Bài 48: Đồng tiền có liền văn minh?

14:06 | 29/12/2016
TTTĐ - Người Hà Nội ngày càng giàu lên, thể hiện rõ ở mức sống, mức thu nhập và cả những loại hình giải trí ngày càng phát triển. Đã qua rồi cái thời đói kém, vậy mà nhiều khi người ta có cảm giác người Hà Nội vẫn còn túng thiếu nhiều lắm...

Bài 48: Đồng tiền có liền văn minh?

>> Xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh
* Bài 40: Để lại cho con những thứ còn quý hơn tiền bạc…
* Bài 41: Sự tiếp nhận văn hóa ngoại lai
* Bài 42: Yêu động vật nhưng cần có ý thức bảo vệ môi trường
* Bài 43: Kí ức bi tráng ở phố Khâm Thiên năm 1972
* Bài 44: Thanh niên Hà Nội nghiêng mình trước dấu tích lịch sử
* Bài 45: “Bức tranh” văn hóa đa sắc màu của Hà Nội
* Bài 46: Để lễ Giáng sinh vui và ý nghĩa
* Bài 47: Hình ảnh mẫu mực của công chức Hà Nội



Bài 48: Đồng tiền có liền văn minh?
Khách hàng lịch sự hỏi han về sản phẩm khi mua rau tại cửa hàng rau sạch.



Chị Phượng vô cùng bức xúc khi kể lại sự việc chị chứng kiến tận mắt. Đấy là gần nhà chị mới mở một cửa hàng rau sạch. Để quảng cáo và cũng là khuyến khích khách đến mua sắm, cửa hàng có bày một kệ đựng rau cho không phía bên ngoài. Ai cũng hiểu rằng sau khi vào cửa hàng mua các loại rau thì mới được chọn thêm những thứ rau bày bên ngoài mà không bị tính tiền thêm.


Thế mà có một đôi trai gái đi xe máy đắt tiền, mặc sành điệu đỗ xịch trước cửa, liên tục quát nhân viên bán hàng “Túi đâu?”. Mấy chiếc túi đưa ra là mấy lần cô gái gần như giằng lấy, nhét các loại rau vào rồi cứ thế ngồi lên xe, móc điện thoại gọi về nhà: “Mẹ ơi con lấy được rau rồi nhé” và cả hai phóng thẳng. Cả nhân viên bán hàng và cả khách “đứng hình”. Bảo là bị ăn cướp thì hơi quá lời nhưng tất cả đều chỉ biết buột miệng: “Vô văn hóa”. Bà mẹ ở nhà có thể hiểu nhầm rằng đấy là rau cho không nhưng chàng trai cô gái kia còn trẻ chí ít cũng phải hiểu rằng phải mua rau bên trong thì mới được tặng thêm rau bày bên ngoài. Làm gì có chuyện người ta bày ra đấy như làm từ thiện. Mà kể cả từ thiện thì khi lấy rau rồi cũng nên nói lời cảm ơn chứ không thể hồn nhiên lấy không như vậy được.


Nói đến từ thiện, chị Nga bức xúc kể về chuyện có lần chị đi bán sản phẩm để ủng hộ đồng bào vùng cao. Mấy bà lớn tuổi sáng lướt qua một lần, gần trưa qua một lần, chiều lại qua một lần, ăn thử hết thứ này đến thứ khác rồi mới bỏ ra vài nghìn lẻ để mua mà còn nhặt thêm bằng được cho quá số cân thì mới chịu. Các bà còn “hạch sách” đủ kiểu, rằng có đúng đi bán hàng từ thiện không hay là đi buôn, sản phẩm này có đúng lấy từ vùng cao không hay là hàng Tàu? Có bà còn “cặn kẽ” đến mức độ hỏi lấy hàng ở đâu, giá gốc bao nhiêu để bà “đi buôn cùng cho vui”… Biết là “kính lão đắc thọ” nhưng chị Nga rất khó chịu với những bà này, chị phải cố kìm nén chứ không là nổi khùng lên đôi co. Các bà có nghèo khó đến mức độ thiếu thốn gì đâu nhưng cứ làm như thể vài nghìn lẻ là quý hiếm lắm, mua thế là bố thí cho người bán.


Tệ hơn, chị Ngọc cũng đi bán hàng từ thiện mà còn bị lấy trộm tiền, phải đền. Chả là bà khách “sồn sồn” kia, mặt bự phấn, tay đeo đầy nhẫn vàng, mua vài chục nghìn tiền hàng thôi nhưng đưa hẳn tờ 500 nghìn. Khi chị Ngọc lấy tiền ra trả lại thì bà vọc tay vào túi của chị, chọn hết tờ nọ đến tờ kia, bảo phải lấy tiền mới. Khách đông, không có kinh nghiệm quản lí tiền nên sau khi bà khách kia đi, đếm lại chị Ngọc thấy mất hai triệu đồng. Phải bỏ tiền ra đền xót ruột đã đành, chị Ngọc còn buồn một nỗi sao người ra vẻ giàu có thế mà đi lấy cả những đồng tiền từ thiện? Chẳng bỏ thêm giúp đỡ được người nghèo khó thì thôi còn nhân cơ hội ăn trộm những đồng tiền hảo tâm như vậy, thật không xứng đáng làm người tử tế.


Những người như vậy nếu nghèo khó hẳn, đi xin còn được người ta cho nhưng rõ ràng trông có điều kiện mà chắc chắn hoàn cảnh chả thiếu thốn gì nhưng vẫn luôn tỏ ra là người bần tiện. Đó có thể do thói quen cò kè chi chút từ thuở nghèo đói còn sót lại nhưng nó cũng thể hiện con người không văn minh, tự làm mình hèn đi. Chẳng giàu nghèo béo tốt gì khi cố vơ về mình thêm mớ rau, quả ớt nhưng nó thể hiện bộ mặt của mỗi người. Cũng giống như trường hợp ở khu dân cư nọ khi tổ chức Trung thu, Tết thiếu nhi cho các cháu. Bình thường ở nhà bánh kẹo ê hề nhưng các bà, các mẹ bế cháu, bế con ra bao giờ cũng phải lao vào tranh cướp bằng được phần nhiều về mình như thể “của chùa”, không lấy thì sợ thiệt, người khác lấy hết phần. Nhiều trung tâm thương mại trong những ngày khai trương chỉ sợ “vỡ trận” bởi đồ bày ra, nhất là tiệc ngọt, đồ ăn thử, khách vãng lai đến chen vét sạch, quan khách trố mắt nhìn, thậm chí phải đứng nép vào một chỗ sợ bị giẫm đạp lên chân, chen ngã.


Như vậy đâu phải những người đó nghèo mà về cơ bản là lòng tham có sẵn trong người. Có tiền mà vẫn tham lam, vơ vét những thứ không phải của mình dù chỉ là nhỏ nhặt thì lòng tham đã biến thành tính xấu, thành sự thiếu văn hóa trong cư xử cộng đồng. Điều này dù “tế nhị”, rất khó để thay đổi, nhắc nhở nhưng rõ ràng nếu muốn văn minh hơn thì mỗi người cần phải tự ý thức hình ảnh của mình để không làm ảnh hưởng đến bộ mặt của cả thành phố.


(còn nữa)


Cẩm Tú

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/