Bài 103: Giữ gìn nề nếp gia phong trong mỗi ngôi nhà

10:56 | 06/06/2017
TTTĐ.VN - Gia đình là nơi ta yêu thương và luôn luôn nhớ về nhưng nếu trong gia đình chỉ tồn tại tình yêu thương thôi thì chưa đủ. Để mỗi thành viên trong gia đình gắn kết, có trách nhiệm với nhau và để mỗi gia đình có những đặc trưng riêng thì cần phải có nề nếp, gia phong. Nếu tình yêu thương được ví như trái tim thì nề nếp, gia phong chính là bộ não của ngôi nhà đó.

Bài 103: Giữ gìn nề nếp gia phong trong mỗi ngôi nhà

>> Xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh:
Bài 102: Những giá trị không bao giờ thay đổi


Bài 103: Giữ gìn nề nếp gia phong trong mỗi ngôi nhà
Nếu tình yêu thương được ví như trái tim thì nề nếp, gia phong chính là bộ não của ngôi nhà....

Gia phong được hiểu là thói nhà, tập quán và giáo dục trong gia tộc, nền nếp riêng của một gia đình. Gia phong là một từ dùng chỉ chung cho văn hóa, cách nghĩ, cách ứng xử của gia đình, gia tộc. Theo đó, gia phong chỉ được giữ vững khi gia đình có gia giáo, tức là sự giáo dục trong mỗi gia đình. Nền tảng giáo dục, phương pháp giáo dục như thế nào tạo nên những con người như thế. Nói đến gia phong cũng cần phải kể đến gia lễ, tức là những nghi lễ, tập tục bao gồm cung cách ăn nói, đi đứng, ứng xử giữa những người trong gia đình được truyền nối, chọn lọc qua nhiều thế hệ, trở thành chuẩn mực cho con cháu các đời răm rắp làm theo. Trong khi đó, gia huấn chính là những lời hay lẽ phải được đời trước truyền cho đời sau. Gia pháp là quy định, pháp chế của riêng gia đình đó để thưởng, phạt nghiêm minh, bắt buộc mọi người trong gia đình phải noi theo… Trước đây, một số bộ sách tiêu biểu như Huấn tử ca, Huấn nữ ca, Cổ huấn tử ca (Khuyết danh, lưu tại Viện Hán Nôm), Gia huấn ca (Nguyễn Trãi), Bùi gia huấn hài (Bùi Dương Lịch), Thơ dạy làm dâu (Trương Vĩnh Ký)... đã được soạn ra với nhiều lời răn dạy từ các tác giả dân gian, các nhà nho học uyên thâm đã có giá trị to lớn trong di dưỡng tinh thần, bồi bổ gia phong của gia đình và xã hội.

Nói như thế, nhiều người sẽ nghĩ gia phong là “tàn tích” của chế độ phong kiến. Thực chất, gia phong là sản phẩm của xã hội phương Đông, của Nho giáo, coi trọng gia đình, gia tộc. Nó không phải là lễ giáo phong kiến, dù lễ giáo phong kiến có ít nhiều tác động đến gia phong. Nề nếp, gia phong là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, có tính tiếp nối, kế thừa và phát triển của mỗi gia đình. Nó phải được các thành viên trong gia đình đồng tình, ủng hộ và có thể điều chỉnh tùy theo điều kiện, hoàn cảnh của mỗi thành viên trong gia đình. Chẳng hạn, xưa kia với những gia đình khoa bảng thì gia phong, truyền thống của gia đình là những thành viên nam giới đều phải học hành, đỗ đạt, ra làm quan giúp đời. Còn với những gia đình nông dân thì mang nhiều nét văn hóa dân gian, dân dã, đậm nét văn hóa truyền thống dân tộc. Dù định chuẩn gia phong mỗi thời kỳ có những quy định cụ thể khác nhau nhưng cốt lõi của gia phong luôn nhắm tới tinh thần chuộng gốc nguồn, khuyến khích lòng hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, thờ kính tổ tiên, coi trọng gia đình, thủy chung tình nghĩa, anh em hiếu thuận trong ứng xử…

Chính vì những “luật lệ” như vậy mà một thời người ta xem nhẹ gia phong, coi nó như một giá trị của chế độ phong kiến cần dẹp bỏ. Thực tế chứng minh, gia phong là một nét văn hóa đạo đức đáng khuyến khích, vì có nó mới tạo nên một gia đình văn hóa để góp phần tạo nên một xã hội văn hóa. Trong công cuộc xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch hôm nay không thể không khơi gợi, phát huy và giữ gìn nề nếp, gia phong cho những gia đình, dòng họ Hà Nội hiện đại. Hà Nội từng có những dòng họ Phan, Phạm, Đỗ, Nguyễn, Hoàng… ở làng Đông Ngạc (nay là phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm) đời nào cũng có người đỗ đạt làm quan, tham gia vào chuyện quốc gia đại sự giúp dân, giúp nước. Dòng họ Nguyễn Đông Tác cũng là một trong những dòng họ định cư lâu đời nhất tại khu vực Thăng Long - Hà Nội liên tục từ thế kỉ 15 cho đến hiện nay. Đây cũng là dòng họ khoa bảng, đã sinh ra nhiều danh nhân cho Hà Nội và đất nước. Gia đình cố Giáo sư - nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân (1906-2003) có đến 8 người con đều là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ. Gia đình của cố giáo sư bác sĩ Tôn Thất Tùng có thể xem là dòng họ y đức, ghi danh vào lịch sử y học của Việt Nam và cả thế giới…

Đó là những tấm gương sáng chói cho mỗi gia đình, dòng họ của Hà Nội ngày nay noi gương, học tập nhưng trong khi không thể đạt tới tầm đẳng cấp như vậy thì mỗi gia đình nên có những nề nếp, gia phong riêng của mình để duy trì nét văn hóa của chính mình. Người Hà Nội ngày nay có thể duy trì nề nếp gia phong của mình từ những việc nhỏ nhất chứ không cần phải cầu kì, to tát. Nhà chị Quỳnh ở phố Lý Nam Đế luôn có một quy định “bất di bất dịch” đó là khi ăn cơm xong, ai là người bé nhất trong nhà thì phải rửa bát, kể cả khi bố chị là một đại tá về hưu cũng không ngoại lệ. Trong khi đó, anh Phúc ở phố Hoàng Văn Thái lại có một quy định rằng hai vợ chồng dù có đi đâu, làm gì muộn đến mấy cũng phải về ngủ với các con, để con có thể cảm nhận được đầy đủ tình yêu thương của cha mẹ.

Nhiều người cho rằng những quy củ, phép tắc là cổ hủ, nhất là ở thành phố lớn, nhiều bận rộn, cuộc sống công nghiệp, hiện đại như Hà Nội thì khó có thể thực hiện được. Tuy nhiên, bất cứ ai bước vào một gia đình như thế đều cảm nhận được sự tôn kính, hiếu thuận của con trẻ với người già. Ở trong gia đình hiền hòa nhu thuận thì ắt hẳn những người đó ra xã hội cũng sẽ biết nhường nhịn, làm điều thiện, là người có văn hóa. Đó chính là lí do nề nếp gia phong cần phải được giữ gìn cho dù cuộc sống con người có bộn bề đến đâu.

(còn nữa)

Ngọc Hân

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/