Bài 30: Ngoại ngữ - “chìa khóa” thành công

15:03 | 16/05/2017
TTTĐ.VN - “Hội nhập quốc tế không hẳn phải đi nước ngoài, giao lưu văn hóa mà là cách người lao động chủ động, đặt mình vào sự chuyển động của thời đại để phát triển. Muốn mở cánh cửa hội nhập, giao lưu hợp tác với thế giới, chìa khóa đầu tiên chính là ngoại ngữ” - Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Phương Quang (Giám đốc Công ty TNHH Việt Quang (làng nghề mây tre đan Phú Vinh, Phú Nghĩa, Chương Mỹ, Hà Nội) chia sẻ.

Bài 30: Ngoại ngữ - “chìa khóa” thành công

>> Thanh niên với vấn đề hội nhập: Khát vọng vươn xa
Bài 29: Không thể thiếu chuyên môn và kĩ năng mềm


Khó khăn vì không biết ngoại ngữ

Ở tuổi 28, anh Nguyễn Phương Quang đã làm chủ một cơ sở sản xuất mây tre đan nổi tiếng của làng nghề Phú Vinh. Các sản phẩm mây tre đan do cơ sở anh sản xuất rất phong phú và đa dạng về mẫu mã, chất liệu nên được đông đảo người tiêu dùng ưa thích lựa chọn. Cơ sở sản xuất của anh Quang cũng là một trong số ít những doanh nghiệp mây tre đan của làng nghề Phú Vinh được lựa chọn để xuất khẩu đi nước ngoài. Bởi lẽ, anh Quang đã biết nắm bắt thời cơ, trau dồi vốn ngoại ngữ để có thể đi khắp nơi, gặp đối tác nước ngoài giới thiệu và quảng bá về sản phẩm của làng nghề truyền thống quê hương mình.


Bài 30: Ngoại ngữ - “chìa khóa” thành công
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Phương Quang, Giám đốc Công ty TNHH Việt Quang.

Có được những thành công như hôm nay, anh Quang cùng đội ngũ người lao động trong công ty đã trải qua rất nhiều khó khăn, thách thức. Nhớ lại những ngày đầu mới bắt tay vào làm nghề, anh Quang kể: “Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã được làm quen với các sản phẩm mây tre đan, tình yêu với nghề cứ dần lớn lên theo ngày tháng. Năm tôi 23 tuổi, bố tôi đã giao toàn bộ công việc tại xưởng sản xuất cho tôi quản lý. Mặc dù công việc làm ăn rất thuận lợi, số lượng đơn hàng lớn nhưng chủ yếu chỉ phục vụ nhu cầu trong nước chứ chưa được xuất khẩu ra nước ngoài. Nguyên nhân cũng chỉ vì tôi không biết ngoại ngữ nên gặp khó khăn trong quá trình trao đổi, mời gọi đối tác nước ngoài, không thể chủ động tìm kiếm đối tác mà chỉ có thể thụ động ngồi chờ họ đến với mình. Đôi khi nhận được một đơn hàng xuất đi nước ngoài, tôi phải thuê một doanh nghiệp trung gian làm đầu mối để chốt số lượng, mẫu mã, kiểu dáng, các yêu cầu của khách hàng và thời gian trả hàng nên chi phí rất lớn, lợi nhuận thu về không được là bao. Doanh thu của công ty cũng như người lao động đều bị ảnh hưởng. Nhiều lần tôi mạnh dạn nhờ sự trợ giúp của các cơ quan chức năng và các doanh nghiệp lớn trong nước chuyên về lĩnh vực xuất khẩu cho phép tôi đi theo lô hàng xuất sang nước ngoài để tìm hiểu thị hiếu và nhu cầu của khách hàng bên đó ra sao nhưng hầu như không thu được nhiều kết quả vì tôi không thể tự giao tiếp với họ. Ngay sau khi trở về nước, tôi đã nung nấu trong đầu ý định: Bằng mọi giá mình phải học ngoại ngữ để cứu mình và cứu làng nghề”.

Sự kiên trì, quyết tâm của anh Quang đã được đền đáp xứng đáng vì hiện nay, với vốn ngoại ngữ học được, anh có thể đi khắp các nước như: Anh, Pháp, Mỹ, Hà Lan, Malaysia, Nhật Bản… để giới thiệu, quảng bá sản phẩm làng nghề và tìm kiếm đối tác quốc tế. “Trước kia tôi cứ nghĩ học ngoại ngữ sẽ rất khó khăn. Tuy nhiên với sự cố gắng của bản thân nên tôi đã dần dần làm quen với nó. Mặc dù chưa thể nói lưu loát và diễn đạt thông thạo những mong muốn của mình với đối tác nhưng tôi đã bước đầu thành công vì đơn hàng xuất khẩu đi nước ngoài ngày một nhiều, tạo cơ hội việc làm thường xuyên cho công nhân lao động trong công ty và cả lượng lớn nhân công làm thời vụ tại địa phương”, anh Quang nói.

