|
Sau khi về chung nhà với Vinamilk, Công ty Cổ phần Đường Việt Nam (Vietsugar) đã nỗ lực liên kết song hành với bà con nông dân để phát triển vùng nguyên liệu mía giúp duy trì và phát triển bền vững ngành mía đường, người dân ổn định cuộc sống, có thêm thu nhập... |
Những năm gần đây ngành mía đường đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Trong đó, khó khăn do cạnh tranh gay gắt với đường lậu và đường nhập khẩu từ nước ngoài theo các cam kết hội nhập, sụt giảm diện tích trồng mía, thời tiết bất lợi khiến nhiều doanh nghiệp mía đường đang nỗ lực vượt khó bằng nhiều giải pháp. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), sản lượng và diện tích trồng mía đã giảm mạnh. Năm 2020 diện tích trồng mía cả nước đã giảm đáng kể, nếu năm 2019 cả nước có 232,4 nghìn ha thì đến năm 2020 chỉ còn 187,1 nghìn ha. Diện tích trồng mía giảm, thời tiết diễn biến phức tạp đã khiến cho năng suất và sản lượng mía giảm. Năm 2020 sản lượng mía đạt 11,88 triệu tấn, giảm 3,44 triệu tấn so với năm 2019. Năng suất năm 2020 đạt 634,8 tạ/ha; năm 2019 đạt 659,5 tạ/ha. Cũng như các doanh nghiệp khác, Công ty Cổ phần Đường Việt Nam (Vietsugar) cũng đang đối mặt với các khó khăn, thách thức chung của toàn ngành. Nhận thức rõ tầm quan trọng của vùng nguyên liệu, công ty đã chú trọng đầu tư để duy trì, phát triển vùng nguyên liệu mía đường trong khu vực, giúp chủ động nguyên liệu cho sản xuất, kinh doanh, từ đó giúp người dân ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế. |
Tuy nhiên, để có được kết quả như ngày hôm nay, Vietsugar cũng đã phải trải qua rất nhiều những khó khăn, thách thức. Trong đó, đặc biệt là nhờ những bước đi mang tính chiến lực của ban lãnh đạo công ty sau khi trở thành công ty con của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk). Vietsugar trước đây là Công ty Cổ phần đường Khánh Hoà và tiền thân là Nhà máy đường mía Diên Khánh. Nhà máy được thành lập từ năm 1989 với công suất thiết kế ban đầu vỏn vẹn 100 tấn mía/ngày. Hơn 30 năm phát triển và trưởng thành, công ty luôn là chỗ dựa vững chắc của hàng chục ngàn hộ nông dân trồng mía trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa và địa phương lân cận như Đắk Lắk, Ninh Thuận… tạo công ăn việc làm cho hơn 40% lao động nông nghiệp của tỉnh Khánh Hòa. Tuy nhiên, thị trường đường trên thế giới liên tục biến động. Việc hàng loạt hàng rào thuế quan được xóa bỏ khi Việt Nam hội nhập vào các nền kinh tế thế giới đã tác động mạnh mẽ đến toàn ngành mía đường trong nước và những doanh nghiệp tiêu thụ nhiều sản phẩm đường như Vinamilk. |
Đứng trước cảnh doanh nghiệp mía đường, người dân trồng mía và cả bản thân đều bị ảnh hưởng bởi giá đường biến động thất thường, Vinamilk đã đi đến quyết định mang tính chiến lược là đầu tư sở hữu 65% cổ phần của Công ty Cổ phần Đường Khánh Hòa, chính thức bước chân vào ngành mía để khép kín chuỗi cung ứng nguyên liệu, chủ động cho nhu cầu sản xuất của công ty và từng bước cải thiện đời sống của những người nông dân tâm huyết với nghề trồng mía. Sau khi đón Vietsugar về chung một nhà, Vinamilk đã thực hiện chuyển đổi mô hình quản trị công ty từ quản lý tập trung theo định hướng cá nhân sang quản trị công ty theo các nguyên tắc quản trị công ty tốt nhất dựa trên các giá trị đã xác định trước. Đồng thời, Vinamilk triển khai và đưa vào vận hành hệ thống phần mềm quản lý doanh nghiệp ERP cho Vietsugar nhằm quản lý và kiểm soát công tác kế toán tài chính, quản lý hàng tồn kho, quản lý sản xuất hiệu quả hơn. Song song với việc cải tổ Vietsugar từ khâu