TTTĐ - Cầu truyền hình "Vang mãi khúc khải hoàn" chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, Thống nhất đất nước ở 3 điểm cầu Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Quảng Trị đã khép lại với màn pháo hoa mãn nhãn tại Công viên Thống nhất. Nơi đây cũng là biểu tượng của khát vọng 50 năm về trước, khi non sông thu về một mối, mở ra nền hòa bình vĩnh viễn trên dải đất hình chữ S.
 |
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Hà Nội |
Non sông ngày thống nhất
Công viên Thống Nhất khánh thành năm 1961, là biểu tượng lịch sử của khát vọng hòa bình, Bắc - Nam sum họp.
Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải là biểu tượng cho ý chí và khát vọng giành độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam thiết tha yêu hòa bình.
 |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm hỏi, chia sẻ cùng cựu chiến binh tại điểm cầu Hà Nội |
 |
Các đồng chí lãnh đạo thăm quan khu vực triển lãm ứng dụng công nghệ số tại chương trình |
Tại công viên bờ sông Sài Gòn, TP Thủ Đức là sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại, thể hiện sức sống của một thành phố anh hùng, năng động, sáng tạo.
Tái hiện khúc khải hoàn chào mừng 50 năm thống nhất tại 3 điểm cầu lịch sử và 3 chương "Khát vọng hòa bình", "Ý chí độc lập thống nhất" và "Ta tự hào đi lên! Ôi Việt Nam", cầu truyền hình dựng lại trang sử hào hùng của dân tộc trong quá khứ, đồng thời nêu bật được thành tựu của đất nước trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển.
 |
Tái hiện hình ảnh người dân cùng lính bộ đội Cụ Hồ nối liền những con sông để vận chuyển lương thực, chi viện cho chiến trường miền Nam |
 |
Đại biểu và khán giả đồng loạt đứng dậy vẫy cờ trong tiết mục Miền xa thẳm - Khát vọng |
Vang lên tại đây sau nửa thế kỷ, cầu truyền hình mở màn bằng Câu hò bên bờ Hiền Lương do NSƯT Hồng Liên - Khánh Linh thể hiện; để rồi xuôi vào Nam, hoạt cảnh cải lương Lý con sáo diễn tả tâm hồn người Nam Bộ kiên trung, từ réo rắt sang hùng tráng.
Với tiết mục Trên công trường rộn tiếng ca qua sự dàn dựng của NSND Trần Ly Ly, Hà Lê và ca nương Kiều Anh đã có một màn thể hiện ăn ý, gợi lại không khí lao động hăng say, đầy lạc quan của những người thi đua xây dựng đất nước.
Trong khi đó Phạm Thu Hà mang đến ca khúc Xa khơi, nói về nỗi lòng của một cô gái gửi lời nhớ thương tới người anh đang ở bên kia vĩ tuyến, mong đất nước sớm về một mối.
 |
Thực cảnh "Hà Nội niềm tin hy vọng" |
 |
Đây là chương trình thể hiện được khát vọng hòa bình cũng như ý chí độc lập của Việt Nam, truyền tải thông điệp niềm tự hào về sự phát triển, thịnh vượng của đất nước |
Điểm nhấn đặc biệt của cầu truyền hình là MV Con đường ta chọn có sự hòa giọng của 50 gương mặt đại diện cho nhiều lĩnh vực ngành, nghề khác nhau.
Tiết mục Quê hương Việt Nam có sự tham gia của nhiều đại sứ và phu quân, phu nhân các nước, học sinh, sinh viên và 20 hoa hậu, á hậu, người đẹp trong trang phục áo dài cảnh đẹp Việt Nam.
 |
Tái hiện hình ảnh đoàn quân Tiến về Sài Gòn |
Chưa kể những tiết mục nghệ thuật được dàn dựng quy mô hoành tráng tại 3 miền Bắc - Trung - Nam với hơn 1.200 nghệ sĩ, khách mời, diễn viên, lực lượng quần chúng… hùng hậu, các hình thức thể hiện đa dạng từ MV, thực cảnh đến hoạt cảnh…
Sài Gòn ơi ta đã về đây, ta đã về đây
Từ điểm cầu Hà Nội, các nghệ sĩ Đinh Thành Lê và Hoàng Tùng hát đầy cảm xúc Miền xa thẳm và Khát vọng, gợi lại không khí lên đường của một thời.
Ca sĩ Tùng Dương và "Voi Bản Đôn" Anh Tú có một màn song ca trong thực cảnh Hà Nội niềm tin và hy vọng trữ tình và kiêu hãnh.
 |
Tiết mục “Quê hương Việt Nam” với sự tham gia của nhiều đại sứ và phu quân, phu nhân các nước, học sinh, sinh viên và 20 hoa hậu, á hậu, người đẹp trong trang phục áo dài |
 |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hòa nhịp cùng đại sứ các nước tham dự chương trình |
"Ơi Đông Đô hùng thiêng dấu xưa còn in nơi đây / Ơi Thăng Long ngày nay chiến công rạng danh non sông / Hà Nội mến yêu của ta, thủ đô mến yêu của ta"… cùng loạt phóng sự trải dài 20 năm qua ghi lại sự chi viện của miền Bắc đối với miền Nam; Lễ xuất quân thanh niên xung phong tại Nhà hát Lớn; cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968; trận chiến ở Quảng Trị năm 1972; Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không 1972; Hiệp định Paris 1973; cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975… tái hiện lại một Việt Nam thời chiến đầy hào hùng.
Đó là "những con đường in trong trái tim anh".
 |
Tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh diễn ra cuộc gặp gỡ, trao kỷ vật giữa cựu binh Mỹ Adolph Novello và gia đình liệt sĩ Kha Văn Việt (hy sinh tại Quảng Trị năm 1967). Cuộc gặp gỡ, trao kỷ vật người thân ngay tại sân khấu của chương trình là một điểm nhấn đầy cảm xúc về sự thấu hiểu, đồng cảm và mong muốn khép lại quá khứ, hướng đến tương lai |
Chương trình nghệ thuật chính luận "Vang mãi khúc khải hoàn" đã khép lại nhưng những dấu ấn sẽ còn vang mãi trong trái tim mỗi người dân. Chương trình đã khơi gợi niềm xúc động và lòng biết ơn sâu sắc trước những hy sinh to lớn của thế hệ đi trước, những con người đã ngã xuống để đổi lấy độc lập, tự do cho dân tộc.
Mỗi người dân Việt Nam đều tự hào khi nhìn lại những thành quả mà máu, mồ hôi và nước mắt đã đánh đổi, từ đó thôi thúc mỗi người tiếp nối truyền thống cha ông, chung tay dựng xây một Việt Nam ngày càng hùng cường, thịnh vượng.
 |
Chương trình nghệ thuật khép lại bằng màn pháo hoa hoành tráng |
 |
Cầu truyền hình “Vang mãi khúc khải hoàn” với sự tham gia của hơn 1.200 nghệ sĩ, khách mời, diễn viên… trong đó có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng |
 |
Lãnh đạo Đảng, nhà nước và thành phố Hà Nội chụp ảnh lưu niệm cùng các nghệ sĩ |