Bài 136: Thu hẹp khoảng cách giữa bệnh viện công và tư

08:10 | 01/09/2017
TTTĐ.VN - Bệnh viện (BV) công quá tải, kèm theo là không ít các biểu hiện tiêu cực nhất định. Trong khi đó, bệnh viện tư nhân đầu tư trang thiết bị hiện đại, thái độ nhân viên hòa nhã... thì lại thiếu bệnh nhân. Ở đây rõ ràng có sự phân biệt nhất định và điều này cần phải được xem xét lại, bởi vì tất cả đều phục vụ lợi ích của người dân.

Bài 136: Thu hẹp khoảng cách giữa bệnh viện công và tư

>> Xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch:
Bài 135: Đâu là “tấm khiên” bảo vệ y bác sĩ?


Thấy con có biểu hiện sốt cao đột ngột, liên tục từ 38-39 độ C, quấy khóc, nôn trớ, chán ăn... vợ chồng anh Tiến ở phố Phùng Hưng (Hà Nội) hốt hoảng nghi con bị sốt xuất huyết, quyết định đưa con đi khám. Anh thì muốn đưa con đến BV Xanh Pôn, chị Minh vợ anh lại muốn đưa con đến BV tư nhân Hồng Ngọc. Anh Tiến cho rằng BV tư thì tiền viện phí cao, chị Minh lại cho rằng BV tư lại có thái độ phục vụ nhã nhặn, chu đáo. Hai vợ chồng tranh luận mất một lúc mới đưa ra được quyết định của mình...

Bài 136: Thu hẹp khoảng cách giữa bệnh viện công và tư
Đội ngũ y bác sĩ tận tình, trang thiết bị hiện đại tại Bệnh viện đa khoa quốc tế VINMEC

Tại sao BV tư nhân, phòng khám tư nhân khang trang sạch sẽ, máy móc hiện đại, phục vụ tận tình, khác hẳn với bệnh viện công nhưng tại sao mọi người lại không chọn? Nếu so sánh bệnh viện công với bệnh viện tư, nhiều người thường chọn bệnh viện công vì tư duy và quan niệm xa xưa đã ăn sâu vào máu “cứ của nhà nước là đảm bảo” dù cho nó có đông và phục vụ không phải lúc nào cũng chu đáo.

Một nhóm người khác lại thích đi khám tư nhân, tuy đắt hơn một chút nhưng lại nhanh gọn và hiệu quả. Chị Phạm Thị Nhung ở phố Hàng Bông (Hà Nội) chia sẻ: Sức khỏe là quan trọng nhất, có mất công đợi cũng là lẽ đương nhiên. Tuy nhiên, vừa bước vào phòng khám, bác sĩ hỏi thăm qua loa mấy câu rồi kết luận và kê thuốc mà không giải thích gì thêm, người bệnh muốn hỏi kĩ càng cũng không được. Đấy là chưa kể còn có nhiều bác sĩ tính nóng hay cáu gắt với bệnh nhân. Từ đó dẫn đến tình trạng nhiều trường hợp bệnh nhân bị chẩn đoán sai bệnh, uống nhầm thuốc gây ra hậu quả nghiêm trọng, có những người thì chạy chữa nhiều nơi nhưng không khỏi, vừa tốn công tốn sức lại tốn cả đống tiền.

Nhiều người khi được khảo sát đã nêu ý kiến: “Chờ đợi lâu khi đi khám chữa bệnh gây mỏi mệt, căng thẳng nhất. Chính việc quá tải BV là nguyên nhân khiến các cuộc đối thoại thầy thuốc - bệnh nhân trở nên căng thẳng. Số lượng bệnh nhân nội trú ở các BV lớn luôn cao hơn số giường khiến một số người phải nằm hành lang, dẫn đến nguy cơ nhiễm khuẩn BV, tạo ra sự nhếch nhác về cảnh quan chung.

Tuy nhiên, viện phí ở các BV tư, phòng khám tư thường đắt hơn từ 4 - 5 lần so với các BV công, không phải gia đình nào cũng có điều kiện để khám chữa ở những nơi này. Hơn nữa, phòng khám tư không phải chỗ nào cũng có giấy tờ cấp phép đàng hoàng, vụ tai tiếng của Thẩm mĩ viện Cát Tường xảy ra hồi năm 2013 khiến cho nhiều người dân mất lòng tin vào những cơ sở kiểu này.

Thời gian qua, ngành Y tế đã nỗ lực phấn đấu thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ được giao trong năm 2016; hoàn thành vượt mức 2 chỉ tiêu được Quốc hội và Chính phủ giao về “Số giường bệnh trên 10.000 dân” (đạt 25 giường bệnh trên 1 vạn dân, vượt kế hoạch 0,5 giường) và “Tỉ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế “ (đạt tỉ lệ 81,7% người tham gia bảo hiểm y tế, vượt kế hoạch 5,7%).

Tuy nhiên, chất lượng của việc xã hội hóa y tế đến đâu, khai thác như thế nào thì không dễ đánh giá. Đơn cử như trong đợt khảo sát mới đây, nhiều trạm y tế của Hà Nội được đầu tư xây dựng và mua sắm trang thiết bị bằng cả nguồn ngân sách cũng như vốn xã hội hóa rất lớn, lên đến hàng chục tỷ đồng, tuy nhiên đối nghịch với sự đầu tư đó là lượng bệnh nhân đến chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhiều trạm y tế vô cùng khang trang, máy móc hết sức hiện đại nhưng bác sĩ của trạm lại… không đọc nổi phim X-quang.

Một thực trạng nữa, việc xã hội hóa y tế hiện hầu như chỉ tập trung vào một số lĩnh vực mũi nhọn như chẩn đoán hình ảnh, hồi sức cấp cứu, can thiệp bằng công nghệ chất lượng cao. Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong giai đoạn 2011-2016, thành phố đã đầu tư mua sắm trang, thiết bị y tế để phục vụ khám, chữa bệnh với tổng kinh phí hơn 1.140 tỉ đồng. Trong đó, có hơn 261 tỉ đồng thu hút từ 43 đề án xã hội hóa, theo Thông tư số 15/TT-BYT ngày 12-12-2007 của Bộ Y tế tại 17 bệnh viện. Tuy nhiên, tại Hà Nội, công tác này chưa đạt yêu cầu, chưa tương xứng tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, nhất là đối với các bệnh viện tuyến quận, huyện, việc kêu gọi xã hội hóa còn không ít bất cập.

Điều này dễ hiểu bởi các nhà đầu tư góp vốn vào xã hội hóa y tế thực chất cũng vì mục đích thu lại lợi nhuận, càng nhanh, càng nhiều càng tốt. Ở chiều ngược lại, những lĩnh vực quan trọng không kém như y tế dự phòng, y tế cơ sở… lại rất khó hút được vốn xã hội hóa, bởi các lĩnh vực này khó thu được nhiều lợi nhuận.

Có thể nói, với cách xã hội hóa hiện nay, dù có xây dựng thêm hàng chục BV tư nhân mới, có đầu tư nhiều trang thiết bị y tế hiện đại thì ngành y tế vẫn khó đạt được sự phát triển cân bằng. Nơi quá tải sẽ vẫn quá tải, nhiều BV tư nhân vẫn trong cảnh vắng khách còn y tế tuyến cơ sở chỉ là trạm trung chuyển bệnh nhân.

(còn nữa)

Duy Long

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/