Việt Nam 10 năm sau sự biến mất của tê giác một sừng

Việt Nam 10 năm sau sự biến mất của tê giác một sừng

TTTĐ - Ngày 25/10/2011, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) và Quỹ Bảo tồn Tê giác Quốc tế (IRF) chính thức cho biết tê giác một sừng đã tuyệt chủng ở Việt Nam. Sự kiện này đặt ra cảnh báo về nguy cơ suy giảm đa dạng sinh học nghiêm trọng của Việt Nam nếu không quyết liệt vào cuộc. Sau hơn một thập kỷ, bất chấp các nỗ lực cải thiện tình hình, nước ta vẫn là một trong những điểm nóng trên thế giới về săn bắt, buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã.

Điểm cuối của các đường dây xuyên châu lục

Theo báo cáo năm 2020 của UNODC (Văn phòng Liên Hợp Quốc về chống Ma túy và Tội phạm), Việt Nam là một trong những điểm đến hàng đầu của ngà voi, sừng tê giác và tê tê trái phép.

Sau nhiều năm diễn ra vấn nạn săn bắt bừa bãi, bên cạnh sự tuyệt chủng của loài tê giác, Việt Nam hiện còn khoảng hơn 200 cá thể voi ngoài tự nhiên và được nuôi nhốt. Với tê, tê, nước ta chỉ có 7 cá thể tê tê tại các trung tâm cứu hộ, trong khi hơn 20 năm qua không ghi nhận trường hợp tê tê ngoài tự nhiên được phát hiện trên bẫy ảnh.

Tuy nhiên, dữ liệu của Cơ quan Điều tra môi trường Quốc tế (EIA) từ đầu những năm 2000 đến nay chỉ ra rằng, thị trường Việt Nam đã tiêu thụ khoảng hơn 105 tấn ngà voi và 1,69 tấn sừng tê giác. Con số này tương đương sự giảm sút của khoảng 16.000 cá thể voi và hơn 600 con tê giác. Cùng với đó là khoảng 65.000 cá thể tê tê bị giết để lấy thịt, máu và vảy. Điều này cho thấy ngày càng nhiều sản phẩm từ động vật hoang dã trái phép tại Việt Nam có nguồn gốc từ nước ngoài.

Việt Nam 10 năm sau sự biến mất của tê giác một sừng

Trong giai đoạn 2016 - 2018, có 16 quốc gia nằm trong đường dây săn bắt và tiêu thụ trái phép ngà voi, sừng tê giác và tê tê có liên quan đến Việt Nam. Trong đó, hơn 25 tấn ngà của khoảng 3.400 con voi được vận chuyển có điểm cuối tại Việt Nam; song chỉ 1/4 số này bị bắt giữ. Theo EIA, nguồn tiêu thụ ngà từ Việt Nam là nguyên nhân dẫn đến sự giảm sút 53% số lượng voi của Mozambique. Chỉ tính riêng năm 2017, 124 cá thể voi của quốc gia châu Phi này đã bị giết tại các khu bảo tồn để khai thác ngà.

Việt Nam 10 năm sau sự biến mất của tê giác một sừng

Các điều tra dài hơi hơn cũng cho thấy, từ tháng 4/2006 đến tháng 4/2019, Việt Nam và Trung Quốc là điểm đến của hơn 56% lượng sừng tê giác (khoảng 3,6 tấn) bị bắt giữ trên thế giới. Cùng với đó, trong 16 năm kể từ 2003, khoảng 35 tấn vảy của hơn 20.000 con tê tê đã bị giết và gần 5.900 cá thể còn sống cũng đã được tiêu thụ tại Việt Nam.

Đối tượng tiêu thụ các sản phẩm này thường là nhà buôn, chủ xưởng sản xuất mỹ nghệ tại các làng nghề thủ công lâu đời (tiêu biểu là làng Nhị Khê, Hà Nội) hoặc khu du lịch như Hạ Long, Móng Cái (Quảng Ninh), Bản Đôn, Lắk (Đắk Lắk).

