chờ và triển khai chậm hơn một chút. Lời khuyên của chúng tôi là hãy làm cách thứ nhất, bắt đầu luôn thay vì cứ chờ đợi vì như thế không bao giờ đạt được kết quả mong muốn. Trong môi trường phát triển công nghệ số, mình chậm chân một bước người ta đã đi 3 bước, nếu chần chừ thì không thể nào đuổi kịp được nữa.
PV: Thời gian qua, báo Tuổi trẻ Thủ đô đã có nhiều đổi mới về nội dung, hình thức, chuyển đổi số mạnh mẽ. Theo đồng chí, để thực hiện tốt hơn nữa sứ mệnh phụng sự bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ, báo cần quan tâm tới những vấn đề gì?
Đồng chí Lê Quốc Minh: Trước hết, chúng tôi đánh giá báo Tuổi trẻ Thủ đô thành công ở khá nhiều phương diện, cả về nội dung, hình thức cũng như hiệu quả kinh tế báo chí. Điều này tạo được lan tỏa trong độc giả, đặc biệt là những người quan tâm đến Thủ đô.
Đồng chí Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô. |
Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng những thành công đó mới dừng ở mức cải tiến và cải thiện, những gì mình đã làm tốt rồi thì đang cố gắng làm tốt hơn. Trong khi để thu hút được những độc giả trẻ, những người có thể “chạy” sang các nền tảng khác thì chúng ta cần phải làm nhiều hơn theo cách thức mới.
Trong báo chí hiện đại, người làm báo, đặc biệt là lãnh đạo cơ quan báo chí cần phải có tư duy sản phẩm. Có nghĩa là phải liên tục tạo ra những sản phẩm mới để thu hút người dùng; chưa kể, phải duy trì được bản sắc riêng giữa một rừng các tờ báo khác.
Hôm nay, sản phẩm này được nhiều người quan tâm nhưng chỉ sau một thời gian người ta sẽ quên ngay. Sự quan tâm của người dùng, đặc biệt là người trẻ trôi qua rất nhanh. Xu thế hiện nay là như vậy. Thời gian “sống” của các sản phẩm báo chí không dài, do đó, các cơ quan báo chí phải liên tục nghĩ ra những sản phẩm mới. Đó là cách thức phát triển của báo chí hiện đại mà báo Tuổi trẻ Thủ đô nên quan tâm.
PV: Theo đồng chí, báo Tuổi trẻ Thủ đô cần làm gì để “tô đậm” màu sắc của cơ quan báo chí của Hà Nội?
Đồng chí Lê Quốc Minh: Hà Nội có rất nhiều cơ quan báo chí, để tạo ra bản sắc riêng không đơn giản. Ngay cả việc tìm ra những nội dung thông tin về Thủ đô thì độc giả cũng tìm kiếm ở rất nhiều kênh khác nhau. Tuy nhiên, nội dung đó đóng gói vào trong các sản phẩm nào tạo sự khác biệt thì phụ thuộc vào sự sáng tạo, năng động của từng cơ quan báo chí.
Quan trọng là cách “đóng gói” sản phẩm. Cũng là dữ liệu đó nhưng hôm nay “đóng gói” ra sản phẩm này, ngày mai ra sản phẩm khác để cố gắng kéo dài, duy trì thời gian sống của sản phẩm càng lâu càng tốt.
Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Cẩm Tú (thực hiện) Ảnh: Phạm Mạnh - Thành Trung |