32 tỉnh thành ghi nhận bệnh nhiễm sán lá gan nhỏ
Theo đánh giá, hiện nay các viện thuộc khối y tế dự phòng nêu trên tổ chức hoạt động manh mún, theo những mô hình khác nhau; cơ chế tài chính vẫn chủ yếu là từ ngân sách nhà nước… Từ thực tế đó, đòi hỏi phải tái cấu trúc, tạo bước đột phá để các viện thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân và hội nhập quốc tế.
Theo PGS - TS Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư cho biết các nghiên cứu gần đây cho thấy do tập quán ăn uống, sinh hoạt của người dân không hợp vệ sinh nên tỉ lệ nhiễm ký sinh trùng rất cao trong cộng đồng. Bệnh chủ yếu là giun truyền qua đất; bệnh sán truyền qua thức ăn (sán lá gan, sán phổi, ấu trùng sán lợn…).
Trong đó bệnh sán lá gan nhỏ (gây tổn thương gan, xơ gan...) được phát hiện tại 32 tỉnh thành, trong đó bệnh này chiếm tỉ lệ cao ở các tỉnh: Nam Định (34,8%), Hoà Bình (32,7%), Hà Nội (27,7%), Thanh Hoá (17,7%), Ninh Bình (25%). Ngoài ra, tỉ lệ nhiễm giun truyền qua đất ở học sinh tiểu học một số tỉnh còn cao như: Hà Giang (86%), Đắk Lăk (25%), Quảng Ninh (21%), Thanh Hoá (18%), Phú Thọ ( 24,8%); Bình Thuận (18%).
Đáng lưu ý, nhiều loại côn trùng kiến ba khoang, bọ xít hút máu, bọ đậu đen...thay đổi tập tính trú đậu cũng là tác nhân ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. PGS Dương cho biết các bệnh ký sinh trùng là một trong những là gánh nặng đối với sức khoẻ cộng đồng nhưng đang trở thành “căn bệnh bị lãng quên” chưa được quan tâm đầu tư kinh phí nghiên cứu phòng chống đúng mức.
Tương tự, báo cáo của Viện Dinh dưỡng cũng chỉ ra vấn đề về thừa dinh dưỡng hay dinh dưỡng không hợp lý gây ra các bệnh như: Béo phì, tim mạch, đái tháo đường, ung thư... đang gia tăng nhanh chóng và chiếm tới 73% gánh nặng bệnh tật và tử vong.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị bốn viện trên cần tăng cường kiểm soát yếu tố nguy cơ, phòng chống dịch bệnh, nâng cao sức khoẻ cộng đồng, nhất là chú trọng công tác truyền thông để người dân có kiến thức, kỹ năng phòng bệnh từ thói quen dinh dưỡng lành mạnh.