Trao hạnh phúc tới những công nhân trẻ

TTTĐ - Đại dịch COVID-19 đã tác động rất lớn đến thị trường lao động Việt Nam. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng cao, thu nhập bình quân tháng của người lao động sụt giảm nghiêm trọng. Tại Việt Nam, lao động nữ cùng lúc phải đảm nhiệm nhiều vai trò: Đóng góp nguồn thu cho gia đình, hỗ trợ và liên quan trực tiếp đến kinh phí chi cho con cái, cha me, các mối quan hệ dòng tộc, làng xã… Để vượt qua những khó khăn, gian nan do dịch bệnh, họ rất cần sự chăm lo, hỗ trợ của các tổ chức chính trị xã hội, ban, ngành đoàn thể.

đôi vai nặng trĩu nỗi lo

Với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, tiên phong trong những hy sinh thầm lặng, tổ chức Đoàn Thanh niên đã có nhiều hoạt động đồng hành, hỗ trợ công nhân đặc biệt là công nhân nữ.

Năm 2021, đợt dịch bệnh COVID-19 lần thứ tư diễn biến phức tạp, lây lan nhanh và kéo dài đã làm tăng tỷ lệ và số người thiếu việc làm trong độ tuổi ở quý III/2021 lên mức cao nhất trong vòng 10 năm qua.

Lúc này, câu chuyện thu nhập và đời sống của công nhân lại sục sôi hơn bao giờ hết. Tác động kéo dài của đại dịch đến các hộ gia đình nữ công nhân đã trở nên rõ nét. Ngay từ trước khi đợt dịch COVID-19 bùng phát mạnh, tháng 3/2021, 30% hộ gia đình có thu nhập thấp hơn so với tháng 3/2020. Khoảng 12% các hộ gia đình này rơi vào tình trạng khó khăn tài chính khi họ bị mất ít nhất 50% thu nhập. Nữ giới và các hộ ở nhóm 20% có thu nhập thấp nhất trải qua quá trình phục hồi thu nhập chậm nhất.

Dịch bệnh COVID-19 khiến đời sống của nhiều công nhân, đặc biệt là công nhân nữ gặp nhiều khó khăn

Trao hạnh phúc tới những công nhân trẻ

Bên cạnh công việc là một công nhân, họ còn nắm vai người vun vén cho gia đình, chăm sóc cho chồng con. Tuy không phải là trụ cột kinh tế trong gia đình nhưng những nữ công nhân lại là bộ phận chịu những tác động khá lớn vì ít có khoản tiết kiệm hơn và khả năng tiếp cận tài chính hạn chế hơn.

Đại dịch COVID-19 cũng càng làm tăng áp lực về thời gian cho đời sống nữ công nhân khi phải chăm sóc con cái nhiều hơn, nhất là khi trường học bị đóng cửa, con em của họ phải học online tại nhà.

Việc chi tiêu, tính toán chi phí sinh hoạt đã đặt ra cho các “tay hòm chìa khóa” bài toán nan giải. Không đi làm được thì không có thu nhập gì thêm cho gia đình, không có tiền mua bỉm sữa cho con; rồi tiền "chợ búa", ăn uống, chi tiêu, vật dụng trong nhà, đều không có... Khoản chi phát sinh do dịch COVID-19 bùng phát khiến nhiều gia đình công nhân lao đao.

tÌNH NGƯỜI tRONG GIAN KHÓ

Giữa lúc khó khăn chồng chất, dịch bệnh bủa vây, rất nhiều nữ công nhân cảm thấy an lòng thêm mạnh mẽ để vượt qua dịch bệnh nhờ vào sự hỗ trợ ân tình của tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên.

Là lao động chính trong gia đình nên mọi chi phí sinh hoạt của người mẹ già và cô con gái nhỏ 10 tuổi đều phụ thuộc vào đồng lương của chị Nguyễn Thị Trang, công nhân Công ty TNHH Vietnegry (khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai, Hà Nội).

Trong thời gian dịch bệnh, việc làm không đều, chị Trang phải tạm nghỉ việc. Giữa lúc bộn bè lo lắng, chị nhận được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và Đoàn Thanh niên. Chị cũng là một trong những công nhân được nhận quà trong chương trình “Tết chung một nhà” do Trung ương Đoàn phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức.

“Mình rất sợ cảnh thiếu đói. Vì thế khi nhận được sự hỗ trợ kịp thời mình an tâm hơn rất nhiều”, chị Trang tâm sự.

Trao hạnh phúc tới những công nhân trẻ

Chuỗi "Siêu thị mini 0 đồng" do Thành đoàn - Hội Sinh viên Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức đã mang tới những món quà ý nghĩa, là "cứu cánh" giúp nhiều người lao động vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19

Cũng rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn do dịch bệnh COVID-19 nên khi cầm phiếu mua hàng tại “Siêu thị mini 0 đồng – Hà Nội trái tim hồng” chị Nguyễn Quỳnh Nga (công nhân khu công nghiệp Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội) đã bật khóc.

