Bà bầu bị thủy đậu sẽ gặp biến chứng nguy hiểm như thế nào?
Nguyên nhân gây bệnh thủy đậu
Bệnh thủy đậu hay còn gọi là bệnh trái rạ, bệnh do virus Varicella zoster gây ra. Bệnh lây lan qua đường hô hấp (các giọt nhỏ từ cái hắt hơi hoặc ho), qua tiếp xúc với quần áo, khăn trải giường, hay mụn nước vỡ của người bị bệnh.
Các triệu chứng bệnh thủy đậu
Các triệu chứng của bệnh thủy đậu xuất hiện sau 7-21 ngày kể từ khi phơi nhiễm. Bệnh dễ lây lan nhất từ 1 ngày trước khi ban nước xuất hiện cho đến 7 ngày sau khi ban xuất hiện, thậm chí tới khi ban khô hoàn toàn và đóng thành vảy.
Khi bắt đầu bị bệnh thủy đậu, người bệnh sẽ có biểu hiện sốt và nhức toàn thân, sau đó trên da sẽ xuất hiện các đốm đỏ, ngứa và nhanh chóng phát triển thành bóng nước gây ngứa với đường kính 2-5mm.
Mụn nước này có thể xuất hiện trong miệng, trên da đầu, xung quanh mắt và trên bộ phận sinh dục. Khoảng 2-10 ngày sau, các mụn nước khô và đóng vảy dần. Một số trường hợp người bệnh khi bị thủy đậu có thể bị ho dữ dội.
Những biến chứng nguy hiểm khi bà bầu bị thủy đậu
Với người khỏe mạnh bình thường, bệnh thủy đậu khá lành tính nếu được phát hiện và điều trị đúng cách. Nhưng với phụ nữ trong thời gian mang thai nhiễm thủy đậu sẽ trở thành một mối lo lắng lớn, bởi nó có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi. Tuy nhiên mức độ ảnh hưởng còn phụ thuộc vào độ tuổi của thai nhi.
- Trong 3 tháng đầu thai kỳ (đặc biệt tuần thai thứ 8-12): Bà bầu bị thủy đậu có thể bị sảy thai, nguy cơ thai nhi bị hội chứng thủy đậu bẩm sinh là 0,4%. Dấu hiệu để nhận biết trẻ bị hội chứng thủy đậu bẩm sinh là sẹo ở da, tật đầu nhỏ, bại não, đục thủy tinh thể, biến dạng chi, teo cơ, co giật, chậm phát triển tâm thần.
- Trong 3 tháng giữa thai kỳ (đặc biệt tuần thai thứ 13-20): Nguy cơ thai nhi bị hội chứng thủy đậu bẩm sinh là 2%.
- Sau tuần thai thứ 20: Hầu như biến chứng của thủy đậu không còn ảnh hưởng tới thai nhi nữa.
- Nếu bà bầu bị thủy đậu 5 ngày trước khi chuyển dạ và 2 ngày sau sinh thì trẻ sinh ra dễ mắc phải bệnh thủy đậu lan tỏa. Do cơ thể sản phụ không có đủ thời gian tạo kháng thể truyền cho thai nhi trước sinh, vì thế trẻ dễ bị biến chứng viêm phổi, viêm não, tỉ lệ tử vong lên đến 30%.
Mẹ bầu cần làm gì khi bị mắc bệnh thủy đậu?
Bệnh thủy đậu không có thuốc điều trị đặc hiệu vì vậy việc điều trị chủ yếu là theo dõi và kiểm soát các triệu chứng. Do vậy, khi mắc bệnh thai phụ cần được cách ly khỏi mọi người xung quanh, đặc biệt là những bà mẹ đang có con nhỏ. Đồng thời nên nghỉ ngơi nhiều hơn tại giường, ăn uống đủ chất, tăng cường bổ sung vitamin C để tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Ngoài ra, bà bầu cần giữ phòng ở sạch sẽ, thoáng mát, vệ sinh thân thể sạch sẽ, tránh làm vỡ các mụn nước. Bà bầu cũng có thể sử dụng paracetamol với liều thích hợp để hạ sốt và giảm bớt cảm giác khó chịu. Tuy nhiên, không dùng trong thời gian dài và các liều phải uống cách nhau bốn giờ đồng hồ.
Đặc biệt, bà bầu cần đi khám ngay nếu thấy các biểu hiện như ho nhiều, co giật, đau bụng, sốt kéo dài...
Cách phòng bệnh thủy đậu khi mang thai
Bà bầu bị thủy đậu sẽ ảnh hưởng lớn tới sức khỏe và thai nhi, vì thế việc phòng bệnh đóng vai trò rất quan trọng.
Khi có ý định mang thai, chị em cần tiến hành kiểm tra khả năng miễn dịch của cơ thể với virus thủy đậu. Tốt nhất, nên tiêm phòng vắc xin ngừa thủy đậu ít nhất 3 tháng trước khi mang thai.
Trong thai kỳ, bà bầu cần tránh xa những người mắc bệnh thủy đậu và những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao.
Ngoài ra, bà bầu cần giữ vệ sinh thân thể thật tốt, nhất là trong tiết trời đông xuân nóng ẩm. Bà bầu cũng cần ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.