Yên Bái: Nhiều người dân kéo lên núi ngăn chặn doanh nghiệp khai thác khoáng sản
Sáng ngày 27/9, rất nhiều người dân xã Lâm Thượng và một số xã lân cận đã tụ tập đông người mang theo cờ và quạt kéo nhau lên núi Ngòi Kèn của xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái để phản đối việc thăm dò, khai thác khoáng sản của Công ty TNHH Đá cẩm thạch R.K Việt Nam (gọi tắt Công ty R.K Việt Nam) có địa chỉ tại thị trấn Yên Thế, Lục Yên, Yên Bái.
Một số người dân cho biết: Trên địa bàn huyện Lục Yên đã có rất nhiều công ty khai thác đá nguy cơ gây ô nhiễm, nên có thêm công ty khai thác và mỏ khai thác thì chúng tôi không thể chịu đựng được. Vừa bụi, vừa ồn ào khi khai thác, các xe chở đá với trọng tải lớn làm đường xá của bà con bị hư hỏng, nhiều ổ trâu, ổ voi to khiến nắng thì bụi, mưa thì lầy lội. Những điều này khiến bà con xã Lâm Thượng bức xúc và bất bình.
Trao đổi qua điện thoại với Chủ tịch UBND huyện Lục Yên – ông Bùi Văn Thịnh cho biết: “Về phía Công ty R.K Việt Nam, họ đã có giấy phép thăm dò, khai thác của Bộ Tài nguyên và Môi trường cách đây mấy năm rồi. Những giấy phép, trình trình thủ tục được các cơ quan kiểm tra là đúng theo trình tự”.
Nhiều người dân xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái lên núi phản đối Công ty TNHH Đá cẩm thạch R.K Việt Nam thăm dò, khai thác khoáng sản. |
Ông Thịnh cho biết thêm, theo quy định, trong thời gian thăm dò, chưa cần phải có phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Mà khi thăm dò, chưa chắc đã khai thác, nên sau khi thăm dò xong, có thể xin giấy phép khai thác hoặc không xin giấy phép khai thác. Công ty còn phải tính xem có hiệu quả hay không, vì vậy, “thăm dò khoáng sản thì không phải đánh giá tác động môi trường”. Chính điều này, khiến người dân lo lắng nguy cơ ảnh hưởng tới môi trường và cuộc sống người dân.
“Dự án này là đất thuộc quản lý của Nhà nước, chứ không thu hồi một phân đất nào của người dân. Về việc này, chính quyền địa phương cũng đã tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu. Rồi đơn thư của người dân đã được trả lời, trả lời từ các cơ quan cấp cao Chính phủ, Quốc hội, rồi đến tỉnh Yên Bái, huyện Lục Yên và các xã. Phía UBND huyện Lục Yên cũng đã làm hết trách nhiệm của địa phương. Tuy nhiên, đến nay, người dân vẫn phản đối hết sức quyết liệt” – ông Thịnh nói.
Lực lượng Công an, cảnh sát và bác sĩ ở khu vực xảy ra tranh chấp. |
Được biết, ngày 27/9, sau nhiều năm dừng hoạt động, doanh nghiệp tiến hành thăm dò, kiểm đếm vị trí đặt mũi khoan. Mặc dù người dân phản đối, nhưng doanh nghiệp vẫn tiến hành bình thường. Sự việc xảy ra đã có xô sát giữa người dân và doanh nghiệp.
Báo Tuổi trẻ Thủ đô sẽ tiếp tục thông tin.
Bài liên quan
Khuyến cáo người dân hạ du Lào Cai, Yên Bái không sử dụng nước sông Hồng
Yên Bái: Cầu Tuần Quán chính thức thông xe
Tai nạn giao thông, tắc đường trên tuyến đường tránh Quốc lộ 70 từ Yên Bái lên Lào Cai