eMag azine
27/07/2024 09:00
Thấm đẫm tình người trên quê hương Tổng Bí thư

27/07/2024 09:00

TTTĐ - Những ngày qua, cả triệu trái tim cùng hướng về một trái tim lớn đã ngừng đập. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra đi nhưng phong cách sống giản dị, khiêm nhường, nghĩa tình cùng tư tưởng nhân văn của ông thì còn mãi. Người Cộng sản chân chính ấy tựa như đóa sen giữa hè, lặng thầm tỏa hương thơm ngát để rồi mỗi người dân ở quê hương ông, từ trẻ tới già, dường như ai ai cũng được thấm sâu và tiếp tục lan tỏa vẻ đẹp bình dị, cao cả ấy.

Tổng bí thư

Thấm đẫm tình người trên quê hương Tổng Bí thư
Thấm đẫm tình người trên quê hương Tổng Bí thư

N

hững ngày qua, cả triệu trái tim cùng hướng về một trái tim lớn đã ngừng đập. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra đi nhưng phong cách sống giản dị, khiêm nhường, nghĩa tình cùng tư tưởng nhân văn của ông thì còn mãi. Người Cộng sản chân chính ấy tựa như đóa sen giữa hè, lặng thầm tỏa hương thơm ngát để rồi mỗi người dân ở quê hương ông, từ trẻ tới già, dường như ai ai cũng được thấm sâu và tiếp tục lan tỏa vẻ đẹp bình dị, cao cả ấy.

Thấm đẫm tình người trên quê hương Tổng Bí thư

Người dân ở thôn Lại Đà, xã Đông Hội và huyện Đông Anh (TP Hà Nội) luôn nhớ về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo xuất sắc, tài năng, tấm gương đạo đức sáng ngời, một nhân cách mẫu mực, người Cộng sản kiên trung, trọn đời vì nước, vì dân. Tiếc thương ông, họ đã thể hiện bằng hành động, việc làm thiết thực, ý nghĩa trong thời gian diễn ra Quốc tang.

Những ngày cuối tháng 7, kể từ khi nhận được tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, cả làng Lại Đà thảng thốt. Như mọi người dân trên cả nước, đau buồn, thương tiếc, khâm phục, xúc động trước sự ra đi của một nhà lãnh đạo kiệt xuất là tâm trạng chung của bất cứ ai ở vùng quê này, nhưng hơn cả, còn là sự biết ơn, tự hào vì “bác Trọng là người con ưu tú của quê hương Lại Đà”.

Có mặt tại thôn Lại Đà trong những ngày diễn ra lễ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chúng tôi dễ dàng nhận ra, ông có vị trí vô cùng đặc biệt trong trái tim của những người dân nơi đây.

Chị Đào Thị Hải (ở xóm 9, thôn Lại Đà) cho hay, suốt một tuần kể từ khi nhận tin buồn tới khi kết thúc lễ tang, hầu như các ngôi nhà đều sáng đèn suốt đêm. Những câu chuyện về bác Trọng, về các thành viên trong gia đình bác với lối sống chan hòa, giản dị, thanh bạch, gần gũi, thân thiết được người dân ở vùng quê này lan truyền và kể lại cho con, cháu.

Thấm đẫm tình người trên quê hương Tổng Bí thưChị Đào Thị Hải (bên trái) cùng hàng xóm tự nguyện bày nước để mời các đoàn viếng

Người phụ nữ này chia sẻ, chẳng phải bỗng dưng, không ai bảo ai, mọi người chủ động dọn dẹp vệ sinh từ nhà mình đến đường làng, ngõ xóm, các công trình công cộng như nhà văn hóa, đình, chùa, ao hồ…. Từ đầu làng đến cuối làng, không khí khẩn trương và tất bật, nhà nhà, người người cùng chuẩn bị tinh thần để tổ chức lễ tang cho ông như một người thân thiết, ruột thịt. Bởi lẽ, như chị Hải nhắc đi nhắc lại với phóng viên: “Bác Trọng như người ông, người cha của chúng tôi vậy”.

