40 bệnh viện triển khai bệnh án điện tử từ 2018
Triển khai bệnh án điện tử (EMR) tại các bệnh viện là một hoạt động quan trọng của Bộ Y tế nhằm đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong bệnh viện. Bệnh án điện tử là hồ sơ sức khỏe của bệnh nhân theo thời gian thực kết hợp với các công cụ hỗ trợ ra quyết định dựa trên bằng chứng hỗ trợ bác sĩ ra quyết định.
Bệnh án điện tử có thể sắp xếp và tự động hóa quy trình công việc của bác sĩ, đảm bảo tất cả thông tin lâm sàng, cận lâm sàng được thông suốt. Bệnh án điện tử giúp thu thập dữ liệu không những hỗ trợ tốt cho việc chăm sóc sức khỏe mà còn hỗ trợ cho các công tác khác như tính viện phí, quản lý chất lượng, báo cáo kết quả điều trị, báo cáo thống kê bệnh viện...
Bệnh án này giúp cho kiểm soát kê đơn, kịp thời phát hiện các bất hợp lý (nếu có) như: chỉ định quá mức cần thiết, tương tác có hại của thuốc, kê trùng lặp hoạt chất... và thuận lợi trong việc tra cứu các dữ liệu phục vụ điều trị.
Hiện tại đã có 5 bệnh viện: Nhi T.Ư, Y học cổ truyền T.Ư, Phụ sản T.Ư, Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh và T.Ư Huế triển khai, tuy nhiên vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Với bệnh án điện tử, mọi kết quả chẩn đoán xét nghiệm, kê đơn thuốc, diễn tiến trong quá trình điều trị... thay vì ghi trong bệnh án giấy như hiện nay thì sẽ được lưu lại trong máy tính. Tuy nhiên, theo phản ánh từ các bệnh viện, chi phí đầu tư cho bệnh án điện tử khá tốn kém, trung bình khoảng 8 - 9 tỉ đồng/bệnh viện.
Theo ước tính của ngành y tế, chỉ cần giảm được 1% số lượng xét nghiệm phải làm thì trong 1 năm có thể giảm được 4,7 triệu lượt xét nghiệm. Việc triển khai EMR ở Việt Nam là tất yếu, phù hợp với xu hướng phát triển y tế điện tử ở trong nước và quốc tế. Triển khai bệnh án điện tử là quá trình phấn đấu liên tục, bền bỉ, khó khăn, phải đầu tư nhiều nguồn lực. Do vậy, Bộ Y tế, các Sở Y tế cần xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để triển khai EMR.