eMag azine
01/10/2024 15:01
Vẹn nguyên những hồi ức về ngày tiếp quản Thủ đô

01/10/2024 15:01

TTTĐ - Đại tá Dương Niết nguyên là chiến sĩ Tiểu đoàn Bình Ca được tham gia tiếp quản Thủ đô năm 1954. Mặc dù đã ở tuổi 90 nhưng những ký ức về cuộc chiến năm xưa vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí ông.

Thủ đô

Về ngày tiếp quản Thủ đô

TTTĐ - Đại tá Dương Niết sinh năm 1934, nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn Bình Ca, Tổ trưởng tổ tiếp quản Sở Cảnh sát Bắc Việt, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Trung cao Không quân (nay là Học viện Phòng không - Không quân). Mặc dù đã ở tuổi 90 nhưng những ký ức về cuộc chiến năm xưa vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí ông.

Về ngày tiếp quản Thủ đô

Đại tá Dương Niết quê ở làng Cổ Tiết, xã An Vinh, huyện Quỳnh Phụ (trước là xã Quang Vinh, huyện Quỳnh Côi), tỉnh Thái Bình. Xã An Vinh đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Nằm ven đường 10, trên trục giao thông Thái Bình - Hải Phòng nên ngay từ tháng hai năm 1950, sau khi đánh chiếm Thái Bình, thực dân Pháp đã muốn thôn tính An Vinh, lập bốt, lập tề để tạo hành lang an toàn. Trong lịch sử của xã, thì trong vòng năm tháng (từ tháng 2 đến tháng 7/1950), giặc Pháp đã mở năm cuộc càn quét vào xã. Ngày 19/9/1950, Pháp tập trung hai nghìn quân thiện chiến và dùng sáu máy bay chở quân dù đổ bộ xuống ngã ba Đọ cùng với hàng chục xe lội nước đánh vào xã. Nhưng nhờ hệ thống hào luỹ liên hoàn, kiên cố của “làng kháng chiến”, sự phối hợp chặt chẽ của bộ đội và du kích,... nên các mũi càn quét của địch đều bị bẻ gãy.

Về ngày tiếp quản Thủ đô
Đại tá Dương Niết, nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn Bình Ca, Tổ trưởng tổ tiếp quản Sở Cảnh sát Bắc Việt.

Ông Niết sinh ra trong gia đình có bảy anh chị em, hai trai, năm gái. Khi Pháp lập tề, đốt phá xóm làng, nhà ông cũng bị giặc đốt rụi. Việc học hành của ông cũng phải bỏ dở vì toàn bộ trường lớp ở Thái Bình đều đã bị giặc phá huỷ. Cùng với phong trào đấu tranh kháng Pháp của An Vinh, Dương Niết làm quân báo cho xã, rồi đi học lớp quân báo của huyện, sau đó được điều làm quân báo của huyện Quỳnh Côi. Khi đó Dương Niết mười sáu tuổi.

Năm 1953, chàng trai giấu bố mẹ đăng ký tuyển quân để được vào bộ đội. Nhưng vì vóc người nhỏ bé nên phải đến lần tuyển quân thứ chín, cậu mới trúng tuyển, được phiên chế ở Trung đoàn 44 đóng quân ở Thanh Hoá. Tháng 12/1953, Dương Niết cùng đơn vị hành quân lên Điện Biên. Cuối năm nên trời mưa rét, nhưng để giữ bí mật nên đơn vị hành quân đêm, gần năm mươi ngày sau thì tới Tuần Giáo.

Tết năm ấy, chàng trai làng Cổ Tiết cùng đồng đội đón Tết ở Tuần Giáo, sau Tết, thì tham gia làm con đường Thắng Lợi (tên con đường do Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặt) từ Tuần Giáo đi Điện Biên, dài tám mươi hai cây số. Con đường này trước đây người dân phải dùng xe ngựa thồ thì nay được làm để kéo pháo vào Điện Biên Phủ, chuẩn bị cho trận đánh lớn có tính chất quyết định trong lịch sử của toàn dân tộc.

Về ngày tiếp quản Thủ đô
Chiến sĩ Điện Biên Dương Niết (người ngồi chính giữa).

Sau khi con đường hoàn thành, cũng là lúc ông Dương Niết được bổ sung vào Đại đội 263, Tiểu đoàn 18, Trung đoàn 102, Đại đoàn 308. Từ đây, ông đã có mặt trong trận đánh lớn nhất ở chiến trường Điện Biên Phủ và tháng 10/1954, vinh dự là một trong số 214 chiến sĩ tinh nhuệ tiêu biểu của Tiểu đoàn Bình Ca có mặt sớm nhất ở Hà Nội chuẩn bị cho ngày tiếp quản Thủ đô.

