10 nhiệm vụ trọng tâm của Giáo dục Thủ đô năm học 2023 - 2024
Chất lượng giáo dục Thủ đô từng bước được khẳng định Giáo dục Hà Nội tỏa sáng, khẳng định vị trí dẫn đầu |
Đồng chí Trần Thế Cương - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội cho biết: Năm học 2023-2024, ngành GD&ĐT tập trung triển khai một số nội dung, nhiệm vụ công tác trọng tâm thực hiện chủ đề năm học 2023-2024 là "Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới sáng tạo, hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo". Theo đó, ngành sẽ tập trung triển khai 10 nhóm nhiệm vụ quan trọng.
Ảnh minh họa |
Ngành Giáo dục Hà Nội quan tâm đến công tác cán bộ; Làm tốt công tác phát hiện, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng; Bố trí, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ đúng chuyên môn, sở trường; Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo để nâng cao năng lực, trách nhiệm, hiệu quả công tác tham mưu, giải quyết công việc, công tác dạy và học.
Các đơn vị triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ lĩnh vực GD-ĐT cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; Nghị quyết Đại hội XVII thành phố Hà Nội; Chỉ đạo của Bộ GD&ĐT và các nội dung, nhiệm vụ thực hiện chủ đề công tác năm 2023 “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” của thành phố Hà Nội.
Sở GD&ĐT Hà Nội tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đề xuất Thành uỷ, HĐND, UBND thành phố về các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực GD&ĐT trên địa bàn thành phố phù hợp tình hình thực tiễn của xã hội; đặc biệt là về việc xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật, giá dịch vụ GD&ĐT; Hoàn thành tham mưu UBND Thành phố ban hành quy định quản lý cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn; Quyết định thay thế Quyết định số 20/2013/QĐ-UBND và Quyết định số 21/2013/QĐ-UBND về tiêu chí trường chất lượng cao.
Ngành Giáo dục Thủ đô nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tốt các hoạt động, vấn đề phát sinh trong lĩnh vực GD-ĐT; Nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, thực hiện các giải pháp khắc phục hạn chế, tồn tại của những năm học trước, đặc biệt trong công tác thi, tuyển sinh đầu năm học; phương án phân luồng học sinh sau THCS, THPT.
Cùng với đó, GD&ĐT Hà Nội tập trung thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT 2018, coi đây là cơ hội, là chỗ dựa và là phương thức thay đổi về giáo dục; Hoàn thành biên soạn bộ Tài liệu giáo dục địa phương lớp 4, 8, 11, 12 và triển khai công tác biên soạn bộ Tài liệu giáo dục địa phương lớp 5, 9 và 12; Thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, GDPT và giáo dục thường xuyên; Tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Sở GD&ĐT Hà Nội phối hợp các Sở, ngành, quận, huyện, thị xã tập trung triển khai thực hiện Kế hoạch số 139/KH-UBND, đảm bảo các dự án đầu tư trong lĩnh vực GD&ĐT được thực hiện đúng tiến độ, kế hoạch, chất lượng và hoàn thành kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia năm 2023 (công nhận mới 130 trường chuẩn quốc gia); Sắp xếp lại hệ thống các trường học; Phát triển hệ thống trường chất lượng cao ở địa bàn có điều kiện; Tiếp tục thực hiện công tác đầu tư xây dựng 7 trường liên cấp tiên tiến, hiện đại có diện tích 5ha trở lên trên địa bàn thành phố.
Các đơn vị nghiên cứu, đổi mới cơ chế trong quản lý, xây dựng mô hình tự chủ tại một số trường mầm non, phổ thông ở những địa bàn, khu vực có điều kiện; Tạo điều kiện thuận lợi cho các trường thực hiện lộ trình tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW.
Học sinh trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành |
Các thầy giáo, cô giáo thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; Nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn; Các giải pháp thu hẹp khoảng cách, chất lượng giáo dục giữa các quận nội thành và các huyện, trọng tâm thực hiện phong trào: “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” giai đoạn 2022 - 2025”; “Nhà giáo tâm huyết, sáng tạo” đảm bảo thiết thực, hiệu quả.
Các đơn vị, nhà trường tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống; Xây dựng trường học an toàn, thân thiện, trường học hạnh phúc; Chú trọng giáo dục phẩm chất, nhân cách, văn hóa, lịch sử Thăng Long - Hà Nội đi đôi với đào tạo năng lực nhận thức, tư duy đổi mới, sáng tạo cho người học, xây dựng “thế hệ trẻ sáng tạo”; Nâng cao thể lực và tầm vóc học sinh Hà Nội…
Ngành Giáo dục Thủ đô tăng cường cải cách hành chính, ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành; Thúc đẩy chuyển đổi số, tạo đột phá trong quản trị nhà trường; trong công tác giảng dạy và học tập; Khai thác, vận hành, phát huy hiệu quả của trung tâm Điều hành giáo dục thông minh thành phố Hà Nội.
Các nhà trường mở rộng mối quan hệ giao lưu, hợp tác về GD&ĐT; Đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục; Tích cực tham gia các chương trình đánh giá chất lượng giáo dục quốc tế đối với GDPT (PASEC, PISA...); Đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua; Chủ động thông tin, truyền thông về các chủ trương, chính sách, kết quả hoạt động GD&ĐT…
Năm học 2023-2024, toàn thành phố có 2.874 trường mầm non, phổ thông; 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và Trường Bồi dưỡng cán bộ giáo dục Hà Nội - tăng 34 trường mầm non và phổ thông so với cùng kỳ năm trước. Số lớp là 66.138 lớp - tăng 1.919 lớp so với cùng kỳ năm trước. Năm học mới, Hà Nội có 2.222.246 học sinh - tăng 68.917 so với cùng kỳ năm trước; có 124.493 giáo viên - tăng 1.525 và 66.110 phòng học - tăng 846 phòng học so với cùng kỳ năm trước. |