Bài 59: Nỗi buồn sau Tết

10:32 | 16/02/2017
TTTĐ.VN - Nhiều người thích Tết Hà Nội vì những ngày đó vắng vẻ, tĩnh lặng hiếm hoi. Tết Hà Nội càng đẹp nao lòng bao nhiêu thì sau Tết Hà Nội càng trở nên có những nét xấu xí bấy nhiêu.

Bài 59: Nỗi buồn sau Tết

>> Xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh:
* Bài 50: Vui buồn ở phố đi bộ
* Bài 51: Hà Nội ngày ấy - bây giờ
* Bài 52: Áo dài khoe sắc gọi xuân về
* Bài 53: Phố cổ, nghề xưa
* Bài 54: Xấu đẹp không chỉ ở bộ quần áo
* Bài 55: Chuyện biếu quà Tết
* Bài 56: Lễ chùa đầu năm – Nét đẹp văn hóa
* Bài 57: Khi lòng tham làm lu mờ cả nhân cách…
* Bài 58: Mượn Tết để chặt chém


Bài 59: Nỗi buồn sau Tết

Nhiều người thích Tết Hà Nội vì những ngày đó vắng vẻ, tĩnh lặng hiếm hoi...

Đi trên đường những ngày này, hầu như bãi rác nào cũng có nhiều cành đào vứt chỏng chơ. Tất nhiên, hết hoa, tàn héo rồi thì bỏ đi nhưng nhìn cứ thấy buồn buồn trong dạ. Nhiều cây đào rừng mốc thếch, to đẹp chiếm cả một căn phòng khiến chủ nhân tự hào vì độ chịu chơi, sành điệu khi mang hương gió rừng già về với Thủ đô, nhưng cuối cùng vẫn bị gạt ra góc đường. Những cành nhỏ có khi người ta cắm lên hàng rào, đường tàu, bờ tường, còn những cành to, nhiều khi người thu gom rác từ chối chuyển đi, thành ra cứ lặng lẽ, lổng chổng nơi sặc mùi xú uế, nghĩ mà tội. Là kiếp hoa, mang đến mùa xuân, cái đẹp cho đời, đến khi tàn úa thì bị đối xử tàn tệ. Khắp thành phố, không biết bao nhiêu cành đào bị vứt ra như vậy, vẫn biết lúc này hoa cũng chỉ như một thứ rác thải song không khỏi chạnh lòng, xa xót. Giá như người ta bớt chút thời gian, chặt nhỏ ra, bó gọn lại để công nhân vệ sinh môi trường dễ thu gom thì những hình ảnh đó không khiến người nhìn thấy chạnh nghĩ về sự vô tâm của con người.

Trong khi “mùa xuân là Tết trồng cây”, khắp cả nước và Thủ đô phát động phong trào trồng cây xanh thì những cây quất bắt đầu héo, rụng quả cũng bị tống ra đường. Đào không có gốc rễ, héo, hỏng vứt đi là chuyện bình thường nhưng quất là cây, nếu nhà không quá chật chội, cũng nên giữ lại chăm sóc, coi như vừa có cây xanh vừa có thêm cây gia vị trong nhà. Vậy mà nhiều người nhà có không gian vẫn lười chăm, tống cây ra đường bằng được. Nhìn cây quất tả tơi cùng đất trong bầu, quả rụng lăn lóc ở bãi rác, chị thu rác càu nhàu ném lên thùng xe vì thấy giận người vứt cây ghê gớm. Mùa xuân trồng thêm một cái cây cũng như thêm lộc, làm xanh thêm không gian sống của mình, cớ gì mà lại vứt đi? May sao có nhiều người ở các vùng quê trồng cây cảnh lên Hà Nội lập nghiệp thấy sót quất nên đã thuê những người thu gom rác chuyển đến điểm tập kết rồi chở về quê chăm sóc, năm sau mang đi “ phục vụ nhân dân”.

Sự hồn nhiên hưởng thụ của con người đã làm “ tổn thương” thiên nhiên, họ đòi hỏi thiên nhiên phải cung cấp cho mình những gì đẹp nhất, tốt nhất rồi khi dùng chán thì vứt trả lại thiên nhiên. Thói quen ấy nói lên sự thiếu tế nhị và vô tình trong hành xử.

Sự vô tình, vô tâm còn biểu hiện ở những nơi linh thiêng. Hầu như năm nào trước tổ đình Phúc Khánh ở Ngã Tư Sở hay chùa Quán Sứ tổ chức lễ dâng sao giải hạn, người đổ đến vòng trong vòng ngoài. Người ta kê gạch đá, lót giấy báo tràn cả ra đường để ngồi bái vọng vào. Điều đáng buồn là, hầu như năm nào cũng thế, cứ biển người rời đi thì biển rác ở lại. Hàng nghìn người thành tâm ngồi lễ bái, “ăn mày cửa Phật” đã phủi quần đứng dậy, hồn nhiên xả rác dưới chân Phật.

Nhiều người vào chùa bày lễ vật lên khay, túi bánh kẹo xé ra vứt bừa dưới chân. Người đi chùa đông, đồ lễ chồng đống lên nhau, có khi nháo nhào vừa đặt lễ lên lại vội hạ xuống. Lộc được cho vào túi mang về, vàng mã mang đốt khói bụi mù mịt, hoa vừa dâng Phật đã bị vứt ngay ra bãi rác, hoặc rơi rớt dọc đường, người qua lại dẫm đạp nát bét, trông rất phản cảm.

Sau những ngày nghỉ Tết, nhịp sống Hà Nội dần trở lại bình thường nhưng những hình ảnh này chắc sẽ còn kéo dài hết tháng Giêng. Giá như ai cũng cho rằng mùa xuân là mùa tự thay đổi mình, trồng cây xanh, gieo mầm thiện thì cuộc sống sẽ càng trở nên sinh động, tươi trẻ hơn rất nhiều.

(Còn nữa)


Cẩm Tú

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/