Chủ động hội nhập

Trong bối cảnh Việt Nam gia nhập hàng loạt các Hiệp định TPP, FTA, tham gia vào cộng đồng kinh tế ASEAN…, thách thức trong giai đoạn tới là sự cạnh tranh về việc làm, vươn đến đỉnh cao khoa học, tìm ra ý tưởng có thể vận dụng phát triển kinh tế. Anh Quang cho rằng: “So với các nước trong khu vực, điểm yếu của người Việt Nam chính là hạn chế về ngoại ngữ. Quá trình học ngoại ngữ mất nhiều thời gian, học đi học lại. Vì vậy, chủ động hội nhập quốc tế nên bắt đầu trau dồi ngoại ngữ càng sớm càng tốt, chứ đừng chờ đến tuổi trưởng thành hay đến khi làm chủ doanh nghiệp”.

Theo anh Quang, ngoại ngữ đóng vai trò then chốt và là chìa khóa đầu tiên mở ra cánh cửa hội nhập, tiếp thu tri thức với các nền văn hóa khác. Đồng thời giúp Việt Nam quảng bá hình ảnh ra thế giới. Anh Quang cho rằng, Việt Nam bước ra hội nhập cùng quốc tế như một sản phẩm mới được tung ra thị trường lớn. Để sản phẩm được biết đến rộng rãi, được ưa chuộng thì khâu quảng bá sản phẩm đóng vai trò quyết định. Vì nên các doanh nhân, đặc biệt là những doanh nhân mới khởi nghiệp là những đại sứ nhân dân, không chỉ giúp quảng bá hình ảnh của Việt Nam ra thế giới và còn góp phần đưa sản phẩm làng nghề truyền thống đến với đông đảo khách hàng quốc tế. Vì vậy, ngoại ngữ vừa là chiếc cầu nối đưa Việt Nam đến với thế giới, vừa là một trong những yếu tố tự thân bắt buộc phải có của doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập.

Rõ ràng, với xu thế toàn cầu hóa như hiện nay, ngoại ngữ đang trở thành một công cụ giao tiếp “quyền lực” quyết định quyền tham gia vào “sân chơi” của một thế giới phẳng. Vì vậy, mỗi bạn trẻ phải tự trau dồi ngoại ngữ cho mình. Anh Đặng Quang Hân, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Công nghệ Trí Dũng cho hay: “Hiện nay, sức hút từ thương mại toàn cầu là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp trong nước tìm kiếm những cơ hội giao thương từ thị trường nước ngoài. Vô hình chung, ngoại ngữ được xem là chất kết dính các nền kinh tế lại với nhau. Do đó, từ góc độ của một doanh nhân, tôi nhận thấy đầu tư vào ngoại ngữ chính là mang lại những giá trị cho doanh nghiệp không chỉ cho hiện tại, mà là đầu tư cho cả tương lai”.

Anh Hân dẫn chứng: “Trước đây, do hạn chế vì ngoại ngữ nên tôi đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội hợp tác kinh doanh với các đối tác nước ngoài. Sau này, nhờ biết tiếng Anh nên công việc làm ăn của tôi thuận lợi hơn rất nhiều”.

Theo anh Hân, nếu trong làm ăn nếu không có ngoại ngữ sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Đơn cử như việc doanh nghiệp phải thuê người làm công tác biên - phiên dịch, giao dịch nước ngoài,.. Nếu họ không trung thành với doanh nghiệp sẽ gây thất thoát nguồn thông tin, làm lộ bí quyết kinh doanh hoặc truyền đạt sai lệch thông tin cho đối tác… Dù là lý do nào, doanh nghiệp cũng sẽ chịu những tổn thất, thiệt hại về uy tín và đánh mất cơ hội kinh doanh.

Anh Hân cũng cho biết: “Tôi nghĩ tiếng Anh rất thiết thực trong công việc kinh doanh vì khi ta nghe và hiểu những gì đối tác mong muốn, công việc kinh doanh sẽ tiến hành thuận lợi hơn… Tiếng Anh cũng là cầu nối để doanh nghiệp tiếp cận với nguồn thông tin quốc tế, những kinh nghiệm và bài học kinh doanh của các công ty nước ngoài, tạo sự độc đáo, khác biệt về chuyên môn của mình với mọi người”.

Trong giai đoạn hiện nay, nhu cầu hội nhập và mở cửa kinh doanh hiện nay rất nhiều, để có thể giao tiếp và làm việc được trong môi trường quốc tế, ngoại ngữ là một yếu tố rất quan trọng, đóng vai trò không nhỏ. Do vậy, mỗi bạn trẻ phải chủ động học tập, trau dồi ngoại ngữ để tìm kiếm những cơ hội mới trong quá trình lập nghiệp.

(còn nữa)


Nam Trang

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/