Tăng lương tối thiểu vùng: "Nóng" việc thương lượng nâng lên, hạ xuống

16:08 | 28/07/2017
TTTĐ.VN- Tại phiên họp đầu tiên diễn ra vào cuối tháng 6/2017, mức đề xuất điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2018 còn chênh lệch, chưa thống nhất được phương án. Hội đồng tiền lương Quốc gia tiếp tục mở phiên họp thứ 2 vào sáng nay (28/7). Tuy nhiên, sau gần 4 giờ làm việc, các bên vẫn chưa thống nhất được phương án chung.

Tăng lương tối thiểu vùng:

>> Tăng lương tối thiểu vùng năm 2018: Hài hoà lợi ích DN và quyền lợi người lao động



“Căng” trước thềm phiên họp


Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong việc đưa ra định mức điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2018. Trao đổi với báo giới vài phút trước thềm phiên họp, đại diện 2 bên bày tỏ thái độ quyết đoán giữ vững quan điểm của mình.

Phía đại diện người sử dụng lao động vẫn theo sát tinh thần của phiên họp đầu tiên: “Mức đề xuất sẽ không cao hơn 5 %”, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương Mại và Công nghiệp VN (VCCI) khẳng định. Việc tăng lương tối thiểu trong bối cảnh hiện tại đang cạnh tranh gay gắt, sản xuất thu hẹp nên mức tăng dưới 5% là đã hợp lý. Để đảm bảo sức chi trả của doanh nghiệp, tạo nguồn việc làm bền vững, chúng tôi kỳ vọng Hội đồng sẽ có mức đề xuất phù hợp, ông Hoàng Quang Phòng chia sẻ.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN - ông Mai Đức Chính, đại diện cho nguời lao động cũng nêu rõ quan điểm: “Tất cả con số về kinh tế - xã hội của 6 tháng đầu năm đều sáng sủa hơn năm 2016. Vì vậy không có lý gì mức tăng lương tối thiểu vùng thấp hơn năm 2017. Nếu điều đó xảy, công đoàn không bao giờ chấp nhận. Nếu đáp ứng lộ trình lương tối thiểu đáp ứng mức sống tối thiểu vào năm 2018, thì mức tăng phải là 13,3%”.


Tăng lương tối thiểu vùng:
Ông Lê Đình Quảng – Phó ban quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN)

Xích lại gần nhau hơn

Sau ba tiếng đồng hồ tranh luận căng thẳng, các bên đều đã đưa ra những luận cứ thể hiện tính đúng đắn của định mức nêu ra. Mặc dù chưa thống nhất được quan điểm nhưng các con số đề xuất đã có sự xích lại gần nhau hơn.


Tổng Liên đoàn đã cân nhắc và xem xét kiến nghị của phía doanh nghiệp, rút mức đề xuất trước đây từ 13,3% xuống còn 10%, với lộ trình tăng này vào khoảng năm 2019 sẽ đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu để đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.

“Do cách tính nhu cầu sống tối thiểu của các bên có những khác biệt nhưng tựu chung lại thì chúng tôi thấy rằng mức lương tối thiểu hiện nay mới chỉ đáp ứng được trên dưới 90% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động”, ông Lê Đình Quảng – Phó ban quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN) cho biết.

Phía giới chủ trước đây không chấp nhận nâng lương, nay đã đề xuất tăng 1-2%, có chỗ đã mạnh dạn đề xuất tăng đến 4%. “Các doanh nghiệp cố gắng làm nhưng làm sao đảm bảo được đời sống cơ bản của người lao động. Với vai trò đại diện cộng đồng doanh nghiệp da giày - túi xách tham dự vào cuộc họp hội đồng tiền lương, quan điểm của chúng tôi có phải tăng lương, nhưng tăng lương làm sao ở mức cân bằng và đảm bảo lợi ích của người lao động, nặng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và đặc biệt năng lực cạnh tranh quốc gia”, ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch hiệp hội da giày – túi xách Việt Nam chia sẻ.



