Bài 82: Những “chuyện nhỏ” mà tạo nên nét văn hóa

13:48 | 11/04/2017
TTTĐ.VN - Nhiều người vẫn tự hỏi “văn hóa khi tham gia giao thông là gì”? Ngày nào đi trên phố, tại các ngã tư, ngã năm đặt loa phóng thanh, sau các bản tin về an toàn giao thông, nhiều người vẫn thuộc nằm lòng câu khẩu hiệu: “An toàn giao thông là hạnh phúc của mọi người, mọi nhà. Chấp hành luật lệ giao thông là thể hiện nét đẹp văn hóa của người tham gia giao thông”. Thuộc vậy nhưng để thực hiện được đôi khi là “cả một chuyện lớn”, rất khó khăn. Có những người đã chọn làm “chuyện nhỏ” nhưng thông qua những hành động ấy sẽ thấy văn hóa giao thông là rất chi tiết, cụ thể. Nếu mỗi người tự ý thức sẽ tạo ra một cộng đồng đầy ý thức.

Bài 82: Những “chuyện nhỏ” mà tạo nên nét văn hóa

>> Xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh:
Bài 80: Chấn chỉnh kỉ cương trong giao thông
Bài 81: Tính cộng đồng trong tham gia giao thông


Bài 82: Những “chuyện nhỏ” mà tạo nên nét văn hóa

Chiến sĩ cảnh sát giao thông tận tình đưa cụ bà qua đường.

Nhiều người ở Hà Nội rất ngại chuyện đổ xăng. Thường là các cây xăng nằm ở mặt đường, đang chạy bon bon, nếu không phải là hết cạn kiệt thì thể nào mọi người cũng ngó nghiêng. Nếu thấy cây xăng quá đông sẽ bỏ qua, chạy tiếp. Khổ nỗi, cây xăng nào ở Hà Nội cũng đông, xếp hàng chờ lũ lượt bất kể giờ nào. Phải sáng đầu tuần thì lại càng đông gấp bội, ai cũng vội vã, tất bật. Đông người đi xe thì nhiều người đổ xăng là chuyện hẳn nhiên, song chờ lâu không phải vì chuyện đông người. Thể nào cũng có những bà, những chị khi xăng đã được bơm đầy bình rồi mới loay hoay mở cốp xe, lục ví, lấy tiền trả. Sau khi nhận đủ tiền trả lại, họ lại thêm rất nhiều động tác bỏ tiền vào ví, cất ví vào túi, cất túi vào cốp, sau đó mới lấy khẩu trang, áo chống nắng, váy chống nắng, găng tay… lần lượt đeo từng thứ vào rồi thong thả phóng đi. Đứng đằng sau chờ đến lượt, nhìn ngần ấy việc diễn ra trước mắt, ai cũng ngao ngán, sốt ruột, bực mình.

Chị Trúc nhiều lần “ngứa mắt” về những trường hợp như thế, nhất là khi đang vội cuống cà kê lên vì giờ họp, giờ làm đang đến gần. Thế là chị rút kinh nghiệm, bao giờ ra khỏi nhà cũng kiểm tra vạch xăng, nếu thấy sắp hết thì chuẩn bị sẵn một tờ tiền, thường là mệnh giá 50 ngàn, cầm ở tay hoặc cho vào túi áo, túi quần, đến lúc đổ xăng xong là đưa trả ngay rồi nhanh chóng dắt xe lên chỗ trống, sau đó làm các “thủ tục” của riêng mình để nhường chỗ cho người khác. Nếu đi cùng chồng, bao giờ chị cũng vươn lên, ngó vạch xăng, giục chồng vào đổ xăng và đương nhiên chị đã chuẩn bị sẵn tiền, đứng cạnh người bán xăng trả tiền, lên xe đi ngay. Chị Trúc rất khó chịu với những người trong lúc đứng chờ đến lượt hoặc đang được đổ xăng rồi mà không chịu chuẩn bị sẵn, đến khi xong việc rồi mới lục tìm tiền để trả. Mình vội như thế nào người khác cũng vội như vậy. Mình sốt ruột như thế nào người khác cũng sốt ruột như thế. Đừng để những sự rề rà của mình làm ảnh hưởng đến cả chuỗi người phía sau, nhất là với nhiều người đôi khi vì nhanh chậm vài phút mà ảnh hưởng cả đến kết quả công việc, thậm chí là cả tính mạng.

Có hai con nhỏ đang tuổi đi học, ngày nào cũng phải hai lượt đưa đón nên chị Lụa thấu hiểu cảnh phải chen chúc ra sao khi giờ tan tầm cũng là giờ các con tan học. Trường mẫu giáo con thứ hai học ở ngay chỗ họp chợ, chỉ một vài xe đỗ lại là tắc cả đoạn dài nên gần đến nơi là chị tấp vào lề đường, rút điện thoại gọi cho cô giáo đưa con xuống trước để việc đỗ lại, đón con lên xe chỉ trong vài giây. Nếu hôm nào cần trao đổi với cô về tình hình của con thì chị chọn cách về nhà gọi điện chứ không đứng ở cổng trường. Trong khi đó, rất nhiều người biết là đông, là tắc, nhưng vẫn dềnh dàng đỗ trước cổng trường, đón con, lấy áo, đeo khẩu trang... Nếu gọi đó là những hành vi thiếu văn hóa thì quá nặng nề, nhưng rõ ràng là có sự thiếu ý tứ, thiếu nhường nhịn mà rộng ra là thiếu sự chia sẻ, ích kỉ. Các cụ dạy “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, đi đứng trên đường cũng cần phải quan sát để sao cho vừa được việc của mình nhưng vẫn thuận tiện với người khác.

Tại các ngã ba, ngã tư, nhất là những chỗ quay đầu xe, bao giờ anh Phong cũng đỗ xe sát về phần mình định rẽ. Trong khi đó, rất nhiều người dừng lại ngay sát mép bên trái đường, gần dải phân cách. Như thế những người đằng sau muốn vượt lên để quay đầu không đi nổi, phải đỗ sang chỗ trái chiều, đến lúc đèn xanh người quay đầu người rẽ cứ đan xen vào nhau, vô cùng rắc rối, hỗn loạn và mất thời gian để tránh, lách mới thoát ra được.

Nếu kể ra thì còn rất nhiều “chuyện nhỏ” khác mà với mỗi người đều có thể tham khảo và thực hiện theo. Suy cho cùng, cuộc sống là những “tiểu tiết” để từ đó tạo thành tổng thể bức tranh đời sống khổng lồ. Nếu mỗi người tự sáng tạo ra những “chuyện nhỏ” bằng tư duy, bằng ý thức của mình hoặc biết học những cái hay, cái đẹp của người khác để việc đi lại trong thành phố trở nên nhịp nhàng, thông thoáng thì chính là họ đang xây dựng cho mình những nét văn hóa khi tham gia giao thông. Chính những “chuyện nhỏ” như vậy sẽ góp phần nâng tầm cuộc sống của mỗi người và để cư dân thành phố trở nên đẹp hơn, văn minh hơn.

(còn nữa)


Ngọc Hân

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/