Trường TiH, THCS - THPT Nam Việt không phải trường quốc tế
Lùm xùm tại Tập đoàn Giáo dục Quốc tế Nam Việt Tập đoàn Giáo dục Quốc tế Nam Việt phản hồi sau những "lùm xùm" Một cơ sở trường THCS-THPT Nam Việt có dấu hiệu hoạt động không phép |
Được giới thiệu là “Trường chuẩn quốc tế”, có đủ các cấp học từ mầm non đến trung học phổ thông, với 9 cơ sở giáo dục tại các quận - huyện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh (Quận 12, Gò Vấp, Tân Phú và TP Thủ Đức), trường TiH, THCS - THPT Nam Việt hiện đang là một trong những cơ sở giáo dục có lượng học sinh theo học đông thuộc “top” tại TP Hồ Chí Minh.
Cụm từ “Trường chuẩn quốc tế” được Tập đoàn Giáo dục Quốc tế Nam Việt mô tả trên cuốn catalog là trường đạt nhiều thành tích xuất sắc trong học tập và hoạt động đoàn đội, trên 100 học sinh đạt giải Olympic.
Bên cạnh đó, trường có đội ngũ trên 300 giáo viên trong nước và quốc tế, có trình độ chuyên môn cao, tận tâm với công việc. Đặc biệt, cơ sở vật chất tại các trường của Nam Việt được đầu tư hiện đại với hệ thống lớp học thông minh, phòng steam và hệ thống hơn 50 xe đưa đón học sinh hiện đại, cao cấp…
Đại diện Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh khẳng định, việc đặt tên “Trường chuẩn quốc tế” là không đúng (Ảnh chụp tại cơ sở 6 của Trường Tiểu học Nam Việt, quận Gò Vấp) |
Giới thiệu là vậy nhưng theo tìm hiểu của phóng viên, trường TiH, THCS - THPT Nam Việt chưa thật sự như vậy.
Thông tin này cũng được ông Hồ Tấn Minh - Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh (Sở GD&ĐT) xác nhận với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô tại buổi làm việc ngày 26/7.
Theo ông Minh, việc đặt tên “Trường chuẩn quốc tế” là không đúng. Bởi hiện tại, không có một văn bản hay hồ sơ nào thể hiện các cơ sở giáo dục của Nam Việt là “Trường chuẩn quốc tế” như đơn vị này đang đặt.
Ngoài ra, theo Quyết định số 1541-56/QĐ-SGDĐT ngày 1/6/2023 của Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh, cơ quan này chỉ công nhận và cấp giấy chứng nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục cho trường THCS - THPT Nam Việt đạt kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 1, hoàn toàn không có văn bản nào thể hiện trường này là “Trường quốc tế” hay “Trường chuẩn quốc tế”.
Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh chỉ công nhận và cấp giấy chứng nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục cho trường THCS - THPT Nam Việt đạt kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 1, không có văn bản nào thể hiện là “Trường quốc tế” hay “Trường chuẩn quốc tế” |
Về việc đặt tên “Trường chuẩn quốc tế”, trả lời thông tin báo chí trước đó, ông Nguyễn Đức Quốc - Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Giáo dục Quốc tế Nam Việt từng khẳng định: Trường Nam Việt không phải là trường quốc tế mà chỉ giảng dạy theo “chuẩn quốc tế”, từ chương trình học, cơ sở vật chất đến quy trình quản lý học sinh.
Ông Quốc cho rằng, tình trạng phụ huynh “nhầm lẫn” với danh xưng trường quốc tế không phải là phổ biến. Ghi là trường Tiểu học Quốc tế Nam Việt, ở dưới có câu là “Trường chuẩn quốc tế”, chuẩn ở đây là chuẩn về cơ sở vật chất, giáo trình, đội ngũ giảng dạy.
Trường quốc tế thì phải có yếu tố đầu tư nước ngoài. Còn ở đây là trường của Việt Nam, đầu tư theo mô hình “chuẩn”.
Ông Quốc giải thích là vậy nhưng chuẩn quốc tế về cơ sở vật chất, giáo trình, đội ngũ giảng dạy thì ai cấp? Đó cũng là thắc mắc của nhiều bậc phụ huynh hiện nay.
Một cơ sở trường Nam Việt tại quận Gò Vấp |
Thực tế hiện nay không ít phụ huynh lầm tưởng trường có chữ “Quốc tế” là trường quốc tế. Trong khi Luật Giáo dục hiện nay không có quy định nào về loại hình “trường quốc tế”.
Các loại hình nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân của Việt Nam hiện nay chỉ có: Trường công lập do Nhà nước đầu tư; trường dân lập do cộng đồng dân cư ở cơ sở thành lập; trường tư thục do nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài thành lập.
Chiếu theo quy định nêu trên, các trường có đặt tên là “trường quốc tế” được xếp vào loại hình trường tư thục, các cơ quan quản lý hay gọi chung là “trường có vốn đầu tư nước ngoài”.
Đối với loại hình này, tại Điều 29 Nghị định 86/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc đặt tên cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài được quy định như sau: Tên trường phải bao gồm các yếu tố cấu thành được sắp xếp theo trật tự: “Trường”, “Cấp học hoặc trình độ đào tạo” và tên riêng.
Tên riêng của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài không được đặt trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của cơ sở giáo dục đã đăng ký, với tên của doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư; không sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam.
Trường THCS - THPT Nam Việt - cơ sở tại Quận 12 cũng ghi "Chuẩn quốc tế" |
Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law Firm/ cho biết: Các “trường quốc tế” ở Việt Nam thực chất là loại hình trường tư thục, gắn danh xưng “trường quốc tế” dựa trên cơ cấu tổ chức, chương trình giảng dạy, do các trường tự quảng bá và tự chịu trách nhiệm.
Cơ quan quản lý trực tiếp vẫn là Bộ GD&ĐT, các Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo và các ban ngành khác có liên quan đến giáo dục. Riêng các trường do Tổng Lãnh sự các nước mở ở Việt Nam là chịu sự điều chỉnh riêng, phù hợp với cơ chế và quy định về ngoại giao giữa Việt Nam và các nước.
Theo thống kê, TP Hồ Chí Minh hiện có khoảng 2.314 trường, trong đó ngoài công lập là 964 trường, chiếm 41,65%; 31 trường có yếu tố nước ngoài gọi là “trường quốc tế”. Gầy đây, một số vụ việc liên quan đến “trường quốc tế” đang trở thành tâm điểm được nhiều người quan tâm, chẳng hạn như vụ trường Quốc tế Mỹ Việt Nam bị “vỡ nợ” hay vụ giáo viên trường Quốc tế TP Hồ Chí Minh (ISHCMC) phát sách có nội dung “nhạy cảm” cho học sinh đọc đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho các cơ quan quản lý Nhà nước, cũng như phụ huynh trong việc quản lý và chọn “trường quốc tế” cho con em mình theo học. |