Thạc sĩ trẻ vượt khó “mở lối” làm giàu cho quê hương
Thạc sĩ Giàng Seo Châu không ngừng nỗ lực, vượt khó vươn lên hỗ trợ nhân dân thôn bản phát triển kinh tế
Bài liên quan
Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc hướng về quê hương đất nước
Cô gái trẻ kiếm tiền tỷ mỗi năm nhờ khởi nghiệp nông nghiệp sạch
Đảng viên trẻ xung kích phát triển kinh tế
Cô gái dân tộc Cờ Lao khát vọng làm giàu trên quê hương
Mang hương vị quê nhà khởi nghiệp ở đất Thủ đô
Đi lên từ gian khó
Nhắc đến Giàng Seo Châu, bà con nhân dân xã Mản Thẩn (huyện Si Ma Cai, Lào Cai) ai cũng biết. Không chỉ vì anh đang là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch xã mà còn là người đầu tiên ở địa phương này có bằng thạc sĩ. Chính anh cũng là người đầu tiên đưa cây tam thất cho thu hoạch hoa, củ giá trị tiền tỷ về bản, giúp địa phương phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho bà con dân tộc Mông.
Giàng Seo Châu sinh năm 1986, ở vùng quê nghèo khó xã Mản Thẩn, huyện Si Ma Cai trong gia đình thuần nông. Gia đình Châu có 6 anh chị em, bố mẹ không biết chữ. Cả nhà phải lên nương rẫy làm từ sáng sớm tới tối mịt cũng chỉ có lúa, ngô để ăn, nhà cửa luôn thiếu thốn các vật dụng sinh hoạt, quần áo không đủ mặc. Vì thế, đến tận năm lên 10 tuổi, Châu mới được đến trường học.
Sống trong hoàn cảnh gia đình và quê hương khó khăn, chàng thanh niên Giàng Seo Châu hiểu rằng, chỉ có học mới giúp bản thân và gia đình thoát khỏi cảnh nghèo khó. Vì vậy, anh đã quyết tâm vượt qua chục cây số đường rừng suốt nhiều năm liền để tới lớp và luôn cố gắng trong học tập, quyết tâm thi đỗ vào đại học.
Kể lại những ngày vượt núi, băng rừng đi tìm con chữ, Giàng Seo Châu kể: “Mình biết ở Si Ma Cai điều kiện học tập không bằng các bạn ở dưới xuôi. Vì thế hồi đó, mình phải đẩy mạnh thời gian học có khi cả ngày, cả đêm. Năm 2007, mình bắt đầu thi đại học. Đó là lần đầu tiên mình đi ra khỏi huyện, lần đầu tiên nhìn thấy tàu hỏa dài đến mấy trăm mét, cũng là lần đầu thấy thành phố hoa lệ. Mình đã thầm mơ ước đỗ đại học và khẳng định bản lĩnh từ nơi phồn hoa, khắc nghiệt ấy”.
Anh Giàng Seo Châu hiện đang là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch xã Mản Thẩn, huyện Si Ma Cai (Lào Cai) và cũng là người đầu tiên ở địa phương này có bằng thạc sĩ |
Những nỗ lực không ngừng nghỉ của Giàng Seo Châu sau nhiều năm đã được đền đáp. Niềm vui bất ngờ sau đợt thi đó, Giàng Seo Châu nhận được giấy báo đỗ của hai trường đai học là Nông nghiệp I Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam) và Sư phạm II Hà Nội cùng lúc.
Thấy mình là nông dân, bố mẹ cũng là nông dân, bởi vậy Châu chọn theo học khoa Kinh tế phát triển nông thôn Đại học Nông nghiệp I để mang những kiến thức trong trường học áp dụng vào nghề nông.
Khi bước chân vào Đại học Nông nghiệp I cũng là lúc cuộc sống gia đình Giàng Seo Châu càng gặp nhiều khó khăn khi vừa thiếu đi một lao động vừa thêm chi phí sinh hoạt, học tập mỗi tháng dưới Thủ đô. Thêm vào đó, anh gặp phải sự ngăn cấm từ phía gia đình bởi lẽ ở bản của anh, khi lớn các thanh niên chỉ lên nương làm ngô, lúa để kiếm tiền, chứ chưa thấy ai đi học mà đem tiền về cho gia đình.
Sau rất nhiều lần được Châu thuyết phục, cuối cùng gia đình cũng đồng ý cho anh đi học. Mặc dù thuộc diện miễn học phí nhưng để trang trải sinh hoạt, Châu tìm đủ mọi cách, làm đủ mọi nghề từ rửa bát, bốc hàng thuê cho đến tỉa cây, chiết cành tại các trại cây giống. Vừa học vừa làm, mỗi tháng Châu cũng kiếm thêm được vài trăm ngàn đồng.
Tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp I với tấm bằng loại khá, Giàng Seo Châu được mời làm tại trung tâm thông tin xuất bản của trường nhưng chàng trai người Mông đã khéo léo từ chối. Anh quyết định vay ngân hàng 30 triệu đồng để tiếp tục học cao học.
Sau hơn hai năm vừa học vừa làm, với tấm bằng thạc sĩ trong tay, anh có thêm kiến thức để giúp đỡ bà con trong sản xuất. Cũng trong khoảng thời gian đó, Bộ Nội vụ triển khai dự án “Tuyển chọn 600 trí thức trẻ làm Phó Chủ tịch xã thuộc 63 huyện nghèo”, Châu liền hăng hái tham gia. Lựa chọn xã Mản Thẩn, nơi mình sinh ra về công tác để góp phần nhỏ bé của mình mang lại cuộc sống ấm no cho bà con dân tộc.
Cùng nhân dân phát triển kinh tế
Trở về quê hương, Giàng Seo Châu được bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND xã Mản Thẩn và được phân công phụ trách mảng kinh tế nông, lâm nghiệp. Phát huy kiến thức và kỹ năng đã được học, anh Giàng Seo Châu tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền tập trung chỉ đạo và vận động nhân dân đẩy mạnh phát triển kinh tế với việc đưa giống mới có năng suất cao vào sản xuất như cây tam thất, chăn nuôi gia súc, trồng rau trái vụ… để nâng cao thu nhập. Đồng thời, anh cùng chính quyền triển khai thực hiện tốt chương trình xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn xã.
Với mong muốn tạo lối đi riêng cho bà con vùng bản cao, nhận thấy trên thị trường cây tam thất được người tiêu dùng săn lùng và giá cao trong khi chưa có vùng nào trồng để bán, Giàng Seo Châu lặn lội đi học kỹ thuật trồng, chăm sóc cây tam thất. Năm 2014, anh quyết định mua giống về trồng trên chính mảnh đất của quê hương.
Ngay lứa nụ tam thất bao tử đầu tiên, anh thu được hơn 20kg với giá tại vườn lên tới 500.000 đồng/kg. Đó là vụ thu hoạch đầu tiên thành công ngoài sức mong đợi. Đến nay vợ chồng anh còn trồng 0,2ha cây giống tam thất để phục vụ cây trồng cho bà con trong địa phương.
Nhận thấy diện tích trồng chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người mua nụ tam thất, anh lập dự án mở rộng diện tích trồng hoa tam thất và xin hỗ trợ vốn cho người dân nghèo tham gia dự án.
Khi bà con nhiệt tình hưởng ứng trồng tam thất, anh tìm tòi, cặm cụi viết sách hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng, chăm sóc và ươm giống cây để chuyển kiến thức tới từng người tham gia dự án. Hiện nay, dưới sự chia sẻ kinh nghiệm của anh, toàn xã Mản Thẩn có 11 hộ dân trồng cây tam thất, nâng diện tích trồng của xã lên gần 5ha.
Với mong muốn tạo lối đi riêng cho bà con vùng bản cao, anh Giàng Seo Châu đã đem cây tam thất về bản trồng, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con dân tộc Mông |
Nói về hành trình thuyết phục bà con bản theo hướng trồng mới, anh Giàng Seo Châu cho biết: Để bà con tin tưởng và làm theo như ngày hôm nay là cả một quá trình gian khổ, tốn rất nhiều công sức vận động. Anh phải đến từng nhà, làm cùng bà con để họ thấy có hiệu quả thì lần sau họ mới thực hiện.
“Cây tam thất có giá trị cao hơn rất nhiều lần so với việc trồng ngô, trồng lúa và sẽ là cây để phát triển quê hương. Chúng tôi muốn xây dựng nó thành một thương hiệu, mỗi khi nói đến cây tam thất thì người ta sẽ nhớ đến Si Ma Cai. Tuy nhiên, Mản Thẩn vẫn là một xã nghèo của huyện Si Ma Cai, tôi nghĩ mình phải cố gắng nhiều hơn để cho quê hương của mình ngày càng phát triển. Tôi thấy hạnh phúc khi được đóng góp một phần công sức nhỏ bé để làm cho quê hương, để phục vụ cho bà con thôn, bản”, anh Giàng Seo Châu bộc bạch.
Hiện tại, anh Giàng Seo Châu được bầu giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Mản Thẩn. Với những cố gắng nỗ lực của mình, Giàng Seo Châu đã cùng nhân dân trong xã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng Nông thôn mới và trở thành xã đầu tiên của huyện Si Ma Cai thực hiện đạt chương trình xây dựng Nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Điều khiến Giàng Seo Châu vui hơn cả, có lẽ không chỉ chứng minh được cho cha anh mà còn thay đổi nhận thức của bà con nơi đây rằng, việc áp dụng kiến thức được học vào thực tiễn hoàn toàn có thể kiếm ra tiền, nâng cao đời sống nhân dân.