Tại đây, chúng tôi được gặp ông Ngô Bá Dục (82 tuổi) vốn là bạn cùng học trường THPT Gia Thiều với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tuy bị đau chân nhưng ông vẫn cùng những bạn bè cũ có mặt từ 6h30 sáng tại Nhà văn hóa thôn Lại Đà để viếng bạn.

Ông Dục nhớ lại: “Chúng tôi học với nhau từ bé, đến tận cấp 3. Cùng lớn lên, cùng trưởng thành từ làng quê nên thân thiết như anh em. Tổng Bí thư tuy bận bịu với việc nước nhưng khi có dịp gặp gỡ vẫn ân cần, tình cảm với bạn bè chân thành trước sau như một, không hề thay đổi”.

Suốt 2 ngày Quốc tang, chúng tôi được tận mắt chứng kiến hàng ngàn người xếp hàng nối dài như vô tận ngay từ đầu thôn từ 6h sáng. Lạ là cái nắng gắt trưa hè không làm những người xếp hàng thấy ngột ngạt, sốt ruột như thường lệ mà còn khiến họ trở nên kiên nhẫn, trật tự và từ tốn hơn. Có lẽ vì, từ trong sâu thẳm, ai cũng mong mỏi được thắp một nén tâm nhang cho một người đã cống hiến sức mình cho dân tộc đến tận hơi thở cuối cùng. Từ mọi miền của Tổ quốc, từ Bắc chí Nam, có người thuê xe, đi cả ngày đường mới đến Lại Đà và xếp hàng suốt 4 tiếng đồng hồ mới được vào viếng.

Thấm đẫm tình người trên quê hương Tổng Bí thưHàng ngàn người xếp hàng dài vào viếng Tổng Bí thư và được người dân ở Lại Đà nhiệt tình hỗ trợ, phục vụ miễn phí

Thật ấm lòng, trong thời gian xếp hàng chờ đợi, họ nhận được từ tay những đoàn viên, thanh niên, những bà, những anh, chị gái, em gái ở đây ly nước vối mát lạnh, cái quạt giấy, một lốc sữa nhỏ, chai nước suối hay chiếc bánh mì. Khi trời lắc rắc hạt mưa, nhiều người dân trong thôn phát tận tay từng tấm áo mưa cho các đoàn viếng. Những người già đau chân, yếu mệt dừng giữa đường thì ngay lập tức, có người mời lên xe để chở đến Nhà văn hóa thôn Lại Đà, nơi tổ chức lễ viếng Tổng Bí thư. Hành động ấy tự thân đã minh chứng cho một nếp sống gần gũi, đầy nghĩa tình ở ngôi làng nhỏ xinh này.

Thấy tôi tỏ vẻ ngạc nhiên trước những cử chỉ diễn ra rất tự nhiên trước mắt, anh Vương Khắc Tuyền, người dân sống trong làng Lại Đà, nói: “Chúng tôi là người quê bác Trọng nên học được sự cởi mở, gần gũi, giản dị, chu đáo, ân cần của bác. Dân làng tôi rất tình cảm, quý người. Bác Nguyễn Phú Trọng như người ông, người cha của chúng tôi. Tôi đang đi làm nhưng tranh thủ về viếng bác và thấy được tình cảm của mọi người khắp nơi dành cho bác rất tuyệt vời.

Nhiều người đến từ 6h sáng, thành kính xếp hàng, chờ các đoàn của thành phố, huyện, cơ quan, đoàn thể… rồi giờ mới đến lượt. Tình cảm ấy khiến chúng tôi vô cùng trân trọng và muốn đáp lại bằng những cử chỉ, hành động nhỏ như chuẩn bị nước uống, quạt… để họ đỡ mệt khi phải chờ lâu”.

Thấm đẫm tình người trên quê hương Tổng Bí thư

Từ sáng tới 23h đêm ngày 25/7, dòng người đủ mọi lứa tuổi vẫn nối dài từ cổng làng Lại Đà đến Nhà văn hóa thôn. Trong số ấy, chúng tôi đã gặp không ít cả gia đình gồm cả vợ, chồng, con cái đến viếng.

