eMag azine
03/09/2022 00:00
Trường học cho con công nhân - kỳ vọng ở những quyết sách mới

03/09/2022 00:00

TTTĐ - Việc có trường học an toàn không chỉ đem đến sự yên tâm cho người lao động, sự phát triển cho doanh nghiệp và nền kinh tế xã hội nói chung mà còn đảm bảo quyền bình đẳng cho mọi trẻ em.
Trường học cho con công nhân

Việc có trường học an toàn không chỉ đem đến sự yên tâm cho người lao động, sự phát triển cho doanh nghiệp và nền kinh tế xã hội nói chung mà còn đảm bảo quyền lợi bình đẳng cho mọi trẻ em.

Thế nhưng, điều đó dường như vẫn là giấc mơ xa vời với công nhân ở các khu công nghiệp và chế xuất… Trong thời gian tới, hi vọng những “nỗi niềm ai tỏ” này sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tháo gỡ bằng những quyết sách mới, chia sẻ khó khăn với người lao động.

Trường học cho con công nhân - kỳ vọng ở những quyết sách mới

Phải gửi con ở những cơ sở giáo dục tư thục với chi phí đắt đỏ, phải đưa con về quê nhờ người thân chăm sóc… những câu chuyện đời thường ấy trở thành mối giằng xé trong đời sống của công nhân ở các khu công nghiệp và chế xuất. Thực trạng thiếu trường công cho con em công nhân trở thành mối lo không chỉ cho công nhân mà còn là bài toán khó giải đối với cả các cấp chính quyền…

Trường học cho con công nhân - kỳ vọng ở những quyết sách mới

Ngoái nhìn lại khu trọ một lần nữa, chị Nguyễn Thị Minh (công nhân trú tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) mím môi, nổ máy, cố gạt đi dòng nước mắt. Chiếc xe máy cà tàng chở theo hai đứa con đang ngơ ngác không biết bao giờ mình mới có thể trở lại chốn này. Phía trước, cũng với chiếc xe máy cũ, anh Nam chồng chị chất lên cả gia tài lỉnh kỉnh nào xoong chảo, nồi niêu, chăn màn quần áo và cả những chiếc ba lô của hai đứa con. Cuộc dịch chuyển về quê của họ bắt đầu.

Trường học cho con công nhân - kỳ vọng ở những quyết sách mới
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo đến thăm và làm việc với Trường Mầm non khu chế xuất Tân Thuận, Quận 7, TP HCM

Khi ra đi hào hứng bao nhiêu thì lúc trở về buồn bã bấy nhiêu. Anh Nam và chị Minh cùng sinh ra và lớn lên tại một tỉnh miền núi phía Bắc. Núi cao và sương muối, thời tiết khắc nghiệt, ít nước để sản xuất, các mùa vụ chủ yếu trông chờ vào ông trời. Cố gắng học hết THPT, hai anh chị theo bạn bè xuống Hà Nội làm công nhân.

Vốn là người chịu thương chịu khó, hay lam hay làm, hai anh chị chăm chỉ và học hỏi nhanh nên vô cùng yêu thích công việc của mình. Với mức thu nhập cao hơn rất nhiều làm nông nghiệp ở quê, cả hai đều tràn trề hi vọng vào một tương lai tươi sáng, các con có tuổi thơ đủ đầy hơn mình khi xưa.

Thế rồi, những khó khăn thực sự ập đến sau khi con chị Minh đến tuổi vào mẫu giáo. Không có ông bà hỗ trợ, chị lay lắt gửi con hết nhà trẻ này đến trường mẫu giáo nọ. Đứa trẻ ốm yếu, hay quấy khóc nên các nhà trẻ đều không mặn mà nhận trông. Hết đứa thứ nhất, đến đứa thứ hai, tình trạng vẫn tái diễn. Chị gần như phải nghỉ việc để trông con.

Cho đến lúc con đi học thì thực sự nan giải. Trường đủ điều kiện cho con học thì xa, bố mẹ làm ca không tiện đưa đón. Trường phù hợp thì lại không thể xin vào vì không có hộ khẩu và chi phí cho con học hành cũng vượt quá khả năng của cả hai vợ chồng… Đắn đo mất mấy tháng trời, cuối cùng, cả hai quyết định trở về quê.

Trường học cho con công nhân - kỳ vọng ở những quyết sách mới

Khu công nghiệp Bắc Thăng Long Hà Nội hiện có hơn 60.000 công nhân, lao động với hàng nghìn trẻ nhỏ nhưng mới chỉ có 3 trường mầm non công lập, 5 trường tư thục và hơn hơn 10 nhóm trẻ. Thêm vào đó, sự biến động không ngừng về số lượng công nhân khiến cho việc dự báo số lượng trẻ mầm non đến trường càng thêm khó khăn, dẫn đến tình trạng thiếu chỗ học ở khu vực này ngày càng trầm trọng.

Ngoài những gia đình gửi con về quê nhờ ông bà chăm sóc hoặc nhờ ông bà, người thân ở quê lên trông con giúp thì phần lớn công nhân chấp nhận gửi con ở các trường mầm non tư thục, nhóm trông giữ trẻ độc lập, nhỏ lẻ, chật chội, không đảm bảo về cơ sở vật chất cũng như chất lượng đội ngũ giáo viên.

Đáng nói, học phí gửi trẻ tại các cơ sở này khá cao so với thu nhập eo hẹp của công nhân, người lao động. Không còn cách nào khác, nhiều gia đình phải cắt giảm chi tiêu, “thắt lưng buộc bụng” để có tiền gửi con đi nhà trẻ, mẫu giáo và trang trải cuộc sống gia đình. Có nhà phải chấp nhận sống xa con, cho về quê học, nhờ ông bà chăm giúp.

