447 thuốc biệt dược gốc hết hạn bảo hộ độc quyền
Một lọ thuốc chữa ung thư paclitaxel 100 mg biệt dược gốc giá gần 4 triệu đồng trong khi giá trung bình các thuốc generic nhóm 1 chưa đến 900.000 đồng.
Biệt dược gốc là thuốc do các công ty dược phát minh, sáng chế đầu tiên, trải qua quy trình nghiên cứu, thử nghiệm (trên động vật, trên người) đến khi cấp phép ra thị trường mất 8-12 năm. Khi các thuốc này hết hạn bảo hộ bản quyền, các công ty dược khác có thể lấy công thức, quy trình đó để sản xuất mà không phải qua giai đoạn nghiên cứu thử nghiệm, được gọi là thuốc generic. Trong đó, thuốc generic nhóm 1 là thuốc đáp ứng theo tiêu chuẩn cao nhất.
Đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết đã phân tích kết quả lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc năm 2016 của 59 tỉnh thành và các bệnh viện tuyến trung ương ở Hà Nội và TP HCM. Theo đó, tổng giá trị trúng thầu hơn 29.000 tỷ đồng tương ứng với 8.371 mặt hàng, trong đó có khoảng 600 biệt dược gốc tương ứng với 300 hoạt chất. Tổng giá trị thuốc biệt dược gốc hơn 7.000 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 25% tổng giá trị thầu.
Tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc trên cả nước ước tính chiếm khoảng 20-30% trên tổng chi phí thuốc. Tỷ lệ này tại một số bệnh viện tuyến trung ương chiếm từ 45% (Bệnh viện Chợ Rẫy) đến trên 50% (Bệnh viện Bạch Mai).
Một số thuốc biệt dược gốc đã hết hạn bảo hộ độc quyền sáng chế, giá chênh lệch khá cao so với các nhóm thuốc nhóm 1 cùng chất, nồng độ, hàm lượng. Có loại gấp đến 8 lần.
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc sửa đổi, bổ sung quy định mua biệt dược gốc đã hết bản quyền để giảm giá thuốc, Bảo hiểm xã hội đề nghị Bộ Y tế thông báo danh mục thuốc biệt dược gốc đã hết hạn bảo hộ. Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội thống nhất cơ cấu mua sắm sử dụng thuốc biệt dược gốc và thuốc nhóm 1.
Theo bà Nguyễn Thị Yến, Phó Trưởng ban Dược và Vật tư y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, biệt dược gốc là thuốc tốt nhất hiện nay. Tuy nhiên Bộ Y tế cần có cơ chế đấu thầu để giảm giá biệt dược, tăng cơ hội sử dụng thuốc tốt với giá hợp lý cho người dân, không cứng nhắc trong việc giảm tỷ lệ biệt dược.
"Nếu Bộ Y tế có biện pháp quản lý chặt chẽ về giá đối với các biệt dược gốc có thể tiết kiệm chi phí hàng trăm tỷ đồng”, bà Yến khẳng định.