Đáng chú ý, các đối tượng này đã sử dụng nhiều mánh khóe tinh vi nhằm qua mặt cơ quan chức năng như tham gia các cuộc đi săn được cấp phép ở châu Phi để hợp pháp hóa sừng tê đưa về trong nước. Khi đưa về Việt Nam, người có nguồn hàng động vật hoang dã sử dụng mạng xã hội như group kín của Facebook, WeChat,... để chào bán cho khách hàng cả trong và ngoài nước.

Tại Việt Nam, ngà voi, sừng tê giác và vảy tê tê được sử dụng để chế tác thủ công mỹ nghệ như vòng đeo tay, dây chuyền hoặc đồ trang trí gia dụng. Bên cạnh đó, phần lớn tê tê sống bị giết lấy thịt để bán cho giới nhà giàu Việt Nam nhằm thỏa mãn tâm lý thể hiện vị thế, đẳng cấp xã hội. Ngoài ra, dù đã được chứng minh không có giá trị chữa bệnh, niềm tin mù quáng của người tiêu dùng Việt Nam về các công dụng thần thánh như chữa được bệnh ung thư, tăng cường sức khỏe tình dục cho nam giới cũng tiếp tay cho vấn nạn trên.

Với các giao dịch quốc tế, người mua trong vai khách du lịch đến Việt Nam sẽ kiểm hàng tại các khu du lịch, vùng ven biên giới,... sau đó vận chuyển theo đường tiểu ngạch về nước. Trong nhiều năm trở lại đây, bên cạnh được coi là đích đến, Việt Nam còn đóng vai trò như một “trạm trung chuyển” các sản phẩm trái phép từ động vật hoang dã cho Trung Quốc.

Nguyên nhân của thực tế này là do vào năm 2017, Trung Quốc đã thông qua quy định đóng tất cả các khu chợ buôn bán sản phẩm liên quan đến ngà voi, và áp dụng mức phạt hình sự cao hơn cho các hành vi tiêu thụ động vật hoang dã nói chung. Trong khi đó, tại Việt Nam, hành vi quảng cáo bán ngà voi trực tuyến chỉ bị xử lý vi phạm hành chính tối đa là 100 triệu đồng. Bộ luật Hình sự năm 2015 chỉ có hiệu lực khi khối lượng ngà voi và sừng tê giác lần lượt đạt trên 2 kilogram và 50 gram.

Dù ở Việt Nam, mức phạt tương đối cao cho các hành vi tiêu thụ động vật quý hiếm. Tuy nhiên, nhiều đối tượng vẫn bất chấp pháp luật để kiếm lợi bất chính. Có thể kể đến, với ngà voi, giá chợ đen tại Việt Nam là 600 - 1.200 đô la Mỹ/kg; còn với sừng tê giác, con số này lên đến 10.000 - 25.000 đô la Mỹ/kg.

Từ năm 2015 đến nay, mặc dù giá bán chợ đen các mặt hàng này đang có xu hướng đi xuống, song điều đó không có nghĩa hoạt động buôn bán đã hạ nhiệt. Phân tích của UNODC nhận định, do sừng tê và ngà voi là các mặt hàng có độ bền cao với thời gian nên thời điểm này, cung đã vượt cầu, tạo ra sự giảm giá. Tuy nhiên số lượng vụ giết hại voi và tê giác vẫn tăng lên cho thấy dự báo các đối tượng đang đầu cơ hàng hóa, chờ đợi thời cơ để tung ra thị trường.

Gần 98% động vật hoang dã bị tiêu thụ có nguồn gốc trong nước

Bên cạnh việc trở thành điểm nóng quốc tế trong đường dây tiêu thụ xuyên biên giới, ngay tại lãnh thổ Việt Nam, việc săn bắt, vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã cũng diễn biến rất phức tạp.

