Tháng 6 và đầu tháng 7, khi sen hồng bắt đầu nở rộ tại các đầm hồ Tây, cũng là lúc người làm nghề ướp trà sen tại phường Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội) tất bật vào vụ.
Trà sen Tây Hồ hiện là thức uống được người dân trong nước và du khách nước ngoài ưa chuộng
TRÀ SEN HỒ TÂY - THỨC UỐNG ĐẶC BIỆT
Sen hồ Tây là loại đặc biệt nhất trong các loài sen. Bông sen hồ Tây có trăm cánh (hay còn gọi là sen Bách Diệp), bên ngoài là những cánh to để ôm chặt lấy cánh nhỏ, phần nhụy vàng nên giữ được hương thơm ngát. Sen hồ Tây cũng to hơn sen ở nhiều địa phương khác. Khi sử dụng sen hồ Tây ướp trà sẽ tạo nên sự khác biệt về hương thơm, mùi vị.
Đầm sen của anh Phạm Cao Khải có diện tích 22.000m2. Khoảng chục năm trước, anh Khải thuê lại của Hợp tác xã Quảng An. Anh Khải tâm sự, để có những bông sen chất lượng thì phải cải tạo lại hồ định kỳ hằng năm. Hiện tại, hồ sen của anh Khải đa số là sen Bách Diệp. Từ cuối tháng 5, sen đã nở nhưng thời điểm chính vụ và thu hoạch nhiều nhất là giữa tháng 6 và đầu tháng 7. Một ngày, anh Khải thu hoạch khoảng 500 - 600 bông sen.
"Sen mọc hoàn toàn tự nhiên, bắt đầu thu hoạch từ ngày 19/5 đến 2/9 hàng năm. Những ngày này, cứ 4 giờ sáng là gia đình tôi thức dậy chèo thuyền đi cắt hoa nhưng vẫn không đủ cung cấp cho đơn đặt hàng của khách", anh Khải cho biết.
Rời hồ sen của anh Khải, phóng viên theo chân cán bộ văn hoá đến địa chỉ giao hoa sen cho người làm trà tại phường Quảng An.
Cơ sở làm trà sen hiệu Hiền Xiêm là một trong những cơ sở làm trà sen nổi tiếng ở Tây Hồ nằm ở địa chỉ số 1B Quảng Khánh, phường Quảng An. Chị Lưu Thị Hiền, chủ cơ sở làm trà sen Hiền Xiêm cho biết: "Sen được hái từ sáng sớm, khi mặt nước còn hơi sương, để đảm bảo độ tươi và giữ trọn vẹn được hương vị của hoa. Việc chọn hoa cũng khá cầu kỳ, bông sen phải còn búp, mới hé mở, bởi lúc đó, hương còn đượm và cánh hoa còn nguyên vẹn".
Khi thu hái về, phải nhanh chóng thực hiện việc ướp chè vào hoa sen. Công việc này đòi hỏi sự nhẹ nhàng, khéo léo, đặc biệt là khi vén cánh hoa để lộ nhụy, sau đó cho khoảng 15 - 20gr chè vào mỗi bông, xếp cánh hoa lại, Sau cùng, người ướp trà sẽ dùng lá sen bọc kín bông hoa.
Theo chị Hiền, loại trà thích hợp ướp gạo sen Tây Hồ là trà Tân Cương (Thái Nguyên), có thể là trà móc câu hoặc nõn tôm Thái Nguyên, được thu hái 1 tôm 1 lá hay 2 lá non liền kề. Ngoài ra, có trà Shan Tuyết ướp gạo sen cũng khá ngon.
Người làm trà cũng phải kiêng kỵ rất nhiều thứ như không mặc quần áo mùi xả vải, không xịt nước hoa, không gói trà vào ngày mưa, không ăn các đồ ăn có mùi nặng như mít, sầu riêng, hành tỏi... để mùi vị trà được nguyên bản nhất.
Chị Lưu Thị Hiền chia sẻ thêm: “Để làm ra thức uống này không quá khó, nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên trì để giữ được hương vị tinh túy của chén trà sen".
Để ướp được mẻ trà sen ngon, cốt yếu phải nắm bắt được thời điểm sen đang bung nở, bởi hoa sen chỉ cho hương thơm nhất khi cánh hoa vừa hé nở. Nếu để ánh nắng chiếu vào hoa càng lâu thì hoa càng nhanh mất mùi hương, khi đó ướp vào trà không thơm nữa.
Hoàn thiện một bông trà sen ướp xổi cần phải trải qua những công đoạn cực kỳ tỉ mẩn. Trà được ướp với gạo sen theo tỷ lệ và công thức gia truyền.
