eMag azine
22/11/2022 17:38
Xác lập hệ thống giá trị riêng biệt cho du lịch xanh Hội An

22/11/2022 17:38

TTTĐ - Câu ca dao quen thuộc “Ai qua phố Hội chùa Cầu - Ðể thương để nhớ để sầu cho ai - Ðể sầu cho khách vãng lai - Ðể thương để nhớ cho ai chịu sầu” đã nói thay tấm lòng của bạn bè bốn phương dành cho Hội An.

Hội An

Xác lập hệ thống giá trị riêng biệt cho du lịch xanh Hội An

Câu ca dao quen thuộc “Ai qua phố Hội chùa Cầu - Ðể thương để nhớ để sầu cho ai - Ðể sầu cho khách vãng lai - Ðể thương để nhớ cho ai chịu sầu” đã nói thay tấm lòng của bạn bè bốn phương dành cho Hội An.

Dịch COVID-19 khiến toàn bộ ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề. Ngay sau khi dịch bệnh được khống chế và đẩy lùi, TP Hội An (Quảng Nam) xác định nhiệm vụ trọng tâm là tạo ra sinh kế ổn định cho người dân, khai thác hoạt động du lịch hài hòa, phát triển bền vững.

Phố cổ Hội An - Di sản sống của thế giới

Hội An - Cảng thị truyền thống Đông Nam Á duy nhất ở Việt Nam và hiếm có trên thế giới còn được giữ gần như nguyên vẹn với hơn 1.000 di tích kiến trúc của phố xá, nhà cửa, hội quán, đình, chùa, miếu, nhà thờ tộc, giếng cổ, mộ cổ… Các kiến trúc vừa có sắc thái nghệ thuật truyền thống của Việt Nam, vừa có sự giao thoa văn hoá với các nước phương Đông và Tây.

Quảng Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ vào Top 5 cả nước về chỉ số cải thiện môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI. Ảnh: vtr.org.vn
Quảng Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ vào Top 5 cả nước về chỉ số cải thiện môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI. Ảnh: vtr.org.vn

Thành phố Hội An có diện tích tự nhiên không lớn, khoảng 62km2 nhưng có 2 di sản thế giới là khu phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới và Cù Lao Chàm - Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam
"Có thể thấy, "sợi chỉ đỏ" xuyên suốt trong cách nhìn về du lịch xanh, du lịch cộng đồng là việc thừa nhận sự tham gia chủ động của cộng đồng địa phương là điều kiện tiên quyết, là bản sắc tạo ra sự khác biệt với các loại hình du lịch khác, hoạt động du lịch cộng đồng phải từ cộng đồng, do cộng đồng và vì cộng đồng" – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu chia sẻ.

Nhiều năm qua lãnh đạo và Nhân dân Hội An đã nỗ lực khai thác những giá trị đặc trưng, riêng có (kiến trúc, văn hóa, làng nghề và câu chuyện sản xuất) để tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo. Việc giữ gìn được nét nhân tình thuần hậu, mến khách chính là điểm thu hút đặc biệt nhất của Hội An đối với du khách.

Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, thống kê 6 tháng đầu năm 2022, tổng lượt khách đến Hội An là 487.000 lượt, tăng hơn 217% so cùng kỳ. Trong đó khách quốc tế 55.000 lượt. Tổng doanh thu toàn ngành du lịch ước đạt hơn 210 tỷ đồng, tăng 96% so với cùng kỳ năm trước.
Chị Allison Crull, 35 tuổi, quốc tịch Mỹ
Chị Allison Crull, 35 tuổi, quốc tịch Mỹ, cho biết" "Tại Hội An tôi cảm nhận được vẻ đẹp cổ kính nơi đây, những con phố đi bộ rất đẹp. Người dân Hội An tiếp đón chúng tôi nồng hậu". Ảnh: vnexpress

Chia sẻ cảm nhận khi tới Hội An, chị Allison Crull (35 tuổi, quốc tịch Mỹ) hào hứng, chị và đoàn khách đến Việt Nam từ 13/11, sau khi ở Hà Nội tham quan, chúng tôi đến Hội An, trước đó tôi từng “mắc kẹt” ở đây do dịch COVID-19 nhưng tôi vẫn có được cuộc sống tốt, an toàn tuyệt đối. Trên hết, tôi cảm nhận tình người sẻ chia trong khó khăn hoạn nạn hiếm thấy ở con người Việt Nam và Hội An nói riêng”.

