Bài 104: Văn hóa giáo dục trong ngôi nhà truyền thống và hiện đại

15:12 | 08/06/2017
TTTĐ.VN - Tại sao khi xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch lại phải nhấn mạnh yếu tố gia đình? Vì gia đình là nơi sinh ra con người, là nơi đầu tiên giúp mỗi người hình thành nhân cách và sự giáo dục cũng như tính cách của mỗi người phụ thuộc rất lớn vào truyền thống của mỗi gia đình đó.

Bài 104: Văn hóa giáo dục trong ngôi nhà truyền thống và hiện đại

>> Xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh:
Bài 103: Giữ gìn nề nếp gia phong trong mỗi ngôi nhà


Bài 104: Văn hóa giáo dục trong ngôi nhà truyền thống và hiện đại
Gia đình là nơi sinh ra con người, là nơi đầu tiên giúp mỗi người hình thành nhân cách và sự giáo dục cũng như tính cách của mỗi người phụ thuộc rất lớn vào truyền thống của mỗi gia đình đó.

“Dạy con từ thuở còn thơ”, ngày xưa, chắc hẳn người Hà Nội dạy con dễ dàng hơn bây giờ. Dù là chốn Kẻ Chợ nhưng Thăng Long- Hà Nội nhiều đời là kinh đô của chính trị và văn hóa, cùng với những lễ nghi của phong kiến tác động khiến con người có những chuẩn mực riêng. Theo đó, đàn ông thì học hành theo đuổi nghiệp khoa bảng, phụ nữ thì phụng dưỡng cha mẹ già, nuôi dạy con cái, thu vén việc nhà cửa. Thời Pháp thuộc, ở những khu “phố hàng” của Hà Nội, phụ nữ còn nổi tiếng không chỉ buôn bán, tính toán giỏi mà còn là người nắm giữ tay hòm chìa khóa cho cả gia đình cũng như dạy con đủ bề nữ công gia chánh. Muốn nấu những mâm cỗ “chuẩn Hà Nội” chỉ có cách hỏi con gái, con dâu của những khu phố này. Đặc biệt, dù là nơi buôn bán nhưng vẫn là những người được học hành, có lễ nghi, thuộc dòng dõi chữ nghĩa nên đa phần người “phố hàng” khi đó không nhuốm thói xô bồ chợ búa mà vẫn nền nã, thanh tao, mang đậm nét văn hóa Thăng Long lâu đời.

Ngày nay, dù không còn nhiều lễ nghĩa phép tắc mang tính hủ tục nữa nhưng việc nuôi dạy con cái lại là thách thức đối với người Hà Nội, đặc biệt là với những ông bố bà mẹ trẻ. Có quá nhiều phương pháp để họ lựa chọn, trong khi sự xung đột giữa mới- cũ lại mạnh mẽ. Hầu hết bố mẹ trẻ hiện nay thường có xu hướng phủ nhận phương pháp giáo dục của ông bà. Họ cho rằng lối bảo ban, dạy dỗ con cháu của ông bà là cũ kĩ, lạc hậu. Nhiều người “sính ngoại”, cậy có tiếp xúc, kiến thức, ngoại ngữ nên học theo các phương pháp giáo dục con của nước ngoài. Được các phương tiện truyền thông, xuất bản giới thiệu, được thế giới đúc kết, hẳn những phương pháp này có tính ưu việt, song họ quên mất một điều, bất cứ phương pháp nào cũng sẽ phù hợp với từng tính cách, sở thích, độ tiếp nhận của mỗi đứa trẻ. Nền văn hóa của dân tộc nào, quốc gia nào sẽ sản sinh ra những đứa trẻ ấy và đôi khi áp dụng những phương pháp của quốc gia khác, dân tộc khác cho đứa trẻ này sẽ không phù hợp, thậm chí là phản tác dụng.

Trong khi đó, Hà Nội là thành phố lớn, mối quan hệ, thời gian và lịch sinh hoạt của mỗi thành viên trong gia đình cũng đã mang nhiều đặc trưng khác với những vùng miền xung quanh. Chẳng hạn nếu ở tỉnh lẻ, vùng quê, bố mẹ có nhiều thời gian ở bên con, lại có ông bà kèm cặp hàng ngày, trong khi ở Hà Nội, trẻ con được giao cho người giúp việc, có những nhà không có ông bà trợ giúp trong khi bố mẹ đi làm cả ngày. Trẻ con ở Hà Nội cũng có nhiều thuận lợi hơn hẳn trong việc tiếp xúc với những nền văn hóa ngoại lai, có nhiều phương tiện vui chơi giải trí hơn. Ở quê, trẻ ngoài giờ học chỉ có thể lang thang ở bờ đê, ngoài ruộng, đi chơi nhà bạn nọ bạn kia, cùng lắm là sà vào các hàng internet công cộng. Trong khi ở Hà Nội, học sinh trốn học có thể rủ nhau đi xem phim, la cà trung tâm thương mại, ngồi quán ăn nhanh, đi chơi ở các phim trường, cắm cúi vào quán game thậm chí tụ tập hát karaoke, rủ nhau sử dụng chất kích thích và có khi còn… đi nhà nghỉ.

Cũng chỉ có trẻ con thành phố lớn như Hà Nội mới có điều kiện để gặp mặt các thần tượng là ca sĩ, diễn viên người nước ngoài và gây nên nhiều sự việc đau lòng, phản cảm như thời gian qua. Nếu cùng bị mẹ mắng, trẻ con ở quê chỉ có thể khóc lóc, dỗi, bỏ ăn nhưng trẻ con ở Hà Nội thì có thể sẵn sàng bỏ nhà ra đi hoặc làm những việc điên khùng hơn. Có điều kiện cả về vật chất lẫn tiếp xúc với văn hóa trên thế giới, tự tin hơn, nhiều tính phản biện hơn, thậm chí liều lĩnh hơn, đó là thách thức mà bố mẹ ở Hà Nội phải đối mặt để tìm ra những cách giáo dục con mình sao cho phát triển đúng hướng và trở thành con người có văn hóa.

Dạy con trở thành một người giỏi giang đã khó, dạy con trở thành người có văn hóa, mà văn hóa ấy phải đậm chất Hà Nội thanh lịch, văn minh thì lại càng khó gấp bội. Mỗi gia đình dù là Hà Nội gốc hay từ nơi khác đến đều mang trong mình những giá trị văn hóa riêng để từ đó truyền lại cho con cháu, qua mỗi cá nhân, mỗi thời đại sẽ tự sàng lọc và lắng đọng lại, tạo thành một văn hóa chung cho người Hà Nội trẻ, Hà Nội hiện đại như ngày nay. Dù với bất cứ phương pháp gì, mỗi cha mẹ là người Hà Nội nên lấy tình yêu gia đình, yêu tổ quốc, sống không chỉ vì mình mà còn phải có ích cho người khác, ý thức được mình là người con của Hà Nội và tự tạo cho mình bản sắc riêng, không nhạt nhòa, hòa lẫn để dạy con. Có như vậy thì mới tạo nên những thế hệ kế cận đầy tự hào và kiêu hãnh của Hà Nội.

(còn nữa)

Ngọc Hân

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/