Về ngày tiếp quản Thủ đô

Năm nay Đại tá Dương Niết đã ở tuổi chín mươi. Trong cuộc đời quân ngũ, ông tham gia cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ (trong chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, ông tham gia tiếp quản sân bay Biên Hoà) và tham gia chiến dịch Tây Nam năm 1979. Nhưng những khoảnh khắc đáng nhớ nhất chính là những ngày cùng đồng đội của Tiểu đoàn Bình Ca trở về tiếp quản Thủ đô Hà Nội tháng 10 năm 1954.

“Tháng 9/1954, Đại đoàn 308 vinh dự được Bác Hồ giao nhiệm vụ về tiếp quản Thủ đô. Tiểu đoàn Bình Ca được giao nhiệm vụ đặc biệt, vào trước các vị trí Pháp đóng quân ở Hà Nội để bảo vệ Nhân dân, chống địch phá hoại; bảo đảm cơ sở hạ tầng của thành phố để khi bộ đội chính quy vào tiếp quản được toàn vẹn; bên cạnh đó là không để chúng cưỡng bức dân di cư trước khi rút khỏi Hà Nội.

Về ngày tiếp quản Thủ đô
214 cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn Bình Ca tại cầu Đuống sẵn sàng vào Thủ đô tiếp quản các vị trí bảo vệ người dân.

Có 214 cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn Bình Ca tuổi đời còn rất trẻ, chỉ từ 19 - 20 tuổi được lựa chọn để làm nhiệm vụ đặc biệt đó. Chúng tôi đã vào Hà Nội với danh nghĩa là cảnh vệ thành theo yêu cầu của Pháp bởi lúc đó tinh thần binh lính Pháp ở Hà Nội đang rất hoang mang sau chiến thắng vang dội của ta ở Điện Biên Phủ. Lính Pháp sợ nhất bộ đội chính quy ở Điện Biên Phủ về. Phía Pháp cũng yêu cầu khi vào Hà Nội, bộ đội ta không mang súng trường, trung liên, chỉ mang tiểu liên tuyn (loại súng của Pháp mà ta thu được ở chiến trường). Súng này chỉ bắn được trong tầm ngắn.

Trong hành trang mang theo, ngoài những vật dụng cần thiết, chúng tôi mang theo cả giấy vệ sinh, đinh mắc màn... và một cái chổi để phòng khi công ty vệ sinh thành phố chưa làm việc thì sẽ dọn quét đường phố, để thành phố luôn sạch sẽ khi đại quân vào tiếp quản.

Ngày 7/10/1954, chúng tôi hành quân về tới làng Vân, phía Bắc cầu Đuống. Điều chúng tôi nhìn thấy đầu tiên là cánh đồng rau xanh mơn mởn, thứ mà trong suốt mấy năm qua sống ở rừng chúng tôi luôn ước muốn. Bà con biết bộ đội về rất phấn khởi, có người mang gạo, gà, có người mang rau đến.

Về ngày tiếp quản Thủ đô

Bộ đội khi vào tiếp quản Thủ đô đã có quy định là không được nhận quà của bất kỳ ai. Tuy nhiên, các bà, các chị vẫn cứ mang tới, anh nuôi từ chối mãi không được.

Theo hiệp định Trung Giã, Pháp sẽ đón chúng tôi tại cầu Đuống. Sáng 8/10/1954, đúng 8 giờ, những chiến sĩ của Tiểu đoàn Bình Ca đã có mặt ở phía bắc cầu Đuống. Đứng chờ khoảng 15 phút, một hạ sĩ quan của Pháp ra mời chúng tôi vào cầu, lễ đón chính thức được tổ chức trên cầu Đuống. Tại đây, một viên quan ba Pháp và đoàn tuỳ tùng ra đón”.

Sau lễ đón, ba mươi chiếc xe GMC của Pháp đưa các chiến sĩ Tiểu đoàn Bình Ca vào Hà Nội. Trời Hà Nội hôm đó lất phất mưa bay. Lấy lý do đó, viên quan ba Pháp yêu cầu các xe phủ kín bạt, mục đích là để dân không nhìn thấy bộ đội trên xe. Nhưng một số anh em ngồi trên đầu xe vén bạt nhô người ra, khi đoàn về đến Gia Lâm, người dân ùa ra đường hoan hô rất đông. Viên quan ba Pháp tỏ ra khó chịu và cho xe chạy nhanh hơn.

Xe vào đến Hà Nội thì về thẳng trụ sở Ban Liên hiệp đình chiến, đóng ở nhà thương Bến Thuỷ (Bệnh viện 108 bây giờ). Tại đây, đoàn được chia làm 35 tổ, mỗi tổ từ ba đến năm người sẽ di chuyển về 35 vị trí có quân Pháp đóng. Đây là những vị trí quan trọng, Pháp đã chiếm giữ ngay từ khi chúng đặt chân đến Hà Nội, như: Phủ toàn quyền, Tòa thị chính, Tòa án tối cao, Sở Cảnh sát Bắc Việt, nhà máy điện, nhà máy nước, nhà máy đèn Bờ Hồ, ga Hàng Cỏ, nhà tù Hỏa Lò, Bệnh viện Bạch Mai... Đại tá Dương Niết là tổ trưởng tổ ba người tiếp quản Sở Cảnh sát Bắc Việt ở số 89 đường Trần Hưng Đạo (nay là Sở Công an thành phố Hà Nội).

