TTTĐ - Dù chưa được triển khai đồng bộ do nguồn cung còn thiếu và việc tiếp cận khó khăn, nhưng không thể phủ nhận vai trò quan trọng của vaccine trong việc định hình nền kinh tế toàn cầu.Thủ tướng Chính phủ đã phát đi thông điệp mới trong "cuộc chiến" chống đại dịch Covid-19. Đó là cuộc chiến này còn lâu dài, phải xác định sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, từ đó thích ứng và có cách làm phù hợp. Sau hơn một năm gồng mình, vật lộn với sát thủ vô hình virus SARS-CoV-2, nền kinh tế thế giới đang bước vào giai đoạn được đánh giá là phục hồi khá tích cực khi các tổ chức quốc tế đồng loạt nâng mức dự báo tăng trưởng cho năm 2021. |
Tuy nhiên, khác với những cuộc khủng hoảng từng xảy ra, các biện pháp như "thắt lưng buộc bụng", các gói cứu trợ, kích thích tiêu dùng... không phải là ưu tiên hàng đầu, mà vaccine - một chế phẩm y tế cấp thiết trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, lại được coi là "vũ khí" quyết định đưa kinh tế toàn cầu thoát khỏi giai đoạn khủng hoảng này. Dù chưa được triển khai đồng bộ do nguồn cung còn thiếu và việc tiếp cận khó khăn phụ thuộc vào tiềm lực mỗi nước, nhưng không thể phủ nhận vai trò quan trọng của vaccine trong việc định hình nền kinh tế toàn cầu. Mới đây nhất, ngày 8/9, Hà Nội đã được phân bổ tổng số 4,3 triệu liều vaccine Covid-19. Địa phương đang tiếp tục đề nghị Bộ Y tế cấp thêm vaccine để đạt độ bao phủ tiêm chủng. Tính riêng ngày 8/9, ngành Y tế Hà Nội triển khai tiêm hơn 215.000 mũi vaccine Covid-19, nâng tổng mũi tiêm đã thực hiện lên hơn 2,8 triệu. Trong đó, có trên 2,5 triệu người đã tiêm mũi 1 và hơn 300.000 người tiêm đủ 2 mũi. |
Nếu tính thêm số liệu từ các viện, bệnh viện, đơn vị Trung ương trên địa bàn, đến nay Hà Nội có khoảng 3,78 triệu liều vaccine được tiêm. Tỷ lệ người dân từ 18 tuổi trở lên đã tiêm vaccine đạt khoảng 57%. Trong chiến lược tiêm chủng, Việt Nam đang sử dụng 5 loại vaccine Covid-19 để tiêm cho người dân, gồm: AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Sinopharm và Sputnik V. |
Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư có tính chất phức tạp nhất từ trước đến nay, nhưng với ý thức gương mẫu, đi đầu trong phòng, chống dịch bệnh, TP Hà Nội đã và đang triển khai đồng bộ các biện pháp, lấy hiệu quả phòng, chống dịch bệnh Covid-19 làm cơ sở, tiền đề để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định an ninh, quốc phòng, bảo đảm an sinh xã hội. Nếu mục tiêu kép trước đây là giữ gìn và đẩy mạnh tăng trưởng, giảm tối đa các ca dương tính, thì mục tiêu kép "mới" là: Cực tiểu hóa các ca nhiễm bệnh nặng và tử vong, trong khi vẫn có thể có tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) nhưng với một nhịp độ có thể thấp hơn chỉ tiêu 6,5% cho năm nay. Việt Nam đã và đang theo đuổi mục tiêu kép: Vừa phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe Nhân dân vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới. |
Trong năm 2020 và những tháng đầu năm nay, Việt Nam đã thực hiện thành công chiến lược này - được thể hiện thông qua tỷ lệ người nhiễm Covid-19 thấp (0,01% trên tổng dân số) và số người tử vong cũng rất thấp (55 người - chiếm 0,56% trong tổng số người mắc). Tuy nhiên, sự lây lan quá nhanh của biến chủng Delta đã gây ra đợt dịch Covid-19 hiện tại, bùng phát mạnh từ tháng 4, đe dọa nghiêm trọng tới việc thực hiện chiến lược mục tiêu kép (số lượng người nhiễm từ ngày 27/4 đến 5/8 lên 177.804 người, và dịch đã lan ra 62 tỉnh; tình hình diễn tiến nghiêm trọng ở một số trung tâm kinh tế trọng điểm như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đà Nẵng, dẫn đến việc phải giãn cách toàn xã hội, theo Chỉ thị 16 và còn cao hơn Chỉ thị 16). Tình hình đó đòi hỏi phải có sự điều chỉnh về mặt chiến lược chống Covid cũng như điều chỉnh về mục tiêu kép trong tình hình mới. Bảo đảm mục tiêu kép là nhiệm vụ nhất quán nhưng bảo đảm tính mạng và sức khỏe của nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu trong lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường. |
Từ khi bùng phát làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư, cộng đồng doanh nghiệp liên tiếp kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung một số giải pháp miễn, giảm thuế, kéo dài thời gian giãn, hoãn các khoản phải nộp và thúc đẩy thực thi nhanh, hiệu quả và minh bạch các gói hỗ trợ đã được ban hành. Để vực dậy doanh nghiệp trong thời điểm đặc biệt khó khăn này, không chỉ chờ cân đối ngân sách để tung ra các gói hỗ trợ chính sách tài chính, tiền tệ mà phải bắt đầu ngay bằng các liều thuốc "giảm đau" cho nền kinh tế. Phòng, chống Covid-19 là cuộc chiến toàn diện, trong đó có cả vấn đề kinh tế. Xác định cuộc chiến còn lâu dài đồng nghĩa với việc phải giữ được tăng trưởng kinh tế, giữ sinh kế cho người dân. Phải chắt chiu từng cơ hội để cố gắng duy trì sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm cho người lao động. Cứ một doanh nghiệp có cơ hội sống qua giai đoạn khó khăn này là thêm một cơ hội tạo động lực cho nền kinh tế phục hồi và phát triển. |
Phạm Mạnh |