Sau 25 năm tái lập xây dựng và phát triển tỉnh Quảng Nam, Hội An đã dần dần tìm ra hướng đi đúng. Phong trào bảo tồn, tôn tạo các di tích và cảnh quan văn hóa cũng như phong trào xây dựng thành phố xanh - sạch - đẹp đã trở thành phong trào quần chúng sâu rộng và mạnh mẽ.

Với tinh thần đó, thành phố đang chuyển mình theo quỹ đạo đô thị hóa hiện đại nhưng giữ gìn dáng vóc và cốt cách tự nhiên vốn có của mình, là vùng đất của di tích lịch sử, sinh thái sông hồ, văn hóa con người xứ Quảng.

Hội An - Điểm đến chất lượng cao

Năm 2021, Thành ủy Hội An đã ban hành Nghị quyết “Phát triển du lịch Thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, xác định phát triển du lịch Hội An trên nền tảng bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, bồi đắp tài nguyên thiên nhiên; Nỗ lực bảo vệ môi trường để trở thành điểm đến chất lượng cao theo hướng “Du lịch xanh”.

Chính quyền các cấp Hội An đã sớm quan tâm và xây dựng các quy chế như một “cẩm nang” giúp chính quyền trong hoạt động quản lý, tu bổ, sử dụng các ngôi nhà cổ. Hội An là di sản “sống”, nếu không có quy chế riêng thì rất khó quản lý, do Hội An không chỉ có công trình ở thế kỉ XVII, mà còn các công trình thế kỉ XX.

Xác lập hệ thống giá trị riêng biệt cho du lịch xanh Hội An

Theo đó tháng 4/2021, TP Hội An đã ban hành “Quy chế bảo vệ Di sản văn hóa thế giới Khu phố cổ Hội An”. Trong quy chế, từng chi tiết, từng đối tượng, từng khu vực trong nhà cổ, phố cổ đều được đặt ra và người dân tham gia quy chế, quy định này.

Ấn tượng của rất nhiều du khách khi đến phố cổ Hội An chính là nét cuốn hút của mái ngói âm dương, những ngôi nhà “nhuộm” vàng đặc trưng (Ảnh Đ.Minh)
Ấn tượng của rất nhiều du khách khi đến phố cổ Hội An chính là nét cuốn hút của mái ngói âm dương, những ngôi nhà “nhuộm” vàng đặc trưng (Ảnh Đ.Minh)

“Khi người dân có nhu cầu tu sửa nhà cửa, tháo gỡ tường gạch, ngói âm dương cũng phải tuân thủ quy chế, cửa phải là cửa gỗ, không được phép làm bằng chất liệu khác. Ngay việc lập bảng hiệu quảng cáo cũng có quy định về chiều dài rộng, chất liệu, cỡ chữ”, đại diện Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản văn hóa Hội An cho biết.

Phó chủ tịch UBND TP Hội An - Nguyễn Văn Lanh

"Việc nhìn nhận ra các giá trị và định hướng bảo tồn mang tính hệ thống cấu trúc sẽ giúp Hội An phát triển đúng tầm và không sai lệch khi phải dung hòa giữa dịch vụ du lịch với gìn giữ giá trị văn hóa - lịch sử - di sản của mình. Cộng đồng ở đâu am hiểu lịch sử, văn hóa, có kiến thức về bảo tồn di sản, hiểu biết về pháp luật và đặc biệt là có tình yêu với di sản, thì ở đó công tác bảo vệ di sản rất hiệu quả", Phó Chủ tịch UBND TP Hội An - Nguyễn Văn Lanh.