“Khi tới Sở Cảnh sát Bắc Việt, chúng tôi thấy địch căng một băng khẩu hiệu rất to trên lan can tầng hai với dòng chữ: “Có đi vào Nam hay là ở lại để đi vào trại của Lý Bá Sơ?” (đồng chí Lý Bá Sơ là giám đốc trại giam của ta). Đây là một thủ đoạn thúc ép dân di cư. Nhưng khi thấy chúng tôi trao đổi với nhau là không thể để như thế được thì chúng đã phải cho gỡ xuống”.

Về ngày tiếp quản Thủ đô

Trong hai ngày 8 và 9/10/1954, trước ngày bộ đội của ta về tiếp quản Thủ đô, Đại tá Dương Niết và nhóm của mình đã chứng kiến một số việc mà ông còn nhớ mãi.

Trong những ngày đó, việc ăn uống của cán bộ, chiến sĩ do anh nuôi nấu. Ngày hai bữa, Pháp phải chở xe đưa đến từng nơi, nhưng không bữa nào đưa đi hết 35 tổ. Xe đưa cơm chỉ đến khoảng một nửa tổng số vị trí, còn lại thì “quên”, làm nhiều anh em bị đói. Tại Sở Cảnh sát Bắc Việt, ngay trong chiều 8/10, chúng cũng không cho xe đưa cơm tới.

Nhưng tối hôm ấy, anh em vẫn tụ lại hát hò, vui chơi để cho quên cái đói và cảnh giác. Trong lúc đó có một anh lính Pháp cũng ghé vào xem hát và nói chuyện. Qua câu chuyện được biết anh ta là người Đức, bị Pháp bắt làm tù binh trong chiến tranh thế giới thứ II rồi đưa sang Việt Nam. Ở nhà anh lính còn mẹ và em gái nhưng mấy năm nay không có tin tức gì, anh ta muốn ở lại để có thể được về nước sớm hơn.

“Trong khi đang nói chuyện thì viên quan Ba bắt gặp và đã đánh anh lính, cấm không cho nói chuyện. Nhưng đến đêm, anh ta lại lẻn xuống, ném vào chỗ chúng tôi vài bao thuốc lá. Có lẽ, chiều hôm đó người lính đã nhìn thấy anh em khi đang nói chuyện lấy thuốc lá Cẩm Thuỷ (Thanh Hoá) ra cuốn rồi hút. Chiều ngày 9/10/1954, khi Pháp rút đi, chúng điểm quân không có mặt, sau khi lùng sục tìm mãi thì thấy anh ta trốn trong một cái tủ ở tầng hai. Chúng bắt, đánh một trận rồi đưa lên xe đi về Hải Phòng.

Về ngày tiếp quản Thủ đô Về ngày tiếp quản Thủ đô Về ngày tiếp quản Thủ đô
Về ngày tiếp quản Thủ đô
Về ngày tiếp quản Thủ đô Về ngày tiếp quản Thủ đô

Cũng trong ngày 9/10, xảy ra một việc nữa ở tổ Cảnh sát Bắc Việt. Tôi còn nhớ, khi đồng chí Nguyễn Văn Phiên vừa mới bước ra cửa thì có một phụ nữ từ đâu chạy tới, ôm chầm lấy, khóc nức nở, trách móc: “Anh ơi, anh đi đâu lâu thế mà chẳng nói năng gì với em?”. Người dân thấy vậy vây quanh rất đông.

Đồng chí Phiên ngớ người, nói: "Tôi có biết O là ai mô?" Một người dân tiến lại phía người phụ nữ hỏi: - Thế cô quê ở đâu? Cô gái nói quê ở Hải Dương. Còn đồng chí Phiên thì quê ở Nghệ An. Khi ấy, mọi người ồ lên: “Cô nhầm rồi”. Lúc đó cô ta mới buông đồng chí Phiên ra rồi lặng lẽ bước đi. Đây là một trong những thủ đoạn của bọn chúng hòng lôi kéo bộ đội nhằm phá hoại ta.

Chiều ngày 9/10/1954, khi toán lính Pháp cuối cùng rút khỏi cầu Long Biên thì cả Hà Nội bừng lên, tràn ngập cờ hoa. Ngày 10/10/1954 là một ngày hội lịch sử của toàn dân tộc –Thủ đô hoàn toàn giải phóng.

Có thể nói, Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 là một mốc son sáng chói đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của thực dân Pháp tại Việt Nam, mở ra thời kỳ phát triển mới của Thủ đô và đất nước.

Bài viết: Phạm Mạnh

Về ngày tiếp quản Thủ đô

Phạm Mạnh