1.052 đại biểu dự Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Chiều 16/10, tại Thủ đô Hà Nội, Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029 chính thức bước vào ngày làm việc đầu tiên.
Quang cảnh phiên làm việc |
Tham dự phiên làm việc có các đồng chí: Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương (UBTƯ) MTTQ Việt Nam khoá IX; Mai Văn Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Hà Thị Khiết, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Phó Chủ tịch không chuyên trách UBTƯ MTTQ Việt Nam; Nguyễn Thị Doan, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch không chuyên trách UBTƯ MTTQ Việt Nam; Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam khoá IX.
Cùng dự có các Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng; đại diện các Ban, Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; các vị Phó Chủ tịch, nguyên Phó Chủ tịch, các vị Ủy viên Đoàn Chủ tịch, nguyên Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam khoá IX.
Đặc biệt là sự có mặt của 1.052 đại biểu đại diện cho các giai cấp, các tầng lớp Nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo, lực lượng vũ trang, người Việt Nam ở nước ngoài và cán bộ Mặt trận các cấp.
Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng phát biểu tại phiên làm việc |
Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Sáng tạo - Phát triển
Với chủ đề "Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Sáng tạo - Phát triển", Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029 được tổ chức từ ngày 16 đến 18/10/2024. Đại hội có nhiệm vụ đánh giá toàn diện tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024, đề ra phương hướng, mục tiêu và các chương trình hành động của MTTQ Việt Nam trong nhiệm kỳ mới.
Tại phiên làm việc, Đại hội đã tiến hành hiệp thương cử Đoàn Chủ tịch Đại hội gồm 55 vị; trong đó hiệp thương 51 vị và 4 vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước được mời tham gia Đoàn Chủ tịch gồm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Thường trực Ban Bí thư Lương Cường.
Đại hội đã tiến hành hiệp thương cử Đoàn Thư ký Đại hội gồm 5 vị; báo cáo tình hình đại biểu tham dự Đại hội; thảo luận, thông qua Chương trình và Quy chế làm việc của Đại hội.
Bên cạnh đó Đại hội cũng thảo luận xem xét nhiều nội dung quan trọng như: Báo cáo kiểm kiểm hoạt động của UBTƯ, Đoàn Chủ tịch và Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa IX, nhiệm kỳ 2019-2024; tờ trình sửa đổi, bổ sung Điều lệ MTTQ Việt Nam khóa IX; thông qua sửa đổi bổ sung Điều lệ MTTQ Việt Nam…
Đại biểu cho ý kiến vào các nội dung Đại hội |
Báo cáo tình hình đại biểu tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cho biết, tổng số đại biểu chính thức tham dự Đại hội là 1.052 đại biểu.
Về cơ cấu đại biểu là nữ: 324 vị (tỷ lệ 30,7%); đại biểu là người ngoài Đảng: 492 vị (tỷ lệ 46,7%); đại biểu là dân tộc thiểu số: 267 vị (tỷ lệ 25,3%); đại biểu là tôn giáo: 209 vị (tỷ lệ 19,9%); đại biểu là người Việt Nam ở nước ngoài: 21 vị (tỷ lệ 1,9%); đại biểu là các doanh ngiệp: 152 vị (tỷ lệ 14,4%); đại biểu là cán bộ Mặt trận chuyên trách: 271 vị (tỷ lệ 25,7%).
Đại biểu trẻ tuổi nhất, sinh năm 2004 là đại biểu Bà Thị Hà, cá nhân tiêu biểu dân tộc S’Tiêng, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. Đại biểu cao tuổi nhất sinh năm 1929 là Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch Hội truyền thống Trường sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam.
Thực hiện sáng tạo nhiều nhiệm vụ mới, khó, chưa có tiền lệ
Trình bày nội dung Báo cáo kiểm điểm hoạt động của UBTƯ, Đoàn Chủ tịch và Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng cho biết: Nhiệm kỳ qua, Ủy ban, Đoàn Chủ tịch và Ban Thường trực đã bám sát chủ trương, đường lối, sự lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước… và những vấn đề Nhân dân quan tâm, những vấn đề phát sinh, thực tiễn đặt ra; đạt được nhiều kết quả tích cực, nổi bật, trong đó có nhiều nhiệm vụ mang tính sáng tạo, mới, khó, chưa có tiền lệ, được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Ủy ban, Đoàn Chủ tịch và Ban Thường trực luôn quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện; chú trọng thực hiện tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, vai trò nòng cốt chính trị trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; vai trò chủ trì, hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động với các tổ chức thành viên, phân công trách nhiệm cụ thể, tạo sự đồng thuận và thống nhất cao để phát huy thế mạnh của từng tổ chức trong triển khai công tác Mặt trận.
Ủy ban, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực là tập thể đoàn kết, trách nhiệm, chủ động, nhạy bén với tình hình, hoạt động tập trung, nổi bật vai trò, quyền, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam quy định tại Điều 9 Hiến pháp năm 2013 và Luật MTTQ Việt Nam năm 2015;
Ủy ban, Đoàn Chủ tịch và Ban Thường trực chú trọng nâng cao vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước; tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, mở rộng thành phần và đa dạng các hình thức lắng nghe ý kiến của các tầng lớp Nhân dân để có những kiến nghị, đề xuất phù hợp, kịp thời, xác đáng với Đảng, Nhà nước.
Các nội dung công tác và hoạt động của Mặt trận ngày càng thực chất, hiệu quả, hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư; phát huy trí tuệ của các vị Ủy viên Ủy ban Trung ương, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, các Hội đồng tư vấn để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ công tác Mặt trận, nhất là việc nắm tình hình Nhân dân và tham gia giám sát, phản biện xã hội.
Đồng thời, Ủy ban, Đoàn Chủ tịch và Ban Thường trực tăng cường phối hợp với các cơ quan Đảng, Nhà nước, các cơ quan Trung ương và địa phương để bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo cơ chế đảm bảo cho tổ chức Mặt trận hoạt động đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác trong tình hình mới...