Bài 24: Đẩy mạnh xây dựng “chính quyền điện tử”

10:02 | 27/04/2017
TTTĐ.VN - Xây dựng chính quyền điện tử là một phần trong chiến lược cải cách thủ tục hành chính (TTHC), hướng tới nâng cao hiệu của hoạt động của các cấp chính quyền, giúp người dân và doanh nghiệp làm việc nhanh chóng, thuận lợi, tiết kiệm và hiệu quả hơn. Vì vậy, thành phố Hà Nội đã và đang quyết liệt trong chỉ đạo triển khai ứng dụng CNTT, xây dựng thành công Chính phủ điện tử phục vụ nhân dân.

Bài 24: Đẩy mạnh xây dựng “chính quyền điện tử”

>> Tạo đột phá, xây dựng nền hành chính hành động và phục vụ:
Bài 20: Cần nhiều sáng kiến để gần dân hơn
Bài 21: Nhiều vi phạm cần xử lý dứt điểm
Bài 22: Nhiều chuyển biến trong cải cách hành chính tại Cục thuế Hà Nội
Bài 23: Hàng chục nghìn mét vuông đất nông nghiệp biến thành nhà xưởng trái phép

Bài 24: Đẩy mạnh xây dựng “chính quyền điện tử”
Người dân làm thủ tục hành chính qua mạng

Năm 2017 được thành phố Hà Nội xác định là năm bản lề, cốt lõi để thực hiện các nội dung xây dựng Chính phủ điện tử. Thực tế, những năm qua, TP Hà Nội đã luôn quan tâm ứng dụng CNTT để làm thay đổi phương thức điều hành, quản lý, thúc đẩy cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố. Bên cạnh việc hoàn thiện dần các thành phần cơ bản của Chính quyền điện tử Thủ đô gồm: Trung tâm dữ liệu Nhà nước, Mạng diện rộng (WAN), Cổng Giao tiếp điện tử thành phố; hệ thống và giải pháp an toàn, an ninh thông tin được bước đầu triển khai; hạ tầng kỹ thuật tại các đơn vị cũng từng bước hoàn thiện đáp ứng yêu cầu triển khai ứng dụng CNTT của đơn vị…

Từ tháng 3/2016, thành phố đã thực hiện kết nối liên thông phần mềm quản lý văn bản giữa Văn phòng Chính phủ và UBND thành phố qua hệ thống Trục liên thông. Đồng thời, 100% sở, ban, ngành, UBND quận huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn đã sử dụng phần mềm quản lý văn bản thống nhất và kết nối, liên thông trên môi trường mạng.

Đặc biệt, thành phố đã hoàn thành việc triển khai khai thác cơ sở dữ liệu dân cư, các dịch vụ công mức độ 3, trước mắt đối với một số dịch vụ công thuộc lĩnh vực tư pháp (khai sinh, khai tử). 168 phường thuộc 12 quận nội thành, chạy chính thức từ ngày 10/8/2016, cho đến nay tỷ lệ hồ sơ giao dịch trực tuyến đạt tỷ khoảng 80%. 139 xã thuộc 6 huyện (Đông Anh, Ba Vì, Sóc Sơn, Gia Lâm, Hoài Đức, Thanh Trì) chạy chính thức từ ngày 10/11/2016, tỷ lệ hồ sơ giao dịch trực tuyến đạt tỷ lệ khoảng 30%. 277 xã thuộc 12 huyện, thị xã còn lại, chạy chính thức từ ngày 15/12/2016, tỷ lệ hồ sơ giao dịch trực tuyến đạt tỷ lệ khoảng 43%.

Trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh, cấp phép đầu tư qua mạng, thành phố đã quyết liệt chỉ đạo để đảm bảo 100% hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng được giải quyết trong vòng 2 ngày làm việc và nâng cao tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử. Từ ngày 22/8/2016, thành phố đã tập trung thực hiện 100% hồ sơ qua mạng đối với 12 loại thủ tục về đăng ký doanh nghiệp không thu phí, lệ phí, số lượng hồ sơ tiếp nhận qua mạng đã tăng đáng kể.

Hiện, thành phố đang chỉ đạo triển khai thí điểm hệ thống giao thông thông minh với các hạng mục cải tạo, nâng cấp hệ thống điều khiển đèn tín hiệu giao thông và thiết bị ngoại vi giai đoạn 2; bổ sung trang thiết bị và cơ sở dữ liệu nâng cao hiệu qủa hệ thống giám sát hành trình GPS, tăng cường năng lực kiểm tra giám sát hoạt động xe buýt…

Tại hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử 2017 diễn ra mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý khẳng định với những kết quả đạt được, Hà Nội hiện đang xếp thứ 2 cả nước về mức độ sẵn sàng ứng dụng và phát triển CNTT.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, chính phủ điện tử không chỉ là trang bị máy tính, mạng Internet, hay ứng dụng CNTT đơn thuần, mà phải là sự chuyển biến căn bản trong phương thức điều hành, quản lý xã hội, là chất lượng phục vụ người dân ngày càng nâng cao. Theo đó, những giải pháp thiết thực với đời sống dân sinh như hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện, quản lý khám chữa bệnh bảo hiểm y tế công lập, chuẩn hóa danh mục dùng chung về thuốc vật tư y tế được Bộ Y tế quy định… đang là mối quan tâm hàng đầu của chính quyền thành phố Hà Nội, đồng thời luôn được chỉ đạo sát sao.

Mục tiêu cuối cùng của mọi chính phủ là phục vụ tốt nhất cho người dân. Vì mục tiêu này, thành phố Hà Nội luôn mong muốn lắng nghe những sáng kiến, giải pháp từ các học giả, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân đóng góp cho quá trình kiến tạo phát triển của Thủ đô, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra…


(còn nữa)


Tú Linh

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/