Tại Việt Nam, trong khi sản phẩm du lịch ở nhiều nơi đang sa vào nhàm chán và bế tắc thì mô hình du lịch xanh ở Hội An như một hình mẫu để các tỉnh, thành phố khác học tập. Trước hết, thành phố cần xác lập một hệ thống giá trị riêng biệt làm nên bản sắc từng địa phương, bản đồ di sản, mạng lưới di sản liên địa phương, di sản liên vùng, để bảo tồn văn hóa và đánh thức ý tưởng, sáng tạo sản phẩm du lịch hấp dẫn.

Giải mã sức hút du lịch xanh Quảng Nam

Được biết, các mô hình du lịch xanh tại TP Hội An gồm: Chương trình du lịch vớt rác trên sông, cơ sở lưu trú giảm thiểu sử dụng rác thải nhựa, du lịch tham quan các mô hình tuần hoàn rác, mô hình Ngôi nhà xanh, cửa hàng Đong Đầy tại chợ Hội An, Tour du lịch bữa ăn không rác thải, đồ lưu niệm từ vật liệu tái chế, thân thiện môi trường.

Ông Nguyễn Sơn Thủy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam
Ông Nguyễn Sơn Thủy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam

Ông Nguyễn Sơn Thủy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam, cho biết trong tuần khai mạc “Năm du lịch quốc gia 2022”, có 14 đơn vị cam kết thực hiện “Bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam”. Trong số này có 2 đơn vị thuộc điểm đến nhà nước quản lý, 1 khu du lịch sinh thái, 4 công ty dịch vụ du lịch và 7 khách sạn.

Với đặc thù đô thị thương cảng cổ xưa, nghề truyền thống ở Hội An mang nhiều giá trị văn hóa đặc sắc. TP Hội An đang nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị các làng nghề gắn với phát triển du lịch.

Theo các nguồn tư liệu thư tịch, nghề truyền thống ở thương cảng cổ Hội An xưa rất nhộn nhịp, với khoảng hơn 50 nghề tập trung vào 4 nhóm: Thủ công mỹ nghệ, dịch vụ khai thác, chế biến gia công và nhóm nghề đặc biệt.

Theo ông Tống Quốc Hưng - Trưởng phòng Văn hóa Thông tin TP Hội An, phong trào nói không với rác thải nhựa tại Hội An phát huy rất hiệu quả, công sở sử dụng chai thủy tinh, quán xá sử dụng cốc và ống hút giấy, tre, túi giấy, vải… đặc biệt Cù Lao Chàm - nói không với túi nilon.

Thành phố cũng bảo tồn và khai thác du lịch các làng nghề mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà, rau Trà Quế, tre - dừa nước Cẩm Thanh, quật - hoa cây cảnh Cẩm Hà… giữ gìn nguyên vẹn không gian của làng nghề.

Tại làng gốm Thanh Hà, du khách sẽ được nghệ nhân “cầm tay chỉ việc” thử tài làm gốm. Ảnh Út Vũ

Người Hội An bao đời nay nổi tiếng tài hoa, khéo tay, các làng nghề truyền thống phát triển như: Làng mộc, làng gốm, làng rau, làng chài… các loại hình văn hóa nghệ thuật làm say đắm bao thế hệ: Hát tuồng, diễn xướng, bài chòi, các trò chơi dân gian… Do đó, trở lại giá trị văn hóa xưa không phải hoài cổ mà bồi đắp bản sắc văn hóa phong phú đời sống vật chất và tinh thần của con người đương đại.

TP Hội An kết nối du khách tới làng rau Trà Quế và các điểm du lịch xanh khác bằng phương tiện xe đạp (Ảnh Đ.Minh)
Làng rau Trà Quế - nơi du khách có thể tận hưởng trọn vẹn không khí của miền quê yên ả (Ảnh Đ.Minh)

Vấn đề đặt ra là phải làm gì để khai thác khía cạnh tích cực vốn có trong văn hóa cư dân các địa phương đem về làm phong phú thêm đời sống văn hóa của một vùng đất “nhân tình thuần hậu, lá bông đủ màu”, đồng thời loại trừ những nhân tố tiêu cực.