Theo Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên Việt Nam (ENV), trong giai đoạn 2013 - 2017, Việt Nam bắt giữ 1.504 vụ việc vi phạm liên quan đến động vật hoang dã. Trong đó, có đến 97,47% động vật hoang dã có nguồn gốc nội địa.

Xét trên phạm vi toàn bộ các vụ việc, có đến 180 loài có cá thể bị vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt, săn bắt,... bất hợp pháp và bắt giữ. Trong đó, các vụ việc liên quan đến các loài trăn, rắn; rùa; chim; tê tê là phổ biến nhất.

Dữ liệu thu thập trong thời gian trên, tính theo số cá thể, cũng cho ra con số cụ thể 26.221 cá thể bị tịch thu trong các vụ việc vi phạm. Trong đó, số lượng của rùa, chim và trăn, rắn các loại chiếm đến gần 80%. Còn nếu xét theo khối lượng, trong hơn 41 tấn sản phẩm bị thu giữ, hơn 2/3 khối lượng tang vật có liên quan đến voi, tê tê và trăn, rắn.

Như vậy có thể khẳng định các vụ vi phạm liên quan đến ngà voi, tê tê, các loại rùa, rắn và chim thường diễn ra với quy mô rất lớn. Trên thực tế, thống kê của ENV cho thấy các vụ việc thường từ 200 đơn vị động vật hoang dã (cá thể hoặc kilogram) bị bắt giữ trở lên. Trong thời gian dữ liệu được ghi nhận, có hai vụ việc bắt giữ đến 4.391 cá thể rùa và 8.404kg ngà voi, lần lượt chiếm 16,75% số cá thể và 20,34% khối lượng động vật hoang dã bị tịch thu.

Tuy nhiên, từ 2019 - 2021, quy mô các vụ bắt giữ đang giảm sút. Cụ thể, năm 2019, trung bình phát hiện 236kg/vụ, đến năm 2021 chỉ còn 108kg/vụ, tương đương mức giảm hơn 2 lần. Điều này cho thấy tội phạm liên quan đến động vật hoang dã có xu hướng hạn chế quy mô vận chuyển nhằm giảm thiểu rủi ro, thiệt hại khi bắt giữ.

Tuy nhiên, khi số lượng các loài, nhóm loài chim, rắn và rùa bị tịch thu thể hiện chính xác mức độ vận chuyển, buôn bán; việc xác định mức độ thực tế tương tự của các loài, nhóm loài như tê tê, voi lại khó hơn nhiều vì sản phẩm thường bị cắt khúc, xé nhỏ như vảy tê tê và ngà, lông, da voi. Hầu hết động vật hoang dã vẫn còn sống trong các vụ việc được phát hiện, thu giữ và xử lý. Bên cạnh các nhu cầu tiêu thụ để chế tác đồ thủ công mỹ nghệ; sản xuất thuốc, phần lớn động vật hoang dã được buôn bán nhằm giết thịt, làm thú nuôi hoặc sản xuất tiêu bản trang trí.

Trên toàn quốc, từ những vụ việc có thông tin, khai báo của đối tượng vi phạm, có thể xác điểm đầu và điểm cuối của các tuyến đường vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã.

Theo đó, các địa phương là nơi xuất phát của động vật hoang dã bị phát hiện là Lào Cai, Tuyên Quang, Lạng Sơn ở phía Bắc và Tây Ninh, An Giang, Cà Mau ở phía Nam. Bên cạnh đó, một số lượng lớn các vụ vi phạm cũng tập trung nhiều tại Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Trị, Đồng Tháp, Hậu Giang.

Các địa phương trên chủ yếu là các tỉnh biên giới, có cửa khẩu quốc tế lớn với 3 nước tiếp giáp Việt Nam. Đi qua các tỉnh này là hệ thống đường bộ nối trực tiếp với các đô thị lớn vốn là thị trường tiêu thụ chính như như Lạng Sơn - Hà Nội; Hà Nội - Móng Cái; Quốc lộ 1A qua miền Trung, Quốc lộ 22;... Ngoài ra, các tỉnh miền núi phía Bắc vốn có địa hình rừng núi phức tạp; địa phương biên giới ở miền Tây lại là đồng bằng rộng lớn nối với Campuchia nên việc vận chuyển bằng đường tiểu ngạch thường dễ qua mắt cơ quan chức năng.