Trường học cho con công nhân - kỳ vọng ở những quyết sách mới
Con em công nhân học tập tại ngôi trường mầm non công lập Kim Chung A (huyện Đông Anh, Hà Nội)

Làm việc tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long được hơn 5 năm, vợ chồng chị Thu (Công nhân Công ty TNHH SEI) phải chật vật bươn chải, cắt giảm chi tiêu, mua sắm những vật dụng không cần thiết để đối phó với “bão giá” giữa Thủ đô đắt đỏ. Thu nhập từ nghề công nhân của 2 vợ chồng chị khoảng trên 15 triệu đồng/tháng.

Chị Thu cho biết, khó khăn lớn nhất của vợ chồng chị hiện nay là việc gửi con. “Nếu gửi con ở cơ sở tư thục thì học phí quá cao. Riêng tiền học phí cho các con vào khoảng trên 4 triệu đồng/tháng, chưa kể đến tiền sữa, bỉm, hoa quả, thuốc men khi con ốm đau”. Trong khi đó, khu vực chị Thu đang ở trọ, trường công lập nào cũng đã trong tình trạng quá tải nên việc có một suất cho con vào trường công khi hộ khẩu thường trú của chị không có là việc rất khó khăn.

Trường học cho con công nhân - kỳ vọng ở những quyết sách mới

Cũng giống như các khu công nghiệp lớn ở Hà Nội, tại Bình Dương - thành phố đang phát triển vô cùng mạnh mẽ với các khu công nghiệp và chế xuất, cho con đi học cũng là vấn đề nóng với nhiều gia đình công nhân.

Trường học cho con công nhân - kỳ vọng ở những quyết sách mới

Chị Nguyễn Thu Phương (thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương) cho biết: Bất đắc dĩ vì không tìm được trường cho con, vợ chồng anh chị phải gửi con về quê Tiền Giang cho ông bà trông nom giúp. Hai anh chị vài tháng, thậm chí nửa năm, một năm mới dám về thăm con một lần mà đi “chéo cánh”, tức là bố về thì mẹ thôi hoặc mẹ về thì bố thôi. Bởi lẽ, chi phí tàu xe, quà cáp... là cả một vấn đề đối với họ.

“Ai chả muốn gần gũi con, vừa có tình cảm gia đình, vừa đỡ lo lắng, thấp thỏm lại yên tâm làm việc, kịp thời bảo ban, dạy dỗ con nhưng hoàn cảnh như vậy, cái khó bó cái khôn, không làm cách nào khác được”, chị Phương ngậm ngùi cho biết. Hai đứa con chị đứa 10, đứa 14 tuổi, đang ở tuổi ăn tuổi lớn, cũng là tuổi dậy thì ẩm ương, đã xa bố mẹ 10 năm nay.

Trường học không gần, không tiện đưa đón, bố mẹ cũng bận nên gửi về quê với ông bà là cách tốt nhất mà chị có thể làm được. Mục đích là để con được học hành nhưng liệu chất lượng giảng dạy ở quê có tốt hay không thì chị cũng không thể nào biết chắc được. Hiện tại, các cháu đều được học sinh tiên tiến, mỗi năm đều có giấy khen nhưng học càng lên cao càng khó, ông bà có tiếp tục kèm cặp bảo ban được cháu nữa hay không thì chị không dám nói.

Trong khi đó, con cái liệu vắng bóng bàn tay chăm sóc, dạy dỗ của cha mẹ có sinh hư, dính vào tệ nạn xã hội hay không là điều chị Phương vô cùng băn khoăn, lo lắng.

Trường học cho con công nhân - kỳ vọng ở những quyết sách mới
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh

Hàng ngày chị Phương và chồng đều tranh thủ lúc rỗi rãi là gọi điện qua zalo, facebook để chuyện trò, tâm sự, hỏi han tình hình học tập, cuộc sống của con, mong kéo gần khoảng cách nhưng chắc chắn cũng không thể bằng việc ở nhà, tiếp xúc, gặp gỡ hàng ngày được. Lo thì vẫn lo nhưng không có cách nào khác, chị Phương đành chấp nhận.

Việc bố mẹ tần tảo ở thành phố làm việc quên ăn quên mặc để con ở quê có cái chữ, được học hành nên người xem ra cũng chỉ là một giải pháp tình thế. Bởi lẽ, bao giờ cũng thế, trẻ con được phát triển toàn diện nhất khi được ở bên bố mẹ, trong gia đình, sẽ được bồi đắp cả tình yêu thương lẫn sự kết hợp giáo dục giữa gia đình và nhà trường. Chỉ trừ thời chiến chúng ta mới có hình thức tản cư, con cái học hành xa bố mẹ, còn bây giờ thời bình, lẽ nào tình trạng đó vẫn còn tái diễn?

“Ở quê bây giờ cũng có những thành phần thanh niên bất hảo, cộng với mạng xã hội phát triển kéo theo nhiều mặt trái, tâm sinh lý trẻ con chưa ổn định, mình không theo sát các con cả ngày, thôi thì chỉ biết nhờ trời, mong rằng con mình vẫn ngoan ngoãn, thành thật, chưa biết nói dối bố mẹ thôi”, chị Nguyễn Thu Phương (thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương) bày tỏ.
Trường học cho con công nhân - kỳ vọng ở những quyết sách mới

Việc có trường học an toàn không chỉ đem đến sự yên tâm cho người lao động, sự phát triển cho doanh nghiệp và nền kinh tế xã hội nói chung mà còn đảm bảo quyền lợi bình đẳng cho mọi trẻ em.

Tuy nhiên, điều đó dường như vẫn là giấc mơ xa vời với nhiều công nhân ở các khu công nghiệp và chế xuất… Bên cạnh đó tình trạng trường học, trường mầm non chưa đáp ứng đủ nhu cầu học tập của các tỉnh có lượng lao động nhập cư lớn cũng là một vấn đề dẫn đến các con chưa có được môi trường học hành tốt nhất.

Trường học cho con công nhân - kỳ vọng ở những quyết sách mới

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Hậu - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mê Linh, hiện nay, trên địa bàn huyện có khoảng trên 40.000 công nhân, lao động trong các khu công nghiệp, chế xuất. Con số này dẫn đến sự “khủng hoảng” về vấn đề trường, lớp ở tất cả các cấp học.

