Tạo việc làm cho lao động thất nghiệp do dịch bệnh Covid-19 trở về quê hương
Hàng nghìn vị trí việc làm cho lao động thất nghiệp hồi hương
Theo báo cáo của Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong quý II/2021, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, bao gồm người bị mất việc làm, giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập…
Đáng chú ý, sự bùng phát nhanh, mạnh, khó kiểm soát hơn của dịch Covid-19 lần này đã làm tỷ lệ thiếu việc làm, thất nghiệp của lao động ở khu vực thành thị tăng cao hơn so với khu vực nông thôn.
Ảnh minh hoạ |
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại Thành phố Hồ Chí Minh (HCM) và các tỉnh phía Nam, Thừa Thiên - Huế đã tiếp nhận gần 15.000 người dân chủ yếu là lao động thất nghiệp trở về quê tránh dịch.
Tính đến thời điểm hiện tại, bước đầu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thừa Thiên - Huế đã liên hệ, làm việc với hàng chục doanh nghiệp trên địa bàn. Trong số đó, 34 doanh nghiệp với hơn 7.200 vị trí việc làm sẵn sàng đón nhận lao động là người dân địa phương trở về từ vùng dịch.
Lao động ở các tỉnh, thành phố phía Nam phần lớn là người miền Trung, Tây Nguyên và miền Tây. Thực tế, hiện các tỉnh này cũng đang phát triển mạnh mẽ, khu công nghiệp, doanh nghiệp sản xuất mọc lên nhiều, cần người lao động. Đặc biệt, sau khi đón người dân về quê, các địa phương đều khẳng định sẽ tạo điều kiện việc làm ổn định cho người lao động.
Doanh nghiệp ưu tiên tuyển lao động hồi hương
Tại Nghệ An, số lao động đi làm xa trở về các địa phương trong tỉnh lên đến hàng nghìn người. Để tạo việc làm cho lao động hồi hương, tỉnh đang bổ sung các chính sách cụ thể trong tạo việc làm trước mắt và sinh kế lâu dài cho người dân, đặc biệt là người dân miền núi.
Trong đề án 5 năm tới, tỉnh Nghệ An sẽ tăng lao động nội tỉnh từ 37 lên 66%, giảm lao động ngoại tỉnh. Xuất khẩu lao động giảm một phần, tăng cường giải quyết việc làm tại chỗ.
Như vậy, tỉnh Nghệ An cũng đang chú trọng việc giữ chân người lao động ở lại quê hương. Cùng với tạo việc làm, việc hỗ trợ cho người lao động cũng được các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Trong chương trình giảm nghèo bền vững, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội tỉnh Nghệ An lồng ghép các giải pháp để hỗ trợ bà con. Ngành Lao động - Thương Binh và Xã hội cũng đã tham mưu UBND tỉnh Nghệ An tăng cường các giải pháp để tăng số lượng lao động nội tỉnh lên.
Các địa phương cũng đã liên hệ với các doanh nghiệp có kế hoạch đào tạo nghề lại cho lực lượng lao động này. Một số doanh nghiệp cũng có nhu cầu mở rộng quy mô và tuyển lao động mới và lên kế hoạch đào tạo nghề lại và tuyển dụng bà con.
Tại tỉnh Thanh Hóa, từ ngày 27/4 đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có hơn 16.500 lao động từ các tỉnh có dịch trở về địa phương. Trong số đó, trên 15.000 lao động trở về từ các tỉnh phía Nam; Gần 1.500 lao động trở về từ các tỉnh phía Bắc.
Tỉnh Thanh Hóa tạo việc làm cho các lao động thất nghiệp do dịch Covid-19 trở về quê hương |
Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng phương án đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động trở về từ vùng dịch có nhu cầu ở lại địa phương sau khi thực hiện xong cách ly y tế.
Tỉnh Thanh Hóa cũng đang tăng cường công tác tuyên truyền về các chương trình học nghề, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế, tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận thông tin thị trường lao động để lựa chọn cho bản thân công việc phù hợp.
Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa cũng đã phối hợp với các địa phương nắm bắt nhu cầu học nghề, việc làm của người lao động trở về từ vùng dịch; Nhu cầu quay trở lại nơi làm việc ở tỉnh ngoài của người lao động khi dịch bệnh được kiểm soát...