Tọa đàm "Số phận những đứa trẻ trong thế chiến II"
Tại sự kiện độc giả sẽ được gặp gỡ nhà phê bình Mai Anh Tuấn, dịch giả Nguyễn Hồng Vân, biên tập viên Vũ Phương Anh
Bài liên quan
Festival Nghề truyền thống Huế 2019 tôn vinh “Tinh hoa nghề Việt”
Giao lưu "Khuyến đọc - Bí quyết khai thác mỏ vàng trong thế giới sách"
Những cảm xúc rưng rưng trong "Ngày mai anh lên đường"
Chương trình được tổ chức hướng đến Ngày Sách Việt Nam (21/4) và kỉ niệm 74 năm Ngày chiến thắng Phát xít (9/5), nhân dịp ra mắt hai cuốn tiểu thuyết lịch sử về Thế chiến II.
Đó là: "Max - Bi kịch của Chủng tộc thượng đẳng" (Sarah Cohen-Scali) - tác phẩm đã giành 12 giải thưởng tại Pháp, và "Cây vĩ cầm Ave Maria" (Kagawa Yoshiko) - tác phẩm đạt giải vàng Huân Chương Sakura của Hiệp hội thư viện trường học Nhật Bản.
Dựa trên sự kiện lịch sử có thật về những chương trình bí mật do Chủ nghĩa Quốc xã thực hiện, hai tác phẩm chọn đề cập tới vấn đề thân phận của trẻ em trong thời chiến - khi bị cuốn vào vòng xoáy tàn bạo của Thế chiến II.
Hai cuốn tiểu thuyết lịch sử về Thế chiến II, đề cập đến những chương trình bí mật do Chủ nghĩa Quốc xã thực hiện - và số phận của trẻ em trong thời chiến dưới bàn tay của Đế chế thuộc Wings Books - Thương hiệu sách trẻ của Nhà xuất bản Kim Đồng.
"Max - Bi kịch của Chủng tộc thượng đẳng" là tiểu thuyết lấy cảm hứng từ những sự kiện lịch sử có thật về chương trình "Lebensborn" (còn gọi là Suối Sinh) - một trong những chương trình tàn bạo do Đức Quốc Xã tiến hành trong Thế chiến II.
Đây là chương trình được đích thân Thống chế Heinrich Himmler khởi xướng với mục tiêu làm tăng dân số của “chủng Aryan ưu việt” bằng cách “nhân giống” từ các đối tượng đã được chọn lọc kĩ; cũng như “Đức hoá” trẻ em từ các lãnh thổ bị Đức Quốc Xã chiếm đóng. Ước tính có khoảng 8.000 trẻ em được sinh ra trong các nhà trẻ của “Lebensborn” ở Đức, từ 8.000 - 12.000 trẻ em tại Na Uy, hàng trăm trẻ em tại Áo, Bỉ và Pháp, khoảng hơn 200.000 đứa trẻ đã bị bắt cóc khỏi gia đình của mình.
Qua tiểu thuyết "Cây vĩ cầm Ave Maria", những sự thật lịch sử đau lòng về Trại tập trung của Đức Quốc Xã được tái hiện, với nhân vật chính là những “nghệ sĩ tù nhân” - thành viên trong các dàn nhạc Trại tập trung. Tháng 9/1941, chất độc Zyklon B do I.G. Farben sản xuất sau khi được kiểm tra hiệu quả - khiến chín trăm tù nhân tử vong chỉ trong vòng mười phút - đã được đưa vào sử dụng cho các cuộc thảm sát tập thể người Do Thái. Việc tổ chức dàn nhạc trong Trại tập trung được thực hiện có chủ đích. Các bài diễn tấu sẽ áp chế tinh thần tù nhân, và sau đó là "nhấn chìm tiếng gào thét" của họ trong những phòng hơi ngạt, nhà hoả thiêu của Trại hủy diệt.
“Dù được đánh giá là những đề tài văn học gai góc và có phần nặng nề, song chúng tôi vẫn lựa chọn và giới thiệu tới bạn đọc, đặc biệt là những bạn đọc trẻ tuổi vì chúng tôi tin rằng thông điệp nhân ái và hướng thiện của các cuốn sách sẽ được bạn đọc suy ngẫm và đón nhận.” – Đại diện Wings Books chia sẻ.
Nếu “Cây vĩ cầm Ave Maria” gửi gắm thông điệp về sức mạnh cứu rỗi con người của âm nhạc, sự tha thứ và giá trị của lịch sử, thì "Max - Bi kịch của Chủng tộc thượng đẳng" khẳng định tình yêu thương giữa con người với con người sẽ tạo ra sức mạnh cảm hóa, kết thúc mọi khổ đau, mọi cuộc chiến tranh, và để trẻ em được sống trong hòa bình. Bản năng khao khát yêu thương và hướng thiện của những đứa trẻ có khả năng đập tan mọi giả thuyết phi nhân tính của chương trình “Lebensborn” - trước cả khi Đế chế sụp đổ.
Đề cập đến một thời kì đen tối trong lịch sử nhân loại với các sự kiện có thật, tác phẩm thôi thúc bạn đọc trẻ ngày nay đọc về lịch sử để hiểu lịch sử, nhìn vào lịch sử để trân trọng hiện tại và nỗ lực xây đắp tương lai. Đúng như dịch giả Nguyễn Hồng Vân của tác phẩm “Cây vĩ cầm Ave Maria” chia sẻ: “Người ta tìm thấy trong câu chuyện một cách tiếp cận với lịch sử đầy mới mẻ, một cái nhìn nhân ái về con người và bài học đáng quý về kiến tạo giá trị cho bản thân”.