Trường học cho con công nhân - kỳ vọng ở những quyết sách mới
Ông Nguyễn Văn Hậu - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mê Linh (Hà Nội)

Nhu cầu học tập của con công nhân là rất lớn nhưng cả cơ sở vật chất và nhân lực của địa phương đều không đáp ứng được hết khiến các trường học ở thị trấn Quang Minh đều lâm vào tình trạng quá tải.

Ông Hậu cho biết, hiện ở thị trấn Quang Minh có 1 trường THCS, 2 trường tiểu học, 2 trường mầm non nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu được đi học của con em công nhân. Vì thế, địa phương chỉ có thể tiếp nhận hồ sơ của các học sinh có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú, tạm vắng. Đối với trường hợp không có tạm trú, tạm vắng thì không thể nào linh động vì cơ sở vật chất cũng không đủ đáp ứng. Vì vậy, rất nhiều con em công nhân không thể vào các trường công lập mà buộc phải học tập ở các cơ sở tư thục trên địa bàn.

Cũng là một địa phương có số lượng doanh nghiệp đóng trên địa bàn đông vào hạng “nhất nhì” của cả nước, hiện trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 442 trường mầm non, mẫu giáo. Trong đó có 119 trường công lập, chiếm tỷ lệ 26,9%.

Số trường công lập hiện tại chưa đáp ứng được nhu cầu gửi con em của công nhân, người lao động.

Bà Nguyễn Thị Nhật Hằng - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Dương - chia sẻ: “Trên thực tế, tại tỉnh Bình Dương các trường công lập thu nhận trẻ không phân biệt đối tượng trẻ là con công nhân, người lao động hay con công chức, viên chức….

Việc thu nhận trẻ do các phòng GD&ĐT quy định, căn cứ vào tình hình và điều kiện thức tế của từng đơn vị phòng GD&ĐT sẽ giao chỉ tiêu tuyển sinh đầu năm theo địa bàn nơi cư trú của cha mẹ và của trẻ. Việc trường công lập không thu nhận trẻ do nhà trường không thể đáp ứng được việc gửi con ngoài giờ do tăng ca của cha mẹ trẻ vì vậy buộc cha mẹ trẻ phải gửi con ở các cơ sở tư thục để đáp ứng nhu cầu gửi con khi tăng ca”.

Trường học cho con công nhân - kỳ vọng ở những quyết sách mới
Tình trạng thiếu trường, lớp cho con, em công nhân cũng là vấn đề nóng đối với ngành giáo dục tỉnh Đồng Nai

Theo số liệu cung cấp từ Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, hiện nay, tỉnh có 32 khu công nghiệp đã và đang hoạt động trên địa bàn tổng số lao động toàn tỉnh khoảng 1,25 triệu người, trong đó, lao động ngoại tỉnh trong và ngoài khu khoảng 450.000 người (chiếm khoảng 60 - 80%) trên tổng số công nhân lao động. Có 10 huyện, thành phố có khu công nghiệp; với tổng số cơ sở giáo dục mầm non thuộc khu công nghiệp là 1.227 cơ sở: 201 trường mầm non công lập, 153 tư thục và 872 cơ sở giáo dục mầm non độc lập (số liệu này chỉ tính những địa bàn có khu công nghiệp, trừ huyện Cẩm Mỹ).

Bên cạnh sự phát triển, mở rộng của mạng lưới trường lớp công lập, tư thục; các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) độc lập cũng không ngừng tăng nhanh về số lượng và chất lượng. Việc phát triển các cơ sở GDMN độc lập giúp giảm bớt gánh nặng về việc huy động trẻ trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu gửi con của cha mẹ học sinh, đặc biệt là con em công nhân tại các khu tập trung nhiều nhà máy, công ty, các khu công nghiệp và khu tập trung nhiều nhà trọ, dân nhập cư.

Do tình hình dịch bệnh kéo dài và diễn biến phức tạp, các cơ sở GDMN trên địa bàn tỉnh ngưng hoạt động từ tháng 5/2021 đến tháng 1/2022, các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập trong thời gian dài không có doanh thu từ nguồn học phí, một số cơ sở thuê mướn mặt bằng vẫn phải chi trả tiền thuê cơ sở, hỗ trợ chi trả lương cho nhân viên, giáo viên để ổn định cuộc sống và giữ chân đội ngũ khi cơ sở hoạt động trở lại đó cũng chính là khó khăn lớn nhất mà hiện nay tất cả các cơ sở GDMN ngoài công lập đang gặp phải.

Quyết sách mới năm 2022

Nhiều cơ sở không có đủ kinh phí để hỗ trợ trả lương cho người lao động do dịch kéo dài, khiến đời sống nhân viên, giáo viên các cơ sở GDMN ngoài công lập gặp rất nhiều khó khăn, nhiều giáo viên phải chuyển sang các công việc khác như làm công nhân thời vụ, bán hàng, làm nhân viên phục vụ quán ăn, quán nước... Có nhiều giáo viên và nhân viên đã xin nghỉ việc để chuyển sang một công việc khác, vì vậy khi hoạt động trở lại các cơ sở không có đủ nhân sự phục vụ, đặc biệt là giáo viên đứng lớp.

Hiện nay toàn tỉnh đang thiếu 712 giáo viên theo quy định. Thực trạng thiếu giáo viên hiện nay ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng tổ chức các hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ. Mặc dù các địa phương luôn tăng cường công tác tuyển dụng, đào tạo tuy nhiên số giáo viên đăng ký tuyển dụng hàng năm không đáp ứng đủ nhu cầu thực tế còn thiếu.

Do thời gian ngừng hoạt động kéo dài, các cơ sở GDMN ngoài công lập không có nguồn thu ổn định vì thế kinh phí đầu tư, bảo dưỡng cơ sở vật chất, đầu tư, bổ sung đồ dùng dạy học, đồ dùng đồ chơi hạn chế. Thiếu kinh phí trang bị, bổ sung cơ sở vật chất dẫn đến một số đơn vị chưa đảm bảo tốt môi trường giáo dục cho trẻ.