Việc tách nhị hoa là công đoạn khó nhất, người nghệ nhân phải khéo tay, nhanh mắt để nhị không bị nát, giữ nguyên mùi thơm đặc trưng của sen.
Dưới đôi bàn tay khéo léo của những người thợ làm nghề, cánh hoa, nhụy hoa và gạo sen được tách rời.
Bông sen sau khi bọc chè sẽ được cắm một đêm để hương sen thấm đều vào trà, sau đó được bảo quản trong tủ lạnh. Loại trà sen này được làm nhiều vào chính vụ, giá bán dao động 30.000 - 50.000 đồng/bông.
Trà sen Tây Hồ đặc biệt và khác với những loại trà khác bởi mang sự thanh tao, thuần khiết, chứ không nồng như những loại trà ướp hương khác.
Trà sen ướp xổi ngày nay đã trở thành thức uống tao nhã, một món quà tặng độc đáo, đậm chất Hà thành.
ĐỂ THƯƠNG HIỆU LÀM NÊN ĐIỂM ĐẾN
Hà Nội là trung tâm của cả nước, vì thế mà ngành chức năng rất chú trọng đến các điểm đến ở Thủ đô để thu hút du khách trong và ngoài nước. Một trong những giải pháp thu hút đó là xây dựng các thương hiệu riêng có của mỗi vùng miền.
Nói đến mảnh đất Tây Hồ, bên cạnh những danh lam thắng cảnh nổi tiếng, những làng nghề truyền thống quen thuộc như: Hồ Tây, chùa Trấn Quốc, phủ Tây Hồ, làng hoa Nhật Tân, Quảng Bá, làng quất Nghi Tàm, Tứ Liên… thì trà sen Hồ Tây lại là nét đặc trưng độc đáo khi những năm gần đây du khách trong và ngoài nước đến với Hà Nội vào dịp hè đều có nhu cầu trực tiếp xem quy trình làm ra những sản phẩm mang sự tinh tuý, đẹp đẽ này.
Không khó để bắt gặp khung cảnh nhộn nhịp vào mỗi sáng sớm ở các gia đình làm trà sen Hồ Tây.
Gia đình chị Hiền cũng nằm trong số đó. Chị Hiền cho biết: “Đây là nghề gia truyền từ rất lâu rồi. Đến đời tôi và sau này là con cháu tôi sẽ kế nghiệp. Nghỉ hè, chúng không thích đi đâu cả, mà ở nhà phụ giúp ông bà, bố mẹ làm trà sen. Quy trình ngày nào cũng vậy, nhưng không hề nhàm chán".
Tâm sự với phóng viên, chị Hiền bảo: "Những người làm trà sen như chúng tôi rất vui vì thức uống truyền thống mang hương vị, màu sắc riêng của Tây Hồ được yêu thích và quảng bá, được du khách đánh giá cao. Thậm chí, thời gian gần đây, gia đình được nhiều đoàn khách đến thăm cơ sở sản xuất và trực tiếp quan sát quy trình làm ra sản phẩm trà sen ướp xổi, trà sen khô và các sản phẩm khác từ sen Tây Hồ.
Điều trăn trở là hiện nay diện tích trồng sen ở Hồ Tây bị thu hẹp. Đây sẽ là khó khăn trong tương lai nếu không có sự quy hoạch chặt chẽ. Mong là các cấp chính quyền tiếp tục quan tâm để chúng tôi sẽ vẫn có nguồn nguyên liệu đảm bảo, góp phần lưu giữ và phát triển nghề truyền thống, mang thương hiệu của mảnh đất Tây Hồ”.
Trao đổi với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, ông Nguyễn Danh Thụ, Phó Chủ tịch UBND phường Quảng An cho biết, hiện nay, UBND phường đang phát triển đấu thầu các ao hồ nhỏ cho thuê để trồng sen, phát triển nông nghiệp, phát triển thủy sản. Phường hiện có 12 hộ làm chè sen, Hằng năm, tiêu thụ khoảng hơn 5 tạ chè khô và 15 vạn chè bông.
Hiện nay, UBND phường đang phối hợp với Phòng Kinh tế quận để quảng bá giới thiệu sản phẩm chè sen tại không gian văn hóa ẩm thực Hồ Tây; Đồng thời, xây dựng các phương án để giới thiệu, dùng thử các sản phẩm chè tại cơ sở sản xuất...
Rời Tây Hồ, chúng tôi mang về thành phẩm trà sen “ướp xổi” trên tay, đâu đó văng vẳng lời nói của những người làm nghề truyền thống “mong muốn mãi giữ được chất sen Hồ Tây để chúng tôi có được vùng nguyên liệu lớn làm ra những thức uống chất lượng, riêng có của mảnh đất quê hương”.
Hoa Thành |