Từ ngày 1/7, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh - Truyền hình TP Hội An triển khai vé điện tử tại 2 làng nghề truyền thống là làng rau Trà Quế và làng gốm Thanh Hà. Văn phòng hướng dẫn tham quan Hội An cho biết, từ ngày 1 đến 3/7/2022, làng gốm Thanh Hà đã bán được 1.446 vé, trong đó có 981 vé khách quốc tế; Làng rau Trà Quế 25 vé, trong đó 23 vé khách nội địa.
Du lịch xanh gắn kết lợi ích cộng đồng

Nghệ nhân gốm Ngụy Trung Hậu chia sẻ, theo ký ức của các bậc cao niên trong làng, vị Thủy tổ tộc tiền hiền của làng có nguồn gốc từ Bắc Trung Bộ đến Thanh Hà và lập nên nghề gốm cách đây 500 năm. Hoạt động sản xuất của làng gốm Thanh Hà rất đa dạng và phong phú, trong đó nổi bật là chế tác gốm, sành, gạch ngói... gốm Thanh Hà mang màu gạch đỏ đặc trưng, một số sản phẩm khác cũng mang màu hồng vàng, hồng cho đến gạch nâu, xám đen.

Xác lập hệ thống giá trị riêng biệt cho du lịch xanh Hội An

Nguyên liệu làm gốm là đất sét vàng, có độ dẻo cao, hàng trăm năm trước khai thác tại ấp An Bang thuộc làng Thanh Hà xưa và vùng đất giáp với Thanh Hà (Điện Phương ngày nay). Liên quan đến không gian thực hành Di sản văn hóa phi vật thể, làng gốm Thanh Hà có quần thể di tích gồm: 1 đình làng, 1 khu miếu Tổ nghề, 2 miếu phổ nghề, 1 nghĩa trủng, 3 nhà thờ tộc, 2 nhà cổ, 8 lò gốm, 3 phế tích lò gạch, giếng.

Bên cạnh đó, người dân Hội An cũng đã thể hiện lòng tự hào về một làng rau hơn 400 năm nổi tiếng của quê hương, xứ sở mình: “Rau sống Hội An, Khoai lang Trà Đoã”, “Nặng tình hạt muối Sa Huỳnh, Rau thơm Trà Quế đượm tình bữa trưa”.

Từ sáng sớm người dân Trà Quế luôn tất bật với những công việc như: tưới nước, làm cỏ, xới đất, trồng rau, thu hoạch… ở đây có hơn 40 loại rau, vẫn là hành, răm, tía tô, húng, rau mùi… nhưng rau Trà Quế thơm và có vị đặc trưng không thể lẫn đi đâu được.

Chính quyền TP Hội An đặt mục tiêu thành phố sẽ trở thành "Điểm đến xanh" vào năm 2025 và phát triển bền vững di sản “nghề trồng rau Trà Quế”. Trong đó, phát triển điểm dừng chân tại làng rau chất lượng, khách đến trồng rau sau đó quay lại và hưởng thành quả do mình làm ra, kết nối làng rau với các điểm khác bằng tour xe đạp, sinh thái cùng với mở rộng không gian du lịch.

Không chỉ được thưởng thức những màn hát đối đáp mà du khách được trực tiếp tham gia trò chơi dân gian bài chòi - Di sản văn hóa phi vật thể (Ảnh Út Vũ)
Không chỉ được thưởng thức những màn hát đối đáp mà du khách được trực tiếp tham gia trò chơi dân gian bài chòi - Di sản văn hóa phi vật thể (Ảnh Út Vũ)

Ngoài ra, tháng 12/2017 bài chòi Hội An được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đây là món ăn tinh thần không thể thiếu của du khách khi đến phố cổ, tham gia bài chòi Hội An không phải là sự thắng thua mà chính là những nụ cười sảng khoái, thanh âm vui vẻ đọng lại sau mỗi đêm.