Đồng thời, một số cơ sở GDMN ngoài công lập khi hoạt động trở lại mặc dù đã tăng cường tuyên truyền, tổ chức chiêu sinh dưới nhiều hình thức tuy nhiên số học sinh huy động ra lớp quá ít so với chỉ tiêu và quy mô của cơ sở. Vì thế việc đảm bảo duy trì hoạt động cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Trường học cho con công nhân - kỳ vọng ở những quyết sách mới

Có một thực tế là rất nhiều công nhân không thể gửi con ở các cơ sở giáo dục công lập, buộc phải gửi con ở các cơ sở tư thục, nhóm trẻ tự phát kéo theo những hệ lụy về bạo hành trẻ, cơ sở vật chất không đảm bảo dạy và học cũng như chăm sóc trẻ.

Trường học cho con công nhân - kỳ vọng ở những quyết sách mới
Ông Đỗ Đăng Bảo Linh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai

Trước tình trạng này, ông Đỗ Đăng Bảo Linh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Nai bày tỏ: Thực tế là công nhân lao động thường gửi con tại các cơ sở GDMN ngoài công lập vì thời gian làm việc của họ trường không cố định. Việc lựa chọn gửi con vào các cơ sở tư thục, nhóm trẻ tự phát do các cơ sở đó đáp ứng linh hoạt thời gian giữ trẻ nếu cha mẹ học sinh có tăng ca, thêm giờ...

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 62% trẻ được chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục tại các cơ sở GDMN ngoài công lập. Xác định Đồng Nai là địa bàn có nhiều cơ sở GDMN ngoài công lập nên trong những năm vừa qua, Sở GDĐT luôn đẩy mạnh và tăng cường công tác quản lý, hướng dẫn việc thực hiện chương trình chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục đối với các loại hình cơ sở GDMN ngoài công lập đặc biệt là các cơ sở GDMN độc lập. Vì thế các cha mẹ học sinh có thể yên tâm gửi con vào các cơ sở GDMN ngoài công lập.

Tuy nhiên, thực trạng hiện nay là nhiều công nhân gửi con vào các nhóm trẻ tự phát, hoặc gửi cho những người giữ 2 - 3 trẻ tại các khu trọ... chưa xin phép hoạt động với Ủy ban Nhân dân phường, xã, thị trấn thì nguy cơ không đảm bảo an toàn và bạo hành là rất cao. Điều muốn nói ở đây là khi gửi con, phụ huynh nên lựa chọn các cơ sở đã được cấp phép hoạt động, không tự ý gửi con cho những cơ sở tự phát, những cá nhân giữ nhỏ lẻ quy mô gia đình chưa được địa phương cho phép hoạt động, vì sẽ không đảm bảo việc thực hiện tốt chương trình chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục và có nguy cơ xảy ra bạo hành, không an toàn cho những đứa con của mình.

Quyết sách mới - trường mầm non

Hiện nay, Bình Dương có tổng cộng 323 trường tư thục và 579 cơ sở GDMN độc lập trên 442 trường MN, MG (chiếm trên 70%). Để giúp các cơ sở tư thục hoạt động tốt, Sở GDĐT đã phân công các trường công lập đóng trên các địa bàn, Phòng GDĐT trực tiếp quản lý, theo dõi chỉ đạo các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên và đội ngũ quản lý các cơ sở này hoạt động đúng theo quy định và Điều lệ trường mầm non.

Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Dương Nguyễn Thị Nhật Hằng cũng cho biết: Hàng năm, Sở GD&ĐT đều tổ chức các lớp bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý cho giáo viên và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục tư thục.

Năm học 2021 - 2022, Sở GD&ĐT đã kiểm tra 2 phòng GDĐT về công tác quản lý các cơ sở GDMN ngoài công lập, qua đó đã cử Hội đồng CMNV cốt cán GDMN cấp tỉnh dự giờ, kiểm tra thực tế các cơ sở giáo dục ngoài công lập trên địa bàn hai phòng giáo dục trên… Do đó, các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập tại Bình Dương hoạt động và được kiểm soát chặt chẽ không xảy ra bạo hành và các vấn đề tiêu cực khác ảnh hưởng đến trẻ.

Toàn tỉnh Đồng Nai hiện có 64.607/151.436 trẻ huy động ra lớp là con công nhân lao động (tỷ lệ 43%). Trong khi đó, có 219 trường mầm non công lập với 57.453/151.436 trẻ ra lớp (tỷ lệ 38%). Trong những năm qua, số trẻ mầm non trong độ tuổi tăng nhanh, do địa bàn có nhiều khu công nghiệp, dân nhập cư đông vì thế kéo theo nhu cầu trường, lớp ngày càng cao.
Trường học cho con công nhân - kỳ vọng ở những quyết sách mới

Tại các địa phương có lao động ngoại tỉnh về sinh sống, làm việc, chính quyền có nhiều nỗ lực đáng ghi nhận để “giảm nhiệt” nhu cầu trường lớp cho con, em công nhân, tạo những điều kiện tốt nhất để người lao động an cư, lạc nghiệp.

Trường học cho con công nhân - kỳ vọng ở những quyết sách mới

Để giải quyết vấn đề thiếu trường, lớp cho con công nhân, ngành Giáo dục huyện Mê Linh (Hà Nội) đã có nhiều biện pháp. Ông Nguyễn Văn Hậu – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mê Linh cho biết: “Dù đã có 5 trường học trên địa bàn thị trấn Quang Minh (địa bàn tập trung lực lượng lớn lao động ngoại tỉnh) nhưng địa phương vẫn luôn trong tình trạng quá tải.