Giữa trưa ngày quốc tang đầu tiên, 3 bố con anh Đinh Văn Phước đi hết 1 giờ đồng hồ từ quận Hai Bà Trưng sang Lại Đà. Giọng rưng rưng kể với phóng viên, anh Phước bảo: “Nghe tin bác mất, tôi bủn rủn hết chân tay, cảm giác giống như khi nghe tin cha tôi mất vậy. Trước đó, tôi đọc báo thấy bác phải điều trị đặc biệt. Trong lòng tôi mong điều kỳ diệu sẽ đến nhưng tin xấu xảy ra khiến tôi rất đau buồn. Mỗi lần mở điện thoại để đọc tin tức về bác, nước mắt tôi cứ chảy không ngừng. Trên đường đi làm về, con gái tôi nhắn là: “Bố ơi, đám tang bác Trọng có được tổ chức Quốc tang như bác Giáp không, nếu có thì bố cho con đi với...”.

Thấm đẫm tình người trên quê hương Tổng Bí thư
3 bố con anh Đinh Văn Phước xếp hàng viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại thôn Lại Đà

Vậy là, sáng 25/7, 3 bố con anh Phước lại chở nhau đến Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông. Đến nơi, anh biết được là chiều mới đến lượt người dân viếng nên lại quay xe sang quê bác.

"Sang đến Lại Đà, tôi thấy từ cổng làng vào, mọi người đi bộ cả cây số, dù rất đông nhưng lề lối, trật tự và được các bạn đoàn viên, thanh niên hướng dẫn tận tình, phát quạt, nước, bánh nữa. 3 bố con nói với nhau là thật may mắn, bởi vì sang đây lại được thăm quê nhà của bác Trọng luôn, được thấy vùng quê này yên bình, mát mẻ và hơn thảy là người dân quê bác sao lại nồng hậu và ân cần thế", anh Phước bộc bạch tâm sự.

Còn cha con anh Nguyễn Duy Tuyên ở phường Xuân Tảo (Bắc Từ Liêm – Hà Nội) xếp hàng từ 7h sáng để vào viếng Tổng Bí thư. Lý do anh đưa con trai con trai Nguyễn Duy Hoàng Phương đi vì muốn con được tận mắt chứng kiến, hòa vào dòng người viếng, để con có được cảm xúc đáng nhớ trong đời. “Nếu kể về bác với con có khi con không hiểu hết. Tuy nhiên, bằng trải nghiệm thực tế như thế này, con sẽ có cảm nhận rõ ràng hơn về con người của Tổng Bí thư" – anh Tuyên nói.

cha con anh Nguyễn Duy Tuyên ở phường Xuân Tảo (Bắc Từ Liêm – Hà Nội) xếp hàng từ 7h sáng để vào viếng Tổng Bí thư.Cha con anh Nguyễn Duy Tuyên ở phường Xuân Tảo (Bắc Từ Liêm – Hà Nội) xếp hàng từ 7h sáng để vào viếng Tổng Bí thư.

Cùng chung cảm nhận như nhiều người khác, anh nói: "Đến đây, tôi mới hiểu được vì sao bác Trọng lại giản dị và ân cần với dân đến thế. Bác sinh ra ở ngôi làng thật nghĩa tình và có tinh thần đoàn kết, gắn bó. Dọc đường vào thôn, chúng tôi được hướng dẫn tận tình, chu đáo đường đi lối lại rất trật tự, tình làng nghĩa xóm nơi này thật quý báu”.

Còn với cậu bé Nguyễn Duy Hoàng Phương thì có lẽ đây là kỷ niệm vô cùng đáng nhớ. Cậu bé nói: “Con thấy vinh dự được ở đây vì có lẽ nhiều bạn nhỏ khác trên khắp cả nước muốn về viếng bác Trọng mà không được vì xa quá”.