quản trị, Vinamilk cũng bắt tay vào việc hỗ trợ công ty xử lý các tồn tại trước đây như khói thải, xả thải gây ô nhiễm môi trường đối với dân cư trong địa bàn, đưa Vietsugar đi vào hoạt động bình thường và không để xảy ra các sự cố tương tự như trước đây. Ngoài ra, Vinamilk còn ứng dụng mô hình đã thành công với chăn nuôi bò sữa vào ngành mía đường như hợp tác, hỗ trợ nông dân canh tác, cam kết giá mua mía tối thiểu, bao tiêu đầu ra 100%, phát triển thu mua bao tiêu mía cho bà con trồng mía không chỉ tại tỉnh Khánh Hoà mà còn tại các huyện phụ cận như Huyện Marak (Đắk Lắk), huyện Sông Hinh (tỉnh Phú Yên). Đến nay, sau hơn 3 năm về chung nhà với Vinamilk, Vietsugar ngày càng phát triển vững mạnh, đời sống của cán bộ công nhân viên Vietsugar được cải thiện, thu nhập bình quân của người lao động tăng cao, chấm dứt hoàn toàn tình trạng người lao động bị nợ lương kéo dài như trước đây. Đặc biệt, đời sống của người dân vùng nguyên liệu cũng được nâng cao, ổn định hơn. |
Không chỉ có vậy, với kinh nghiệm quản trị và tầm nhìn của mình, Vinamilk đã giúp Vietsugar “chuyển mình” một cách nhanh chóng và tích cực, trong đó có chiến lược về phát triển vùng nguyên liệu mía đường cho công ty. Việc phát triển vùng nguyên liệu mía của Vietsugar đã được hoạch định dựa trên sự thành công và kinh nghiệm của Vinamilk đã có với việc phát triển vùng chăn nuôi bò sữa để cung cấp nguyên liệu sữa tươi. Thực tế cho thấy bước đầu bao giờ cũng rất khó khăn và cần sự đầu tư lớn cũng như kế hoạch bài bản, nhưng Vinamilk và Vietsugar xác định đây là định hướng chiến lược để phát triển bền vững trong dài hạn. Trong vài năm gần đây, vùng nguyên liệu đang phải đối mặt với nguy cơ bị thu hẹp. Do thời tiết khí hậu bất lợi, thị trường đường bị cạnh tranh khốc liệt khiến giá thu mua mía nguyên liệu ở mức thấp, nên nhiều nông hộ không còn mặn mà với cây mía. |
|
Trong bối cảnh đó, Vietsugar đã thực hiện các chính sách để phát triển vùng nguyên liệu và hỗ trợ cho bà con nông dân trồng mía với nhiều chương trình trong nhiều năm qua như: Đầu tư tài chính cho nông dân trồng mía tính theo hecta; hỗ trợ bã bùn miễn phí; hỗ trợ giá mía, giống mía của Trại giống Vietsugar trong tỉnh Khánh Hòa; giải ngân linh hoạt và nhanh chóng giúp cho bà con nông dân có tiền chăm sóc mía kịp thời. Đồng thời, Vietsugar cũng cam kết giá mua mía tối thiểu, chưa bao gồm vận chuyển và bốc xếp, hỗ trợ thêm theo từng vùng để bà con nông dân có lãi và yên tâm sống được nhờ cây mía. Trong niên vụ 2020/2021 giá mua mía tối thiểu là 850.000 đồng/tấn mía sạch 10 CCS (tăng 110.000 đồng/tấn) và giá mua mía là 1 triệu đồng/tấn mía sạch 10CCS (tăng 150.000 đồng/tấn) so với niên vụ trước. Bên cạnh đó, từ niên vụ 2019-2020 đến nay, nhằm khuyến khích phát triển diện tích trồng mía gần nhà máy, Vietsugar đã hỗ trợ đơn giá mua mía tăng thêm là 25.000 đồng/tấn mía sạch 10 CCS cho các vùng mía trong tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Ninh Thuận. Trong niên vụ 2021-2022 sắp tới, Vietsugar cũng sẽ có chính sách hỗ trợ cho hộ dân có diện tích khai hoang, chuyển đổi cây trồng khác sang trồng mía tại tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận là 2 triệu đồng/ha. |
|