Đối với điểm đến nội địa, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ninh... là những địa phương được ghi nhận thường xuyên khi bị lực lượng chức năng bắt giữ và tịch thu. Trong khi Hà Nội, TP Hồ Chí Minh là hai nơi có dân số và mức sống cao nhất cả nước, thị trường rất rộng mở; các địa phương còn lại thường được xác định là vùng đệm tương đối thuận tiện để cung cấp động vật hoang dã cho các đô thị lớn hoặc xuất sang các nước lân cận.

Gia tăng án hình sự liên quan đến động vật hoang dã

Trước sự gia tăng không ngừng về số vụ việc bị bắt giữ và mức độ tinh vi ngày càng cao của các đối tượng, hệ thống cơ quan thực thi pháp luật về động vật hoang dã của Việt Nam cũng quyết liệt vào cuộc và đưa ra nhiều hình phạt có tính răn đe cao hơn.

So với năm 2015, tình hình bắt giữ và bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội phạm liên quan đến tội phạm về động vật hoang dã 2021 tăng đều xét trên cả ba tiêu chí là số vụ án hình sự; số vụ có đối tượng bị bắt giữ; số vụ có đối tượng bị truy tố/xét xử.

Số vụ án hình sự liên quan đến động vật hoang dã năm 2021 tăng 1,7 lần so với năm 2015. Trong đó, số các vụ án xác định được đối tượng cũng tăng thêm 8,7% lên 93,8%; tỷ lệ các vụ có đối tượng bị truy tố cũng tăng đến 15%.

Phần lớn các đối tượng bị kết án hình sự do hành vi vận chuyển và buôn bán trái phép động vật hoang dã. Với các loài, nhóm loài bị đe dọa tuyệt chủng thuộc Phụ lục I, Công ước Quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã như voi, tê giác, rùa biển, hổ... 100% các vụ bắt giữ nếu xác định được đối tượng đều bị khởi tố hình sự.

Cũng trong thời gian trên, sau khi Bộ luật Hình sự mới có hiệu lực, tỷ lệ các vụ án có phạt tù tăng vọt từ 20,7% vào 2017 lên 45,7% trong năm 2020. Cũng ở thời gian trên, số năm tù trung bình cũng tăng đến 3,9 lần lên mức 4,09 năm/đối tượng. Trong đó, các vụ án có mức phạt tù cao nhất thường dao động từ 10 - 13 năm. Điều này thể hiện sự cứng rắn hơn của các cấp tòa án khi xét xử tội phạm về động vật hoang dã cũng như đánh dấu chuyển biến quan trọng trong công tác thực thi luật mới.

Tuy nhiên, trên thực tế, công tác phòng chống hoạt động săn bắt, buôn bán, vận chuyển,... động vật hoang dã trong thời gian trên vẫn còn nhiều tồn tại. Có thể kể đến việc có đến gần 30% số vụ việc vi phạm không ghi chép số liệu; thiếu đồng bộ trong việc giám định loài và thống; độ bao phủ dữ liệu trên toàn quốc chưa đạt mức tuyệt đối; cùng một số lỗ hổng pháp luật...

Chính vì vậy, trong thời gian tới, Việt Nam được nhiều tổ chức trong nước và quốc tế khuyến nghị cần thắt chặt hơn các quy định xử phạt của pháp luật, thống nhất việc thu thập thông tin phục vụ công tác thống kê cũng như đẩy mạnh thực thi pháp luật dựa trên số liệu thống kê, phân tích nhằm tăng cường vai trò và trách nhiệm trong công cuộc bảo vệ đa dạng sinh học cho chính quốc gia và cả thế giới.

Bài viết: Minh Quân, Hà Thu, Hải Yến

sự biến mất của tê giác một sừng