Quyết sách mới - Ông Nguyễn Văn Hậu

Trước tình hình đó, Phòng GD&ĐT huyện đã tham mưu lên UBND huyện có đề án trình HĐND thành phố về đề xuất được cấp 1 phần kinh phí xây dựng thêm mới 3 trường học gồm 1 trường THCS, 1 trường tiểu học và 1 trường mầm non trên địa bàn. Theo Nghị quyết 02 của HĐND thành phố đã phê duyệt đề xuất này. Hiện địa phương đang thực hiện các bước tiếp theo như xác định vị trí, lập quy hoạch dự án để sớm có thêm trường học trên địa bàn”.

Còn tại Bình Dương, bà Nguyễn Thị Nhật Hằng - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Dương chia sẻ: Hiện nay, thực hiện theo Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND ngày 14/9/2021 của Hội đồng Nhân dân tỉnh Bình Dương quy định về việc hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Cụ thể như sau: Hỗ trợ đối với cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp, cụm công nghiệp; Hỗ trợ 30 triệu đồng/cơ sở giáo dục mầm non độc lập có dưới 35 trẻ em; Hỗ trợ 40 triệu đồng/cơ sở giáo dục mầm non độc lập có từ 35 đến 70 trẻ em.

Trợ cấp đối với trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp: Hỗ trợ 160.000 đồng/trẻ/tháng. Thời gian hỗ trợ tính theo số tháng học thực tế nhưng không quá 9 tháng/năm học.

Chính sách đối với giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp, cụm công nghiệp: Hỗ trợ 800.000 đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ tính theo số tháng dạy học thực tế nhưng không quá 9 tháng/năm học.

Học sinh học tập tại ngôi trường dành riêng cho con em công nhân ở Bình Dương mang tên trường Mầm non Ngôi sao nhỏ
Học sinh học tập tại ngôi trường dành riêng cho con em công nhân ở Bình Dương mang tên trường Mầm non Ngôi sao nhỏ

Dành sự quan tâm đặc biệt đến đối tượng con công nhân tại các khu công nghiệp và chế xuất, ông Đỗ Đăng Bảo Linh – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Nai cho biết: Thời gian qua, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Đồng Nai đã có nhiều chính sách, hoạt động chăm lo, hỗ trợ cho đời sống công nhân, tạo điều kiện học tập cho con em công nhân.

Sở GD&ĐT đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể liên quan kịp thời tham mưu và triển khai các chế độ, chính sách liên quan đến nội dung hỗ trợ cho con em của công nhân như: Nghị quyết của HĐND tỉnh Quy định việc hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất cho các nhóm trẻ tư thục ở khu vực có nhiều công nhân lao động trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2020; Quyết định của UBND tỉnh về việc ban hành danh mục nhóm trẻ tư thục được hỗ trợ theo Nghị quyết của HĐND tỉnh.

Theo đó, các địa phương đã thực hiện điều tra, khảo sát và thẩm định nhu cầu đầu tư của các nhà nhóm trẻ tư thục và 10/11 địa phương (trừ huyện Cẩm Mỹ không có nhu cầu). Đã triển khai thực hiện, trong đó tập trung cải tạo, sửa chữa nhà bếp, nhà vệ sinh; trang bị thiết bị đồ dùng, đồ chơi… Tổng số nhóm trẻ được hỗ trợ là 127 nhóm, kinh phí thực hiện khoảng 5.464 triệu đồng.

Trường học cho con công nhân - kỳ vọng ở những quyết sách mới

Sở GD&ĐT Bình Dương luôn phát động những hoạt động chăm lo cho trẻ và học sinh con em công nhân lao động nghèo hoặc con em gia đình khó khăn thông qua các hoạt động vận động mạnh thường quân, các ban ngành hỗ trợ đầu năm học như: Vận động miễn giảm học phí, vận động tặng đồng phục, sách vở, dụng cụ học tập, trao học bổng; Phát động Chương trình tiếp sức đến trường, san sẻ yêu thương. Hỗ trợ trong dịp Tết Nguyên đán như: Cây mùa xuân cho trẻ em nghèo, Xuân yêu thương… Tất cả các cơ sở GDMN, TH và các cấp học khác đều quan tâm tổ chức, hỗ trợ cho con em công nhân lao động làm việc tại Bình Dương…

Tại Đồng Nai, gần đây nhất là hàng loạt các Nghị quyết đã được ngành tích cực, đeo bám tham mưu và được HĐND thông qua, như: Nghị quyết số 22/2021/NQ-HĐND ngày 8/12/2021 về quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Nghị quyết số 06/2021/NQ-HĐND ngày 30 tháng 7 năm 2021 về việc kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết số 18/2016/NQ-HĐND ngày 14 tháng 7 năm 2016 của HĐND tỉnh về quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc tỉnh trực tiếp quản lý từ năm học 2016 - 2017 đến năm học 2020 - 2021.

Bên cạnh đó là Nghị quyết số 15/2021/NQ-HĐND ngày 29 tháng 10 năm 2021 về việc hỗ trợ học phí học kỳ I năm học 2021 - 2022 đối với trẻ em, học sinh, học viên và các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Đồng Nai do dịch bệnh COVID-19; Nghị quyết số 22/2021/NQ-HĐND ngày 8 tháng 12 năm 2021 về Quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Đồng Nai…

Quyết sách mới - người lao động ở trọ

Tại thành phố Hà Nội có số lượng lớn công nhân lao động ngoại tỉnh đang làm việc, trong đó nhiều công nhân lao động có con trong độ tuổi đi học, phải xa quê, đi thuê trọ và đăng ký tạm trú. Đến bậc THPT, một trong các điều kiện để học sinh cuối cấp Trung học cơ sở được thi vào hệ thống các trường công lập trên địa bàn là học sinh (hoặc cha/mẹ học sinh) có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội, nếu không sẽ chỉ được vào các trường ngoài công lập hoặc trường đã tự chủ thu chi. Do vậy, công nhân lao động ngoại tỉnh luôn có nguyện vọng, mong muốn con mình được thi vào các trường THPT công lập trên địa bàn.