Ghi nhận thực tế từ người dân trồng mía cho thấy được sự hiệu quả trong các chính sách của Vietsugar. Gia đình chị Nguyễn Thị Ngọc Hương (thôn Tân Quang, xã Ninh Quang, thị xã Ninh Hoà, Khánh Hòa) có trên 40ha mía, năng suất vụ vừa qua bình quân đạt gần 60 tấn/ha và để nâng cao năng suất và giảm chi phí chăm sóc, những năm qua gia đình chị Hương đã đầu tư máy móc chuyển sang cơ giới hoá toàn bộ khâu làm đất, trồng mía, bón phân, làm cỏ; đồng thời đào 4 ao để chủ động nguồn nước tưới cho mía trong mùa khô. “Vụ này chúng tôi cũng nỗ lực tuối tiêu để cây mía có năng suất tốt hơn. Nếu như giá mía cứ như vụ trước thì bà con ở đây đều trồng mía lại. Vùng đất Ninh Hòa này chỉ trồng mía chứ không trồng được cây gì khác, nhờ những chính sách hỗ trợ của Vietsugar mà bà con đang quay lại cây mía” - chị Nguyễn Thị Ngọc Hương chia sẻ. Tương tự, gia đình anh Lê Đình Út (xã Cam Hiệp Nam, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) hiện có 10 ha mía, nhờ vùng mía được đầu tư hệ thống tưới nên năng suất mía vẫn đạt 60 -70 tấn/ha. Để nâng cao suất mía, gia đình anh Út đã đầu tư máy móc để làm đất, trồng và chăm sóc. Bên cạnh đó, còn đào ao trữ nước, đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm nhằm đảm bảo độ ẩm cho cây mía phát triển trong mùa khô kéo dài. |
|
“Với giá bán mía đạt 1 triệu đồng/tấn cho Vietsugar, cao hơn niên vụ trước 160.000 đồng/tấn, ngoài ra tôi còn được phía nhà máy đường đầu tư tiền chăm sóc, hỗ trợ bã bùn và một số chính sách hỗ trợ khác nên mỗi ha mía niên vụ vừa qua gia đình tôi có lãi khoảng 20 triệu đồng/ha. Để người nông dân trồng mía có lãi thì giá bán phải đạt 1 triệu đồng/tấn trở lên, ngoài ra mía phải đạt năng suất cao, chữ đường đảm bảo” - anh Lê Đình Út chia sẻ. Với chiến lược song hành với người dân để tạo ra sự phát triển trong dài hạn, Vietsugar cũng triển khai các chương trình/dự án để góp phần xây dựng các mô hình trồng mía hiệu quả, tiến tới chuyển giao công nghệ cho bà con nông dân. Cụ thể, định kỳ hàng năm Vietsugar tổ chức các chương trình, hội thảo cho bà con nông dân, năm 2020, tuy hạn chế do Covid-19 nhưng đã cố gắng để tổ chức các chương trình như: Hội thảo phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chuyên dùng cho cây mía của các công ty phân bón; thuốc bảo vệ thực vật; Hội thảo báo cáo kết quả trình diễn thử nghiệm các giống mía mới của Viện Nghiên Cứu Mía Đường Việt Nam; Hội thảo theo chương trình khuyến nông tỉnh Khánh Hòa, tỉnh Ninh Thuân; tập huấn kỹ thuật canh tác mía. Ngoài ra, Vietsugar cũng triển khai dự án đầu tư máy móc thiết bị nông nghiệp, thực hiện thí điểm mô hình trồng mía áp dụng cơ giới hóa với mục tiêu xây dựng mô hình áp dụng cơ giới hóa trong các khâu trồng và chăm sóc mía thay thế phương pháp trồng mía thủ công lạc hậu, tránh phụ thuộc vào nguồn lao động thủ công đang ngày càng khan hiếm, hạ giá thành sản suất và tăng lợi nhuận... Ông Hồ Nhẫn – Tổng Giám đốc Vietsugar cho biết, chiến lược phát triển vùng nguyên liệu mía của công ty đã được hoạch định dựa trên sự thành công và kinh nghiệm của Vinamilk đã có kinh nghiệm phát triển vùng chăn nuôi bò sữa cung cấp nguyên liệu sữa. Theo ông Hồ Nhẫn, thực tế cho thấy bước đầu bao giờ cũng rất khó khăn và cần sự đầu tư lớn, kế hoạch bài bản, nhưng Vinamilk và Vietsugar xác định đây là định hướng chiến lược để phát triển bền vững trong dài hạn. “Trong năm 2021, chúng tôi hợp tác với tập đoàn Nhật Bản để thực hiện khảo nghiệm thí điểm tại các vùng nguyên liệu mía đường. Mục tiêu là tìm ra quy trình canh tác phù hợp, tiên tiến và các biện pháp cung cấp dinh dưỡng cho cây mía trên từng vùng nguyên liệu của Vietsugar. Chúng tôi cũng hỗ trợ, kết nối, giới thiệu cho bà con nông dân các mô hình trồng mía tiên tiến, cho năng suất, chất lượng mía cao, tiết giảm chi phí trồng mía, đem lại lợi nhuận cao” - ông Nhẫn cho biết. |
Bài: Huyền Anh; Thành Nhân Trình bầy: Nguyễn Đỗ |