Thấm đẫm tình người trên quê hương Tổng Bí thư

Suốt 2 ngày liền, từ 5h sáng, vợ chồng chị Tô Thị Thủy đều chuẩn bị một chiếc bàn để sẵn nước uống, bánh mì, bánh ngọt, nước chanh cùng một chiếc biển trước cửa nhà với dòng chữ: “Kính mời quý khách dùng nước, bánh mì, sữa miễn phí”.

Tay thoăt thoắt cắt chanh, trong khi chị Thủy thúc giục các thành viên trong gia đình mang đá, nước ra để pha nước chanh cho “khách”, anh Minh, chồng chị Thủy xúc động nói, chứng kiến mọi người từ khắp nơi về từ sáng sớm qua đến tận 11h đêm, vợ chồng anh rất cảm động trước tấm lòng của mọi người nên có một chút tấm lòng để đền đáp. Khi phóng viên ngỏ ý muốn được quay, chụp, anh xua tay, ngại ngần nói: “Tất cả người dân Lại Đà đều phục vụ nhiệt tình chứ không phải mỗi gia đình tôi. Vì công việc của bác Trọng, chúng tôi làm được gì sẽ làm. Thật lòng, chúng tôi rất cảm ơn những người từ xa đến đây viếng bác”, anh nói.

Thấm đẫm tình người trên quê hương Tổng Bí thư

“Đâu đâu chúng tôi cũng có thể chia sẻ, giúp đỡ được huống chi bác là người sinh ra ở đây. Bác Trọng đã dành trọn vẹn đời mình cho Tổ quốc, cho Nhân dân, lại sống rất gần gũi, khiêm nhường nên chúng tôi phải gắng noi theo. Đầu tiên chỉ 2 vợ chồng tôi phục vụ, sau rồi đến em trai, em gái, hàng xóm láng giềng, mỗi người cùng chung tay, cố gắng làm những điều thật ý nghĩa để thay lời tri ân bác. Cảm ơn tấm lòng cao cả của bác Trọng để hôm nay, chúng tôi có được niềm tự hào vì bác đã sinh ra từ quê hương Lại Đà” – anh Minh xúc động nghẹn ngào nói.

Chị Nguyễn Thị Lan Anh (xóm 9, thôn Lại Đà) chia sẻ, nhìn các ông bà cao tuổi từ Điện Biên, Sơn La, Hà Giang về tận đây viếng, chị thấy thật vất vả, cảm mến xen lẫn tự hào. “Họ như ông bà, cha mẹ mình, đi xa cả ngày đường chỉ để được thắp nén nhang cho người mà họ tôn kính. Mà người đó lại chính là Tổng Bí thư, sinh ra từ quê mình. Vinh dự và tự hào lắm chứ, nên cả làng tôi đồng lòng san sẻ, cũng là thay bác Trọng và gia đình bác ấy, xin gửi lời cảm tạ mọi người” – chị Lan Anh nói.

Thấm đẫm tình người trên quê hương Tổng Bí thư
Thấm đẫm tình người trên quê hương Tổng Bí thưChị Tô Thị Thủy và các thành viên trong gia đình chuẩn bị thực phẩm miễn phí dành cho người đến viếng Tổng Bí thư

Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có lối sống giản dị, khiêm nhường, yêu dân, gần gũi và thanh bạch. Câu chuyện về một vị lãnh đạo cao nhất nước nhưng khiêm cung trước những người bạn đồng học, trước các thầy cô giáo từng dạy dỗ đã để lại nhiều cảm xúc đối với những cô, cậu học trò, thanh niên ở vùng quê này.

Với Nguyễn Văn Khánh, một đoàn viên xã Đông Hội tham gia vào công tác phục vụ lễ tang, ấn tượng về bác Trọng nhiều nhất chính là khi Khánh được nghe chuyện ông về dự kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Trường THPT Nguyễn Gia Thiều. Ông chân tình và cung kính xin phép xưng em với thầy cô: "Em báo cáo các thầy, các cô bây giờ em là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhưng khi về trường em xin phép các thầy, các cô vẫn gọi em là Nguyễn Phú Trọng, cựu học sinh của nhà trường. Trong buổi lễ, các thầy cũng giới thiệu em là cựu học sinh Nguyễn Phú Trọng. Em cũng xin phép được phát biểu cảm tưởng về những kỷ niệm của thời học sinh, về những kỷ niệm đẹp với các thầy, các cô và các bạn học".

