Bài 142: Biến việc phi thường thành bình thường

11:23 | 13/09/2017
TTTĐ.VN - Lẽ ra, với truyền thống văn hóa lâu đời, việc cư xử một cách thanh lịch, văn minh của người Hà Nội là điều đương nhiên, song vì nhiều lí do, những hành vi lệch chuẩn xuất hiện ngày càng nhiều. Những hành vi đó đang rất cần chấn chỉnh lại…

Bài 142: Biến việc phi thường thành bình thường

>> Xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch:
Bài 141: Để người Thủ đô lại thấm đẫm văn hóa Tràng An


Bài 142: Biến việc phi thường thành bình thường
PGS.TS Trịnh Hòa Bình


PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Dư luận Xã hội và Truyền thông Đại chúng, chuyên gia tư vấn các vấn đề xã hội Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nhận định: ““Hành là chính” là câu chuyện có thật trong xã hội. Nhiều người đã nhầm lẫn, thậm chí ngộ nhận giữa việc mình được ủy quyền và mình thực sự có quyền để làm những việc của nhà nước cho nhân dân. Điều đó dẫn đến việc lạm dụng chức phận của mình để “hành” người khác. Bản thân những cán bộ, nhân viên cơ quan nhà nước có hành vi ấy không phải không biết rằng mình đang gây khó dễ cho người khác nhưng họ không vượt qua được thói quen đã ăn sâu vào trí não họ. Vì thế, đặt ra một yêu cầu bức thiết buộc phải thay đổi lề thói, thói quen đã “ăn vào máu” này của họ”. Ông cũng đánh giá thời gian qua, những vấn đề ứng xử công cộng của người Hà Nội đang gặp rất nhiều vấn đề.

Từ đó, ông Trịnh Hòa Bình khẳng định: “Nhìn về động cơ, cũng như quá trình chuẩn bị, việc quyết tâm hiện thực hóa bộ Quy tắc ứng xử của Hà Nội đáng ghi nhận”.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng, người từng đoạt Giải thưởng lớn Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội, có nhiều năm gắn bó và ghi lại rất nhiều hình ảnh đẹp cũng như chưa đẹp của Hà Nội, cũng có nhiều trăn trở. Ông cho biết: “Những hành vi phản cảm được thống kê trong bộ Quy tắc ứng xử, tôi đều từng bắt gặp trong những năm tháng sống cùng Hà Nội. Khi văn hóa ứng xử của người Hà Nội đang đi xuống trầm trọng, việc “nắn chỉnh” là chủ trương quyết liệt cần thiết”.

Đứng trên lập trường của một nhà xã hội học, ông Trịnh Hòa Bình phân tích: “Bộ quy tắc ứng xử của công chức, viên chức nhà nước sẽ góp phần chấn chỉnh những hành vi đó. Tuy nhiên, không chỉ đợi các hình thức kiểm tra, đôn đốc sát sao mà phải làm sao để tự bản thân những người trong cuộc thấy rằng cần thay đổi, cần phải “ngấm, thấm” từ trong nhận thức, trong tâm khảm. Họ phải thấy rằng phục vụ nhân dân một cách tự nguyện, có niềm vui, có văn hóa là một việc nên làm thì mới thay đổi được”.

Nhà nhiếp ảnh Quang Phùng cho rằng trong quá khứ, đã có lúc chúng ta từng áp dụng biện pháp mạnh với những người phản cảm trong ăn mặc. Điển hình là việc cắt quần ống loe của những người bị “gắn nhãn” “ăn chơi” tại Nhà hát Lớn, trước mặt mọi người những năm 1960. Theo tác giả của những bộ ảnh “Gánh hàng hoa”, “Những cây cầu và cuộc sống bên sông”, “Dạo quanh Hồ Gươm”… đó là biện pháp mang tính miệt thị. Việc bộ quy tắc ứng xử chỉ mang tính chất khuyến cáo chứ không xử phạt hành chính, là cách giải quyết gốc rễ ý thức người dân và công nhân viên chức, khắc phục được sự cứng nhắc và khuyết điểm của những cách làm trước đây.

Ông Trịnh Hòa Bình cũng nhận định đây là một hình thức chấn hưng văn hóa nên cần nêu cao sự tự nguyện, tự giác, như một lẽ sống của mỗi cá nhân. Vì thế, để quy tắc ứng xử của công chức, viên chức nhà nước có hiệu lực, hiệu quả thì cần có thời gian mới nhìn thấy rõ sự thay đổi đó. “Phải xác định quá trình triển khai không có ngay kết quả to lớn sừng sững mà cần phải có “độ trễ”, như vậy khâu kiểm tra, đánh giá phải thường xuyên, liên tục. Phải đặt nội dung, yêu cầu đó ở bất cứ nơi nào dễ nhìn dễ thấy trong cơ quan, đơn vị, nơi công cộng để bản thân quy trình, quá trình thực hiện quy tắc ứng xử trở thành một nề nếp, thông lệ.

Để triển khai tốt bộ quy tắc ứng xử này, ông Bình hiến kế: “Phải tuyên truyền, vận động liên tục, biến những quy tắc ứng xử ấy thành việc thường xuyên, thường trực trong tâm thức, trở thành nhu cầu của người dân cũng như công chức chứ không phải là trào lưu, phong trào. Tôi vẫn thấy thấm thía, tâm đắc câu “chính quyền phải thân dân”, vì dân phục vụ thì mới hết lòng, hết sức, mới có tâm huyết, hiệu quả và thể hiện ra bằng việc đối xử với nhân dân một cách có văn hóa. Mới đầu, bộ quy tắc ứng xử chỉ là những câu chữ, điển lệ nhưng khi đã được tuyên truyền, được đôn đốc kiểm tra liên tục thì nó sẽ ngấm vào máu. Người ta không cần phải đọc lại mà cứ thế trở thành thói quen, tự động, tự nhiên mà bật ra thôi. Dù biết là khó nhưng nếu cứ thực hiện thường xuyên, liên tục thì sẽ biến việc phi thường thành bình thường. Khi đó, bộ quy tắc ứng xử sẽ có đời sống, có giá trị của mình”.

(còn nữa)


Ngọc Hân

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/