Theo đó, để chuẩn bị cho năm học 2022 - 2023, hàng trăm phòng học mới được bổ sung ở khối trường công lập. Chẳng hạn, Trường THPT Bất Bạt (huyện Ba Vì) xây mới 9 phòng học bộ môn; Trường THPT Ba Vì (huyện Ba Vì) xây mới, cải tạo 10 phòng học bộ môn; Trường THPT Yên Lãng (huyện Mê Linh) xây mới 18 phòng học, cải tạo các nhà hiện trạng…

Thành phố cũng tăng chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường THPT mới đi vào hoạt động: Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (huyện Chương Mỹ) tăng 5 lớp và 227 chỉ tiêu so với năm học trước; Trường Tiểu học, THCS & THPT Khương Hạ (quận Thanh Xuân) tăng 10 chỉ tiêu so với năm học trước; Trường THPT Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm) tăng 3 lớp và 133 chỉ tiêu so với năm học trước.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hỏi thăm chị Trần Thị Dậu (xã Phước Tân, TP.Biên Hòa) có con gửi tại Trường mầm non Ngọc Hùng, phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hỏi thăm chị Trần Thị Dậu (xã Phước Tân, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) có con gửi tại Trường Mầm non Ngọc Hùng

Năm học 2022 - 2023, ở khu vực tuyển sinh số 9 (Thạch Thất - Quốc Oai), ngoài 8 trường THPT công lập đang hoạt động sẽ có thêm trường công lập mới là THPT Minh Hà (huyện Thạch Thất).

Những điều này có tác dụng rất lớn đến đời sống tinh thần của công nhân, lao động ngoại tỉnh. Bởi lẽ, con em được học hành, chăm lo đầy đủ họ mới yên tâm làm việc. Từ đó, tâm lý ổn định, tăng năng suất lao động, góp phần giảm tệ nạn xã hội, đóng góp đáng kể cho sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của mỗi tỉnh, thành.

Phần 4 Mở ra những hướng đi mới

Chủ động trong việc chăm lo đời sống, giáo dục cho lao động ngoại tỉnh và con em để họ ổn định cuộc sống, rất nhiều địa phương đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhằm giữa chân công nhân. Đây là cách làm hay, mở ra những hướng đi mới đồng thời góp phần bồi dưỡng nhân lực, tăng chất lượng giáo dục cho nước nhà.

Giữ chân công nhân bằng trường học

Trong những năm qua trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư kinh phí, xây dựng cơ sở vật chất trường mầm non, sau đó bàn giao cho UBND huyện, thành phố để phát triển thêm trường công lập với nhiệm vụ vừa chăm sóc nuôi dạy con em công nhân và con em nhân dân trên địa bàn.

Có thể kể đến trường Mầm non Phước Thái (huyện Long Thành) do công ty Sonadezi đầu tư; Mầm non Thành Nghĩa (huyện Long Thành), mầm non Nhơn Nghĩa (huyện Nhơn Trạch) do công ty TNHH MTV Tín Nghĩa đầu tư; Trường mầm non An Bình (thành phố Biên Hòa) do công ty Tae-Kwang Vina đầu tư; Mầm non Phước Hiệp do công ty TNHH dệt may ECLAT Việt Nam đầu tư; MN Hiệp Phước do công ty Hwaseung vina (huyện Nhơn Trạch).

Trường học cho con công nhân - kỳ vọng ở những quyết sách mới

Hầu hết các trường mầm non được thiết kế xây dựng phù hợp với yêu cầu sử dụng, đáp ứng yêu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ. Bên cạnh đó còn có nhiều công ty, doanh nghiệp xây dựng trường mầm non có quy mô lớn, hoạt động phục vụ cho những học sinh là con em công nhân lao động của công ty như: Trường mẫu giáo Đông Phương xây dựng tại khu công nghiệp Sông Mây - huyện Trảng Bom; Trường mẫu giáo Dona standard xây dựng tại khu công nghiệp Xuân Lộc - huyện Xuân Lộc thuộc tập đoàn Phong Thái (quy mô 900 trẻ); Trường mầm non Những Bông hoa nhỏ của Công ty TNHH Pouchen Việt Nam; Trường mầm non Thái Quang của Công ty Cổ phần Tae-Kwang Vina Industrial đầu tư 40 tỷ xây dựng tại khu công nghiệp Agtex- thành phố Biên Hòa (quy mô 500 trẻ) bên cạnh đó công ty cũng hỗ trợ xây dựng 8 phòng học tại xã Túc Trưng huyện Định Quán với tổng số vốn là 100.000 USD từ nguồn vốn viện trợ phi chính phủ nước ngoài.

Trẻ học tại các trường mầm non này, phụ huynh chỉ đóng một phần tiền ăn còn lại công ty hỗ trợ 100% học phí và các khoản phụ thu khác.

Hiện nay, tại Bình Dương số doanh nghiệp mở trường cho con công nhân, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp chưa nhiều, đa số trẻ được gửi tại các cơ sở GDMN tư thục trên địa bàn các khu, cụm công nghiệp. Sở GD&ĐT tỉnh cũng đã thống kê mô hình này. Tổng kết năm học 2021-2022 có 06 trường MN trực thuộc 6 công ty trên địa bàn tỉnh BD, thu nhận con công nhân người lao động của doanh nghiệp (tổng số trẻ là 737 trẻ/31 nhóm, lớp. Trong đó, Nhà trẻ: 159 trẻ/8 nhóm và Mẫu giáo: 578 trẻ/23 lớp).

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương Nguyễn Kim Loan hỏi chuyện các cháu là con công nhân đang học hè tại Trường Mầm non 28-7
Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương Nguyễn Kim Loan hỏi chuyện các cháu là con công nhân đang học hè tại trường Mầm non 28/7

Việc các doanh nghiệp mở trường mầm non tại các công ty, xí nghiệp để thu nhận con em người lao động làm việc tại các công ty, xí nghiệp sẽ giữ chân người lao động, đồng thời giúp cho công nhân người lao động an tâm tham gia lao động sản xuất mang lại hiệu quả và lợi nhuận cao cho công ty. Bên cạnh đó, đội ngũ CBQL, GV, NV làm việc tại các trường MN trong các doanh nghiệp sẽ đảm bảo được các chế độ chính sách của công ty, xí nghiệp theo đúng quy định vì vậy, đội ngũ sẽ an tâm hơn và ổn định hơn, chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ cũng được nâng cao hơn.

