TTTĐ - Trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2022 diễn ra từ ngày 11 - 20/11, tại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, Trung tâm Văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm diễn ra 17 cuộc triển lãm, trưng bày, trải nghiệm sáng tạo nghệ thuật.
Trên thế giới hiếm có Thủ đô của nước nào có được sự kết hợp nhiều giá trị lịch sử, văn hóa như Hà Nội, với kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng gồm 5.922 di tích, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể và 1.350 làng nghề. Đặc biệt, Hà Nội đang là một trong những thành phố có cơ cấu dân số vàng, cùng cộng đồng sáng tạo đông đảo gồm các nhà thiết kế, các nghệ nhân, nghệ sĩ, doanh nhân sáng tạo…
Do đó, Hà Nội đã và đang có đầy đủ tiềm năng, lợi thế, trở thành vườn ươm, nơi hội tụ, thúc đẩy sự sáng tạo văn hóa, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ công nghiệp văn hóa chất lượng có sức cạnh tranh cao trong nước, khu vực và quốc tế.
Lễ hội là sự tiếp nối thành công của Tuần lễ Khơi nguồn sáng tạo năm 2021. Lễ hội năm nay đặt trọng tâm vào chủ đề Thiết kế và công nghệ, với quy mô sự kiện và không gian được mở rộng, hướng tới việc tạo điều kiện cho người dân Hà Nội và khách du lịch trong nước, quốc tế cùng tham quan, trải nghiệm và tận hưởng không khí lễ hội.
"Không gian hội nhập" góp phần tôn vinh những giá trị văn hóa và kiến trúc nghệ thuật đặc sắc |
Sự kiện góp phần kết nối, mở rộng hợp tác kinh doanh giữa các tổ chức, các chuyên gia, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, cộng đồng xã hội về ngành thiết kế và công nghiệp văn hoá.
Tại phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm được Ban tổ chức trưng bày không gian sáng tạo giới thiệu sản phẩm truyền thống kết hợp đương đại của các làng nghề, các nhà thiết kế sáng tạo; Không gian thiết kế sáng tạo giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề. Đặc biệt, lễ hội còn có không gian trải nghiệm bằng công nghệ như: Trải nghiệm di sản bằng công nghệ thực tế ảo "Đưa di sản tới đương đại", giúp du khách trải nghiệm tham quan các di sản văn hóa Tràng An, Hoàng thành Thăng Long, các hiện vật văn hóa thời Lý...; Sáng tạo, trải nghiệm thử thách "Hanoi Connect" áp dụng công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR) giúp mọi người có thêm trải nghiệm, khám phá các hoạt động sáng tạo.
Nhà sáng lập ra Hội quán di sản, ông Trần Thanh Tùng cho biết: "Việc kết hợp giữa di sản văn hóa với công nghệ là do hiện nay công nghệ vừa là một xu hướng, cũng là cầu nối cho những người tìm hiểu, người làm văn hóa có cơ hội có thể giả lập trên cái thực tế ảo nhằm rút ngắn thời gian cho những người làm nghề hướng tới công chúng để họ hiểu hơn, có cách nhìn đa dạng hơn về văn hóa. Và thông qua những khoa học công nghệ đó sẽ góp phần nhìn nhận về văn hóa di sản có yếu tố thời đại, phản ánh rõ góc nhìn của nhiều đối tượng vì văn hóa nói chung cũng giống như lịch sử nói riêng thì nó chỉ đúng một phần và phần còn lại do nhận thức xã hội của từng người tạo nên".
Để làm nổi bật chủ đề "Thiết kế và sáng tạo" của lễ hội, Holomia mang tới lễ hội nhiều nội dung trải nghiệm công nghệ thực tế hấp dẫn và cuốn hút, như: Trò chơi thực tế ảo với các trải nghiệm văn hóa Việt qua Hứng dừa, Cung thủ Long thành hay trở thành chiến binh tương lai chiến đấu trong không gian thời Lý. Du lịch thực tế ảo, du khách sẽ được xuyên không ngắm nhìn Thăng long xưa và những Di sản đương đại Việt nam trong thế giới Metaverse như: tham quan Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An, tham quan chùa Một cột,…; Trải nghiệm các tác phẩm tranh Hàng Trống, đồ trang sức vàng bạc, vật phẩm thiết kế sáng tạo theo phong cách thời Lý. Những sáng tạo từ công nghệ này cũng được kỳ vọng góp phần mô tả rõ hơn, đa dạng không gian hơn về một Việt Nam vốn đã rất tươi đẹp và sinh động ở thế giới thật.
Không chỉ tham quan di sản, du khách có thể hóa thân thành các nhân vật qua trò chơi bảo vệ thành trì di sản |
Trong xu thế hiện nay, khi du khách có nhu cầu trải nghiệm theo hướng ngày càng "thông minh", việc áp dụng công nghệ vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch sẽ đáp ứng được nhu cầu phát triển trong bối cảnh mới. Đấy cũng sẽ là cách để di sản "sống" trong đời sống đương đại và tương lai.
