Tham vọng đưa startup Việt vươn xa ra thế giới
Phạm Anh Cường - Sáng lập Flower Farm
Nhắc đến Flower Farm nhiều người sẽ nghĩ ngay đến hoa giấy – sản phẩm cốt lõi của dự án ngay từ khi chính thức thành lập vào tháng 7/2014. Đến nay, Flower Farm bước đầu đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ với những con số ấn tượng như: Hơn 24.000 khách hàng cá nhân và doanh nghiệp, hơn 108 nhà sản xuất cung ứng, và đã xuất khẩu sang 3 quốc gia là Mỹ - Nhật - Singapore.
Không ngủ quên trên chiến thắng, mới đây vào tháng 8/2017, Phạm Anh Cường – sáng lập dự án Flower Farm và các cộng sự đã cho ra đời thêm website và Apps Flower Farm như một cầu nối, tạo nên một cộng đồng trước hết về các sản phẩm hoa, sau vươn xa bao trùm cả nền nông nghiệp với mục tiêu đưa ra một giải pháp hiệu quả cho những vấn đề hiện nay chưa có lời giải.
“Flower Farm – Giải pháp công nghệ số tiên phong cho nền nông nghiệp” được hy vọng sẽ là một hệ sinh thái hoàn chỉnh giúp nông dân, người sản xuất hoa; các shop hoa, nhà phân phối hoa và người tiêu dùng mua bán nhanh chóng, hiệu quả, an toàn và bảo mật. Giải pháp có nhiều tính năng nổi trội như tự động kết nối với phần mềm quản lý hàng hóa và đồng bộ dữ liệu tại từng trang trại - kho hàng, đẩy tin tức tự động tới các bên, định vị chính xác vị trí của từng bên giao dịch, đánh giá độ tín nhiệm và cảnh báo các trường hợp giao dịch bất thường... trên nền tảng công nghệ số Website và Apps.
Chia sẻ về ý tưởng mới này, Phạm Anh Cường cho biết: “Khi mình có dịp tiếp xúc với những người nông dân hay chủ các trang trại hoa xung quanh địa bàn Hà Nội, được nghe nhiều câu chuyện về sự vất vả của chính những người trồng hoa. Bao nhiêu công sức chăm sóc cho cây hoa nhưng đến lúc thu hoạch thì lại bị thương lái ép giá nên người nông dân chỉ có hai lựa chọn một là bán giá thấp cho thương lái; hai là tự đi bán hàng rong. Hơn nữa với người nông dân vốn không am hiểu về kinh doanh. Vì vậy, mình nhận thấy, yêu cầu đặt ra hiện nay là rất cần một giải pháp để giúp người nông dân thêm một kênh bán hàng. Ngoài ra, startup của mình vốn là sản phẩm về hoa, nên mình cũng muốn thử sức thêm với thị trường hoa tươi. Ngay lập tức, mình nghĩ ngay đến tại sao mình không tạo ra một mô hình chợ hoa điện tử mà trong đó chỉ cần những thao tác click chuột đơn giản từ người sản xuất, các shop hoa đến các khách hàng có thể kết nối nhau một cách dễ dàng và có lợi nhất. Đó cũng là cách mà bọn mình tạo nên nền kinh tế chia sẻ, đem lại nhiều lợi ích cho xã hội”.
Hiện tại, hướng đi mới này của Flower Farm đã được triển khai rộng tại Hà Nội kết nối với hơn 60 cửa hàng hoa trên khắp cả nước.
Để có được những thành công như ngày hôm nay, ít ai biết được đằng sau đó là cả là một quãng đường dài đầy khó khăn mà chàng trai 8X phải nỗ lực vượt qua và coi mỗi lần vấp ngã lại là một bài học đáng giá cho quãng đường đầy thử thách phía trước.
Vốn là sinh viên xuất sắc của trường Đại học Ngoại thương – Hà Nội, ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường, Phạm Anh Cường đã nhận được học bổng giao lưu văn hóa do chính phủ Nhật Bản tài trợ. Chính trong quãng thời gian này Cường đã cơ hội tiếp xúc với hoa giấy nghệ thuật kamibana. Ngay lập tức với đầu óc nhạy bén Cường nhận ra mô hình hoa giấy của Nhật Bản tuy được ưa chuộng nhưng khó phát triển bởi giá nhân công đắt đỏ, trong khi điều này lại là lợi thế ở Việt Nam.
Nghĩ là làm, sau khi trở về nước, với số vốn dành dụm đươc 10 triệu, chàng trai trẻ háo hức với dự án khởi nghiệp đầu tay mang tên là Kamibana (Hoa Giấy). Tuy nhiên, từ ý tưởng đến thực tế là cả một con đường gian nan. Do còn thiếu kinh nghiệm trong cách quản trị và những mâu thuẫn nội bộ trong nhóm sáng lập, dự án đầu tay của Phạm anh Cường đã phải dừng lại sau gần 2 năm hoạt động.
Cú sốc đó đã không khiến Cường chùn bước. Chàng trai 8X quyết định rời Hà Nội vào TP. Hồ Chí Minh lập nghiệp với mục đích học hỏi và tích lũy kinh nghiệm ở nhiều dạng công ty khác nhau từ công ty khởi nghiệp, công ty vừa và nhỏ, công ty lớn, công ty nhà nước, và công ty nước ngoài. Đến năm 2013, Cường trở thành giám đốc của một công ty xây dựng với mức lương lên đến hàng ngàn USD.
Tuy nhiên, sau nhiều năm lăn lộn, niềm đam mê với hoa giấy vẫn luôn thường trực. Cường tâm sự: “Thời điểm đó, ở tuổi 25 mình đã có vị trí cao và mức lương mà nhiều người mơ ước nhưng từ trong sâu thẳm mình vẫn còn cháy bỏng một niềm đam mê khởi nghiệp. Bản thân mình vẫn luôn tâm niệm: “Sứ mệnh gì là của mình, mình sẽ phải thực hiện đến cùng. Dù có ở vị trí giám đốc đi chăng nữa, mình vẫn chỉ là đang đi thực hiện ước mơ của người khác mà thôi”.
Đến nay, những cố gắng và tâm huyết của Phạm Anh Cường và cộng sự đã được công nhận khi dự án Flower Farm được vào danh sách 20 dự án khởi nghiệp xuất sắc tham dự diễn đàn Apec khởi nghiệp vào tháng 9 vừa qua.
Ngoài ra, Flower Farm cũng vượt qua gần 200 dự án khởi nghiệp khác lọt vào top 25 chương trình bình chọn Startup Việt 2017 do VnExpress tổ chức. Vòng chung kết xếp hạng sẽ diễn ra vào 25/10 tới đây tại Hà Nội.
Chia sẻ về những dự định trong tương lai, Founder của Flower Farm không giấu tham vọng: “Mình sẽ không chỉ dừng lại ở hoa, trong thời gian tới nhóm của mình sẽ phát triển các sản phẩm rau, củ, quả và nhiều loại nông sản khác có thể đáp ứng nhu cầu đa dạng về thực phẩm sạch. Xa hơn nữa, là phủ rộng ứng dụng giải pháp Công nghệ số Flower Farm không những trong nông nghiệp Việt Nam mà còn là toàn thế giới. Đến năm 2025, Flower Farm chính thức IPO trên sàn chứng khoán New York”.