Thấm đẫm tình người trên quê hương Tổng Bí thư

Nguyễn Văn Khánh, một đoàn viên xã Đông Hội tham gia vào công tác phục vụ lễ tang

Tới dự gặp mặt lớp cũ, ông nhờ người chở mình đi xe máy. Gặp thầy cô, bạn bè, ông nói: "Xin cho em, cho tôi bỏ mọi chức tước bên ngoài căn phòng này. Em đến đây mãi mãi là học trò của các thầy, các cô ngày nào. Tôi đến đây mãi mãi là bạn học của các bạn… Chức tước như phù vân!".

Câu chuyện ấy khiến Khánh thực sự cảm động và nguyện học bác Trọng từ những việc nhỏ. Vậy nên, anh cũng như mọi người dân Lại Đà, “thấy việc thì xắn tay làm”, không nề hà. Khánh phát quạt đến tận tay từng người đến viếng. Khi thấy các cựu chiến binh cao tuổi, người già đi bộ vất vả, cậu lại lấy xe chở từ cổng làng vào điểm viếng, rồi tiếp tục các công việc khác theo sự phân công. Không hề tỏ vẻ mệt mỏi vì mấy hôm liền, Khánh cùng các thanh niên trong thôn được huy động vào lực lượng chuẩn bị lễ tang, Khánh bảo, anh cảm nhận được “cái tình” của người dân khắp nơi về viếng bác Trọng.

Thấm đẫm tình người trên quê hương Tổng Bí thư

Các đoàn viên, thanh niên xã Đông Hội hỗ trợ người cao tuổi vào viếng Tổng Bí thư

“Người dân khắp các tỉnh, thành đến từ rất sớm. Họ xếp hàng khá lâu rồi. Dân làng tôi chuẩn bị nước, quạt và cả sữa cho họ như một sự đền đáp, cảm tạ và trân trọng tình cảm quý báu đó. Bản thân tôi được lớn lên trong hòa bình, chỉ nghe chuyện lễ tang Bác Hồ, sau đó là bác Giáp qua ti vi, qua câu chuyện lịch sử nhưng hôm nay tôi được tận mắt nhìn thấy những giọt nước mắt người dân cả nước dành cho một vĩ nhân, một người con của quê hương xã Đông Hội. Bác thật sự là một tấm gương cao cả để thế hệ chúng tôi luôn phải phấn đấu noi theo” – Khánh nói.

Rất nhiều hình ảnh, câu chuyện mà chúng tôi chứng kiến ở quê nhà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cho thấy, dường như đức tính giản dị, khiêm tốn, tận tâm của ông đã được lan tỏa và thấm sâu trong mỗi người, từ già trẻ, gái trai nơi này. Khi có việc “đại sự” là họ một lòng vì việc chung. Họ coi “việc nhà bác Trọng như việc nhà mình”. Dọc đường vào điểm viếng, nhà nào cũng trưng quạt, nước ra trước cửa nhà để mọi người dùng miễn phí. Thậm chí, nhiều gia đình lấy các hộp bìa giấy sạch, cắt gọn thành các miếng nhỏ để người dân sử dụng làm quạt và che nắng. Họ làm vậy chẳng phải để được “lên báo”, “lên truyền hình”, mà đơn giản chỉ vì muốn thay Tổng Bí thư, một vĩ nhân đã được sinh ra từ đây, cảm tạ ân tình của đồng bào dành cho ông.