Bên cạnh đó, nhiều hoạt động nghệ thuật cũng sẽ được diễn ra xung quanh phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm như trình diễn di sản văn hoá phi vật thể, đêm nhạc rock cùng Eurotile cùng nhiều hoạt động hấp dẫn dành cho du khách đến với không gian đi bộ.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng khẳng định: "Lễ hội Thiết kế sáng tạo 2022 đã phát huy các nguồn lực văn hóa của Hà Nội và thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của cộng đồng và tài năng sáng tạo, tạo điểm nhấn cho Hà Nội ở tầm quốc gia và khu vực. Qua sự kiện, Ban tổ chức mong muốn Nhân dân Thủ đô cùng chung tay xây dựng Hà Nội, từ Thành phố Vì hòa bình trở thành Thành phố Sáng tạo của UNESCO, với nhiệm vụ trọng tâm là đặt sáng tạo vào trung tâm của sự phát triển bền vững, đưa Hà Nội trở thành Thủ đô sáng tạo của khu vực Đông Nam Á, điểm đến của tri thức và sáng tạo trên thế giới."
Trong dịp này, nhiều hoạt động hưởng ứng phong phú sẽ diễn ra tại các địa điểm khác như Bảo tàng Hà Nội, Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt, khu đô thị Bắc An Khánh, phố đi bộ Trịnh Công Sơn, phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây, một số không gian tổ chức, tư nhân trên địa bàn thành phố...
Sẽ có gần 50 hoạt động, sự kiện diễn ra từ ngày 11 - 20/11 như: triển lãm, toạ đàm, hội thảo chuyên đề, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, vui chơi mang nhiều yếu tố sáng tạo, tương tác. Một số hoạt động triển lãm, trưng bày trong khuôn khổ lễ hội sẽ tiếp tục mở cửa phục vụ công chúng đến hết tháng 11 năm 2022 hoặc kéo dài hơn nữa.
Các sự kiện diễn ra tại các địa điểm khác nhau trên địa bàn thành phố, tập trung ở khu vực Hoàn Kiếm: Vườn hoa Tượng đài Lý Thái Tổ, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, Trung tâm Văn hoá Nghệ thuật (22 Hàng Buồm), Trung tâm Thông tin Văn hoá Hồ Gươm (số 2 Lê Thái Tổ), Nhà triển lãm (45 Tràng Tiền), Trung tâm Thông tin triển lãm (93 Đinh Tiên Hoàng), toàn bộ khuôn viên phố đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm.
Với tinh thần gửi gắm thông điệp kết nối truyền thống với hiện đại, các công trình thiết kế độc đáo và mang tính biểu tượng như Cổng Sáng tạo, Không gian Hội nhập, Không gian Truyền thống, vừa là nơi diễn ra các sự kiện biểu diễn triển lãm, trưng bày, vừa là nơi người dân và du khách có thể check-in, tương tác và hình thành góc nhìn mới mẻ về Thủ đô Hà Nội sáng tạo.
Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2022 tiếp tục khẳng định sức sống và nguồn lực sáng tạo của Hà Nội bằng cách kết nối các nghệ sĩ, các nhà thiết kế sáng tạo, các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau như kiến trúc, mỹ thuật, âm nhạc, sân khấu, công nghệ... nhằm phát huy các nguồn lực văn hoá của Hà Nội, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của cộng đồng và tài năng sáng tạo, tạo điểm nhấn cho Hà Nội ở tầm quốc gia, khu vực và quốc tế.
Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2022 là cơ hội để tôn vinh, quảng bá các nguồn lực sáng tạo và văn hóa của Thủ đô. Qua sự kiện này, Thành phố Hà Nội kêu gọi toàn thể nhân dân Thủ đô cùng chung tay xây dựng Thủ đô Hà Nội - từ Thành phố Vì hoà bình trở thành Thành phố Sáng tạo của UNESCO.
Hướng đến và trở thành một phần của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2022, Ban tổ chức cũng phát động các cuộc thi thiết kế sáng tạo dành cho các nhà sáng tạo trẻ, nhằm khuyến khích sự tham gia của giới trẻ vào việc kiến thiết không gian thành phố tương lai. Có 4 cuộc thi được tổ chức và phát động trong thời gian diễn ra Lễ hội: Cuộc thi Thiết kế Nghệ thuật công cộng 2022; Cuộc thi Ngôi nhà mơ ước; Cuộc thi Thiết Kế Nhanh - Bảo tồn và phát huy Di sản Nhà máy; Cuộc thi Ảnh cho thanh thiếu niên "Hà Nội một góc nhìn".
Ngày 16/7/1999, Hà Nội là thành phố đầu tiên của khu vực châu Á vinh dự được UNESCO trao tặng danh hiệu Thành phố vì hòa bình. Đây là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế về những thành tựu nổi bật của Thủ đô trong công cuộc đổi mới, cũng như khát vọng về hòa bình của Nhân dân Việt Nam. Sau 10 năm được ghi danh, Hà Nội chính thức gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc - UNESCO ở lĩnh vực thiết kế, góp phần định vị thương hiệu cho Hà Nội phát triển. Mạng lưới "Các Thành phố Sáng tạo UNESCO" được thành lập năm 2004 nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa các thành phố được vinh danh quốc tế với việc lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững. |
Bài viết: Phạm Mạnh |