Hiếm nơi đâu mà du khách được xắn tay áo để cùng xới đất, trồng rau trải nghiệm cùng với người nông dân địa phương; được ra khơi đánh cá khuya, học hát bài chòi. Cũng hiếm nơi đâu mà du khách được tự tay nặn gốm khắc tên mình, làm đèn lồng, học cách làm hand-made từ tre… Đây là những trải nghiệm mới lạ dành cho du khách, được hình thành từ chính nền văn hóa lâu đời của người dân Hội An.

Điểm đến xanh giúp du khách có trách nhiệm hơn với môi trường

Năm Du lịch Quốc gia - Quảng Nam 2022 là cơ hội để ngành du lịch phục hồi, phát triển trong tình hình mới, đồng thời góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế, thương hiệu du lịch Quảng Nam nói chung và Hội An nói riêng trong những năm tiếp theo.

Người dân dọn rác trên bờ biển
Người dân dọn rác trên bờ biển

Bà Thái Thị Nghĩa - Giám đốc truyền thông Tập đoàn Thiên Minh cho rằng, thông qua thay thế những vật dụng như lược, túi tre đan, thẻ phòng… bằng vật liệu có thể tái sử dụng, khách sạn Victoria Hội An định hướng kinh doanh bền vững kết hợp du lịch xanh với bản sắc văn hóa, truyền thống của Hội An. Một khách sạn xanh, điểm lưu trú thân thiện với môi trường sẽ tạo ra ấn tượng khó phai mờ, giúp du khách duy trì thái độ và trách nhiệm với môi trường.

Ở Hội An đặc biệt chú trọng đến việc phát huy kết hợp hài hòa các giá trị văn hóa phi vật thể trong cộng đồng dân cư, các làng nghề truyền thống, loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống như dân ca, hát bả trạo, hát tuồng và đương đại như thơ, ca nhạc, họa… phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân, là động lực tạo ra những sản phẩm du lịch khác biệt.

Mô hình du lịch xanh trạm Đong Đầy với hoạt động làm bột đánh răng, các giải pháp mua sắm không túi nilon, gia tăng vòng đời cho rác. Ảnh Refillables Đong Đầy
Mô hình du lịch xanh trạm Đong Đầy với hoạt động làm bột đánh răng, các giải pháp mua sắm không túi nilon, gia tăng vòng đời cho rác (Ảnh Refillables Đong Đầy)

Theo UBND thành phố Hội An, khủng hoảng do dịch COVID-19 gây ra là hồi chuông cảnh tỉnh, ngành du lịch Quảng Nam đã chuyển biến nhận thức trong thực hành du lịch xanh, hướng tới xây dựng thương hiệu “Điểm đến xanh” vào năm 2025. Du lịch xanh là bước đi đột phá, sáng tạo, hướng tới ý nghĩa nhân văn, chia sẻ lợi ích, bảo vệ môi trường, gìn giữ giá trị văn hóa - di sản và tài nguyên thiên nhiên…

"Có thể thấy, "sợi chỉ đỏ" xuyên suốt trong cách nhìn về du lịch xanh, du lịch cộng đồng là việc thừa nhận sự tham gia chủ động của cộng đồng địa phương là điều kiện tiên quyết, là bản sắc tạo ra sự khác biệt với các loại hình du lịch khác, hoạt động du lịch cộng đồng phải từ cộng đồng, do cộng đồng và vì cộng đồng", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu.

Trách nhiệm bảo vệ môi trường cũng như bảo tồn và phát huy di sản phố cổ Hội An, ngoài chính quyền địa phương cần sự chung tay của người dân và du khách, mỗi hành động dù nhỏ mà tổn hại đến di sản là không nên và mỗi hành động dù nhỏ mà phát huy được giá trị di sản cần được tôn vinh kịp thời, bảo vệ môi trường và bảo tồn di sản là trách nhiệm không của riêng ai.

Nhóm tác giả: N.Dương - Đoàn Minh - Út Vũ

Phố cổ Hội An

Phạm Mạnh