Thấm đẫm tình người trên quê hương Tổng Bí thưĐồng chí Nguyễn Đức Tiến - Ủy viên BCH Trung ương Đoàn, Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn, Chủ tịch Hội LHTNVN TP Hà Nội ghi sổ tang

Ông Nguyễn Đức Quang, ở Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) bị đau chân nhưng được một người dân trong thôn chở vào tận cổng Nhà văn hóa thôn để viếng. Xúc động trước những gì tận mắt chứng kiến, ông nói: “Tôi thấy được lòng nhân ái, tình người và sự đoàn kết ở đây. Tình đồng bào là đây chứ đâu nữa, thực sự rất đáng quý! Họ đã học bác Trọng từ những việc nhỏ nhất!”.

Còn đối với cánh phóng viên chúng tôi, có lẽ, lần tác nghiệp lễ tang Tổng Bí thư ở quê hương ông là một vinh dự và cũng là ký ức mãi mãi không thể quên. Ở nơi này, chúng tôi đã thấy những giọt nước mắt lăn dài trên những em học sinh, sinh viên, giáo viên, cụ già, cựu chiến binh, các chiến sĩ công an, bộ đội, lực lượng bảo vệ, dân quân,… Có cụ già Nguyễn Thị Vinh hơn 80 tuổi, ở thôn Lý Nhân, xã Dục Tú, huyện Đông Anh, đang mang trong mình căn bệnh ung thư 18 năm nhưng vẫn nhất nhất phải đến tận nơi để viếng Tổng Bí thư. Cũng ở nơi này, chúng tôi như được người dân Lại Đà tiếp thêm động lực để làm việc, cống hiến bằng chính những hành động, cử chỉ quan tâm, tận tình của Ban tổ chức lễ tang, của lực lượng đoàn viên, thanh niên, đoàn thể, đặc biệt là người dân ở ngôi làng này.

Thấy chúng tôi phải tác nghiệp vất và trong điều kiện nắng nóng, tốc độ khẩn trương truyền tin bài về tòa soạn, ngay lập tức, các gia đình trong thôn đã chia sẻ mật khẩu wifi, chuẩn bị cơm, nước uống và bàn ghế để chúng tôi xử lý thông tin một cách thuận tiện nhất.

Một phóng viên báo bạn chia sẻ kỷ niệm với tôi, khi chị đến một hộ gia đình và ngỏ ý ngồi nhờ để hoàn thiện bài viết thì vô tình biết được, nhà họ vừa bị mất điện, nhưng do cả nhà ra Nhà văn hóa để dọn dẹp, phục vụ lễ tang nên không kịp gọi thợ đến sửa. Tới khi chị đến thì cả nhà tức tốc “huy động”, gọi thợ điện của thôn khác đến xử lý sự cố, để phóng viên có quạt mát, có điện và kết nối mạng nhanh chóng.

Thấm đẫm tình người trên quê hương Tổng Bí thư

Dù thời gian chúng tôi ở Lại Đà không dài song những câu chuyện, hình ảnh về tình người trên quê hương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều không kể hết. Với những gì chúng tôi được mắt thấy, tai nghe thì quả đúng như một đồng nghiệp tôi nhận xét, Lại Đà là một ngôi làng hạnh phúc mà ở đó có những con người hạnh phúc. Đó là một cộng đồng với lối sống chan hòa, nhân ái, biết sẻ chia, gắn bó và đoàn kết.

Niềm hạnh phúc mà họ có được có lẽ đã được nuôi dưỡng và thấm sâu từ mạch nguồn truyền thống văn hóa, văn hiến của một làng quê bên dòng sông Đuống hiền hòa. Dòng chảy ấy, mạch nguồn ấy cũng đã bồi đắp, kết tinh nên một tâm hồn, một vẻ đẹp của sự giản dị, thanh bạch trong con người vĩ đại – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Những tư tưởng thấm đượm tình người, nhân văn của ông, một người Cộng sản chân chính, hẳn đã được dung dưỡng qua bao đời ông cha trên mảnh đất này và tỏa sáng, để ông đúc kết được chân lý: “Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp mà còn ở sự phong phú của tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”.

Thấm đẫm tình người trên quê hương Tổng Bí thư

Thực hiện: Bảo Phương

Bảo Phương