Tăng lương tối thiểu vùng:
Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia – ông Doãn Mậu Diệp

“Câu chuyện” chưa có hồi kết

Phiên họp thứ 2 của Hội đồng tiền lương quốc gia về việc tăng mức lương tối thiểu vùng 2018 đã kết thúc lúc 12h trưa. Mặc dù chưa thống nhất được một con số chung, nhưng ở phiên họp thứ hai này các thành viên đặc biệt từ phía giới chủ và đại diện người lao động đã đối thoại với thái độ thiện chí.

Đến thời điểm này, khoảng cách chênh lệch mức tiền lương tối thiểu đã thu hẹp chỉ còn 1/3 so với hai phương án tiền lương tối thiểu vùng do chủ sử dụng lao động và đại diện người lao động đưa ra tại phiên họp lần thứ nhất. Tổng LĐLĐ tiếp tục giảm xuống 8%, đại diện VCCI đưa ra quan điểm tăng ở mức 5%.

Đánh giá về mức chênh lệch trong đề xuất tăng lương của cuọc họp hôm 27/6, Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia, Thứ trưởng Bộ lao động Thương binh Xã hội – ông Doãn Mậu Diệp cho biết: “Trong cơ chế thị trường, sự căng thẳng trong đàm phán tăng lương tối thiểu giữa các bên là điều bình thường. Mỗi bên đều có lý do riêng của mình. Tổng LĐLĐ VN luôn kỳ vọng làm sao tăng lương cao để đảm bảo đời sống của người lao động. VCCI lại quan tâm tới mức tăng sao cho doanh nghiệp đảm bảo khả năng chi trả, năng lực cạnh tranh và lợi nhuận”.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch VCCI, cho biết thêm: "Từ chỗ các hiệp hội các doanh nghiệp đề nghị không tăng lương hoặc tăng ở mức từ 2 - 4%, hôm nay, VCCI đã nâng lên 5%. Đây là sự điều chỉnh phù hợp của các bên. Lý do chúng tôi đưa ra mức này là vì lương tối thiểu phải đảm bảo được năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, sự phát triển của nền kinh tế và nhu cầu sống của người lao động - đối tượng thụ hưởng của việc tăng lương tối thiểu. Chúng tôi thấy rằng cần phải trao đổi thêm, tăng lương ở mức vừa phải để cho doanh nghiệp phục hồi hẳn, có điều kiện tăng năng xuất, cơ cấu lại lao động, tăng năng lực cạnh tranh và đặc biệt là nâng cao được năng lực chi trả của doanh nghiệp".

Theo đề xuất của Bộ phận kỹ thuật (Hội đồng Tiền lương Quốc gia), đề nghị mức điều chỉnh năm 2018 thấp nhất là 5% và cao nhất là 8% theo các phương án sau:

Phương án 1: Điều chỉnh mức lương tối thiểu tăng từ 130 - 180 nghìn, tương đương 4,8 - 5,2% (bình quân 5%).

Phương án 2: Điều chỉnh mức lương tối thiểu tăng từ 160 - 220 nghìn, tương đương 5,9 – 6,2% (bình quân6%).

Phương án 3: Điều chỉnh mức lương tối thiểu tăng từ 180 - 250 nghìn, tương đương 6,6 – 7,0% (bình quân 6,8%, bằng mức điều chỉnh phương án 1 và cải thiện thêm 1,8% theo mức đóng góp tối đa của lao động vào GDP).

Phương án 4: Điều chỉnh mức lương tối thiểu tăng từ 220 - 280 nghìn, tương đương 7,5 – 8,5% (bình quân 8,0%).

Trước đó, ngày 26/7, phiên họp thứ hai để thương lượng phương án tiền lương tối thiểu vùng năm 2018 của Hội đồng tiền lương quốc gia (Hội đồng) đã được tổ chức tại Đồ Sơn (Hải Phòng). Tại phiên họp này, trong khi Tổng LĐLĐVN đề xuất mức tăng LTT vùng năm 2018 là 13,3% so với năm 2017 (tăng từ 370.000 – 450.000 đồng so với năm 2017) thì đại diện giới sử dụng LĐ chỉ đề xuất xem xét điều chỉnh mức tăng LTT vùng năm 2018 bằng với mức đủ bù trượt giá năm 2017 là dưới 5%.


Việt Hà


Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/