Xây dựng các trường mầm non trong khu công nghiệp của một số doanh nghiệp, địa phương góp phần quan trọng giảm bớt gánh nặng cho trường mầm non công lập, tạo sự yên tâm cho cha mẹ học sinh và tạo điều kiện thuận lợi cho các trẻ trong độ tuổi mầm non tại các khu công nghiệp đến trường, bảo đảm các điều kiện học tập, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục. Bên cạnh đó với chính sách hỗ trợ chi phí học tập, linh hoạt thời gian hoạt động theo giờ giấc làm việc của công nhân sẽ giúp cho cha mẹ học sinh yên tâm công tác, lao động tốt và góp phần hiệu quả vào chất lượng công việc.

Cần có nhiều cơ chế để thay đổi thực trạng

Dù vậy, đây là những việc làm đi đầu, cần có nhiều cơ chế, chính sách để mở đường. Trước tình hình đó, các địa phương đã có nhiều tâm tư, nguyện vọng gửi tới các cơ quan chức năng.

Bà Nguyễn Thị Nhật Hằng - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Dương
Bà Nguyễn Thị Nhật Hằng - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Dương

Bà Nguyễn Thị Nhật Hằng - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Dương bày tỏ: Bộ GD&ĐT và lãnh đạo tỉnh Bình Dương rất quan tâm đến chế độ chính sách cho đội ngũ CBQL, GV, NV đang làm việc tại các cơ sở GDMN kể cả công lập và ngoài công lập. Hiện nay, sở GDĐT cũng rất quan tâm việc chăm sóc trẻ em nghèo, con công nhân bằng các việc phát động Chương trình “Tiếp sức đến trường”, nhằm giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được tiếp sức đến trường. Mong lãnh đạo tỉnh quan tâm chỉ đạo các sở, ban ngành đoàn thể cùng chung tay chăm sóc các cháu theo chức năng nhiệm vụ.

Ngành đang tham mưu HĐND tỉnh điều chỉnh mức hỗ trợ chế độ chính sách trong đó có các chế độ chính sách cho giáo viên, nhân viên trong các cơ sở GDMN, mong lãnh đạo tỉnh nhà quan tâm đến các chế độ chính sách này nhằm giúp cho đội ngũ CBQL, GV, NV an tâm công tác nâng cao chất lượng chăm sóc HS.

Bên cạnh đó, tỉnh Bình Dương cũng đề xuất lãnh đạo Bộ GD&ĐT đề xuất tăng định biên giáo viên mầm non/lớp nhằm giúp nâng cao chất lượng chăm sóc trẻ; Cần có giải pháp nâng hệ số lương và các chế độ phụ cấp đối với giáo viên mầm non nhằm giữ chân giáo viên giúp công tác chăm sóc trẻ có cất lượng hơn.

Trường học cho con công nhân - kỳ vọng ở những quyết sách mới
Trong thời gian tới, Sở GD&ĐT Đồng Nai sẽ quan tâm nhiều hơn tới con em công nhân đặc biệt ở trong các khu công nghiệp

Thời gian tới, nhằm tiếp tục quan tâm, chăm sóc đến việc học của con em công nhân, Sở GD&ĐT Đồng Nai cũng cho biết sẽ tham mưu, kiến nghị Bộ GD&ĐT một số nội dung: Điều chỉnh Thông tư 13/2020/TT-BGDĐT về Quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học theo hướng giảm yêu cầu về diện tích đất tính trên học sinh hoặc cho tính cả diện tích sàn đối với các địa phương có khu công nghiệp.

Kiến nghị có ưu tiên về biên chế cho các địa phương có khu công nghiệp, khu chế xuất, nhất là biên chế ngành học mầm non để có đủ giáo viên chia theo ca tổ chức giữ trẻ ngoài giờ, thêm giờ cho con em công nhân.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh trả lời

PV: Thưa Thứ trưởng, theo tìm hiểu của phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, hiện nay ở các khu công nghiệp và khu chế xuất, nhu cầu được gửi con ở các trường mầm non công lập (để tiết kiệm chi phí và có môi trường học tập tốt nhất, an toàn nhất) là nhu cầu vô cùng cấp thiết. Nhiều gia đình công nhân phải gửi con về quê hoặc bỏ việc về quê vì không có nơi học cho con. Thứ trưởng có chia sẻ gì về thực trạng này ạ?

Thứ trưởng Ngô Thị Minh: Hiện nay, giáo dục mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất đã được đưa vào diện ưu tiên phát triển như đối với giáo dục mầm non ở các vùng sâu, vùng xa... Ðiều này thể hiện sự quan tâm của Ðảng, Chính phủ trước thực trạng khó khăn của giáo dục mầm non ở các khu công nghiệp trong thời gian qua. Tuy nhiên, quá trình chuyển động để chính sách đi vào thực tế tại các địa phương vẫn còn chậm, chưa đáp ứng được kỳ vọng và nhu cầu thực tế.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh

Để bảo đảm quyền lợi được chăm sóc, được nuôi dưỡng trong môi trường tốt nhất, các địa phương cần tiếp tục giải quyết vấn đề trường, lớp mầm non ở khu vực có khu công nghiệp, khu chế xuất; ưu tiên quy hoạch quỹ đất để xã hội hóa, khuyến khích kêu gọi cá nhân, doanh nghiệp đầu tư cho giáo dục mầm non, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng trường mầm non.

Việc có trường học an toàn không chỉ đem đến sự yên tâm cho người lao động, cho sự phát triển của doanh nghiệp mà còn bảo đảm bình đẳng về quyền lợi cho mọi trẻ em.