Tháng 8 năm 2021, ngay bên cạnh có ca F0 nên gia đình chị Nga nằm trong khu cách ly để phòng chống dịch. Thời gian đó, vợ chồng chị phải nghỉ việc hơn một tháng, đồng nghĩa với không có thu nhập. Một số tháng khác thu nhập của vợ chồng anh cũng giảm do giãn việc. Duy trì cuộc sống của cả gia đình 4 người như thế nào là điều chị ngày đêm lo lắng.

Vì thế, khi nhận được tấm phiếu mua hàng trị giá 400 nghìn đồng từ “Siêu thị mini 0 đồng” do Thành đoàn, Hội Sinh viên thành phố Hà Nội phối hợp với các đơn vị tổ chức, chị Nga rất xúc động. Ngày siêu thị mở cửa chị đến sớm để lựa chọn các mặt hàng thiết yếu cho gia đình như gạo, dầu ăn, nước mắm, trứng…

Trao hạnh phúc tới những công nhân trẻ

Sự hỗ trợ ân tình của tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên đã giúp người lao động vượt qua những thời khắc khó khăn nhất của dịch bệnh COVID-19

“Các cụ vẫn dạy, "một miếng khi đói bằng một gói khi no". Nhận được sự giúp đỡ đúng lúc càng quý giá hơn, mình có thêm động lực, niềm vui để vượt qua khó khăn”, chị Nga tâm sự.

Bên cạnh “Siêu thị mini 0 đồng”, những suất ăn 0 đồng, túi quà an sinh… được tổ chức Đoàn trao tặng đã đã kịp thời hỗ trợ hàng ngàn công nhân, lao động nhập cư mất việc làm. Nó như tấm phao cứu cánh nặng nghĩa tình để họ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

"tIẾP SỨC" SAU ĐẠI DỊCH

Nhiều nữ công nhân được y, bác sĩ trẻ khám bệnh hậu COVID-19

Trao hạnh phúc tới những công nhân trẻ

Sau bùng phát của đại dịch COVID, tổ chức Đoàn - Hội các cấp tiếp tục chăm lo, hỗ trợ lao động nữ nói riêng, thanh niên công nhân nói chung. Bằng những việc làm thiết thực: Khám bệnh, chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19, tặng quà nữ công nhân, tổ chức các phiên chợ giá rẻ, tạo việc làm cho người lao động…

Chị Nguyễn Thanh Hiền, hiện làm công nhân tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội phấn khởi khi được các y, bác sĩ trẻ thuộc Hội LHTN, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam khám hậu COVID-19. Dù bị nhiễm bệnh cách đây khá lâu, từ tháng 1/2022 đến nay nhưng thỉnh thoảng chị vẫn có một số triệu chứng ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như năng suất làm việc.

“Cảm thấy cơ thể không được khoẻ sau đợt điều trị vì mắc COVID-19, gặp thầy thuốc khám bệnh tình nguyện cho công nhân nên mình đến khám để lấy thuốc uống. Các y bác sĩ hỏi tận tình, hướng dẫn chi tiết từng bước khám bệnh, phát thuốc, tặng quà nữa. Sự hỗ trợ kịp thời, tận tâm của họ đã giúp mình phấn chấn, phục hồi sức khỏe", chị Nguyễn Thanh Hiền chia sẻ.

Trao hạnh phúc tới những công nhân trẻ

Cô gái khuyết tật Vũ Thị Dung tại lớp học nghề may của Trung tâm Dịch vụ việc làm và Hỗ trợ thanh thiếu niên – Thành đoàn Hà Nội

Theo Phó Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam Hà Anh Đức, hội chứng hậu COVID-19 không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân, mà còn tác động tiêu cực lên các mặt đời sống kinh tế, xã hội. Hành trình “Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng” năm 2022, với chủ đề “Chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19” của tổ chức thanh niên diễn ra từ ngày 14/5 đến hết năm 2022.

Cô gái khuyết tật Vũ Thị Dung (quê ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) về Đông Anh, Hà Nội học lớp dạy nghề may miễn phí tại trụ sở Trung tâm Dịch vụ việc làm và Hỗ trợ thanh thiếu niên – Thành đoàn Hà Nội. Được sự giúp đỡ tận tình của trung tâm cùng doanh nghiệp xã hội phối hợp, cô nhanh chóng bắt nhịp với máy khâu, may vá, có thu nhập tự nuôi sống bản thân.

Bài viết: Nguyễn Dũng, Lê Dung, Thi Mai

Trình bày: Thành Trung