eMag azine
27/07/2024 13:00
Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh từ không gian mạng

27/07/2024 13:00

TTTĐ - Một thời đại số đã ra đời, theo đó là văn hoá số, kinh tế số, công dân số. Dường như tất cả cuộc sống thật được di chuyển lên mạng. Bởi vậy, việc giao tiếp, ứng xử văn minh tạo chuẩn mực văn hoá trên mạng xã hội, rất cần thiết và là nhiệm vụ cấp bách. Đó cũng là một phần không thể thiếu để xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong “thế giới phẳng” này.
Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh từ không gian mạng

Bài 1: Họa thật từ mạng ảo

Với sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng xã hội đang có ảnh hưởng ngày một lớn lên đời sống hàng ngày của mọi người. Chúng tạo ra một thế giới ảo với hàng triệu người dùng tham gia và tương tác với nhau. Tuy nhiên, thế giới ảo cũng đã trở thành một mảnh đất “béo bở” cho những thông tin phản động, sai sự thật đầu độc người dùng, trong đó có các bạn trẻ Thủ đô.

Không gian mạng - “Mặt trận” đấu tranh thời đại số

Các bạn trẻ Hà thành mang trong mình sự nhiệt huyết, đam mê và khát vọng phát triển Thủ đô, đất nước. Họ có hiểu biết rộng, trí tuệ và nỗ lực học tập để trở thành những nhà lãnh đạo tương lai. Tuy nhiên, thế hệ trẻ cũng đối mặt với nhiều thách thức và áp lực từ xã hội.

Một trong những thách thức mà người trẻ đang phải đối mặt là sự gia tăng của văn hóa tiêu cực và sự lan truyền nhiều thông tin xấu, độc từ mạng xã hội. Sự phổ biến của internet và công nghệ đã mở ra một cánh cửa rộng lớn cho việc tiếp cận thông tin nhưng cũng tạo ra một môi trường không an toàn cho người sử dụng.

Để văn hoá mạng xoá nhòa ranh giới thật - ảo…

TikTok là một trong số những mạng xã hội có số lượng người dùng lớn nhất thời điểm hiện nay. Nhiều đối tượng chống phá lợi dụng phần bình luận tại các bài viết, cài cắm các bình luận chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. “Parky” hay “Namkiki” - Những cụm từ mà các thế lực thù địch, phản động dùng để bôi nhọ Bắc kỳ, Nam kỳ. Thái độ phân biệt vùng miền này xuất phát từ quan điểm lệch lạc, thiếu nhận thức và không có sự chọn lọc nội dung thông tin trên mạng xã hội của một bộ phận giới trẻ. Điều này, nếu không được xử lý kịp thời sẽ tạo nên mối họa lớn.

Hay giữa lúc Nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế thương tiếc, chia buồn trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì các thế lực thù địch, phản động lại nhân cơ hội này đưa ra những bình luận ác ý, xuyên tạc, suy diễn những vấn đề thuộc nội bộ Đảng ta, đất nước ta, xúc phạm thân thế, hình ảnh, uy tín và công lao của Tổng Bí thư.

Để văn hoá mạng xoá nhòa ranh giới thật - ảo…

Trang Facebook của tổ chức Việt Tân đã có nhiều bài viết sai sự thật về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Không chỉ vậy, trang này còn rêu rao “Hoãn tổ chức các hoạt động kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/2024) để chỉ dành cho Quốc tang"...

Với luận điệu xuyên tạc, tổ chức Việt Tân cố tình lèo lái dư luận về công tác nhân sự của Đảng; tung tin sai lệch về mối quan hệ lực lượng Quân đội và Công an, cố tình gây chia rẽ đoàn kết nội bộ…

Các thế lực thù địch và phản động luôn tìm cách thâm nhập vào thế hệ trẻ và lợi dụng sự mở cửa thông tin để tác động thay đổi tư tưởng của họ. Chúng sử dụng các phương pháp tinh vi như tạo ra các trang web, ứng dụng, video hoặc thông điệp ngầm để lan truyền ý kiến tiêu cực, xuyên tạc lịch sử và gieo rắc sự hoang mang trong tâm trí của bạn trẻ, cũng như người sử dụng mạng xã hội.

Nỗi ám ảnh bạo lực tinh thần

Không chỉ tuyên truyền thông tin xấu, độc cho giới trẻ, trên mạng xã hội, nhiều người nấp sau màn hình máy tính, điện thoại... thoải mái cho mình quyền được phép phán xét, bình phẩm và đe dọa cá nhân nào đó. Điều này gây hậu quả nặng nề, khiến cá nhân bị tấn công có nỗi ám ảnh bị bạo lực tinh thần. Người bị tấn công có thể mất tự tin, gặp khó khăn trong việc xây dựng mối quan hệ xã hội và có thể phải đối mặt với những vấn đề tâm lý nghiêm trọng như trầm cảm và lo âu.