Để làm được điều này, không chỉ riêng ngành Giáo dục có thể làm được mà cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương. Cần tiếp tục thực hiện các giải pháp giải quyết vấn đề trường, lớp mầm non ở khu vực có khu công nghiệp, khu chế xuất theo Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường công tác dự báo quy mô phát triển, quy hoạch đất dành cho giáo dục, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng trường mầm non; Hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất đối với cơ sở giáo dục mầm non độc lập ở địa bàn có khu công nghiệp thuộc loại hình dân lập, tư thục theo quy định tại Nghị định số 105 về chính sách phát triển giáo dục mầm non; Khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí từ các Chương trình, đề án đã được phê duyệt và nguồn lực xã hội hóa để đầu tư xây dựng đủ phòng học, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi đáp ứng nhu cầu huy động trẻ em mẫu giáo đến trường.

Với nỗ lực của ngành Giáo dục, các bộ, ngành và địa phương, thời gian qua, công tác quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường lớp được triển khai theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), nhiều địa phương đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, khắc phục những tồn tại hạn chế. Các địa phương tiếp tục đầu tư mở rộng, xây mới trường lớp, tăng cường sửa chữa, cải tạo cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị, đồ dùng, đồ chơi; Những địa phương có khu công nghiệp, khu chế xuất đẩy mạnh việc thành lập các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập để đáp ứng yêu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ.

Trường học cho con công nhân - kỳ vọng ở những quyết sách mới
Trường mầm non dành cho con công nhân ở TP HCM

PV: Để giải quyết nhu cầu bức thiết, đa số phụ huynh là công nhân đều chọn gửi con ở các cơ sở giáo dục tư thục. Điều này cũng làm nảy sinh những vấn đề như chất lượng giáo dục, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất và về an toàn cho học sinh, nhất là đối với trẻ mầm non. Ngành Giáo dục có giải pháp gì để kiểm soát những vấn đề này?

Thứ trưởng Ngô Thị Minh: An toàn trường học và chất lượng giáo dục luôn được chúng tôi quan tâm, chỉ đạo và theo dõi sát sao. Với giáo dục mầm non vấn đề này càng được sát sao hơn, nhất là trong thời gian phải tạm nghỉ học kéo dài vừa qua, đối tượng trẻ em mầm non có thể nói là đối tượng bị tác động nhiều nhất. Phải nghỉ học ở nhà kéo dài, đã khiến cho các em gặp những khó khăn nhất định khi quay lại trường học.

Công tác bảo đảm an toàn luôn được coi là ưu tiên hàng đầu trong việc tổ chức hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non. Để bảo đảm an toàn trong tổ chức hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non, Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư số 45/2021/TT-BGDĐT ngày 31/12/2021 quy định về việc xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục mầm non; Tham mưu ban hành hệ thống văn bản chỉ đạo các địa phương triển khai các biện pháp ứng phó linh hoạt khi diễn biến dịch phức tạp, trẻ phải nghỉ học kéo dài: Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 03/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục, đào tạo ứng phó với đại dịch COVID-19.

Trong thời gian qua, chúng tôi đã chỉ đạo phải nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật đối với cơ sở giáo dục mầm non; Kiên quyết đình chỉ các nhóm/lớp độc lập không đảm bảo các điều kiện theo quy định; Xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức vi phạm. Tăng cường công tác phối hợp với Ủy ban Nhân dân các cấp, các ban, ngành, đoàn thể, huy động sự tham gia của cộng đồng dân cư trong việc quản lý giáo dục mầm non, đặc biệt là giáo dục mầm non tư thục, dân lập; Tăng cường công tác kiểm tra điều kiện và hậu kiểm điều kiện thành lập, cho phép thành lập và cho phép hoạt động các cơ sở giáo dục mầm non theo quy định; Tiếp tục xây dựng, nhân rộng các mô hình điểm về quản lý các nhóm, lớp độc lập tư thục.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Ngô Thị Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non Nguyễn Bá Minh và Đoàn công tác đến thăm và làm việc tại trường mầm non khu chế xuất Tân Thuận
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Ngô Thị Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non Nguyễn Bá Minh và Đoàn công tác đến thăm và làm việc tại trường mầm non khu chế xuất Tân Thuận, Quận 7, TP Hồ Chí Minh

PV: Để giải quyết khó khăn về trường học cho con em công nhân, hiện nay, ở nhiều địa phương trên cả nước như Bình Dương, Đồng Nai đã xuất hiện mô hình thành lập trường học ngay tại công ty với sự hỗ trợ lớn của doanh nghiệp. Theo Thứ trưởng, mô hình này có nên được nhân rộng ở nhiều địa phương trong cả nước hơn không? Với trách nhiệm của cơ quan quản lý, ngành giáo dục cần làm gì để đảm bảo và nâng cao chất lượng của những mô hình trường học này?

Thứ trưởng Ngô Thị Minh: Thời gian qua, những mô hình trường mầm non dành cho con công nhân trên địa bàn một số địa phương có các khu công nghiệp lớn, tập trung nhiều công nhân, người lao động đã được một số doanh nghiệp xây dựng. Những trường mầm non này đã tạo thuận lợi cho trẻ có điều kiện được chăm sóc chu đáo, an toàn; Đặc biệt, công nhân làm tăng ca không lo lắng về nơi gửi trẻ. Theo tôi, những mô hình này cần được nhân rộng để giúp con công nhân được đến trường, được chăm sóc và giáo dục để phát triển toàn diện về mọi mặt. Đứng ở một khía cạnh nào đó thì đây cũng là cách các doanh nghiệp giữ nguồn nhân lực để phát triển sản xuất.

Việc các doanh nghiệp xây dựng các trường mầm non để phục vụ cho chính công nhân, người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp của mình đều được các địa phương giám sát, cấp phép thành lập trường mầm non/nhóm trẻ theo quy định. Điều này cũng phù hợp với chủ trương của chúng ta là xã hội hóa giáo dục, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển giáo dục mầm non theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 04/6/2019 của Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 - 2025.

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Bài viết: Ngọc Minh - Ngọc Hân - Kiều Liên

Đồ họa: Phạm Mạnh

Phạm Mạnh