Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác phòng chống thiên tai
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu thăm các gian hàng triển lãm khoa học công nghệ về phòng chống thiên tai
Bài liên quan
Thủ tướng: Chủ động hơn, kịp thời, hiệu quả hơn trong phòng chống thiên tai
Tăng cường sử dụng mạng xã hội để phòng ngừa, ứng phó với thiên tai
Phát động chiến dịch “Hành động vì trẻ em”
Nhiều hoạt đông hấp dẫn hưởng ứng Chiến dịch “Hành động vì trẻ em”
Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2018, triển khai nhiệm vụ thời gian tới, được tổ chức tại Hà Nội sáng nay dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Hội nghị do Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức theo hình thức trực tuyến đến các cấp có kết nối trực tuyến ở địa phương (các cấp tỉnh, huyện, xã).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2018 |
Báo cáo công tác phòng chống thiên tai trong giai đoạn vừa qua, đại diện lãnh đạo Tổng Cục Phòng chống thiên tai cho biết: Năm 2018, thiên tai trên thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến rất phức tạp, cực đoan, vượt nhiều mốc lịch sử, thiệt hại kinh tế trên thế giới ước tính 146 tỷ USD. Tại Việt Nam thiên tai năm 2018 mang nhiều yếu tố cực đoan, dị thường diễn ra trên khắp các vùng miền cả nước với 16/21 loại hình thiên tai.
Cụ thể, trong năm 2018 vừa qua, thiên tai đã làm 224 người chết và mất tích (92 người do mưa lũ (chiếm 41%); 82 người do lũ quét, sạt lở đất (chiếm 37%); 50 người do các thiên tai khác (chiếm 22%)); 1.967 nhà bị đổ, trôi; 31.335 nhà bị ngập, hư hỏng và di dời khẩn cấp; 261.377 ha lúa và hoa màu bị ngập, thiệt hại; 43.159 ha cây công nghiệp, cây ăn quả bị đổ, gãy; 29.400 con gia súc và 774.427 con gia cầm bị chết; 11.900 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại.
Các đại biểu Bộ, Ngành tham dự Hội nghị |
Thiên tai cũng là cho 884 km đê, kè, kênh mương, bờ bao và 8,4 triệu m3 đất đá đường Quốc lộ, tỉnh lộ và đường giao thông nông thôn bị sạt trượt; hơn 86 km bờ sông, bờ biển bị sạt lở; 107 tầu thuyền bị chìm do bão, áp thấp nhiệt đới/467 tầu, thuyền bị chìm. Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính gần 20.000 tỷ đồng, đã giảm nhiều so với thiệt do thiên tai gây ra năm 2017 ước tính gần 60.000 tỷ đồng làm 386 người chết và mất tích.
Từ đầu năm 2019 đến nay, trên cả nước đã xảy ra 12 loại hình thiên tai làm 23 người chết và mất tích, hơn 18.200 nhà bị sập đổ, hư hỏng; 27.370 ha lúa và hoa màu bị đổ dập; 5.077 ha cây công nghiệp, cây hàng năm và cây ăn quả bị thiệt hại, gãy đổ; 12.700 con gia súc, gia cầm bị chết; sạt lở trên 22.300m3 đất đá, bê tông; 1.427m đê, kè; hơn 1.100m bờ sông, bờ suối. Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính trên 337 tỷ đồng.
Các đại biểu nước ngoài tham dự Hội nghị |
Theo nhận định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mùa bão năm 2019 trên khu vực Biển Đông có xu hướng hoạt động muộn và ít hơn so với trung bình nhiều năm, với khả năng xuất hiện khoảng 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, hoạt động trên khu vực Biển Đông và trong đó có khoảng 4-5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.
Từ tháng 6-8/2019, trên các sông suối khu vực Bắc Bộ sẽ xuất hiện nhiều đợt lũ, đỉnh lũ các sông ở mức báo động 1- báo động 2, các sông suối nhỏ trên báo động 3. Lũ quét và sạt lở đất có khả năng xuất hiện sớm ngay từ các tháng đầu mùa mưa lũ tập trung tại vùng núi phía Tây Bắc. Mùa khô 2019 ở các tỉnh ven biển Trung, Nam Trung Bộ khả năng kéo dài tới tháng 8-9/2019, nguy cơ cao xảy ra khô hạn, thiếu nước cục bộ, xâm nhập mặn vùng cửa sông tại các tỉnh thuộc khu vực Trung, Nam Trung Bộ. Trong mùa lũ 2019, dự báo đỉnh lũ năm ở đầu nguồn sông Cửu Long ở mức báo động 1- báo động 2, thấp hơn đỉnh lũ trung bình nhiều năm.
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, cùng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp tại Nghị quyết 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai của các Bộ, ngành, địa phương và sự tham gia tích cực của người dân nên công tác phòng, chống thiên tai đã và sẽ được triển khai đồng bộ, nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả, để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.
Hội nghị được kết nối trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được chủ trì bởi Chủ tịch, phó Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố và các ban ngành liên quan với sự tham gia của khoảng 1600 đại biểu từ đầu cầu các tỉnh. Bên cạnh đó có 710 huyện, 456 xã cũng sẽ kết nối trực tuyến tham gia Hội nghị với sự tham gia của lãnh đạo Huyện, lãnh đạo xã và các ban ngành trên địa bàn với số lượng đại biểu khoảng gần 16.000 người.
Hội nghị đã đánh giá toàn diện công tác phòng, chống thiên tai năm 2018, những vấn đề tồn tại, bài học kinh nghiệm từ thực tế công tác chỉ đạo, điều hành trong thời gian vừa qua. Hội nghị cũng đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm đối với công tác phòng, chống thiên tai năm 2019. Trong đó cần triển khai quyết liệt các giải pháp đồng bộ từ phòng ngừa đến ứng phó và khắc phục hậu quả nhằm giảm thiểu thiệt hại, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của đất nước giai đoạn 2016 - 2020; Giảm thiệt hại về người do thiên tai, đặc biệt là đối với bão, lũ và lũ quét, sạt lở đất; Giảm thiệt hại về vật chất, nhất là trong lĩnh vực dễ bị tổn thương bởi thiên tai, tác động lớn đến đời sống, sản xuất của nhân dân.