Để văn hoá mạng xoá nhòa ranh giới thật - ảo…

Trong thời đại công nghệ 4.0 phát triển mạnh mẽ như hiện nay, bạo lực mạng đang diễn ra phức tạp ở phạm vi toàn cầu

Bạn Minh Anh (21 tuổi, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) nêu ý kiến: “Hiện nay, trên mạng nổi lên vụ một tài khoản TikTok đăng tải nhiều thông tin chưa được xác thực. Hậu quả của những video đó khiến nhiều người bị ảnh hưởng tinh thần, bị cộng động mạng dồn ép, bạo lực bằng những ngôn từ xúc phạm khiến những người đó có tâm lý sợ hãi, hoảng loạn, thậm chí có nhiều suy nghĩ tiêu cực. Điều này thực sự là một mối nguy lớn từ không gian mạng”.

Theo bạn trẻ này, qua các nền tảng truyền thông xã hội, người ta có thể dễ dàng tiếp cận và tấn công vào danh dự, uy tín, và tự hình ảnh của người khác thông qua việc xuyên tạc thông tin, phỉ báng, đe dọa hoặc xúc phạm. Cùng với đó, quấy rối trực tuyến không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân mà còn gây ảnh hưởng đến cộng đồng và xã hội nói chung. Nạn quấy rối trực tuyến đã và đang gây ra nhiều vụ việc đau lòng, thậm chí đưa nạn nhân vào tình trạng suy sụp tinh thần, mất tự tin và cảm giác bị cô lập.

Để văn hoá mạng xoá nhòa ranh giới thật - ảo…

Rộ lên nhiều trào lưu vô bổ

Mạng xã hội không chỉ là nơi để chia sẻ những khoảnh khắc đáng nhớ, mà còn là nơi để thể hiện sự sáng tạo và cá nhân hóa. Tuy nhiên, điều này đã dẫn đến việc rộ lên nhiều trào lưu vô bổ và nguy hiểm. Một ví dụ điển hình là trào lưu "Challenges" nguy hiểm như "Momo Challenge" hay "Blue Whale Challenge". Những trào lưu này thúc đẩy người tham gia thực hiện những hành động nguy hiểm hoặc tự tử. Điều này gây ra sự lo lắng cho cộng đồng và đặt ra câu hỏi về vai trò, trách nhiệm của mạng xã hội trong việc kiểm soát, ngăn chặn những trào lưu tiêu cực.

Trào lưu sống ảo hiện nay có thể được coi là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng xã hội, việc chia sẻ những khoảnh khắc đẹp, những hình ảnh ấn tượng đã trở thành một xu hướng không chỉ ở giới trẻ mà còn lan rộng đến nhiều người khác nhau. Tuy nhiên điều đáng chú ý là, sống ảo không chỉ mang tính giải trí mà còn có những tác động tiêu cực đến tâm lý và cuộc sống của mỗi người.

Chị Hải Linh (trú tại quận Đống Đa, thành phố Hà Nội) chia sẻ: “Bản thân tôi cảm thấy lo sợ và đặt nhiều dấu hỏi về mức độ an toàn cho các trào lưu như kết hợp sáng tạo các món ăn lạ hay bất chấp cảnh báo tại sân bay để chụp những tấm ảnh sống ảo. Điều này đe dọa sự an toàn của các cá nhân thực hiện”.

Để văn hoá mạng xoá nhòa ranh giới thật - ảo…

Bạn trẻ Nguyễn Gia Thịnh, sinh viên năm thứ tư, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: “Có lẽ mình sẽ đánh giá 70% tích cực và 30% tiêu cực với các nội dung tiếp nhận trên mạng xã hội.

Mình để phần trăm lớn tích cực như vậy vì những nội dung mình chọn theo dõi đều xuất phát từ nhu cầu, mong muốn của chính mình, chứ không phải thấy cái gì hot là sẽ theo dõi, nên việc tiếp cận những nội dung đó sẽ thỏa mãn nhu cầu của mình khá nhiều".

Theo đa số mọi người, thật khó để thoát khỏi sự hấp dẫn, cám dỗ của mạng xã hội nhưng chúng ta cần nhìn nhận rõ ràng về những hệ lụy mà chúng mang lại. Mỗi người dùng cần sử dụng mạng xã hội một cách có ý thức và hợp lý để đảm bảo sức khỏe, tránh bị ảnh hưởng tiêu cực.

Để giải quyết những vấn đề nêu trên, cần có sự chung tay từ cả xã hội. Chúng ta cần tạo ra một môi trường an toàn trên mạng xã hội bằng cách tiếp tục áp dụng, xây dựng những quy chuẩn, cũng như quy định rõ ràng cho người sử dụng mạng xã hội và xử lý các trường hợp vi phạm.

(Còn nữa)

Bài viết: Mai Khôi

Trình bày: Lê Dung

Lê Dung Mai Khôi